Vòng eo... chỉ điểm bệnh tật
Nhiều người lại cho rằng "đàn ông bụng bự thì sang...". Tết nhất đến, tiệc tùng nhiều nhưng cũng phải coi lại vòng eo một chút.
Nguy cơ của vòng eo trên 90
VE là cách ước tính phân bố mỡ trong cơ thể đơn giản nhất. Đơn giản vì bạn chỉ cần dùng thước dây đo ngang bụng nơi giữa xương sườn cuối cùng và gờ cao nhất của xương hông (hay còn gọi là mào chậu).
Y học đã khẳng định VE là một yếu tố dự báo đái tháo đường (ĐTĐ) mạnh, nhất là trên phụ nữ. Rất nhiều người chỉ thừa cân dù chưa béo phì cũng đã bị ĐTĐ. Một quý ông nếu VE ≥ 90cm thì nguy cơ ĐTĐ tăng thêm 30% và một quý bà nếu VE ≥ 80cm, nguy cơ này sẽ tăng đến 100%.
Bạn có thể đo VE của mình, tự ước tính khả năng ĐTĐ có hay không và xem xét thêm cân nặng cơ thể. VE nếu ở mức nguy cơ nói trên, bạn hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tầm soát bệnh ĐTĐ, tiền ĐTĐ hoặc vấn đề tim mạch.
Thực tế ở nước ta, thậm chí ở những quốc gia tiên tiến, 50% người ĐTĐ không biết mình mắc bệnh. Ngay cả tiền ĐTĐ (đường huyết cao hơn người bình thường nhưng chưa đến mức ĐTĐ) không hề "vô hại" vì bất lợi cho tim mạch không kém bệnh ĐTĐ rõ rệt.
Mới đây các nhà khoa học tìm thấy hội chứng chuyển hóa gây bất lợi trên đường tiểu. Một khảo sát trên 409 nam tuổi từ 40-91 mới công bố tháng 8-2012 ở tạp chí Niệu Khoa Anh Quốc cho thấy những người có VE ≥ 100cm có nhiều rối loạn khi đi tiểu đáng kể. VE to đi kèm với tăng thể tích tuyến tiền liệt và mức độ bất thường nồng độ PSA trong máu (PSA là kháng thể chuyên biệt cho tiền liệt tuyến, thường được thử khi quý ông đi khám tiền liệt tuyến hay sức khỏe định kỳ).
Hoạt động tình dục rất khác nhau giữa ba nhóm VE < 90cm, 90-99cm và > 100cm: rối loạn cương dương tăng gấp hai, bất thường xuất tinh tăng gấp ba nếu so sánh người có VE cao nhất với VE thấp nhất. Chất lượng sống bị ảnh hưởng nhiều khi VE > 90cm. Bạn và bác sĩ của bạn hãy xem xét VE để sàng lọc những rối loạn niệu dục tiềm ẩn.
Giảm vòng eo có làm giảm nguy cơ mắc bệnh?
Đặc điểm di truyền quyết định thể hình bên ngoài, tạo ra sự béo bụng ở người này mà không có ở người khác. Yếu tố di truyền không thay đổi được, nhưng thay đổi lối sống là giải pháp hiệu quả và rất kinh tế. Đây là bước điều trị đầu tiên không phân biệt đối tượng (khác với thuốc, dùng phải có sự cân nhắc), lại bền vững vì hiệu quả suốt đời nếu duy trì.
Chỉ cần giảm 10% cân trọng đã giúp cải thiện đường huyết, giảm yếu tố nguy cơ tim mạch và giảm rối loạn cương dương rõ rệt. Muốn giảm cân cần ăn uống hợp lý, hạn chế bia rượu, tăng cường hoạt động thể lực.
Tập aerobic làm tăng "sức khỏe" cho tim mạch và hô hấp trong khi tập đối kháng làm cơ bắp khỏe. Sau sáu tháng tập luyện, bạn có thể giảm mỡ bụng và mỡ tạng vốn là thứ mỡ nguy hại khác với mỡ trong cơ bắp. Một số người tuy tập luyện không giảm cân nhưng lợi ích trên tim mạch hay đường huyết vẫn đạt được, giúp bạn giảm được số viên thuốc dùng.
Dù có cân nặng đạt chuẩn nhưng nếu không tập luyện thì nguy cơ chết vẫn cao hơn người thừa cân luyện tập đều đặn. Thực tế chỉ cần bạn hoạt động thể lực theo sở thích ít nhất năm ngày trong tuần, mỗi ngày không dưới 30 phút, là đạt yêu cầu.
Chỉ số khối cơ thể (BMI) cũng góp phần tiên đoán bệnh tật. BMI là tỉ số giữa cân nặng (kg) và bình phương của chiều cao (m2). BMI lý tưởng ở khoảng 18,5-22,9 kg/m2, dưới mức này là gầy, cao hơn được xếp là thừa cân và béo phì khi BMI ≥ 27,5 kg/m2. Có thể kết hợp BMI và VE để phân biệt người có hay không có nguy cơ mắc ĐTĐ. Nam giới có BMI ≥ 23kg/m2 và VE ≥ 90cm bị mắc ĐTĐ gấp năm lần người cùng giới, cùng tuổi có BMI lý tưởng và VE < 90cm. Phụ nữ béo phì và VE ≥ 80cm nguy cơ ĐTĐ đến 10 lần hơn người nữ có cân nặng bình thường và VE < 80cm. Thêm nữa, tăng huyết áp nhiều gấp 2,3 lần, ĐTĐ tăng gần gấp ba và bệnh mạch vành tăng 3,5 lần giữa những ông có VE > 100cm so với các ông VE < 90cm cùng tuổi. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình