Hotline 24/7
08983-08983

Vô sinh nam và nỗi đau thầm kín (3): Phẫu thuật hay dùng thuốc?

Biết được bệnh của mình thì đa số nam giới lại băn khoăn nên phẫu thuật hay dùng thuốc để điều trị căn bệnh này.

Vô sinh nam và nỗi đau thầm kín (3): Phẫu thuật hay dùng thuốc? 1

Ảnh minh hoạ

 
Không chỉ phụ nữ mới đau khổ và lo lắng khi phát hiện mình vô sinh. Nam giới khi lâm vào tình thế này, nỗi khổ tâm nhân lên gấp bội, nhất là khi họ không thể tâm sự cùng ai. Càng e ngại, càng đến bệnh viện muộn thì khả năng vô sinh của nam giới càng lớn.
 
Vô sinh ngày càng "trẻ hóa"

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, tại Việt Nam có tới 7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh nở không sinh được con nếu không có sự can thiệp của y tế. Con số này tại Hà Nội cao gần gấp đôi so với con số trung bình của cả nước: Số cặp vợ chồng vô sinh lên tới gần 13%.

Nhiều người lầm tưởng nếu người chồng to cao, mạnh khỏe thì chuyện vô sinh chỉ có thể do người vợ. Song thực tế vô sinh nam thường không có triệu chứng hay dấu hiệu gì rõ ràng ngoài việc lấy vợ đã nhiều năm mà chưa có con.

Điều đáng chú ý, có đến 50% các cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30. Mặc dù tỷ lệ vô sinh ở mức khá cao, song kiến thức về khả năng sinh sản của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ lại hạn chế. Phần lớn nam giới không có ý thức và sự hợp tác để kiểm tra sớm nguy cơ vô sinh của mình. Khi biết mình mắc bệnh thì họ cũng hoang mang không biết nên điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật.

Tỷ lệ vô sinh chung trên toàn quốc là 7,7%, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Tỷ lệ vô sinh chung cao nhất ở tỉnh Khánh Hoà (13,9%) và thấp nhất ở tỉnh Hải Phòng (3,8%) và Quảng Ninh (3,9%). Nhóm nữ giới tuổi dưới 25, có học vấn thấp, sống ở nông thôn, có hút thuốc, uống rượu, có vòng kinh không đều, có chồng hút thuốc, có chồng bị bướu cổ, có chồng bị chấn thương tinh hoàn và mắc quai bị có tỷ lệ mắc vô sinh cao hơn nhóm nữ giới khác.


"Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là tâm lý của người bệnh và cả nước còn quá ít cơ sở khám chữa và điều trị chứng bệnh này. Hầu hết bệnh nhân đến khám trong tâm trạng rụt rè, xấu hổ, ngại ngùng, ngại tiếp xúc nơi đông người" - GS Trần Quán Anh - Giám đốc Phòng khám Tiết niệu và Nam học Tâm Anh nhận định. Theo ông, khi phụ nữ gặp rắc rối về vô sinh, họ có thể tìm đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa để được tư vấn và điều trị thì phần lớn bệnh nhân nam chữa vô sinh thường có đặc điểm chung là sợ người khác biết. Họ muốn mọi người nghĩ có con là do khả năng tự nhiên của mình chứ không phải nhờ đến y khoa.

Vượt qua ngại ngần để được tư vấn, điều trị

BS Mai Bá Tiến Dũng - Phó Trưởng khoa Nam học, BV Bình Dân (TP HCM) cho biết: Điều trị nội khoa chỉ dành cho các trường hợp tinh trùng yếu không rõ lý do. Biện pháp nội khoa thường dùng là thuốc. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thuốc nào, dù là Đông y hay Tây y, có thể chứng minh hiệu quả thật sự trong việc điều trị vô sinh nam.

Các bất thường ở cơ quan sinh dục có thể được điều trị bằng phẫu thuật để chỉnh thẳng dương vật, hạ tinh hoàn xuống bìu, phục hồi thành bẹn, tạo hình lỗ tiểu thấp, ghép da bìu dương vật. Trường hợp vô tinh bế tắc sẽ phẫu thuật nối ống dẫn tinh với ống dẫn tinh, nối ống dẫn tinh với mào tinh. Trường hợp vô tinh không bế tắc sẽ được sinh thiết tinh hoàn, cột tĩnh mạch tinh vi phẫu ngả bẹn bìu... Sau phẫu thuật, tỉ lệ có tinh trùng trong tinh dịch cải thiện rất tốt (đa số đạt 50-90%), tỉ lệ người vợ có thai sau khi chồng được phẫu thuật đạt 25-57%.

Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Phó Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, bệnh viện hiện có nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong điều trị vô sinh nam. Khi các ống bị nhược tinh, tắc ống dẫn tinh, bất sản ống dẫn tinh, bệnh viện có nhiều phương pháp lấy tinh trùng bằng phẫu thuật mở tinh hoàn, chọc hút mào tinh... rồi bơm tinh trùng vào bào tương trứng. Trường hợp không có tinh trùng, tinh trùng bị dị dạng... có thể xin tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng để mang lại cơ hội có thai cho các cặp vợ chồng hiếm muộn do nguyên nhân từ người chồng.

GS Trần Quán Anh cho hay, không có một toa thuốc nào duy nhất chữa cho mọi bệnh nhân vô sinh. Tốt nhất, nếu một năm sau khi cưới mà chưa có con, cả hai vợ chồng cùng nên đi khám để tìm nguyên nhân và chữa trị sớm.

Với 12 trung tâm hỗ trợ sinh sản trên toàn quốc, hiện tại Việt Nam đã làm chủ hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về hỗ trợ sinh sản. Phương pháp thụ tinh ống nghiệm đầu tiên ở nước ta có từ năm 1995 (sau thế giới 17 năm) đã đem lại hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng, nhiều gia đình và dòng họ. Tuy nhiên, theo GS Trần Quán Anh, điều quan trọng nhất đối với nam giới là khi gặp những vấn đề trục trặc về y học tình dục, khả năng sinh con, hãy vượt qua ngại ngần tìm đến cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.
 

Trước đây, điều trị vô sinh chủ yếu tập trung vào phẫu thuật nội soi và bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Các biện pháp này gây nhiều biến chứng và tỷ lệ thành công không cao. Khoảng 10 năm trở lại đây, chẩn đoán và điều trị vô sinh có những tiến bộ vượt bậc như can thiệp như gỡ dính tạo hình loa vòi, nối vòi tử cung bằng vi phẫu hoặc nối qua nội soi, đặc biệt can thiệp soi buồng tử cung phẫu thuật các trường hợp polype buồng tử cung, dính buồng tử cung, vách ngăn buồng tử cung. Các kỹ thuật hiện đại như bơm tinh trùng vào buồng tử cung, xét nghiệm tinh dịch đồ, phương pháp lọc rửa, thụ tinh trong ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, chọc hút tinh trùng từ mào tinh, trữ lạnh phôi,… đã được thực hiện với tỷ lệ thành công cao.

AloBacsi.vn
Theo Gia đình & Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X