Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh gout nên ăn 3 bữa một ngày và đủ 4 nhóm thực phẩm

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện quận Bình Thạnh khuyến cáo, người bệnh gout nên ăn 3 bữa/ngày, trong bữa ăn có đủ 4 nhóm thực phẩm (tinh bột, chất đạm, rau và quả tươi). Bên cạnh đó, không nên sử dụng rượu bia để bảo vệ sức khỏe.

1. Người bệnh gout cần tránh những thực phẩm nào?

Thưa BS, người bệnh gout cần tránh những thực phẩm nào để hạn chế khởi phát cơn đau cho gout ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đối với người bệnh gout phải hạn chế các loại đạm chứa nhiều nhân purin, thường gặp trong thịt đỏ (như thịt bò) hoặc một số loại cá, thủy hải sản.

2. Các thực phẩm nên tăng cường cho người bệnh gout

Những thực phẩm nên tăng cường cho người bệnh gout gồm những gì? Khi đang bị đau do gout, thực phẩm nào có thể giúp hỗ trợ xoa dịu phần nào, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Người bệnh gout nên ăn các loại cá nước ngọt hoặc sử dụng thịt nhưng phải kiểm soát khối lượng. Thay vì 1 gram protein/kg/ngày thì có thể sử dụng ít hơn, tùy theo tình trạng bệnh gout đã biến chứng lên thận hay chưa, độ lọc cầu thận,…

Đặc biệt, gout thường bùng phát sau một bữa tiệc vì ăn rất nhiều thức ăn, có nhiều gia vị, nhiều đạm và thậm chí uống các loại thức uống có cồn. Người bệnh nên lưu ý và cẩn thận khi được mời đến những bữa tiệc tất niên, họp mặt gia đình,…

3. Người bệnh gout nên ăn thịt đỏ, hải sản thế nào để hạn chế tối đa nguy cơ tái phát?

Các loại thịt đỏ, hải sản, người bệnh gout nên ăn thế nào để hạn chế tối đa nguy cơ bệnh gout tái phát ạ? Một lần được ăn trong giới hạn nào và một tuần được ăn tối đa mấy lần? Lỡ ăn nhiều thì có cách nào đào thải bớt ra khỏi cơ thể không ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Nếu lỡ ăn thì không thể đào thải ra khỏi cơ thể vì đã tiêu hóa và hấp thu. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa ngay từ đầu. Đối với người bệnh gout chưa có biến chứng suy thận có thể sử dụng khoảng 0,8 gram protein/kg/ngày.

Để tính lượng protein ăn trong một ngày, phải tính toán kỹ lưỡng trong mỗi loại thực phẩm. Ví dụ trong 100 gram thịt gà có bao nhiêu gram protein? 100 gram thịt bò có bao nhiêu gram protein? Và trong protein đó có bao nhiêu gram purin?

Tuy nhiên, có thể kiểm soát bằng cách ước lượng. Ví dụ như mỗi bữa ăn sử dụng 1 khứa cá to bằng lòng bàn tay hoặc 2/3 lòng bàn tay. Nếu muốn có một thực đơn chi tiết và rõ ràng nên sử dụng cân để tính toán cụ thể và kiểm soát lượng thức ăn.

Đồng thời, nếu bệnh gout được kiểm soát tốt thì nguy cơ biến chứng của thận và nguy cơ bùng phát cơn gout sẽ ít hơn, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn và phòng ngừa được các biến chứng sau này.

4. Người bệnh gout ăn uống thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe?

Sử dụng thực phẩm và uống bia rượu, nước ngọt, đồ uống có gas ở ngưỡng nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh gout, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Người bệnh nên quan tâm đến sức khỏe và bố trí bữa ăn khoa học hơn. Lưu ý, ăn 3 bữa/ngày, trong bữa ăn có 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, chất đạm, rau và quả tươi.

Bên cạnh đó, nên rèn luyện thể lực, tập luyện thể dục hằng ngày. Duy trì thói quen sinh hoạt, chế độ ăn lành mạnh, tránh thức khuya, bỏ bữa, uống quá nhiều rượu bia.

5. Làm gì để hạn chế cơn đau khi vào đợt gout cấp?

Trong những kỳ nghỉ, nếu vào đợt gout cấp thì có thể sử dụng thuốc hay các cách, thực phẩm nào giúp hạn chế cơn đau không?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Trong những kỳ nghỉ hoặc bận rộn, nếu bùng phát đợt gout ngoài việc uống thuốc tuân thủ theo toa chỉ định điều trị của bác sĩ thì nên kiêng khem các loại thực phẩm có chứa nhiều nhân purin; tốt nhất nên ăn cá, rau kết hợp với quả tươi.

Nên sử dụng phương pháp chế biến bằng cách luộc, hấp. Hạn chế chấm thêm các gia vị trong vòng một vài ngày để gout ổn định lại, bớt đau. Sau đó, mới ăn uống trở lại bình thường. Lưu ý vẫn đảm bảo nguyên tắc đa dạng thực phẩm và cân bằng trong bữa ăn.

6. Đau nhức xương khớp có nên ăn hải sản?

Người đau nhức xương khớp (không phải do gout) có nên ăn hải sản không, thưa BS? Nếu được thì nên ăn trong giới hạn ra sao?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Những người không bị bệnh gout nhưng có đau khớp thường là những cô bác đã lớn tuổi và có liên quan đến đau khớp, thoái hóa khớp hoặc các bệnh lý về khớp khác.

Các trường hợp lớn tuổi, thông thường sẽ có các yếu tố nguy cơ như tim mạch, rối loạn mỡ máu, rối loạn dung nạp đường,… mỗi trường hợp sẽ có những hướng dẫn cụ thể riêng. Vì vậy, cần tham vấn bác sĩ dinh dưỡng hoặc những người có chuyên môn về y tế để có hướng dẫn cụ thể hơn.

Tuy nhiên, về nguyên tắc vẫn phải đảm bảo ăn 3 bữa/ngày và đủ 4 nhóm thực phẩm trong một bữa ăn. Đảm bảo nhu cầu khuyến nghị về rau 300 gram/ngàytrái cây 200 gram/ngày. Không nên sử dụng rượu bia để có thể bảo vệ sức khỏe.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X