Hotline 24/7
08983-08983

Giải đáp nhanh 10 thắc mắc về sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản hình thành thế nào? Đâu là triệu chứng điển hình của sỏi niệu quản? Bệnh lý này điều trị ra sao?... Tất cả những thắc mắc về sỏi niệu quản sẽ được BS Trịnh Nguyên Bách - Khoa Nội soi Niệu, Bệnh viện bình Dân giải đáp dưới đây.

1. Phân loại sỏi đường tiết niệu theo vị trí

Sỏi đường tiết niệu được chia thành mấy loại, trong đó, sỏi niệu quản có thường gặp không, thưa BS?

BS Trịnh Nguyên Bách trả lời: Có nhiều cách phân loại sỏi đường tiết nệu, trong đó cách thường gặp là phân loại theo vị trí, bao gồm: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang. Sỏi niệu quản là một trong những bệnh lý đường tiết niệu thường gặp.

2. Sỏi niệu quản là loại sỏi rơi từ thận xuống

Vậy sỏi niệu quản được hình thành như thế nào, thưa BS?

BS Trịnh Nguyên Bách trả lời: Sỏi niệu quản là loại sỏi từ thận rơi xuống và bị kẹt tại niệu quản. Do đó, việc hình thành sỏi niệu quản phải được xem xét từ việc hình thành sỏi thận.

Sỏi thận hình thành do sự cố đặc nước tiểu quá mức. Khi nước tiểu cô đặc, các tinh thể trong nước tiểu sẽ dính lại với nhau, lâu dần, sỏi thận hình thành, to ra và rơi xuống niệu quản kẹt lại tại vị trí này.

3. Uống trà vừa đủ để tránh nước tiểu không cô đặc quá mức

Sỏi niệu quản có phải do uống nước trà quá nhiều?

BS Trịnh Nguyên Bách trả lời: Dùng quá nhiều một loại thực phẩm là điều không tốt, nếu uống nước trà một lượng vừa phải và đảm bảo nước tiểu không cô đặc quá mức, vấn đề sẽ không quá lớn.

4. Đau lưng là triệu chứng thường gặp khi bị sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản sẽ gây ra triệu chứng gì? Đâu là hậu quả nguy hiểm nhất cho người bệnh?

BS Trịnh Nguyên Bách trả lời: Triệu chứng thường gặp nhất khi bị sỏi niệu quản là đau lưng. Một số triệu chứng khác có thể gặp là khi sỏi di truyển xuống vị trí niệu quản gần bàng quang, có thể gây triệu chứng đi tiểu nhiều hoặc tiểu đau.

Hậu quả quan trọng nhất cần lưu ý là nhiễm khuẩn có bế tắc; đặc biệt, không may người bệnh có sỏi niệu quản hai bên, gây bế tắc hai bên, có thể dẫn đến suy thận. Đó là hai trường hợp cần tái khám, kiểm tra và có thể phải nhập viện.

5. Thăm khám và xét nghiệm để phân biệt sỏi niệu quản với các bệnh lý khác

Triệu chứng của sỏi niệu quản có dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác không? Đặc biệt, triệu chứng dễ gặp nhất của sỏi niệu quản là đau lưng nhưng tình trạng này cũng dễ gặp ở các bệnh lý khác, vậy làm sao để bệnh nhân phân biệt được, thưa BS?

BS Trịnh Nguyên Bách trả lời: Đau lưng không chỉ gặp ở bệnh lý sỏi đường tiết niệu mà còn là dấu hiệu ở các bệnh lý khác. Vì vậy, cần phân biệt với những bệnh lý tại cột sống, bệnh lý thần kinh và bệnh lý cơ ở cột sống gây ra.

Do đó, để phân biệt các bệnh lý trên, ngoài việc thăm khám, bác sĩ cần thêm một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán.

6. Siêu âm, X-quang, CT-scan giúp chẩn đoán sỏi niệu quản

Hiện nay có những kỹ thuật nào để chẩn đoán sỏi niệu quản, thưa BS?

BS Trịnh Nguyên Bách trả lời: Hiện nay, kỹ thuật thường dùng và ít xâm lấn, các cơ sở y tế đều có thể thực hiện là siêu âm. Qua siêu âm có thể thấy hình ảnh trực tiếp của sỏi niệu quản, hoặc có thể thấy hình ảnh gián tiếp là thận ứ nước do sỏi niệu quản gây ra.

Dựa vào siêu âm và hình ảnh chụp X-quang hệ niệu, bác sĩ có thể dự đoán bệnh nhân có sỏi niệu quản hay không. Trong thời đại hiện nay, CT là phương tiện không thể thiếu, giúp chẩn đoán chính xác nhất.

7. Dựa vào vị trí sỏi và kích thước sỏi để chọn phương pháp điều trị

Khi phát hiện sỏi niệu quản, trường hợp nào bệnh nhân được điều trị nội khoa và trường hợp nào cần can thiệp để loại bỏ sỏi, thưa BS?

BS Trịnh Nguyên Bách trả lời: Quyết định điều trị nội khoa hay phẫu thuật sẽ dựa vào nhiều yếu tố. Trong đó, hai yếu tố thường dùng là vị trí sỏi và kích thước sỏi. Nếu sỏi kích thước nhỏ hoặc sỏi nằm tại vị trí sát bàng quang, có thể ra được, đa phần, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị nội khoa.

Còn với những loại sỏi kích thước lớn, vị trí cao, có cấu trúc phức tạp trên phim chụp CT, lúc này bác sĩ sẽ quyết định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

8. 3 phương pháp loại bỏ sỏi niệu quản tại Bệnh viện Bình Dân

Hiện nay, tại Bệnh viện Bình Dân có những phương pháp nào giúp loại bỏ sỏi, thưa BS?

BS Trịnh Nguyên Bách trả lời: Tại Bệnh viện Bình Dân có đầy đủ các phương pháp điều trị sỏi. Riêng sỏi niệu quản, tại Bệnh viện Bình Dân có phương pháp nội soi ngược dòng tán sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi để lấy sỏi.

9. Đau nhẹ hông lưng, nước tiểu hồng, các triệu chứng sau khi loại bỏ sỏi

Các triệu chứng khó chịu có thể gặp phải ở ngày đầu sau khi loại bỏ sỏi là gì và kéo dài bao lâu, thưa BS?

BS Trịnh Nguyên Bách trả lời: Triệu chứng sau phẫu thuật nội soi lấy sỏi thường do ống thông đường tiết niệu gây ra. Bởi vì, sau phẫu thuạt, bác sĩ sẽ đặt một ống thông trong cơ thể đi từ thận xuống bàng quang, gọi là ống sonde JJ, làm bằng vật liệu mềm, dễ chịu. Tuy nhiên, khi đặt trong cơ thể, có thể làm bệnh nhân bị đau nhẹ tại phần hông lưng, nước tiểu màu hồng, các triệu chứng này thường kéo dài một vài ngày và bớt dần.

10. Dinh dưỡng hợp lý, tập luyện, uống đủ nước sau điều trị sỏi niệu quản

Sau điều trị, khi về nhà bệnh nhân nên xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt sao cho hợp lý, thưa BS?

BS Trịnh Nguyên Bách trả lời: Điều quan trọng là một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, không ưu tiên hay kiêng khem một loại thực phẩm quá mức. Nên tập luyện thể dục thể thao, và điều quan trọng là uống nước vừa đủ.

Trong đó, tiêu chuẩn uống nước đủ từ trước đến nay được khuyến cáo uống 2-3 lít/ ngày. Tuy nhiên, một dấu hiệu gián tiếp là khi nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc màu trắng, có thể nhận biết lượng nước uống vào là vừa đủ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X