Hotline 24/7
08983-08983

Virus SARS-CoV-2 biến đổi như thế nào? Hiện nay có mấy biến thể, biến chủng?

SARS-CoV-2 biến thể xuất hiện ở các nước châu Âu, châu Phi, và đã có ở Việt Nam khiến nhiều người hoang mang. TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh Lâm sàng TPHCM giải thích cho mọi người được rõ: virus biến thể, biến chủng là hiện tượng gì.

Trong quá trình nhân bản để tăng sinh và lây lan, bộ gen của virus sẽ có những biến đổi, đặc biệt là những virus có bộ gen là RNA như virus HIV, virus cúm vì các enzyme giúp các virus nhân bản bộ gen RNA của chúng thường hay bị những sai sót khi hoạt động. SARS-COV-2 cũng là virus có bộ gen là RNA nên bộ gen của nó cũng có những thay đổi do những sai lầm khi nhân bản.

Tuy nhiên khác với HIV và virus cúm, các thay đổi trên bộ gen RNA của SARS-COV-2 lại xảy ra lại ít hơn và chậm hơn, có lẽ là enzyme nhân bản bộ gen RNA của virus này có khả năng sửa sai tốt hơn HIV hay cúm. Người ta tính là trong 1 tháng nhân bản thì một SARS-COV-2 chỉ có thể xảy ra nhiều nhất là 2 thay đổi trong tổng số 29.903 nucleotide của nó, chậm hơn virus cúm 2 lần và HIV 4 lần.

Những thay đổi trên bộ gen RNA của SARS-COV-2 trong nhiều trường hợp là không có ý nghĩa gì nếu không làm thay đổi mã di truyền của virus. Tuy nhiên cũng có trường hợp sự thay đổi này làm thay đổi ít nhất một mã di truyền và như vậy là virus bị biến thể.

Có những biến thể có hại cho virus như làm cho virus lây lan khó hơn hay có những biến thể làm cho virus không thoát khỏi tế bào chủ được và như vậy là dần dần các biến thể này sẽ bị biến mất. Xét về mặt tiến hóa thì chỉ có những biến thể giúp virus xâm nhập và lây lan nhanh hơn mới là biến thể sẽ tồn tại và dần dần thay thế các chủng virus ban đầu.

alobacsi TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh Lâm sàng TPHCMTS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh Lâm sàng TPHCM - ảnh: Lê Bình

SARS-COV-2 lây lan được là nhờ trên bề mặt của virus có những protein gai (spike protein) giúp virus bám được lên các thụ thể ACE2 có trên các tế bào biểu mô của đường hô hấp. Sau khi bám vào ACE2, virus sẽ xâm nhập vào tế bào biểu mô và nhân bản để tăng sinh thành những virus mới, thoát ra khỏi tế bào để xâm nhập vào tế bào mới cũng như lây lan qua những người khác. Nếu những biến đổi trên bộ gen RNA của SARS-COV-2 làm cho protein gai của virus trở nên bám dễ dàng hơn lên thụ thể ACE2 thì virus sẽ lây lan nhanh hơn.

Trong thực tế thì điều này đã xảy ra đối với SARS-COV-2 khi virus này lan đến Âu Châu. Nếu trước đó các chủng SARS-COV-2 được ghi nhận không khác gì các chủng ở Vũ Hán, thì từ tháng 3, chủng này đã bị thay thế dần bởi một biến chủng khác mang đột biến D614G, tức là tại vị trí mã di truyền (codon) 614 của gen S (là gen chịu trách nhiệm tạo protein gai của virus) thay vì là aspartic acid (D) lại bị thay thế bằng Glycine (G) làm cho vùng bám thụ thể (RBD) của protein gai mở rộng ra hơn nên giúp cho virus bám vào thụ thể ACE2 dễ hơn và chặt chẽ hơn. Chính vì vậy mà hậu quả là biến chủng này, gọi là chủng G, đã thay thế hoàn toàn chủng D trước đó. Vụ dịch tại Đà Nẵng vừa qua cũng là do chủng G này gây ra.

Từ tháng 12, xuất phát tại vùng Kent ở Đông Nam nước Anh, các nhà khoa học phát hiện một biến thể mới của SARS-COV-2 được đặt tên là biến thể VUI 202012/01 (variant under investigation, year 2020, month 12, variant 1) có nhiều đột biến hơn, cụ thể trên gen S có đến 8 đột biến bao gồm cả đột biến D614G.

Các đột biến trên biến thể này đã làm cho virus có những hiệu quả sinh học trong đó đáng để ý là đột biến N501Y xảy ra ngay trên vùng bám thụ thể (RBD) của protein gai của SARS-COV-2 giúp cho virus dễ bám vào thụ thể ACE2 của tế bào biểu mô hô hấp hơn nhờ vậy mà làm tăng khả năng lây lan của virus 70% hơn cả đột biến D614G chỉ ảnh hưởng lên vùng RBD chứ không trực tiếp trên vùng RBD.

Ngoài ra biến thể VUI 202012/01 còn làm cho việc xét nghiệm real-time PCR phát hiện SARS-COV-2 bị giảm độ nhạy nếu đích phát hiện của các xét nghiệm này là dựa trên gen S vì ngoài các đột biến thay thế mã di truyền, biến thể VUI 202012/01 còn có 3 đột biến làm mất đi 3 mã di truyền 69, 70 và 144 trên gen S của virus.

Ngoài biến thể VUI 202012/01 xuất hiện tại Anh thì hiện nay các nhà khoa học cũng đang lo lắng hơn về một biến thể khác xuất hiện tại Nam Phi từ đầu tháng 11/2020 và nay đã chiếm đa số tại Nam Phi, đó là biến thể 501.V2.

Biến thể này khác với biến thể VUI 202012/01 là không có các đột biến mất mã di truyền, vẫn còn các đột biến D614G và đột biến N501Y, nhưng lại có thêm các đột biến khác, đặc biệt là đột biến E484K trên RBD làm tăng thêm khả năng bám của protein gai của virus vào ACE2 tế bào biểu mô hô hấp và đột biến K417N có nguy cơ làm giảm hiệu quả của kháng thể đặc hiệu chống protein gai của virus tức là có nguy cơ làm giảm hiệu quả của vaccin.

Khả năng này đã được các nhà khoa học chứng minh trong phòng thí nghiệm. Như vậy là biến thể 501.V2 của SARS-COV-2 của Nam Phi là đáng ngại hơn biến thể VUI 202012/01 của Anh quốc vì có thể sẽ lây lan nhanh hơn và tiềm ẩn nguy cơ kháng được hiệu quả của vaccin vì hầu như tất cả các vaccin hiện nay của chúng ta là nhắm mục tiêu gây miễn dịch để cơ thể tạo được kháng thể chống được các protein gai của SARS-COV-2.

“Biến chủng” và “biến thể”, từ nào chính xác hơn?

Biến thể là dịch tiếng Việt của từ VARIANT. Biến chủng là dịch tiếng Việt của từ MUTANT. Biến thể tức là nói về bản chất của một tác nhân vi sinh có những thay đổi trên bộ gen của chúng, còn biến chủng là nói về biểu hiện của một tác nhân vi sinh đã có những thay đổi trên bộ gen.

Như vậy thì biến thể có thể dùng để nói về một tác nhân đang có những thay đổi trên bộ gen và có thể còn tiếp diễn chứ chưa ổn định thành một chủng mới hoàn toàn còn biến chủng là để nói một tác nhân vi sinh có những thay đổi trên bộ gen và đã thành một chủng mới khác với chủng ban đầu.

Chính vì vậy nên biến thể D614G của SARS-COV-2 tại châu Âu sau này được gọi là biến chủng G để phân biệt với chủng D ban đầu tại Vũ Hán. Các biến thể VUI 202012/01 hay 501.V2 chưa được gọi là biến chủng vì có thể những biến thể này sẽ còn có những biến đổi nữa trước khi ổn định thành biến chủng mới để được đặt tên mới.

Đó là phân tích về từ ngữ cho chính xác về mặt khoa học thôi, chứ trong phổ thông thì chúng ta có thể sử dụng lẫn lộn cũng được vì thật ra chỉ là cách gọi tên mà thôi.

TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh Lâm sàng TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X