Hotline 24/7
08983-08983

Viêm da cơ địa hay tái phát, điều trị bằng thuốc gì?

Trước đây em có đi khám và được chẩn đoán là bị viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa có sừng hóa. Em có điều trị thuốc mỡ có chứa corticoid và axit salicylic, mỗi ngày bôi 1 lần và thấy cũng đỡ. Có lần em điều trị bằng cả thuốc bôi đông y có màu đỏ, đỡ được 1 thời gian nhưng lại bị tái phát. Em muốn hỏi BS là liệu mình có cần điều trị gì thêm không ạ?

Viêm da cơ địa là bệnh da mãn tính, có mối liên hệ mật thiết với yếu tố cơ địa và di truyền

BS.CK2 Võ Thị Đoan Phượng - Trưởng Khoa Lâm sàng, Bệnh viện Da Liễu TPHCM trả lời:

Trường hợp của bạn là viêm da cơ địa và có bị sừng hóa ở vùng cẳng chân. Việc bạn điều trị thuốc mỡ chứa corticoid và axit salicylic là hoàn toàn chính xác. Còn riêng trường hợp bạn có sử dụng bằng thuốc đông y màu đỏ thì BS cũng không biết chính xác đó là thuốc gì nên không thể tư vấn thêm về trường hợp đó.

Do bạn bị viêm da cơ địa nên sẽ tái phát nhiều lần, nếu như điều trị thì sẽ đỡ và nếu ngưng thuốc thì sẽ bị lại, đây cũng là điều hay thường gặp ở nhiều bệnh nhân. Một điều cần lưu ý khi bị viêm da cơ địa là tình trạng viêm vẫn xảy ra ngay cả khi da nhìn có vẻ bình thường trên bề mặt (thực chất tình trạng viêm bên dưới vẫn xảy ra). Cho nên, thường trong những trường hợp viêm da cơ địa thì BS sẽ không khuyến cáo bệnh nhân điều trị xong thương tổn thì ngưng, khi bị lại thì điều trị lại.

Với những trường hợp như vậy chúng ta nên điều trị duy trì. Axit salicylic sẽ được kê kèm khi tình trạng da bị dày. Khi tình trạng da đã hết dày, mềm và phẳng lại thì sẽ không cần bôi axit salicylic nữa mà chỉ cần bôi duy trì bằng những chất dưỡng ẩm.

Theo đó, bạn có thể sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm sao cho phù hợp với da (sản phẩm có chứa Ceramide). Riêng về điều trị bằng corticoid, bạn không ngưng một cách đột ngột mà có thể giảm liều lượng từ từ. Ví dụ, khi trong giai đoạn bị nặng, bạn có thể dùng 2 lần/ngày, sau đó khoảng 1 - 2 tuần bạn có thể giảm xuống dùng 1 lần/ngày, rồi giảm xuống cách ngày… kể cả khi tình trạng da đã ổn định.

Sau đó, bạn có thể đổi qua những loại thuốc ít tác dụng phụ hơn (ví dụ: thuốc Tacrolimus) và trong suốt quá trình đó bạn vẫn phải bôi dưỡng ẩm thường xuyên. Lưu ý nên tránh cào gãi, cọ xát vì những vùng da thương tổn của bạn là những vùng tiếp xúc nhiều nên sẽ dễ bị dày sừng.

>>> Làm sao hạn chế tình trạng viêm da tiếp xúc do đeo khẩu trang nhiều?

>>> Trẻ bị viêm da cơ địa cần lưu ý gì khi đi bơi?

Trích trong livestream "Viêm da tiếp xúc: Biểu hiện và cách điều trị" - Bệnh viện Da liễu TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X