Bạn đang dành phần lớn thời gian trong nhà vệ sinh, bạn không thể ngửi được mùi thức ăn? Bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu… Và đúng là bạn đang bị ốm nghén - một trong những dấu hiệu của việc mang thai.
Ốm nghén ở giai đoạn đầu thai kỳ là hiện tượng phổ biến và không dễ dàng gì để đối phó. Tuy nhiên chắc chắn không phải bà mẹ nào cũng hiểu rõ về những vấn đề liên quan đến triệu chứng này.
Vì sao mang bầu lại bị ốm nghén?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của triệu chứng ốm nghén là do:
Do sự xuất hiện của hormone Hcg
Trong thời kỳ mang thai, các hormone trong cơ thể mẹ sẽ hoạt động rất mạnh và một trong những hormone đặc biệt quan trọng nhất là HCG. Hormone này được sản xuất ra bởi nhau thai và bắt đầu phát triển mạnh nhất từ tuần thứ 8-12 thai kỳ. Chính sự xuất hiện của hormone hCG là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị ốm nghén.
Mang bầu song thai, đa thai
Nếu bạn đang mang bầu song thai hoặc đa thai thì rất có thể bạn sẽ bị ốm nghén nặng nề hơn những bà mẹ đơn thai khác. Khi bạn mang song thai, lượng hCG trong cơ thể sẽ cao hơn, nội tiết tố này sẽ làm mẹ bị buồn nôn và nôn ói nghiêm trọng hơn.
Ốm nghén thông thường không hề nguy hiểm với sức khỏe bà mẹ bà thai nhi. (ảnh minh họa)
Khứu giác nhạy cảm hơn
Mức độ estrogen tăng lên trong thời gian mang thai có thể khiến khứu giác của các bà mẹ nhạy cảm hơn và đây là lý do khiến mẹ dễ bị buồn nôn, nôn ói khi thấy mùi lạ.
Hệ tiêu hóa nhạy cảm
Hệ thống tiêu hóa của phụ nữ làm việc chậm chạp hơn trong thời gian mang thai và đây có thể là nguyên nhân gây ra chứng buồn nôn, nôn ói.
Căng thẳng
Một nguyên nhân nữa cũng khiến tình trạng ốm nghén nặng nề hơn đó là do mẹ bị căng thẳng do những lo lắng khi mang thai, đặc biệt với mẹ mang bầu lần đầu.
Ốm nghén bắt đầu khi nào?
Hầu hết các trường hợp ốm nghén bắt đầu từ tuần thứ 6 thai kỳ. Đối với một số người kém may mắn thì hiện tượng này còn đến ngay từ tuần thứ 4 - trước khi người mẹ biết mình đã có thai. Hiện tượng này thường sẽ giảm dần ở quý 2 thai kỳ nhưng cũng có người bị ốm nghén suốt 9 tháng mang thai.
Những triệu chứng ốm nghén phổ biến nhất có thể kể đến là: Buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, ăn uống kém ngon miệng, giảm cân, mất nước…
Ốm nghén có lợi hay hại?
Khi bị ốm nghén đương nhiên sẽ làm mẹ bầu cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, thậm chí ở nhiều trường hợp nặng có thể gây mất nước, suy nhược cơ thể. Tuy nhiên thông thường ốm nghén không hề gây hại cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi.
Có một tin tốt lành đó là ốm nghén lại là dấu hiệu có lợi khẳng định thai nhi đang phát triển tốt trong bụng mẹ. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc mẹ bầu bị ốm nghén, nôn ói như một cách để cơ thể loại bỏ những chất độc hại trong cơ thể, để thai nhi có môi trường phát triển tốt nhất.
Mặc dù buồn nôn là dấu hiệu cho thấy thai kỳ đang phát triển tốt nhưng nếu mẹ bầu không nhận thấy những dấu hiệu này thì cũng đừng lo lắng. Có thể bạn là người may mắn có thai kỳ khỏe mạnh mà không hề bị ốm nghén.