Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Nguyễn Minh Nguyệt: Vì sao người tiểu đường nên cẩn trọng trong đại dịch COVID-19?

Theo Tổ chức Đái tháo đường Quốc tế (IDF), những người mắc bệnh đái tháo đường, hệ thống miễn dịch bị tổn hại, cơ thể khó khăn hơn để chống lại COVID-19. Cách nào tốt nhất để người bệnh đái tháo đường vượt qua đại dịch an toàn? ThS.BS Nguyễn Minh Nguyệt, Phụ trách khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ sẽ giúp bạn đưa ra câu trả lời.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp. Theo số liệu thống kê từ các nước cho thấy, thường những người mắc bệnh mạn tính khi mắc COVID-19 sẽ dễ trở nặng nhất, trong đó đáng lo nhất là đái tháo đường.

Xin hỏi bác sĩ có nhìn nhận như thế nào về tình hình COVID-19 và những ca nặng có liên quan đến căn bệnh đái tháo đường?

Hiện nay tình trạng dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp. Các chuyên gia y tế đã đưa ra nhiều đánh giá về tình hình lây nhiễm virus Corona ở các nước trên thế giới. Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường là đối tượng được đánh giá là có nguy cơ nhiễm bệnh và diễn tiến nặng hơn.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc với >72.000 bệnh nhân mắc COVID-19, tỷ lệ tử vong ở người mắc đái tháo đường là 7,3%, số bệnh nhân đánh giá nặng (khoa HSTC) có bệnh nền đái tháo đường chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với bệnh nhân mắc COVID-19 không có đái tháo đường.

Một nghiên cứu khác được thực hiện với hơn 40.000 người tại Vũ Hán cho thấy người bệnh đái tháo đường có nguy cơ tử vong gấp 8 lần so với người không bị đái tháo đường.

Dữ liệu từ Ý cũng cho thấy tỷ lệ tử vong tương tự và nguy cơ gia tăng ở bệnh nhân có bệnh nền là đái tháo đường.

Nguyên nhân nào khiến người đái tháo đường trở thành đối tượng dễ bị COVID-19 "hạ gục" nhanh và ảnh hưởng nhiều đến phổi như vậy, thưa bác sĩ? Hệ miễn dịch yếu có phải là một trong những nguyên nhân chính?

Theo CDC Mỹ, những người có tiền sử mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm hô hấp mạn thường có hệ miễn dịch yếu, giảm sức đề kháng nên dễ mắc COVID-19. Tuy nhiên cụ thể tại sao lại là đái tháo đường thì hiện vẫn chưa có báo cáo nghiên cứu một cách chính xác về cơ chế này.

Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại sẽ khởi động 1 chuỗi các rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính là đái tháo đường làm phức tạp thêm việc điều trị.

Không riêng gì nhiễm virus Corona, người bệnh đái tháo đường với hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc thêm các bệnh lý viêm nhiễm khác do vi trùng, virus tấn công như lao phổi, nhiễm trùng da, nhiễm trùng tiết niệu, nữ nhiễm nấm âm đạo.

Liệu có phải ai mắc đái tháo đường cũng bị suy giảm miễn dịch không thưa bác sĩ?

Theo Tổ chức Đái tháo đường Quốc tế (IDF), những người mắc bệnh đái tháo đường, hệ thống miễn dịch bị tổn hại, cơ thể khó khăn hơn để chống lại COVID-19. Virus cũng có thể phát triển mạnh khi mức đường huyết cao. Các chuyên gia cho hay, nếu bạn bị nhiễm virus, điều đó có thể biến thành viêm phổi dễ dàng hơn, vì bản thân bệnh đái tháo đường là một bệnh viêm nhiễm. Ngoài ra, một người mắc bệnh đái tháo đường, khi nhiễm virus, có thể làm tăng lượng đường trong máu, điều này cũng có thể dẫn đến các biến chứng.

ThS.BS Nguyễn Minh Nguyệt, Phụ trách khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ. Ảnh: Viết Hưởng

Như vậy, theo bác sĩ, người bị đái tháo đường làm cách nào để có thể giữ được đường huyết luôn ổn định? Nhất là trong thời điểm hiện nay, bệnh nhân rất khó di chuyển đến các cơ sở y tế?

Để kiểm soát lượng đường trong máu cần phối hợp 3 phương pháp: ăn uống với chế độ dinh dưỡng lành mạnh, vận động (tập luyện phù hợp) và sử dụng thuốc đúng và đủ.

Nhiều bệnh nhân đái tháo đường sợ rằng kiêng khem để giữ đường huyết thì lại sợ không đủ sức khỏe để chống lại dịch COVID-19. Bác sĩ nghĩ sao về vấn đề này ạ?

Vấn đề ăn uống cho người bệnh đái tháo đường, chúng tôi thường tiếp cận và tư vấn cho từng đối tượng cá nhân.

Từ đó sẽ giúp bệnh nhân hiểu biết về các chất dinh dưỡng, chế độ ăn đảm bảo cung cấp đủ chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.

Ngoài ra, sẽ giúp bệnh nhân biết lượng dinh dưỡng cần thiết cho một ngày để lập bảng dinh dưỡng cá nhân. Đồng thời, giữ cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì và stress.

Vấn đề là hiện nay nhiều người không biết mình bị đái tháo đường. Việc tầm soát căn bệnh này có dễ không thưa bác sĩ? Cụ thể như thế nào ạ?

Cách đơn giản nhất để xác định đái tháo đường là xét nghiệm đường huyết lúc đói> 7 mmol/l + có triệu chứng của đái tháo đường như ăn nhiều, tiểu nhiều, khát nhiều, sụt cân nhiều. Nếu bệnh nhân không có triệu chứng thì xét nghiệm lặp lại lần 2, nếu 2 lần vượt ngưỡng thì chẩn đoán đái tháo đường.

Xét nghiệm đường máu có thể làm ở tất cả các bệnh viện trong cả nước. Nếu xét nghiệm đường máu không cao nhưng vẫn nghi ngờ, người bệnh cần được thăm khám và xét nghiệm thêm tại các cơ sở có thể tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán đái tháo đường như: nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống hoặc xét nghiệm HbA1C.

Khi nào cần điều trị đái tháo đường thưa bác sĩ? Và nên điều trị thế nào để bình ổn được đường huyết?

Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường, tùy theo mức độ của đường huyết, HbA1C và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp để điều trị bệnh. Tùy theo mức độ mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng thuốc hay không dùng thuốc ban đầu (chỉ thực hiện thay đổi lối sống).

Đái tháo đường là bệnh lý gây nhiều biến chứng, do đó người bệnh cần chế độ ăn uống tập luyện và dùng thuốc đúng. Tùy theo tình trạng bệnh của bạn: thời gian mắc bệnh, biến chứng của bệnh… bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều trị thích hợp nhất đối với từng giai đoạn bệnh của bạn.

Đái tháo đường là bệnh mãn tính, mỗi giai đoạn bệnh cần phải điều chỉnh thuốc sao cho đường huyết cũng như các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như: huyết áp, mỡ máu, cân nặng được kiểm soát tối ưu mà ít chịu tác dụng phụ của thuốc nhất. Bạn phải đi khám bệnh định kỳ và kiểm tra đường huyết thường xuyên để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc kịp thời, tránh nghe lời khuyên dân gian không đúng ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.

Lời khuyên của bác sĩ dành cho người bệnh đái tháo đường để bảo vệ sức khỏe an toàn nhất trong mùa dịch COVID-19?

Trước hết, người bệnh cần trang bị kiến thức dự phòng lây nhiễm COVID-19 mà các phương tiện truyền thông đã hướng dẫn rõ ràng. Như những người khác, người bệnh đái tháo đường cần tránh xa nguồn lây nhiễm, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chế độ tập luyện để nâng cao sức đề kháng.

Quan trọng nhất vẫn là phải uống thuốc đúng liều, đúng cữ, không tự ý ngưng sử dụng thuốc và nên giữ sự tương tác giữa bác sĩ - bệnh nhân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X