Vì sao khó phát hiện sớm trẻ mắc hội chứng thận hư?
Hội chứng thận hư ở trẻ em là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc trưng bởi tình trạng mất protein qua nước tiểu, khiến giảm lượng protein, albumin trong máu. BS.CK2 Lê Thanh Bình - Phó Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viên Nhi Đồng Thành phố cho biết, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Thận hư thường gặp ở trẻ từ 1 - 10 tuổi
Nhờ BS khái quát, hội chứng thận hư là gì? Tình trạng này có phổ biến ở Việt Nam không?
BS.CK2 Lê Thanh Bình trả lời: Trước hết, chúng ta cần phân biệt được thận hư trong Tây y và trong Đông y. Trong Đông y, thận hư rộng hơn, còn trong Tây y, đây chỉ là một bệnh lý của thận.
Thận là cơ quan lọc những chất thải, chất bài tiết. Thận hư là bệnh làm cho lượng đạm trong máu giảm đáng kể vì không chỉ lọc các chất bài tiết, thận còn lọc cả đạm đi qua. Điều này dẫn đến bệnh nhân bị mất đạm qua nước tiểu, có các triệu chứng của thận hư như phù và tiểu ít.
Đây là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Độ tuổi thường gặp là từ 1 đến 10 tuổi.
Phù toàn thân là triệu chứng thường gặp nhất của hội chứng thận hư
Nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ nào gây ra hội chứng thận hư ở trẻ? Ở nước ta, hội chứng thận hư thường được phát hiện trong những tình huống như thế nào, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thanh Bình trả lời: Thận hư có khá nhiều nguyên nhân: từ các bệnh lý di truyền, các bệnh liên quan đến nhiễm trùng (siêu vi, ký sinh trùng,...). Nguyên nhân phổ biến nhất ở trẻ em lại là nhóm nguyên nhân chưa rõ, còn gọi là hội chứng thận hư vô căn. Cho đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể.
Hội chứng thận hư có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi, từ sơ sinh đến 15, hoặc 18 tuổi. Độ tuổi thường gặp nhất là từ 1 - 10 tuổi.
Triệu chứng thường gặp nhất để phát hiện ra hội chứng thận hư là phù toàn thân.
Phân loại hội chứng thận hư theo nguyên nhân
Hội chứng thận hư được phân loại như thế nào? Khi trẻ mắc hội chứng thận hư, những biến chứng nào trẻ có thể gặp phải, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thanh Bình trả lời: Thông thường, người ta sẽ phân loại theo nguyên nhân: do di truyền, do bệnh nhiễm trùng, do bệnh tự miễn và thường gặp nhất là nhóm hội chứng thận hư vô căn.
Dấu hiệu cảnh báo hội chứng thận hư ở trẻ em
Nhờ BS chỉ ra, đâu là những dấu hiệu cảnh báo hội chứng thận hư trên trẻ?
BS.CK2 Lê Thanh Bình trả lời: Có rất ít dấu hiệu để phát hiện sớm. Thông thường, ba mẹ sẽ dẫn con đi khám vì dấu hiệu phù. Có thể phù ở mặt, ở tay, ở chân.
Một số trường hợp phát hiện sớm nhờ mẹ nhận thấy nước tiểu của con đục hơn so với bình thường, do lượng đạm lớn được thải qua nước tiểu, hoặc nước tiểu sẽ có nhiều bọt. Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường ít được phát hiện. Trẻ từ 5 - 10 tuổi sẽ tự đi vệ sinh nên ba mẹ khó quan sát được tính chất nước tiểu.
Xét nghiệm nào có thể phát hiện hội chứng thận hư?
Các bác sĩ sẽ làm những cận lâm sàng nào để xác định trẻ mắc hội chứng thận hư?
BS.CK2 Lê Thanh Bình trả lời: Những cận lâm sàng hay xét nghiệm để chẩn đoán hội chứng thận hư khá đơn giản. Đầu tiên cần làm xét nghiệm nước tiểu để xem trong nước tiểu có lượng đạm lớn không, còn gọi làm tiểu đạm ngưỡng thận hư.
Thứ hai, cần làm xét nghiệm máu để phát hiện trong máu có một lượng lớn albumin giảm (giảm albumin trong máu).
Ngoài ra, có thể làm một số xét nghiệm máu khác để định hướng thận hư có nguyên nhân hay không, từ đó có chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Điều trị hội chứng thận hư theo nguyên nhân
Xin hỏi BS, hướng điều trị cho hội chứng thận hư như thế nào? Sau khi điều trị, chức năng thận của trẻ có trở về bình thường không?
BS.CK2 Lê Thanh Bình trả lời: Hội chứng thận hư thuộc nhóm nguyên nhân nào thì sẽ được điều trị theo nhóm nguyên nhân đó. Lấy ví dụ, nếu thận hư do nhóm nguyên nhân di truyền, đột biến gen không thể nào điều trị khỏi được. Thông thường chỉ có thể điều trị giảm triệu chứng.
Nếu thận hư thuộc nhóm thứ phát theo một số bệnh như nhiễm trùng, nhiễm viêm gan B, nhiễm viêm gan C, nhiễm sốt rét,... khi điều trị được nguyên nhân gốc, bệnh sẽ tự lui.
Hội chứng thận hư liên quan đến những bệnh tự miễn như lupus cũng sẽ tự lui khi điều trị nguyên nhân gốc.
Riêng nhóm hội chứng thận hư vô căn, việc điều trị sẽ dùng thuốc kháng viêm steroid theo phác đồ hướng dẫn điều trị, bệnh sẽ lui dần.
Việc bảo tồn chức năng thận hư tốt hay không phụ thuộc vào mức độ đáp ứng với điều trị. Đối với thận hư vô căn, nếu đáp ứng tốt điều trị bằng kháng viêm steroid, gần như bệnh nhân sẽ ít tái phát, ít tái phù. Tiên lượng bảo tồn chức năng thận của bệnh nhân sẽ rất tốt.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp hội chứng thận hư vô căn không đáp ứng điều trị thuốc, phải phối hợp thêm thuốc ức chế miễn dịch khác mạnh hơn. Bệnh nhân không đáp ứng tốt có thể tái phát nhiều lần hoặc kháng thuốc điều trị khiến tiên lượng bảo tồn thận sẽ thấp hơn.
Hạn chế ăn muối, thức ăn giàu cholesterol trong giai đoạn tái phát
Khi chăm sóc trẻ bị hội chứng thận hư, phụ huynh nên làm và không nên làm những điều gì?
BS.CK2 Lê Thanh Bình trả lời: Bệnh nhân hội chứng thận hư sẽ mất rất nhiều đạm qua nước tiểu. Đạm lại là dinh dưỡng quan trọng của cơ thể. Trẻ bị hội chứng thận hư ăn uống gần như bình thường, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, thậm chí có thể ăn nhiều hơn.
Khi trong giai đoạn tái phát, phù nhiều, đang điều trị tích cực, phụ huynh cần giảm muối trong chế độ ăn. Ăn nhiều muối khiến cơ thể giữ nước nhiều hơn, tình trạng phù tăng lên.
Hội chứng thận hư còn có triệu chứng tăng cholesterol trong máu. Trẻ bị thận hư trong giai đoạn tái phát hoặc trẻ tái phát nhiều lần, đáp ứng kém với đièu trị sẽ có hiện tượng tăng cholesterol trong máu rất nhiều.
Trong giai đoạn chưa đáp ứng điều trị này, trẻ nên hạn chế ăn những thức ăn giàu cholesterol, giàu chất béo để hạn chế việc tăng cholesterol. Việc tăng cholesterol thường xuyên có thể dẫn đến những biến chứng liên quan tới mạch máu về sau.
Ăn uống đầy đủ để trẻ tăng trưởng bình thường
Cần chú ý những nguyên tắc nào khi xây dựng thực đơn cho trẻ bị hội chứng thận hư, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thanh Bình trả lời: Trẻ mắc hội chứng thận hư hay một bệnh mạn tính nào khác cũng cần phải tăng trưởng, phát triển, tăng cân, tăng chiều cao như bình thường để đảm bảo sau khi chữa khỏi bệnh, trẻ sẽ có thể trạng phù hợp với lứa tuổi, tự tin hòa nhập vào cuộc sống sau này.
Nguyên tắc đầu tiên là cứ ăn đầy đủ như những trẻ bình thường.
Trong giai đoạn tái phát và có triệu chứng nhiều, ăn giảm muối là nguyên tắc quan trọng, không nêm hoặc nêm rất ít muối.
Nếu trẻ thuộc nhóm tái phát nhiều lần, nên hạn chế luôn cả thức ăn giàu chất béo, đặc biệt là cholesterol.
Yếu tố di truyền trong hội chứng thận hư
Yếu tố di truyền trong hội chứng thận hư có đáng quan ngại không? Cha mẹ cần làm gì để tránh cho con bị mắc bệnh này, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thanh Bình trả lời: Trong nguyên nhân của hội chứng thận hư có một nhóm nguyên nhân là di truyền. Chúng ta có thể để ý xem trong gia đình bên ba hoặc mẹ có người hội chứng thận hư hay không. Nếu có, trẻ có khả năng mắc hội chứng thận hư cao hơn những trẻ khác.
Yếu tố di truyền còn có thể liên quan đến những đột biến di truyền của chính bản thân bệnh nhân, nhưng không liên quan đến gia đình mà là đột biến mới xảy ra.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình