Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao cần chủ động phát hiện sỏi niệu sớm?

Sỏi thận là bệnh lý thường gặp. TS.BS Đỗ Anh Toàn - Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM - Trưởng khoa Phẫu thuật sỏi thận chuyên sâu, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) nhấn mạnh, việc chủ động phát hiện sớm sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho người bệnh: điều trị hiệu quả, ít biến chứng, ít tốn kém, ít đau đớn.

1. Sỏi niệu được phân loại theo bản chất và vị trí

Xin hỏi BS, loại sỏi niệu nào phổ biến ở người Việt? Bệnh nhân thường có sỏi ở vị trí, cơ quan nào trong đường tiết niệu?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Sỏi tiết niệu là một bệnh lý khá thường gặp trong chuyên ngành tiết niệu. Sỏi thận là sỏi nằm ở thận, chiếm tỷ lệ đáng kể trong các loại sỏi đường tiết niệu.

Sỏi thận có nhiều dạng sỏi khác nhau, tùy vào bản chất và vị trí của nó. Về bản chất, sỏi có thể là canxi oxalat, struvite hoặc sỏi urat do rối loạn chuyển hóa. Bệnh nhân có thể có những rối loạn chuyển hóa khác nhau hoặc những bất thường về chế độ ăn uống mà bản chất viên sỏi ở từng người không giống nhau.

Khoảng 10 năm trước, các dạng sỏi liên quan đến nhiễm khuẩn như sỏi struvite, sỏi san hô rất thường gặp vì điều kiện kinh tế cũng như sự quan tâm về sức khỏe của người bệnh chưa đầy đủ.

Gần đây, tình hình kinh tế phát triển, ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân đã tích cực hơn, các dạnu sỏi nêu trên dần giảm đi. Nhưng các dạng sỏi do rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn sỏi urat, có xu hướng tăng lên.

Ngoài ra, sỏi tiết niệu còn được phân loại theo vị trí của viên sỏi. Sỏi nằm trên thận gọi là sỏi thận, sỏi nằm ở niệu quản (đoạn dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang) gọi là sỏi niệu quản, sỏi rơi ở bàng quang hoặc hình thành ở bàng quang, niệu đạo được gọi là sỏi bàng quan, sỏi niệu đạo. Triệu chứng điển hình của các loại sỏi này cũng khác nhau.

2. Phân biệt sỏi tái phát và sỏi còn sót lại từ lần điều trị trước

Nhiều người bị tái phát sỏi sau điều trị. Khi tình huống này xảy ra sẽ dẫn đến những vấn đề gì cho người bệnh, thưa BS?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Để khẳng định sỏi tái phát, đầu tiên, bệnh nhân phải được chẩn đoán hết sỏi, sau đó bị lại. Trong thực tế, có 2 tình huống xảy ra khi bệnh nhân đã được điều trị trước đó quay lại bệnh viện với 1 viên sỏi trên thận.

Tình huống thứ nhất, bệnh nhân đã được chẩn đoán hết sỏi nhưng lại xuất hiện sỏi. Viên sỏi này được hình thành trong thời gian tối thiểu 3 - 6 tháng mới có thể gọi là tái phát.

Tình huống thứ hai, sỏi còn sót chưa được chẩn đoán hoặc không được quan tâm đúng mức không được coi là sỏi tái phát.

3. Dự phòng sỏi tiết niệu và dự phòng tái phát sỏi có gì khác nhau?

Việc chủ động phòng ngừa khi chưa bị sỏi niệu, cho đến khi chủ động phòng ngừa để tránh tái phát có gì khác nhau, thưa BS?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: 2 công tác phòng ngừa này có những điểm giống nhau và khác nhau. Nhóm thứ nhất là những người chưa bị sỏi nhưng quan tâm đến bệnh, chủ động phòng ngừa. Cách dự phòng ở nhóm này tương đối đơn giản.

Nhóm thứ hai đã mắc sỏi, đã trải qua cuộc điều trị, thậm chí là mổ để lấy sỏi nhưng nếu gặp những tai biến, biến chứng liên quan đến điều trị, rõ ràng việc tái phát sỏi đối với họ là một nỗi ám ảnh.

Những người chưa mắc sỏi nhưng muốn dự phòng có thể thực hiện các biện pháp đơn giản như ăn uống điều độ, uống nhiều nước, tầm soát bệnh nền có nguy cơ tạo sỏi và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Các xét nghiệm tầm soát sỏi niệu thường khá đơn giản, thực hiện 6 - 12 tháng/lần. Xét nghiệm nước tiểu, siêu âm bụng tổng quát và kiểm soát hệ niệu là đủ để tầm soát bệnh.

Nếu có bệnh nền có nguy cơ tạo sỏi, bệnh nhân cần kiểm soát tốt. Nếu không có bệnh nền, chỉ cần chú trọng vào chế độ dinh dưỡng khoa học, uống đủ nước và theo dõi định kỳ.

Với những bệnh nhân đã bị sỏi và có động thái quan tâm dự phòng tái phát, tôi cho rằng đây là suy nghĩ tích cực. Trong 20 năm làm việc, có rất nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị, trải qua một cuộc phẫu thuật nặng nề rất tốn kém. Chúng tôi đánh giá rất cao và khuyến khích sự tích cực phòng ngừa sỏi tái phát.

Nhóm bệnh nhân cần dự phòng tái phát sỏi là một mảng trong chuyên ngành của tôi. Việc tập trung điều trị sỏi chỉ là điều trị ngọn nhưng cũng đã quá tải. Bệnh viện Bình Dân có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân. Chúng tôi có đầy đủ trang thiết bị, trang bị thêm những công cụ để có thể đánh giá tình trạng tái phát sỏi, phòng ngừa một cách hiệu quả về sau.

Trong quá trình điều trị tái phát sỏi, cần phải lưu ý những bất thường về hệ tiệt niệu. Ngoài việc lấy sỏi, chúng tôi phân tích viên sỏi để có chế độ điều trị phù hợp. Tiếp theo là đánh giá liệu bệnh nhân có những bất thường về mặt giải phẫu. Bệnh nhân có các bệnh lý kèm theo như hẹp, dị vật, nhiễm khuẩn tái đi tái lại là cơ địa dễ bị tái phát. Ngoài dự phòng tái phát sỏi bằng nội khoa, còn phải dự phòng bằng điều trị những bất thường về mặt cơ thể học.

TS.BS Đỗ Anh Toàn - Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM - Trưởng khoa Phẫu thuật sỏi thận chuyên sâu, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM)

4. Ba cơ chế hình thành sỏi niệu

Xin hỏi BS, cơ chế tạo thành sỏi là gì? Những nguyên nhân hay yếu tố nào tác động và dẫn đến việc hình thành sỏi?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Hình thành sỏi là một quá trình khá phức tạp. Sỏi là sự kết tinh của những tinh thể canxi, photphat, axit, muối urat. Để tạo thành sỏi, trước hết nồng độ tinh thể phải cao do ăn uống hoặc những rối loạn chuyển hóa.

Tuy nhiên, lượng nước tiểu đủ lớn và vận động đều đặn có thể đẩy các tinh thể nhỏ ra khỏi cơ thể. Nhưng nếu có tình trạng cô đặc nước tiể,  những tinh thể nhỏ không được đẩy ra ngoài  sẽ lớn dần theo thời gian. Tinh thể lớn có thể bị tống xuất ra ngoài nhưng cũng có thể tắc lại trên đường đi của niệu quản, gây những biến chứng liên quan tới ứ nước, đau, nhiễm khuẩn.

Sỏi vẫn còn nằm trên thận tiếp tục lớn lên. Nếu phát hiện muộn, sỏi sẽ trở nên phức tạp, khó điều trị như sỏi san hô hoặc có các biến chứng nhiễm khuẩn, thậm chí hư thận.

Cơ chế hình thành sỏi đầu tiên là tăng nồng độ các tinh thể, sau đó là lưu lượng nước tiểu ít. Một yếu tố thuận lợi khác là những bất thường về giải phẫu của người bệnh. Tổng hợp các yếu tố này sẽ tạo nên sỏi.

Hiểu được cơ chế hình thành sẽ giúp dự phỏi sỏi và dự phòng tái phát sỏi hiệu quả.

5. Bệnh viện Bình Dân trang bị đầy đủ những phương tiện để phát hiện và dự phòng sỏi niệu

Xin hỏi cụ thể hơn, tại Bệnh viện Bình Dân có những phương tiện, kỹ thuật nào giúp người dân có thẻ phòng ngừa sỏi?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Bệnh viện Bình Dân trang bị đầy đủ những phương tiện để phát hiện và dự phòng bệnh.

Về phát hiện, ngoài các chuyên gia khám lâm sàng chúng tôi có các phương tiện xét nghiệm nước tiểu, hình ảnh học (siêu âm, CT, MRI). Để dự phòng, chúng tôi đánh giá các bệnh lý nền của bệnh nhân như rối loạn chuyển hóa, bất thường về giải phẫu để có chế độ điều trị phù hợp cho từng cá nhân.

6. Vai trò của nội khoa trong điều trị sỏi niệu

Nhờ BS giải thích rõ hơn về những vấn đề cần lưu ý khi dùng thuốc để phòng sỏi tiết niệu?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Nói đến chế độ dùng thuốc để dự phòng tái phát phải xem xét cụ thể từng bệnh nhân. Bệnh nhân có thể có rối loạn về mặt chuyển hóa hay những bất thường về giải phẫu.

Khi bệnh nhân có những bất thường về giải phẫu, vai trò của bác sĩ tiết niệu là sửa chửa chúng. Việc này thuộc lĩnh vưc ngoại khoa.

Khi bệnh nhân có bất thường về mặt chuyển hóa, ví dụ cường tuyến cận giáp, bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá chức năng tuyến cận giáp và xem xét khả năng bệnh nhân có u bướu. Sau đó tiến hành hội chẩn với chuyên khoa nội tiết.

Bệnh viện Bình Dân có chuyên khoa nội tiết phát triển rất mạnh, chúng tôi sẽ hội chẩn để đưa ra giải pháp phù hợp.

Đối với bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa về purin, bệnh nhân bị gout, tăng axit uric, sẽ có chế độ dùng thuốc để hạ axit uric máu. Bệnh nhân cũng được hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp.

Trong thực tế, nhiều bệnh nhân không có rối loạn chuyển hóa, đồng thời không có bất thường về mặt giải phẫu. Bệnh nhân được áp dụng các giải pháp điều trị thường quy như ăn uống điều độ, hạn chế ăn mặn, uống nhiều nước để đủ lưu lượng nước tiểu, nước tiểu trong. Quan trọng nhất là điều trị những viên sỏi còn sót lại trước đó, sỏi cũ lớn lên sẽ khó điều trị về sau.

TS.BS Đỗ Anh Toàn cho biết, phát hiện sớm sỏi niệu đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh, do sỏi có kích thước càng nhỏ sẽ dễ dàng để đào thải ít xâm lấn

7. Tầm soát sỏi niệu được thực hiện 1 - 2 lần/năm

Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát sỏi diễn ra như thế nào? Siêu âm phát hiện sỏi giữa người đã có sỏi thận và người chưa từng có sỏi thận khác nhau như thế nào, thưa BS?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Với những người chưa từng có sỏi thận, tùy theo lứa tuổi mà chế độ theo dõi sức khỏe tổng quát sẽ khác nhau. Thông thường, sẽ thực hiện định kỳ 1 - 2 lần/năm. Việc siêu âm quá thường xuyên là không cần thiết, gây tốn kém, dù mặt tích cực là người dân đang có ý thức bảo vệ sức khỏe.

Việc siêu âm tầm soát, phát hiện sỏi thận hoàn toàn có thể thực hiện ở những cơ sở y tế tuyến cơ sở ở địa phương. Thăm khám tại bệnh viện địa phương giúp bệnh nhân không phải quá vất vả, đồng thời giảm quá tải cho những bệnh viện tuyến trên.

Với các bệnh nhân đã bị sỏi niệu, 1 tháng sau điều trị, bác sĩ thường hẹn bệnh nhân quay lại để đánh giá tổng thể. Lần hẹn tiếp theo là 3 tháng sau để đánh giá việc đào thải các mảnh sỏi nhỏ còn sót lại.

Nếu trong lần tái khám gần nhất, bệnh nhân không còn sỏi và có chế độ ăn hợp lý, kiểm soát bệnh nền tốt, lịch tái khám sẽ giãn dần đến 6 tháng hoặc 1 năm. Bất cứ khi nào bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau bất thường, hãy sớm quay lại bệnh viện.

8. Sỏi niệu càng nhỏ càng dễ đào thải ít xâm lấn

So sánh giữa chi phí điều trị và chi phí phòng ngừa, sự khác biệt giữa các con số như thế nào, thưa BS?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Nếu bệnh nhân không theo dõi và phòng ngừa một cách chủ động, khi có sỏi niệu, rõ ràng có hại cho sức khỏe của người bệnh. Sỏi niệu có thể gây ra một số biến chứng.

Sỏi rơi xuống niệu quản có thể dẫn đến tắc đột ngột, gây đau dữ dội, hay còn gọi là đau thận. Một số bị ứ nước tăng dần, có thể dẫn đến hư thận.

Một số bệnh nhân có bệnh nền, ví dụ đái tháo đường, có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Rất nhiều trường hợp cấp cứu có bệnh cảnh sốc nhiễm khuẩn và đe dọa tính mạng.

Khi những tình huống như trên xảy ra, sức khỏe và tính mạng người bệnh bị ảnh hưởng. Tổng chi phí để điều trị chắc chắn rất cao. Việc dự phòng sẽ nhẹ nhàng hơn. Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm cũng giúp điều trị hiệu quả hơn.

Phát hiện sỏi chỉ 5 - 7mm, bệnh nhân có thể uống thuốc đào thải đến 80 - 90%. Muộn hơn một chút, khi sỏi khoảng 10 - 15mm, vẫn còn cơ hội tán sỏi ngoài cơ thể - một giải pháp khá nhẹ nhàng, ít xâm hại. Bệnh nhân có thể về trong ngày với khả năng thành công hơn 80%.

Khi phát hiện sỏi 2 - 3cm, có thể ứng dụng kỹ thuật nội soi bằng ống soi mềm hoặc tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ một cách hiệu quả. Bệnh nhân có sỏi to, sỏi san hô, nhiễm khuẩn không. Tránh được cuộc điều trị phức tạp.

Cần chủ động phát hiện càng sớm càng tốt, trước khi sỏi hình thành có thấy được qua siêu âm là tốt nhất. Nếu đã có thể thấy viên sỏi qua siêu âm, cần chủ động tích cực đào thải sỏi hoặc ít nhất là theo dõi tiến triển của nó để can thiệp kịp thời.

Tổng chi phí cho việc chủ động điều trị  phòng ngừa sỏi vẫn tốt hơn, trừ các trường hợp cực đoan, tâm lý lo lắng đi kiểm tra mỗi tuần, mỗi tháng.

9. Lợi ích của việc chủ động phát hiện sỏi từ sớm

Thưa BS, cộng đồng nên làm gì để chủ động phòng ngừa sỏi, bảo vệ sức khỏe?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Sỏi thận là bệnh lý thường gặp. Việc chủ động phát hiện sớm sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho người bệnh: điều trị hiệu quả, ít biến chứng, ít tốn kém, ít đau đớn. Chủ động không cho để sỏi tái phát có lợi ích càng lớn hơn.

Bệnh nhân nên đi khám bác sĩ chuyên khoa và làm theo lời khuyên của bác sĩ, tái khám đúng hẹn để bác sĩ đánh giá chế độ dùng thuốc, ăn uống, sinh hoạt thường xuyên. Từ đó có thể phát hiện những tình thuống bất thường ở cơ thể và điều trị ngay, giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát sỏi.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X