Vai trò của Cortisol đối với cơ thể con người?
Hormone Cortisol là một trong những loại nội tiết tố hormone liên quan trực tiếp đến stress và căng thẳng kéo dài. Hormone này được biết đến nhiều hơn khi cuộc sống hiện đại với stress xuất hiện ngày một gia tăng như hiện nay.
1. Cortisol là gì?
Hormone cortisol là một loại hormon steroid được tổng hợp từ cholesterol. Trong cơ thể, cortisol được tổng hợp tại lớp giữa của vùng vỏ tuyến thượng thận. Hormone cortisol đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển hóa glucose và phản ứng của cơ thể với căng thẳng. Sản xuất cortisol tuyến thượng thận được điều hòa bởi trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận.
2. Vai trò của cortisol đối với cơ thể
Thụ thể của hormon cortisol có mặt ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Do đó, cortisol dường như là một hormon ảnh hưởng đến mọi hệ cơ quan, bao gồm: tim mạch, hô hấp, sinh sản, cơ xương khớp, miễn dịch, phản ứng stress,…
a. Đáp ứng với stress (căng thẳng)
Khi gặp stress, các tín hiệu thần kinh sẽ kích thích tuyến thượng thận giải phóng các catecholamin (như epinephrin) để đáp ứng bằng cách tăng nhịp tim và tăng hô hấp. Nếu cơ thể vẫn tiếp tục cảm thấy stress, tuyến thượng thận sẽ được kích thích để tiết ra cortisol. Khi đó, cortisol khiến cơ thể tiếp tục duy trì trạng thái cảnh giác cao độ bằng cách huy động nguồn dự trữ glucose để tạo năng lượng, ức chế cơn đau và các hệ cơ quan không quan trọng (như tiêu hóa), đồng thời thúc đẩy sự tăng nhịp tim, tăng hô hấp của cơ thể.
b. Điều hòa quá trình trao đổi chất
Cortisol có vai trò quan trọng trong chuyển hóa đường glucose, protein và lipid.
Đối với chuyển hóa glucose, sự hiện diện của cortisol gây ra các tác dụng như: đối kháng với insulin (hormon làm giảm đường huyết), giảm sản xuất insulin và tăng glucagon (một hormon đối kháng insulin khác), tăng quá trình tân tạo đường và giảm sự tổng hợp glycogen tại gan, giảm quá trình vận chuyển glucose từ máu vào tế bào mỡ và tế bào cơ,…
Với chuyển hóa protein, cortisol làm tăng ly giải protein ở cơ.
Với chuyển hóa lipid, cortisol gây tăng ly giải mỡ trong các mô mỡ, phóng thích các acid béo vào máu nhưng đồng thời cũng tăng tích mỡ mạnh.
Kết quả của tổng hợp những quá trình này là việc cortisol làm tăng lượng đường glucose trong máu để giúp cung cấp năng lượng cho não hoạt động.
c. Tác dụng trên phản ứng viêm và miễn dịch
Cortisol có tác dụng chống viêm do ức chế quá trình tổng hợp acid arachidonic, dẫn đến ức chế tổng hợp các chất trung gian gây viêm khác. Ngoài ra, cortisol còn có một số tác động trong hệ thống miễn dịch. Cortisol gây ra quá trình chết theo chương trình của các tế bào T tiền viêm, ức chế sản xuất kháng thể tế bào B và giảm sự di chuyển của bạch cầu trung tính trong quá trình viêm, cuối cùng dẫn đến suy giảm miễn dịch.
Xem thêm: ACTH là gì? Khi nào cần làm xét nghiệm ACTH?
d. Điều chỉnh huyết áp
Trên hệ tim mạch, vai trò của cortisol liên quan đến việc duy trì huyết áp bằng cách giữ cho chức năng bơm máu của tim bình thường, tăng khả năng đáp ứng giao cảm trên mạch máu (co mạch) và đồng thời gây giữ muối và nước ở thận. Nhìn chung, nồng độ cortisol tăng cao có thể gây ra huyết áp cao và nồng độ cortisol thấp hơn bình thường có thể gây ra huyết áp thấp.
e. Tác dụng khác
Cortisol cũng tạo điều kiện cho sự trưởng thành của hệ thần kinh trung ương, võng mạc, da, đường tiêu hóa và phổi của bào thai. Đặc biệt, cortisol quan trọng trong quá trình tổng hợp chất hoạt động bề mặt phế nang xảy ra trong những tuần cuối của thai kỳ. Trẻ sinh non có thể bị hội chứng suy hô hấp và những bà mẹ sinh non có thể được điều trị bằng glucocorticoid để kích thích sự tổng hợp chất hoạt động bề mặt của thai nhi.
3. Nguyên nhân ảnh hưởng đến hàm lượng Hormone Cortisol là gì?
Ngoài những nguyên nhân bệnh lý như Cushing, Addison (suy thượng thận nguyên phát), suy thượng thận thứ phát, nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng đến hàm lượng Cortisol phải thể kể đến như:
- Căng thẳng stress.
- Trầm cảm.
- Tiền mãn kinh, và mãn kinh
Khi cơ thể bước qua độ tuổi 30 cộng thêm các tác nhân kể trên, hàm lượng hầu hết hormone trong cơ thể sụt giảm ít nhiều, và sụt giảm ở tốc độ khác nhau từ đó dẫn đến hệ quả mất cân bằng nhóm hormone quan trọng. Mất cân bằng nhóm nội tiết tố hormone chính yếu như Hormone Cortisol, Melatonin, DHEA, nhóm hormone sinh sản bao gồm Estrogen, Progesterone, và Testosterone gây nên các vấn đề về giấc ngủ, làm stress trầm trọng hơn, thậm chí trầm cảm.
4. Chẩn đoán hàm lượng Hormone Cortisol
Trên thực tế, chúng ta không thể tự xác định hàm lượng hormone trong cơ thể ngoại trừ thực hiện các xét nghiệm y khoa do bác sĩ chuyên khoa Nội Tiết chỉ định. Các xét nghiệm máu cho định lượng hormone, và các chỉ số sức khỏe tương quan sẽ cho kết quả chính xác nhất về hàm lượng hormone Cortisol trong cơ thể và nguyên nhân thiếu hụt, mất cân bằng. Từ kết quả đó, các bác sĩ chuyên khoa nội tiết chống lão hoá sẽ có những lời khuyên và phác đồ điều trị hiệu quả và an toàn nhất.
Xem thêm: Hội chứng Cushing do thuốc được điều trị như thế nào?
5. Giải pháp điều trị liên quan đến Hormone Cortisol
Chuyên gia Nội tiết chống lão hoá chia sẻ giấc ngủ rất quan trọng. Thực tế chứng minh ngủ không đủ và không ngon giấc sẽ khiến con người khó kiểm soát cảm xúc, dễ rơi vào trạng thái lo âu và cáu giận. Ngủ ngon và ngủ sâu giúp bạn cải thiện tình trạng căng thẳng stress.
Cải thiện stress cũng là cách giúp giảm Hormone Cortisol. Không những thế, giấc ngủ tác động trực tiếp đến hoạt động chuyển hoá của cơ thể, tuần hoàn máu cũng như hệ tim mạch. Ngủ đủ giấc và đúng giờ giúp cơ thể nhanh chóng quay lại trạng thái thăng bằng. Tâm trạng của con người sẽ được cải thiện rõ rệt nếu ngủ đủ giấc và ngủ sâu.
Các chuyên gia về giấc ngủ khuyến cáo mọi người nên đi ngủ trước 11 giờ đêm. Đây chính là thời điểm vàng để thanh lọc cơ thể. Chuyên gia khoa học nhận định nếu bạn đi ngủ vào khung giờ này sẽ giúp cơ thể phục hồi gấp đôi so với việc ngủ sau 12 giờ đêm. Thời điểm từ 11 giờ đến 1 giờ sáng là thời điểm các bộ phận như tim, gan, thận, dạ dày, ruột non, ruột già, … đào thải độc tố.
Nghiên cứu khoa học chỉ ra nếu bạn đi ngủ vào lúc 9 giờ đêm đặc biệt tốt cho phụ nữ. Phái đẹp nếu muốn duy trì sắc vóc được khuyến cáo đi ngủ vào khung giờ từ 9 đến 11 giờ đêm. Ngủ sau 12 giờ đêm được chứng minh rất nguy hại đến sức khỏe, đặc biệt khi con người bước qua tuổi 30.
Một số thức uống bạn có tác dụng giúp bạn ngủ ngon như trà xanh, sữa ấm, nhuỵ hoa nghệ tây. Đặc biệt, bạn nên hạn chế các thức uống chứa caffeine như cà phê, chất kích thích, … vì chúng có thể gây ức chế hệ thần kinh, khiến bạn càng khó ngủ hơn hoặc ngủ không ngon. Bên cạnh những phương pháp thông thường, giải pháp khoa học cũng được nhiều người sử dụng dựa trên độ an toàn và hiệu quả mà liệu pháp mang lại.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình