Hotline 24/7
08983-08983

Hội chứng Cushing do thuốc được điều trị như thế nào?

Hội chứng Cushing là một bệnh nội tiết do rối loạn sản xuất hormon vỏ thượng thận. Nguyên nhân thường gặp nhất trong lâm sàng nội khoa là hội chứng Cushing do thuốc. Các nguyên nhân khác là do rối loạn chức năng vùng dưới, tuyến yên, bệnh lý tuyến thượng thận hoặc do sự tiết ACTH lạc chỗ.

1. Phân biệt hội chứng Cushing do thuốc và tự phát

Hội chứng Cushing do thuốc hay hội chứng Cushing ngoại sinh xảy ra ở những bệnh nhân lạm dụng corticoid trong một khoảng thời gian dài với liều lượng cao. Hội chứng Cushing tự phát hay do thuốc đều do cơ thể dư thừa hormone cortisol.

Cortisol là một loại hormone được tiết ra bởi tuyến thượng thận. Chức năng chính của nó là kích thích tế bào sản xuất glucose từ protein và acid béo. Cortisol cũng giúp kiểm soát huyết áp của cơ thể và giúp cơ thể chống lại căng thẳng cũng như giảm phản ứng viêm.

Corticoid được chỉ định cho các bệnh lý như: hen suyễn, viêm khớp dạng thấp, viêm da, lupus, dị ứng,… Nhóm thuốc này ngoài đường uống hay tiêm tĩnh mạch còn có dạng tiêm trực tiếp vào khớp đau, kem bôi ngoài da, dạng hít và nhỏ mắt.

Tác dụng phụ nặng nề nhất của corticoid là hội chứng Cushing ngoại sinh. Ngoài ra khi sử dụng nhóm thuốc này lâu dài người bệnh có thể bị ảnh hưởng đến xương khớp, huyết áp, đường huyết, trầm cảm,… Vì tác dụng không mong muốn của corticoid rất nặng nề nên trước khi chỉ định cho bệnh nhân bác sĩ sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, kèm theo tính toán liều lượng thấp nhất có thể đạt được kết quả. Khi mắc bệnh, phần lớn mọi người đều thắc mắc về cách điều trị hội chứng Cushing do thuốc như thế nào.

Xem thêm: Chẩn đoán và điều trị hội chứng Cushing

2. Chẩn đoán hội chứng Cushing do thuốc

Bác sĩ sẽ thăm khám sơ bộ và hỏi về các triệu chứng cùng với tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân. Người bệnh cần chia sẻ các loại thuốc đã và đang sử dụng kể cả thuốc dạng hít và dạng bôi tại chỗ. Trường hợp bệnh nhân sử dụng nhóm thuốc corticoid, các kết quả xét nghiệm sau có thể gợi ý hội chứng Cushing ngoại sinh:

- Mức ACTH thấp bất thường.

- Mức cortisol cao trong máu (mẫu thử 24 giờ), nước tiểu (mẫu lấy ban đêm).

- Đường huyết đói cao hơn bình thường.

- Mật độ xương thấp.

- Cholesterol cao nhưng HDL thấp.

- Nồng độ cortisol cao khi test DST qua đêm.

Ban đầu bác sĩ sẽ kiểm tra tiền sử bệnh cũng như các loại thuốc bệnh nhân đang và đã dùng. Từ đó các loại thuốc này sẽ được phân loại và tư vấn sử dụng hợp lý, đặc biệt là nhóm thuốc corticoid.

3. Lâm sàng và cận lâm sàng trong hội chứng Cushing

a. Lâm sàng

- Thay đổi hình thể và béo là triệu chứng thường gặp nhất. Nguyên nhân do sự tăng lắng đọng mỡ. Phân bố tổ chức mỡ cũng thay đổi với sự tăng mỡ ở màng bụng (béo trung tâm/béo thân), trung thất, dưới da mặt (mặt tròn như mặt trăng), trên xương đòn (dấu hiệu cổ áo), hố thái dương, cổ, gáy (cổ trâu).

 - Thay đổi ở da: thường gặp đỏ da và da mỏng. Nguyên nhân do teo lớp thượng bì và tổ chức dưới da, kết hợp giãn mạch dưới da. Những vết rạn da màu đỏ tím, rộng từ 0,5 - 2 cm, sờ có cảm giác lõm so với mặt da bình thường, vị trí thường ở bụng, mông, đùi, nếp lằn vú, nách, khoeo, trường hợp nặng có thể rạn da toàn thân.

- Rậm lông và nhiều mụn trứng cá do tăng tiết androgen. Triệu chứng này xuất hiện chủ yếu ở nữ. Lông tơ mọc nhiều ở mặt, cũng có thể ở bụng, ngực, vú, đùi, tóc cũng rậm hơn.

- Tăng huyết áp cả tối đa và tối thiểu.

- Rối loạn sinh dục do tăng androgen ở nữ và tăng cortisol ở nam. Phụ nữ còn hoạt động sinh dục bị mất kinh hoặc bị rối loạn kinh nguyệt, vô sinh. Âm vật to hiếm gặp, nam giới thường giảm khả năng tình dục.

- Rối loạn thần kinh tâm lý: hầu hết người bệnh đều có dễ xúc động, thay đổi cảm xúc, chán nản, mất ngủ, lo lắng, giảm trí nhớ và sự tập trung.

- Yếu cơ teo cơ gốc chi nhưng cơ lực ngọn chi vẫn bình thường. Nguyên nhân là do tăng quá trình dị hoá, giảm quá trình tổng hợp protein và hạ kali máu.

- Loãng xương cũng hay gặp. Người bệnh thường bị đau xương như cột sống, xương dài. Có thể gãy xương bệnh lý ở cột sống, xương sườn, xương bàn chân.

- Sỏi đường tiết niệu do tăng thải calci qua đường tiểu. Đôi khi có cơn đau quặng thận điển hình. Đái tháo đường cũng có thể xảy ra.

b. Cận lâm sàng

Các xét nghiệm đặc hiệu: Định lượng cortisol máu 8 giờ và 20 giờ: bình thường cortisol máu 8 giờ: 120 - 620 nmol/L; 20 giờ: 90 - 460 nmol/L.

- Xét nghiệm chẩn đoán xác định cường tiết cortisol:

+ Lấy nước tiểu 24 giờ, định lượng cortisol tự do và creatinine: cortisol tự do > 100 µg/dL hoặc > 95 mg/mg creatinin.

+ Cho uống 1mg dexamethason lúc 11 giờ trưa và lấy máu định lượng cortisol vào lúc 8 giờ sáng hôm sau: chẩn đoán khi cortisol huyết > 5 µg/dL.

Định lượng cortisol máu 8 giờ và 20 giờ: cortisol tăng và rối loạn nhịp tiết. Trong hội chứng Cushing có sự tăng tiết cortisol cả sáng lẫn chiều dẫn tới mất nhịp ngày đêm.

- Định lượng cortisol tự do trong nước tiểu 24 giờ (bình thường: 50 - 250 nmol trong 24 giờ).

- Định lượng 17-OHCS trong nước tiểu 24 giờ (bình thường: 5,5 - 28 nmol trong 24 giờ).

- Định lượng cetosteroid trong nước tiểu 24 giờ: Bình thường: Nữ: 14 - 52 nmol/24h ; Nam: 22 - 28 nmol/24h.

Xem thêm: U tuyến yên là gì, triệu chứng ra sao?

4. Tư vấn điều trị hội chứng Cushing do thuốc

Điều trị hội chứng Cushing do thuốc cần giảm bớt và ngưng dùng bất kỳ một loại thuốc thuộc nhóm corticoid nào. Tùy trường hợp cụ thể để việc giảm liều hay ngưng thuốc hoàn toàn được chỉ định cho bệnh nhân. Tuy nhiên các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo bệnh nhân nên giảm liều từ từ cho đến khi ngưng. Lý do là vì ngừng đột ngột corticoid dễ dẫn đến tình trạng khủng hoảng tuyến thượng thận.

Bệnh nhân không thể ngưng thuốc vì bệnh (ví dụ: hen suyễn nặng) sẽ được bác sĩ tính toán lại liều lượng. Tuy nhiên bệnh nhân cần tuân theo các ướng dẫn khác để giảm khả năng phát triển các biến chứng bao gồm:

- Sử dụng thuốc điều trị  tăng đường huyết.

- Sử dụng thuốc điều trị tăng cholesterol.

- Sử dụng thuốc xương khớp giúp giảm nguy cơ gãy xương, phòng ngừa loãng xương.

Ngoài các biện pháp trên, thay đổi lối sống lành mạnh cùng với thay đổi thói quen ăn uống khoa học kèm theo góp phần giảm nguy cơ gặp biến chứng đồng thời cải thiện được tình trạng thừa cân của bệnh nhân. Một số người bệnh gặp các vấn đề tâm lý cần được điều trị với bác sĩ chuyên khoa song song với điều trị bệnh.

5. Phương pháp phòng ngừa

Để phòng ngừa hội chứng Cushing do thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ nguyên tắc sử dụng corticoid như:

- Cân nhắc lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng.

- Sử dụng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất (kể cả dạng bôi tại chỗ).

- Ưu tiên các dạng corticoid có tác dụng ngắn.

- Giảm liều từ từ.

- Súc miệng và cổ họng sau khi sử dụng corticoid dạng hít.

- Hiểu biết về các triệu chứng của hội chứng Cushing.

Các biến chứng ảnh của bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh bao gồm: Hệ thống miễn dịch suy giảm, có thể bị nhiễm trùng thường xuyên; biến chứng ở mắt, thận, thần kinh do lượng đường trong máu cao mà không được tiếp cận y tế; tăng nguy cơ bệnh tim; nguy cơ té ngã, gãy xương cao.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X