Uống thuốc Tây nên tránh các loại nước nào, có nên bẻ hay nghiền viên thuốc?
Có nên uống thuốc cùng với nước ép hoa quả, sữa, nước ngọt? Bẻ hay nghiền nhỏ viên thuốc, nên hay không?... Dược sĩ Lư Cẩm Sinh đã giải đáp các thắc mắc này cũng như lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc người bệnh cần lưu ý.
1. Dùng đơn thuốc cũ gây hại sức khỏe thế nào?
Thưa DS, vì một số lý do nào đó mà bệnh nhân không tái khám theo chỉ định để có thể điều chỉnh thuốc, mà họ tiếp tục sử dụng đơn thuốc cũ. Xin hỏi DS, trường hợp này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người bệnh ạ?
Dược sĩ Lư Cẩm Sinh trả lời: Mua đơn thuốc cũ là thói quen muôn thuở của người dân đất nước chúng ta. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn không nên. Đặc biệt là đối với một số bệnh như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường,…
Đối với những bệnh đặc trị, đầu tiên bác sĩ sẽ cho một liều để căn cứ vào đó xác định tình trạng của bệnh nhân, từ đó điều chỉnh liều cho phù hợp. Đối với những trường hợp này, việc tái khám rất là quan trọng. Lúc đó bác sĩ có thể điều chỉnh một cách chính xác, kiểm tra khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân với từng tình trạng cụ thể.
2. Thuốc Tây có phải là thuốc kháng sinh không?
Thưa DS, nhiều người cho rằng “Thuốc Tây” là tên gọi khác của “Kháng sinh”, điều này có đúng không ạ?
Dược sĩ Lư Cẩm Sinh trả lời: Thuốc là một chất hay hỗn hợp các chất được dùng với mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, điều trị chức năng sinh lý hoặc chẩn đoán bệnh. Thường chúng ta sử dụng từ thuốc Tây để phân biệt với thuốc Đông y hoặc thuốc có nguồn gốc từ dược liệu. Vì vậy, thuốc Tây một định nghĩa bao gồm nhiều nhóm thuốc khác nhau chứ không đơn thuần là kháng sinh.
3. Lạm dụng thuốc Tây gây ra hậu quả gì?
Thông thường, khi gặp các vấn đề sức khỏe như cảm, ho, sốt, sổ mũi… thì thói quen của nhiều người là đến các nhà thuốc để mua thuốc. Rồi còn có nhiều người muốn nhanh dứt bệnh thì yêu cầu các DS kê thuốc “nặng đô” hơn. Xin hỏi DS nếu chúng ta lạm dụng thuốc Tây nhiều như vậy thì điều gì sẽ xảy ra ạ?
Dược sĩ Lư Cẩm Sinh trả lời: Người bệnh tự ý yêu cầu dược sĩ bán những thuốc “nặng đô” có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Một số thuốc phổ biến điều trị các bệnh về cảm với triệu chứng đau, sốt như Paracetamol: Khi sử dụng quá 8 viên trong một ngày có thể gây tác dụng không mong muốn là độc tính trên gan.
- Thuốc kháng viêm, giảm đau nhóm NSAID: Khi chúng ta sử dụng trong một thời gian dài có thể gây các biến chứng về viêm loét dạ dày.
- Sử dụng thuốc không theo chỉ định của chuyên viên y tế hoặc tự cầm đơn thuốc cũ ra nhà thuốc mua: Có thể dẫn đến lạm dụng thuốc, từ đó gây ra các tác dụng không mong muốn trên người bệnh.
4. Có nên uống thuốc cùng với nước ép hoa quả, sữa, nước ngọt?
Thuốc thì đa số đều rất đắng, một số người sợ đắng nên uống cùng với nước ép hoa quả, sữa, nước ngọt… điều này theo DS có nên không ạ?
Dược sĩ Lư Cẩm Sinh trả lời: Sử dụng thuốc chung với các loại thức uống đặc biệt như: trà, cafe, các loại nước ép,… tác dụng có thể xảy ra là:
- Trà, cafe: Khi tương tác với thuốc sẽ làm giảm sự hấp thu, từ đó làm giảm hiệu quả của thuốc.
- Các loại nước ép, đặc biệt nước ép bưởi chùm: Đã có nhiều nghiên cứu nêu ra việc tương tác giữa các loại nước này với các loại thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như tính an toàn của việc điều trị.
Vì vậy, tốt nhất trong quá trình sử dụng thuốc chúng ta nên sử dụng với nước lọc/ nước suối. Tuy nhiên, chúng ta có thể yêu cầu chuyên viên y tế kê đơn những loại thuốc được sử dụng công nghệ che đi vị đắng. Hoặc các dạng bào chế đặc biệt như dạng viên sủi đã được đã thêm vào đó một loại đường để cải thiện vị đắng của thuốc.
5. Có nên bẻ đôi hay nghiền nhỏ viên thuốc?
Một câu hỏi mà nhiều người quan tâm, đó là đối với thuốc viên thì có nên bẻ đôi hay nghiền nhỏ thuốc ra không ạ?
Dược sĩ Lư Cẩm Sinh trả lời: Đối với những dạng thuốc thông thường thì việc chúng ta bẻ hay nghiền sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến tác dụng cũng như độ an toàn khi sử dụng.
Tuy nhiên đối với một số dạng bào chế đặc biệt như các dạng bao phim tan trong ruột, dạng phóng thích kéo dài để giảm thiểu tác dụng phụ cũng như giảm tần suất sử dụng thuốc của bệnh nhân, việc chúng ta bẻ đôi hay nghiền nán sẽ vô tình làm mất đi khả năng đó của thuốc.
Vì vậy, chúng ta cần tham khảo thật kỹ ý kiến của chuyên viên y tế trước khi chúng ta bẻ đôi hay nghiền nán một loại thuốc nào đó.
6. Những sai lầm nên tránh khi sử dụng thuốc?
Đâu là những sai lầm khi dùng thuốc mà chúng ta nên tránh, thưa DS?
Dược sĩ Lư Cẩm Sinh trả lời: Những sai lầm khi dùng thuốc chúng ta nên tránh:
- Đầu tiên là lạm dụng thuốc một cách bừa bãi.
- Mua thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như tính năng điều trị.
- Sử dụng thuốc không đúng liệu pháp điều trị, không đúng thời điểm.
- Sử dụng thuốc chung với các thực phẩm mà không rõ tương tác.
Chúng ta cần hiểu rõ về thuốc, hiểu rõ về quá trình sử dụng cũng như tác dụng và độ an toàn của thuốc trước khi dùng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình