Hotline 24/7
08983-08983

Uống “nước vui”, cô gái 23 tuổi ở TPHCM suy hô hấp nặng

Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận 2 trường hợp liên tiếp nhập viện do ngộ độc chất kích thích. Trong đó, trường hợp nặng nhất là nữ sinh 23 tuổi, bị suy hô hấp nặng phải đặt nội khí quản.

Chiều 28/2, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, tối qua (27/2) tại đây đã tiếp nhận 2 trường hợp biến chứng nặng sau khi sử dụng các chất kích thích.

Trường hợp thứ nhất là nữ sinh N.Y. 23 tuổi (ngụ quận Tân Phú, TPHCM), đi dự tiệc sinh nhật bạn và được rủ uống một loại nước có tên gọi là “nước vui”.

Sau 2 giờ sử dụng, bệnh nhân nôn ói, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp. Qua xét nghiệm phát hiện thành phần Methamphetamin, Amphetamin và Ketamin. Xử trí ban đầu, nữ sinh được đặt nội khí quản, thở máy và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.

Sau 24 giờ điều trị, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, tình trạng ổn định. Được biết, bạn bè cùng sử dụng “nước vui” với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.

Nữ bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản và đang tiếp tục theo dõi

Trường hợp thứ hai là ông P.H.D. (50 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM), sau khi đi nhậu với bạn tiếp tục đi “tăng 2” và bị ép uống thuốc lắc. Sau khi sử dụng xong, bệnh nhân lừ đừ nên được người nhà đưa vào viện cấp cứu.

Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc chất Amphetamin và nhanh chóng được điều trị tích cực, bù nước, thở oxy. May mắn do đến bệnh viện giai đoạn đầu nên sáng 28/2, nam bệnh nhân đã được xuất viện.

ThS.BS.CK2 Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ, nếu bệnh nhân sử dụng chất gây nghiện loại viên và đến sớm có thể rửa dạ dày, cho bệnh nhân uống than hoạt để ngăn ngừa sự hấp thu chất gây độc vào trong cơ thể, đồng thời dùng thuốc lợi niệu để tăng đào thải.

ThS.BS.CK2 Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất đang thăm khám cho nữ bệnh nhân 23 tuổi

Theo thống kê, mỗi năm Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận trung bình 5 - 7 ca cấp cứu do sử dụng các chất kích thích như ma túy, thuốc lắc. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên đơn vị tiếp nhận trường hợp uống “nước vui”. Đây cũng là một dạng chất gây nghiện nhưng cách pha chế khác nhau.

Ngộ độc chất gây nghiện có 3 giai đoạn: nhẹ, trung bình và nặng. Nếu mức độ nhẹ người sử dụng sẽ có cảm giác hưng phấn, vui sướng, cười, thoải mái. Đến giai đoạn trung bình bệnh nhân sẽ thay đổi trạng thái như kích động hơn, khó kiểm soát hành vi, ức chế hô hấp, ảnh hưởng đến thần kinh. Ở giai đoạn nặng, có thể suy đa cơ quan. Vì chất kích thích có tính chất làm co mạch máu, dễ bị đột quỵ não cũng như nhồi máu cơ tim gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị nghiện, tái sử dụng các chất trên và tiếp tục đối diện việc nguy hiểm sức khỏe.

BS Hoàng Ngọc Ánh khuyến cáo, trong các trường hợp vui chơi, đến những bữa tiệc không nên để bạn bè lôi kéo sử dụng chất kích thích. Càng lớn tuổi, sử dụng chất gây nghiện càng nguy hiểm, người có bệnh lý nền sẽ dễ xảy ra biến chứng do thuốc kích thích hơn. Vì có cơ chế gây co mạch nên nếu bệnh nhân có bệnh nền cao huyết áp sẽ dễ dẫn đến đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim. 

Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân không thử, không sử dụng các chất kích thích. Nếu đã sử dụng, nên đến bệnh viện sớm để được xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X