Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư vú giai đoạn sớm: Nên điều trị phẫu thuật hay hóa trị trước rồi phẫu thuật?

Quan điểm phẫu thuật hay hóa trị trước trong điều trị ung thư vú giai đoạn sớm đã thay đổi trong nhiều năm gần đây. Trong khi trước đây phẫu thuật luôn được ưu tiên trước hóa trị, thì hiện nay đã có những trường hợp cần được hóa trị trước khi phẫu thuật, điều này dựa trên từng đặc điểm của bệnh nhân ung thư vú.

Sáng 23/5/2023, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM tổ chức hoạt động Câu lạc bộ trò chuyện cùng bác sĩ Chuyên khoa Ung bướu. Chương trình kỳ này có chủ đề “Ung thư vú giai đoạn sớm: Nên phẫu thuật sớm hay điều trị nội khoa. Những lưu ý và theo dõi trong và sau hóa trị”.

Chẩn đoán ung thư vú, làm sao để không bỏ sót bệnh?

Chương trình được bắt đầu với phần trình bày của TS.BS.CK2 Trần Việt Thế Phương - Phó Trưởng khoa Ngoại Tuyến vú về vấn đề “Ung thư vú giai đoạn sớm: Nên phẫu thuật sớm hay điều trị nội khoa?”.

Chuyên gia cho biết, biểu hiện của ung thư vú có thể là khối bướu nằm trong vú sờ thấy khi tắm hoặc khi siêu âm, hay nếu phát hiện có tiết dịch núm vú, cảm giác đau ở vú, hay khám định kỳ phát hiện vú có tổn thương thì cần phải khai thác thêm, thông qua chụp nhũ ảnh.

Chẩn đoán bệnh lý tuyến vú hoặc khối u ở vú gồm nhiều bước kết hợp: khám bệnh; hình ảnh nhũ ảnh, siêm âm hoặc MRI. Tuy nhiên, đối với MRI, người bệnh phải nằm trong máy 45 phút, đôi khi gây cảm giác khó chịu cho những người sợ không gian hẹp. Một số trường hợp phải lấy tế bào hoặc một ít thịt để làm xét nghiệm.

TS Thế Phương nhấn mạnh, nếu chỉ khám sẽ không đủ để chẩn đoán. Trong đa số trường hợp, khám bằng tay chỉ chính xác 70-80%, một số ít sẽ không kiểm tra hết được do bướu còn nhỏ… Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm siêu âm, một số trường hợp sẽ thực hiện chụp nhũ ảnh. Phương pháp nhũ ảnh có thể gây khó chịu hoặc đau cho bệnh nhân, tuy nhiên đây là phương pháp hữu hiệu để chẩn đoán bệnh lý tuyến vú, trong đó có ung thư vú.

Nếu phát hiện tổn thương khác bác sĩ sẽ cho làm thêm FNA (lấy tế bào), bằng cách sử dụng dụng cụ nhỏ bằng đầu kim tiêm lấy tế bào, kết quả rất nhanh (trong ngày) và độ chính xác cao (hơn 90%). Trong nhiều trường hợp tế bào này chưa đủ để chẩn đoán sẽ phải áp dụng sinh thiết lõi kim (sử dụng kim lớn hơn, phải tiêm thuốc tê), thời gian từ 3 - 7 ngày mới có kết quả, tuy nhiên ưu điểm là độ chính xác rất cao, hơn phương pháp FNA.

TS.BS.CK2 Trần Việt Thế Phương cho biết, không phải nơi xét nghiệm nào cũng cho kết quả giống nhau, mà phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và cơ sở vật chất.

Ung thư vú, khi nào hóa trị, xạ trị, phẫu thuật - khi nào điều trị nội tiết, liệu pháp nhắm trúng đích?

Trong bài báo cáo, chuyên gia còn nhấn mạnh thông tin, ung thư vú là căn bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Điều trị ung thư vú cần phối hợp nhiều phương pháp. Đối với phẫu thuật, ung thư vú ngày nay không nhất thiết phải cắt bỏ vú. Nếu một số lý do không thể bảo tồn nhưng vẫn muốn thẩm mỹ có thể tái tạo bằng túi hoặc dùng thịt ở lưng hay mỡ bụng để chuyển lên phần ngực.

Bên cạnh đó, phương pháp hóa trị, dùng thuốc truyền tĩnh mạch 3 tuần/lần và chu kỳ sẽ do bác sĩ quyết định. Hóa trị sẽ gây rụng tóc, nôn mửa, tiêu chảy, suy nhược cơ thể. Khi sử dụng để giết tế bào ung thư sẽ ảnh hưởng đến tế bào bình thường, vì vậy bác sĩ phải điều chỉnh để tổn thương chết nhưng không ảnh hưởng cơ thể. Ngoài ra, đối với phương pháp xạ trị không gây mệt quá nhiều cho bệnh nhân nhưng phải đến bệnh viện mỗi ngày.

Nếu trong tế bào bướu các thụ thể estrogen (ER dương tính) hay thụ thể progesteron (PR dương tính) sẽ điều trị nội tiết bằng thuốc Tamoxifen hoặc một số trường hợp phải cắt buồng trứng vì ung thư có liên quan đến nội tiết tố nữ do buồng trứng tiết ra. Đối với liệu pháp nhắm trúng đích khi HER2 dương tính, phương pháp này sẽ tăng khả năng hết bệnh nhưng chi phí điều trị cao.

Việc chọn lựa phẫu thuật hay hóa trị trước sẽ tùy vào từng trường hợp. Trước đây ung thư vú giai đoạn 1, giai đoạn 2 sẽ mổ trước sau đó mới hóa trị. Tuy nhiên 5 - 7 năm gần đây quan điểm này đã thay đổi vì có rất nhiều trường hợp cần hóa trị trước như: bướu lớn không thuận lợi để mổ; bướu lớn không thuận lợi để bảo tồn; các loại ung thư vú nhạy với hóa trị hoặc khi hạch di căn sẽ áp dụng hóa trị để tránh nạo hạch.

Bệnh nhân ung thư vú vẫn có thể sử dụng đậu nành và thịt đỏ, nhưng cần trong giới hạn

Tiếp nối chương trình là phần giao lưu của TS.BS.CK2 Trần Việt Thế Phương - Phó Trưởng khoa Ngoại Tuyến vú; BS.CK2 Hồ Văn Trung - Trưởng khoa Xạ trị Tổng quát; BS.CK2 Võ Ngọc Huân - Phó Trưởng khoa Nội Tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu; BS.CK2 Nguyễn Thanh Thủy Trang - Bác sĩ Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế cùng các bệnh nhân để giải đáp các thắc mắc về căn bệnh này cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân.

Với câu hỏi “bệnh nhân ung thư vú nên ăn gì và kiêng gì?”, BS.CK2 Nguyễn Thanh Thủy Trang chia sẻ, trong vài thập kỷ gần đây, đã có những nghiên cứu cho thấy đậu nành có khả năng bảo vệ bệnh nhân ung thư vú, tuy nhiên chỉ có hiệu quả trên bệnh nhân châu Á. Đối với người có nội tiết âm tính (không liên quan đến nội tiết) có thể sử dụng đậu nành nhiều hơn, người có nội tiết dương tính không nên kiêng hoàn toàn mà có thể sử dụng 2 - 3 lần/tuần, mỗi lần một ly sữa đậu nành đậm đặc khoảng 150 - 200ml hoặc 2 - 3 thìa đậu hũ/tuần. Ngoài ra, đậu nành có thể giúp chống loãng xương cho phụ nữ sau mãn kinh.

Đối với thịt đỏ chưa chế biến có 6% nguy cơ gây ra ung thư. Với tất cả các loại thịt khác đã chế biến như chả, xúc xích, đồ hộp khả năng gây ung thư đến 9%. Tuy nhiên trong quá trình điều trị nếu thiếu máu sẽ giảm tác dụng xạ trị, hóa trị, vì vậy người bệnh được phép ăn thịt đỏ với số lượng cho phép.

- Khi chưa điều trị ung thư nên ăn dưới 300g thịt đỏ/tuần (thịt heo, dê, cừu, bò,…) sẽ hạn chế diễn tiến ung thư.

- Nếu đang điều trị ung thư có thể ăn từ 300 - 500g/tuần.

- Sau điều trị ung thư nên quay về phòng ngừa bệnh ăn dưới 300g/tuần (nếu không có tác dụng phụ).

Chuyên gia lưu ý, có rất nhiều thực phẩm có thể bổ máu, không chỉ thịt đỏ. Ví dụ như huyết, sò huyết, gan, sữa, đậu hạt, rau xanh, nước cam, ớt chuông,… cơ thể cần có vitamin C, axit folic, magie. Song song đó, phải ăn thịt để bổ máu nếu chỉ uống thuốc bổ sung chất sắt sẽ không hiệu quả cho bệnh nhân thiếu máu.

Chương trình Câu lạc bộ bệnh nhân tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM được tổ chức định kỳ 1 - 2 lần/tháng nhằm cung cấp thông tin đúng về bệnh ung thư; đồng thời là nơi giao lưu, trao đổi, giải đáp các thắc mắc trong quá trình điều trị bệnh ung thư.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X