Ung thư vòm họng có lây nhiễm không?
Ung thư vòm họng có lây nhiễm không là lo lắng của nhiều người khi tỷ lệ mắc bệnh ung thư này ngày càng gia tăng.
Ung thư vòm họng là bệnh ung thư phổ biến thuộc vùng đầu cổ
Ung thư vòm họng có lây nhiễm không?
Trả lời: Rất nhiều người do chưa hiểu rõ về ung thư vòm họng có lây nhiễm không mà có thái độ xa lánh với những bệnh nhân ung thư. Phải khẳng định răng, bệnh ung thư vòm họng không phải bệnh truyền nhiễm và KHÔNG lây trực tiếp từ người sang người.
Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh có thể lây nhiễm.
Thứ nhất, những thành viên trong gia đình thường bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn đồ chứa nhiều muối, thực phẩm lên men… giống nhau nên dễ mắc bệnh giống nhau.
Thứ hai, ngoài vi rút EBV (Epstein Barr Virus), thì HPV – đặc biệt là tuýp HPV 16 và HPV 18 cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, dù nguy cơ này thấp hơn. Đây là chủng vi rút lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, kể cả quan hệ tình dục bằng miệng. Như vậy có thể nói rằng, bệnh ung thư vòm họng không có con đường nào lây truyền trực tiếp mà chỉ có thể gián tiếp thông qua sự lẫy nhiễm của virus HPV.
Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính nguy hiểm thường gặp nhất thuộc vùng đầu cổ khởi phát từ sự phát triển bất thường của những tế bào ác tính tại vòm họng. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, các tế bào ác tính sẽ lây lan ra các hạch bạch huyết, các cơ quan lân cận và các bộ phận ở xa.
Tìm hiểu chung 11 thông tin cần biết về bệnh ung thư vòm họng:
1. Ung thư vòm họng là gì?
Vòm họng là phần cao nhất của họng. Ung thư vòm họng (K vòm) là những ung thư xuất phát từ biểu mô vùng vòm họng.
2. Vì sao bị mắc ung thư vòm?
Nguyên nhân chính xác gây ung thư vòm chưa được sáng tỏ.
Các nguy cơ khác gây bệnh cũng chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng hay gặp trên người châu Á, tiền sử uống nhiều rượu, hút thuốc. Chế độ ăn nhiều cá muối và thức ăn lên men (dưa, các loại củ) được xem là những yếu tố nguy cơ gây bệnh.
3. Ung thư vòm họng hay xảy ra với người Việt Nam như thế nào?
Ung thư vòm họng thường gặp nhất trong các ung thư đầu cổ và là một trong 10 ung thư phổ biến tại Việt Nam. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở nam giới, tuổi từ 40 – 60.
Tại Việt Nam, bệnh phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Với đà tăng như hiện tại, ước tính năm 2020 sẽ có khoảng gần 10 nghìn nam giới mắc ung thư vòm họng, gần gấp 2 lần so với 10 năm trước đó.
4. Phòng tránh ung thư vòm họng bằng cách nào?
Bệnh ung thư vòm họng ở người không có yếu tố nguy cơ rõ ràng, do đó chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu. Vì vậy, mỗi người nên biết được một số biện pháp để phòng bệnh nguy hiểm này.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất và đặc biệt là ăn nhiều trái cây và rau củ tươi.
- Bỏ thói quen ăn uống đồ ăn quá nóng, ăn các loại đồ chiên nướng nhiều dầu mỡ, đồ ăn chứa nhiều muối.
- Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, có chế độ làm việc, sinh hoạt lành mạnh, khoa học.
- Không hút thuốc lá, rượu bia và sử dụng các chất kích thích
- Điều trị dứt điểm các bệnh tai mũi họng mạn tính
- Quan hệ tình dục an toàn…
5. Cách phát hiện sớm ung thư vòm
Mặc dù rất khó khăn, tuy nhiên, có thể dựa vào các triệu chứng bất thường về TMH. Điều trị thông thường không khỏi. Và điều quan trọng là cảnh giác, nghĩ đến bệnh để đi khám đúng chuyên khoa (TMH hoặc ung bướu).
Đi khám bác sĩ chuyên khoa nếu thấy các triệu chứng của ung thư vòm họng.
6. Làm thế nào để biết chắc bị mắc bệnh ung thư vòm?
Bệnh có thể gây ra một hoặc nhiều triệu chứng. Bạn nên đi khám nếu có thấy một/nhiều triệu chứng sau:
Cảm thấy có khối bất thường vùng cổ hay họng; Đau họng; Khó thở hoặc nói; Chảy máu cam; Ngạt tắc mũi; Khó nghe; Đau hoặc ù tai; Đau nửa đầu.
Các thầy thuốc sẽ kiểm tra tai mũi họng. Khi phát hiện có u vòm sẽ lấy sinh thiết làm chẩn đoán xác định.
7. Người mắc ung thư vòm họng được điều trị như thế nào?
Xạ trị là phương thức điều trị chủ yếu cho bệnh khi ở giai đoạn tại chỗ tại vùng. Khi toàn trạng chung của người bệnh tốt và trong các cơ sở y tế có nhiều kinh nghiệm, người bệnh có thể được cân nhắc xạ trị phối hợp với hóa trị. Hóa trị kết hợp có thể làm tăng hiệu quả của điều trị chính nhưng làm kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí và chịu thêm những ảnh hưởng không mong muốn của điều trị.
Khi bệnh đã có di căn xa, điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng sống.
Hình ảnh khối u vòm họng.
8. Người mắc ung thư vòm nên ăn uống như thế nào?
Nói chung, không có khuyến cáo chế độ ăn dành riêng cho người bệnh. Nên ăn lỏng, chế độ ăn đầy đủ, cân đối và vệ sinh miệng, họng tốt hằng ngày.
9. Sau điều trị, người bị ung thư vòm nên vận động và làm việc như thế nào?
Sau điều trị, người bệnh vẫn cần tự chăm sóc và hoạt động thể lực hợp lý để có được tình trạng sức khỏe chung tốt. Ngoài ra, nên vệ sinh miệng, họng; tập há miệng và xoa bóp vùng cổ hằng ngày để phòng, giảm các ảnh hưởng ngoại ý muộn do xạ trị. Không có một chỉ định riêng về vận động và làm việc cho người bệnh ung thư vòm họng.
10. Các giai đoạn phát triển bệnh ung thư vòm họng
Cũng giống như đa số căn bệnh ung thư, ung thư vòm họng cũng có thời gian ủ bệnh lâu sau đó mới xuất hiện các biểu hiện rõ rệt. Ung thư vòm họng phát triển qua 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Khối u bắt đầu hình thành, các tế bào ung thư phát triển và tấn công các tế bào khỏe mạnh. Do kích thước khối u rất nhỏ nên người bệnh chỉ có cảm giác đau nhẹ ở vùng họng.
Giai đoạn 2: Số lượng tế bào ung thư tăng nhanh khiến khối u tăng trưởng kích thước lên tới 5cm. Khối u lộ rõ trong họng hoặc dây thanh quản. Người bệnh bắt đầu gặp các triệu chứng cơ bản như đau rát liên tục, xuất hiện đờm trong cổ họng,…
Tại hai giai đoạn trên, nếu chưa xuất hiện hạch thì tỷ lệ điều trị khỏi rất cao. Người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường khỏe mạnh nếu duy trì chế độ chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Giai đoạn đầu khi mắc ung thư vòm họng có thể điều trị khỏi, kéo dài sự sống của người bệnh
Giai đoạn 3: Tế bào ung thư bắt đầu lan rộng sang các khu vực xung quanh làm kích thước khối khu tăng lên. Khối u chèn ép vào hạch bạch huyết khiến vùng cổ nổi hạch bất thường kèm theo triệu chứng sưng đau. Lúc này người bệnh bắt buộc phải điều trị bệnh bằng phương pháp xạ trị.
Giai đoạn 4: Người bệnh ung thư vòm họng sống được bao lâu khi bệnh ở giai đoạn 4 có lẽ là thắc mắc được nhiều người quan tâm nhất. Giai đoạn này cũng chính là ung thư giai đoạn cuối và có khả năng di căn tới các bộ phận khác.
11. Những người mắc ung thư vòm ở Việt Nam đã được cứu sống hoặc kéo dài cuộc sống như thế nào?
Theo dữ liệu của từ điển bách khoa điện tử (Wikipedia) tỉ lệ về sống thêm 5 năm của những người được chẩn đoán tại Mỹ hiện nay như sau:
Giai đoạn I: 98%; Giai đoạn II: 95%; Giai đoạn III: 86%; Giai đoạn IV: 73%.
Một số nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, kết quả điều trị ung thư vòm tại Việt Nam đã được cải thiện một cách đáng kể, tuy nhiên, còn thấp hơn của nước ngoài.
Trên đây là các thông tin bạn cần biết về ung thư vòm họng. Trả lời câu hỏi Ung thư vòm họng có lây không thì bạn hoàn toàn yên tâm là KHÔNG, nhưng hãy giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh nhé.
Tổng hợp
Theo Dự án Phòng chống bệnh ung thư
Chương trình Mục tiêu Quốc gia về y tế
Bệnh viện K – 43 Quán Sứ – Hoàn Kiếm – Hà Nội
Theo benhvienthucuc.com
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình