Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư tuyến giáp thùy phải có cần phẫu thuật không?

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi, Mẹ em 52 tuổi, đi khám ở Bệnh viện Ung Bướu có kết quả: Tuyến giáp: không to Thùy P: cực trên thuỳ có nhân đặc echo kém, bờ không đều, giới hạn rõ, kt 19x14mm, bên trong có vôi hoá, tăng sinh mạch máu nhẹ, xâm lần vỏ bao mặt trước. Mô giáp còn lại hai thuỳ có vài nhân đặc và nang, giới hạn rõ, kt3x8mm, không vôi hoá, không tăng sinh mạch máu. Tuyến mang tai, tuyến dưới hàm: bình thường, hạch cổ hai bên: không thấy hạch bệnh lý. Kết quả: Theo dõi K giáp thùy phải/phình giáp đa hạt hai thùy. Như vậy thì mẹ em có cần phải mổ không ạ?

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Ung thư tuyến giáp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ung thư tuyến giáp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Theo kết quả siêu âm như trên thì mức độ nghi ngờ ung thư giáp là khá cao, mẹ của bạn không những phải phẫu thuật mà cần khảo sát thêm hạch vùng để đánh giá giai đoạn, hoá xạ khi cần.

Ung thư tuyến giáp là loại ung thư có tiên lượng khá tốt nếu phát hiện và điều trị kịp thời, do đó bạn nên đưa mẹ quay lại Bệnh viện Ung Bướu để giải quyết càng sớm càng tốt bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Ung thư tuyến giáp xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp. Tuyến giáp nằm ở cổ, có vai trò tạo ra hormone kiểm soát sự trao đổi chất. Tế bào ở tuyến giáp được gọi là tế bào nang và tế bào cận nang.

Ung thư bắt nguồn từ tế bào nang gọi là ung thư thể nhú, ung thư nang và ung thư không biệt hóa. Ung thư thể nhú là loại thường gặp nhất, xuất hiện ở những người trẻ. Ung thư nang thường xuất hiện ở người già. Ung thư không biệt hóa là loại nguy hiểm nhất và khó điều trị.

Nếu ung thư bắt đầu từ tế bào cận nang thì gọi là ung thư mô tủy. Ung thư tủy thường xuất hiện dưới dạng ung thư độc lập hoặc trong gia đình, theo dạng di truyền.

Thông thường, ung thư tuyến giáp khi mới khởi phát sẽ không có dấu hiệu và triệu chứng nào. Nếu có, dấu hiệu đầu tiên xuất hiện khối u tuyến giáp. Khi ung thư phát triển, bệnh thường lây lan đến các bộ phận gần đó và khiến bệnh nhân bị khàn tiếng, khó nuốt, sưng tuyến bạch huyết và đau cổ.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Ung thư tuyến giáp gây ra bởi những thay đổi trong các tế bào trong tuyến giáp. Hiện nay chưa rõ lý do chính xác tại sao điều này xảy ra. Tất cả các loại ung thư bắt đầu với một sự thay đổi trong ADN của tế bào. Sự thay đổi trong ADN làm cho sự tái tạo các tế bào không kiểm soát được, tạo ra một sự tăng trưởng của mô gọi là bướu (khối u).

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với chất phóng xạ cũng là nguy cơ rủi ro dẫn đến bệnh ung thư này, đặc biệt là ở trẻ em được điều trị bằng liệu pháp xạ trị ở đầu, cổ hay ngực trong suốt khoảng thời gian còn là trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ. Bệnh ung thư tuyến giáp không truyền nhiễm.

Phương pháp chữa trị phụ thuộc vào sự phát triển của ung thư, bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

Phẫu thuật bao gồm cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp. Nếu toàn bộ tuyến giáp được cắt bỏ, bạn sẽ cần uống thuốc thay thế tuyến giáp suốt đời. Nếu chỉ cắt bỏ một phần, bạn cần uống hormone để ngăn chặn sự phát triển ung thư của mô giáp còn lại.

Sau khi phẫu thuật, bác sĩ có thể yêu cầu dùng i-ốt phóng xạ để điều trị sự lây lan của ung thư. Tuy nhiên, chất này có thể tiêu diệt các tế bào bình thường lẫn tế bào ung thư. Biến chứng của việc phẫu thuật bao gồm tổn thương ở dây thanh quản.

Bác sĩ có thể sẽ áp dụng phương pháp hóa trị nếu các phương pháp khác không hiệu quả.

Bạn nên nhớ rằng càng sớm phát hiện ung thư, càng có nhiều cơ hội chữa lành. Nếu bạn đã được chẩn đoán ung thư tuyến giáp, cần hạn chế sự lan rộng của khối ung thư để việc chữa trị dễ dàng hơn. Những thói quen sinh hoạt sau sẽ giúp hạn chế diễn tiến của ung thư tuyến giáp:

- Liên hệ với bác sĩ nếu bạn cảm thấy có bướu ở cổ hay khàn giọng
- Tìm một bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm trong việc phẫu thuật tuyến giáp
- Uống thuốc theo đơn kê của bác sĩ.

Trong trường hợp thuốc quá mạnh hoặc quá yếu đối với cơ thể, các triệu chứng sau có thể xảy ra:

- Liều thuốc quá mạnh: run tay, tiêu chảy, đổ mồ hôi hay hồi hộp
- Liều thuốc quá yếu: xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh, bị khàn giọng hoặc bị táo bón

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.



Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X