Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư phổi có lây không?

Trong chương trình, BS Điền giải đáp nhiều thắc mắc của người tham dự như: ung thư phổi có lây không, vì sao có bệnh nhưng xét nghiệm âm tính, người hút thuốc lá thụ động tầm soát thế nào?…

Sáng 11/11 tại UBND quận Bình Thạnh đã diễn ra buổi thứ hai của chương trình chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi. Tại buổi sinh hoạt này, ThS.BS.CK2 Nguyễn Quốc Điền, BV Ung Bướu TPHCM đã chia sẻ về những phương pháp tiến bộ trong phẫu thuật và xạ trị điều trị ung thư phổi.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Quốc Điền cho biết: Ung thư phổi được chia làm 4 giai đoạn: giai đoạn I, II, III, IV. Trong đó giai đoạn I, II, III có thể chữa trị, còn giai đoạn IV là giai đoạn muộn. Do đó, cần phát hiện sớm ung thư phổi để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Quốc Điền cho biết, hiện nay, y học đã vận dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào việc điều trị bệnh ung thư phổi

Để chẩn đoán bệnh ung thư phổi BS dựa vào các biểu hiện như: ho, ho ra máu, nhiễm trùng phổi tái diễn hoặc là đau ngực khan tiếng. Hoặc dựa vào các hội chứng như: hội chứng trung thất, hội chứng Pancoast (hội chứng bướu phổi thùy trên đau đám rối thần kinh cánh tay), hội chứng Horner (nhãn cầu thụt vào trong, sụp mi, đồng tử co nhỏ, khô mồ hôi nửa mặt cùng bên).

Hoặc dùng các trang thiết bị tiên tiến hỗ trợ như: chụp Xquang ngực, CT scan ngực, cộng hưởng từ (MRI), xạ hình xương, PET (Positron Emission Tomography), sinh thiết kim nhỏ qua da (FNAB), soi phế quản, soi trung thất, nội soi trung thất, soi màng phổi (VAT).

Các phương pháp điều trị ung thư phổi hiện nay bao gồm:

- Phẫu thuật: khi phát hiện ung thư phổi ở các giai đoạn sớm ta có thể tiến hành phẫu thuật cắt phân thùy phổi, cắt thùy phổi hoặc cắt một bên phổi. Khi cắt rộng bướu hay cắt phân thùy thì có tỉ lệ tái phát hơn 3-5 lần khi cắt thùy. Vì vậy lời khuyên của BS là nên cắt thùy phổi.

Khi phổi hoặc tim bị tràn dịch thì tiến hành phẫu thuật tạm bợ nhằm duy trì sự sống bằng cách dẫn lưu màng phổi hoặc dẫn lưu màng tim.

- Xạ trị: Dùng các bức xạ ion-hóa như tia X, tia gamma. Với các ưu điểm là điều trị triệt để là sự lựa chọn thay thế cho phẫu thuật đối với các bệnh nhân cao tuổi, sức yếu có các vấn đề về tim mạch… mà không tiến hành mổ được. Sử dụng điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật và có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng.

- Hóa trị: Sử dụng các loại thuốc đặc trị được điều chế từ hóa chất nhắm trúng đích có tác dụng hiệu quả nhưng có giá thành cao và ảnh hưởng đến toàn thân chứ không riêng tại khối u.

Phương pháp sinh học: là phương phát tiên tiến và hiệu quả nhất hiện nay. Có thể duy trì sự sống của bệnh nhân trong thời gian dài. Nhưng có giá thành cực kì cao. Vào khoảng 100 triệu cho 1 lần điều trị với mỗi 3 tuần liên tiếp cho đến khi gia đình bệnh nhân hết tiền.

Với các bệnh nhân thuộc giai đoạn không mổ được thì có nhiều lựa chọn để điều trị như: xạ trị đơn thuần, hóa trị đơn thuần, hóa trị dẫn đầu rồi xạ trị hoặc hóa xạ đồng thời. Với tiến bộ của kĩ thuật hiện nay chúng ta có thể sử dụng các trang thiết bị xạ trị và hóa trị một cách chuẩn xác, mang lại hiệu quả cao và để lại ít biến chứng.

Tiếp theo chương trình ThS.BS.CK2 Nguyễn Quốc Điền giải đáp một số câu hỏi thắc mắc của những người tham dự.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai quan tâm vấn đề tầm soát ung thư phổi cho người hút thuốc lá thụ động

“Thưa BS, người hút thuốc lá thụ động thì có thể tầm soát như thế nào để phát hiện ung thư sớm, để điều trị tốt và hiệu quả?” - bà Nguyễn Thị Ngọc Mai đặt câu hỏi.

Với thắc mắc này, ThS.BS.CK2 Nguyễn Quốc Điền cho rằng đỉnh cao của y học là phòng ngừa chứ không phải chữa bệnh. Khi đã mắc bệnh rồi, dù dùng phương tiện nào đi nữa thì khả năng chữa khỏi ung thư cũng là không hoàn toàn. Vì vậy tốt nhất đừng để bị bệnh bằng cách tránh xa khói thuốc lá.

Về việc tầm soát, BS Điền hướng dẫn: người nào có khả năng bị ung thư thì nên chụp Xquang phổi mỗi năm 1 lần, độ tuổi từ 35 trở lên hãy chụp hàng năm.

Nếu ho kéo dài, tái đi tái lại, đi BS hoài cũng không bớt thì nên chụp CT, soi phế quản để kiểm tra phát hiện ung thư phổi.

Ông Hồ Ngọc T. băn khoăn về những kết quả xét nghiệm âm tính giả

Ông Hồ Ngọc T. hỏi về bệnh tình của mình: “Tôi là bệnh nhân đang bị ung thư phổi và đã điều trị 50 ngày, làm sinh thiết 2 lần và 1 lần nội soi hô hấp đều có kết quả âm tính.

Sau đó có chương trình của Singapore hỗ trợ tôi tại một trung tâm y khoa rồi gửi sang BV tôi điều trị để xét nghiệm máu thì 2 lần âm tính và một lần dương tính với tế bào ung thư phổi. Và BS cho tôi uống thuốc đặc trị nhắm trúng đích. Xin BS giải thích giúp tôi với!”.

Với trường hợp này, ThS.BS.CK2 Nguyễn Quốc Điền trả lời: “Theo như trình bày của bác thì tôi nhận định khi BS điều trị xem kết quả Xquang của bác, BS thấy một cái u trong phổi nhưng chưa biết lành hay ác.

Bác đã được soi 3 lần nhưng không tìm ra kết quả là do khi lấy mẫu sinh thiết đã không bấm trúng cái bướu mà bấm vào chỗ bị viêm hoặc bị xơ. Do đó không xác định được tính chất lành hay ác chứ không phải là không có bệnh. Lúc này, bác đã bị u trong phổi.

Sau này bác mới xét nghiệm xem có đột biến gen hay không thì 2 lần âm tính và 1 lần dương tính, là bởi khi phân tích phần tử gen trong đó thì khả năng tìm được tế bào ung thư là 50%. Lần đầu máy đã không tìm được tế bào ung thư nhưng lần sau đã tìm được, chứng tỏ bác đã bị đột biến gen.

BS cho bác uống thuốc đặc trị nhắm trúng đích, tức là bác thuộc giai đoạn không mổ được, không xạ trị được. Vì vậy bác cần dùng thuốc nhắm trúng đích hoặc liệu pháp sinh học”.

Đông đảo khán giả dành buổi sáng cuối tuần để tham dự chương trình

Bà Mã Thị Ngọc Liên thì băn khoăn về khả năng lây lan của bệnh ung thư phổi. BS Điền khẳng định: tất cả các bệnh ung thư đều không lây. Một người chỉ bị ung thư khi có đột biến gen bởi chất độc từ môi trường, thức ăn hoặc do di truyền.

Kết thúc chương trình, ThS.BS.CK2 Nguyễn Quốc Điền khuyến cáo: Ung thư phổi là một bệnh nặng, thường được phát hiện khi đã tiến triển 80 - 85 % không còn mổ được, tiên lượng xấu. Do đó, mỗi người hãy bảo vệ bản thân và phòng tránh bệnh bằng cách bỏ thói quen hút thuốc lá, thiếp lập chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ nghỉ, làm việc, giải trí một cách hợp lý.

Các buổi tiếp theo của chương trình tư vấn và chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi:

Hội trường UBND quận Bình Thạnh (số 6 Phan Đăng Lưu) thứ 7 từ 8g30 đến 10g30.

Ngày 18/11: Những tiến bộ trong điều trị nội khoa ung thư phổi - BS Võ Thị Ngọc Điệp, BV Ung bướu TPHCM.

Ngày 25/11: Suy mòn và chế độ dinh dưỡng trong bệnh lý ung thư phổi - BS Trần Thị Anh Tường, Phó Khoa Dinh dưỡng, BV Ung bướu TP HCM.

Ngày 2/12: Các vấn đề về chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư phổi - BS Phan Đỗ Phương Thảo, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, BV Ung bướu TP HCM.

Hội trường UBND quận 10 (số 474 đường 3 tháng 2, P.14, quận 10) thứ 7 từ 8g30 đến 10g30.

Ngày 9/12: Phát hiện sớm và phòng ngừa ung thư phổi - TS Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, BV Chợ Rẫy.

Ngày 16/12: Các vấn đề về chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư phổi - BS Vương Thị Nguyên Thảo, Trưởng Khoa Điều trị giảm nhẹ, Trung tâm Ung bướu, BV Chợ Rẫy.

Ngày 23/12: Những tiến bộ trong điều trị nội khoa ung thư phổi - BS Vương Đình Thy Hảo, Trung tâm Ung Bướu, BV Chợ Rẫy.

Ngày 30/12: Những tiến bộ trong phẫu thuật và xạ trị điều trị ung thư phổi - BS Nguyễn Ngọc Bảo Hoàng, Trung tâm Ung Bướu, BV Chợ Rẫy.

Ngày 6/1: Suy mòn và chế độ dinh dưỡng trong bệnh lý ung thư phổi - TS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Chợ Rẫy.


Nguyễn Chúc
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X