Tuyên Quang: Cuộc gặp mặt của những tấm lòng sau cơn bão dữ Yagi
Khác với các lễ tuyên dương thường thấy, cuộc gặp mặt những tấm lòng hảo tâm, những tấm gương vì hoạt động nhân đạo năm 2024 của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang đầy ắp những câu chuyện cảm động…
Những mảnh tình đặc biệt với xứ Tuyên
Phần tọa đàm trong buổi tuyên dương các tấm lòng nhân đạo sáng 22/11 tại Trung tâm Hội nghị Royal Plaza Center để lại trong lòng mọi người rất nhiều cảm xúc.
Nhà báo Hồng Tâm - người sáng lập Kênh Tư vấn sức khỏe AloBacsi - vẫn nhớ như in lần đầu gặp ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh. “Ấn tượng đầu tiên là chúng tôi phải chờ anh Long rất lâu vì anh liên tục phải nghe điện thoại. Nguyên cả nửa buổi, anh không ăn hết tô mì bởi vừa định bưng tô lên ăn thì điện thoại lại reo.
Chúng tôi đã đi qua những tỉnh khác trong mưa bão, nhưng thấy rất rõ sự sâu sát, quyết liệt của cán bộ Tuyên Quang với người dân. Vì thế, sau 100 triệu trao lần đầu tiên, AloBacsi hứa sẽ đưa đoàn y bác sĩ ra khám cho bà con.
Và chỉ 10 ngày chuẩn bị, chúng tôi cùng đoàn 40 bác sĩ, dược sĩ cùng hơn 1 tỷ đồng tiền thuốc và nhiều quà tặng quay lại Tuyên Quang. Tất cả số tiền là do chính các bác sĩ - dược sĩ đóng, không kêu gọi bên ngoài”.
“Đi khám cho bà con nghèo thì các bác sĩ đã đi nhiều, nhưng giữa núi rừng nơi cơn bão vừa quét qua, nơi lũ dữ còn gieo đầy chứng tích trên từng ngọn cây, nơi nhiều căn nhà không còn cả cái móng, chúng tôi thấm thía hơn bao giờ hết hai tiếng thiêng liêng: “ĐỒNG BÀO” - Trưởng đoàn AloBacsi nhớ lại.
BS.CK2 Phạm Quốc Hùng - Trưởng phòng Công tác Xã hội BV Hùng Vương (TPHCM), người con của đất Tuyên Quang, rưng rưng kể cảm giác khi nghe tin mưa lũ tràn khắp miền Bắc, BS liên tục gọi cho anh Long để biết chính xác tình hình và chuẩn bị hàng cứu trợ ứng cứu.
Cái tình giữa hai đơn vị đã được kết chặt từ những ngày tháng TPHCM bị lockdown bởi đại dịch COVID-19. Lúc đó, chính Hội Chữ Thập Đỏ (CTĐ), Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã đứng ra nhận từng trái bầu, ký gạo, bó miến… tập hợp thành hàng trăm tấn hàng chi viện cho miền Nam.
Dù không có mặt tại buổi lễ, nhưng câu chuyện của O Thắm (Quảng Bình) vẫn được kể thật bùi ngùi. Ngay khi nước vừa rút, O Thắm gửi hai con, 1 cho nội, 1 cho ngoại, rồi đại diện người dân Lệ Thủy - Quảng Bình mang nhu yếu phẩm, trong đó đặc biệt là những nồi cá kho khô để bà con vùng lũ có thể ăn dần mà không sợ hỏng. O cùng cán bộ CTĐ Tuyên Quang đi tới tận từng thôn bản để chia sẻ chút tình đồng bào.
Khi vừa kết thúc hành trình, thì O nhận được tin quê nhà của mình lũ đang dâng lên cao, nhà cửa ngập hết. Và đó là lý do hôm nay O không ra để dự lễ gặp mặt được. Nhưng tình cảm, tấm lòng, câu chuyện “lá rách ít đùm lá rách nhiều” được truyền đi như một mạch nguồn tạo nên sức mạnh cho người Việt bước qua khó khăn, hoạn nạn…
Xây được hàng trăm căn nhà nhờ chiến dịch “vận động rỉ tai”
Ông Nguyễn Hoàng Long kể: Trong dịp Tết năm ngoái, khi đi thăm bà con các đồng bào dân tộc ở huyện Chiêm Hóa được biết hơn 100 hộ cần xóa nhà tạm, nhà dột nát. Cô Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương lắng nghe, im lặng ghi nhận và ngay Tết năm đó bà mời cơm các bạn bè thân hữu tại nhà. Ra về, cô chỉ nói nhỏ, như rỉ tai: “Giờ bà con đồng bào cần xây nhà, anh em ai có thể giúp thì cùng góp sức nhé. Làm được gì cho dân, ráng làm”.
Từ câu nói rỉ tai đó, không cần truyền thông, không cần đưa lên báo đài kêu gọi, Hội CTĐ Tuyên Quang đã nhận được nhiều tỷ đồng để xây nhà cho bà con.
Là một cựu lãnh đạo cấp cao, dù tuổi đã cao, cô Khiết vẫn luôn sát cánh cùng các hoạt động nhân đạo vì người nghèo. Chính bà là một tấm gương, một động lực để các cán bộ Hội CTĐ Tuyên Quang xốc tới, làm nhiều cách hơn để giúp người dân.
Cách làm của Hội cũng rất độc đáo, nhà hảo tâm chỉ cần phát tâm cho 50 triệu đồng, Hội sẽ kêu gọi ngày công từ bà con và các doanh nghiệp vật liệu xây dựng bán giá vốn để có thể xây cho người dân một căn nhà 65m2 đạt chuẩn của ngành xây dựng với tổng giá trị thực tế là 130-150 triệu đồng.
Khi cơn bão Yagi quét qua tỉnh nhà, lại thêm hàng trăm nhà dân bị cuốn trôi, sạt lở. Ngay khi nước chưa rút, nhà của cán bộ Hội cũng ngập sâu, nhưng tất cả anh em đều trực chiến và đứng ra tiếp nhận, xử lý, phân phối hàng trăm tấn hàng hóa đến tận từng bản làng xa xôi.
Trong lần gặp đầu tiên, đại diện Kênh tư vấn sức khỏe AloBacsi đã trao 100 triệu ủng hộ xây 2 căn nhà và sau đó trong chuyến đi khám bệnh cho hơn 3.000 người dân ở Yên Sơn, Na Hang và Chiêm Hóa, ngoài thuốc và quà tặng trị giá hơn 1 tỷ đồng, AloBacsi trao thêm 100 triệu để dựng lại nhà cho 2 hộ người H’Mông bị bão cuốn trôi, tặng hơn 10 hộ khó khăn mỗi hộ 5 triệu đồng…
Một vị khách đặc biệt khác của Hội CTĐ Tuyên Quang là “cô Hai” Trần Thị Xuân Lan, năm nay 85 tuổi. Cô Hai đã dành toàn bộ số tiền dưỡng già 1 tỷ đồng của mình, để xây 20 căn nhà cho bà con nghèo Tuyên Quang.
Sự có mặt của cô Hai trong buổi vinh danh các nhà tài trợ, tấm gương hoạt động nhân đạo tiêu biểu, đã nhận được nhiều tràng pháo tay. Vẫn chất giọng miền Nam mộc mạc, người con gái của liệt sỹ, bí thư huyện ủy Thủ Đức - cô Hai, chia sẻ: “Đọc được tin thấy bà con mất hết nhà cửa do bão, thương quá chịu không nổi, nên cô có bao nhiêu góp hết chia sẻ với bà con”.
Buổi lễ tôn vinh và kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là chuỗi nối dài những cảm xúc, bởi chia sẻ của những nhà tài trợ thần tốc, trong đêm xuất 40 tấn gạo thẳng hướng Tuyên Quang cứu trợ. Đó là những chuyến hàng 81 tấn của Công ty Nam Việt (Bình Dương), là khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp của Chính phủ Ấn Độ trị giá 13 tỷ đồng, là 1.000 thùng hàng của Tổ chức Di dân Quốc tế…
Trong lũ dữ, điều đặc biệt là Tuyên Quang nhận được sự hỗ trợ của trên 40 Hội CTĐ trong cả nước, từ địa đầu Tổ quốc Hà Giang đến tận đất mũi Cà Mau. Như nữ Chủ tịch Hội CTĐ Đồng Nai đeo theo 1 ba lô tiền mặt, gần 8 tỷ đồng để đi hỗ trợ 6 tỉnh phía Bắc, trong đó tại Tuyên Quang trao tặng 900 triệu đồng cho 900 hộ dân; Chủ tịch Hội CTĐ Quảng Ngãi đi ra với 1 đoàn xe bán tải 15 chiếc, chở theo các mặt hàng nhu yếu phẩm và trong đó là những hạt muối Sa Huỳnh mặn mòi… Hay có những huyện, những tỉnh còn khó khăn hơn Tuyên Quang nhưng vẫn chở hàng ra như Hội CTĐ huyện Kbang tỉnh Gia Lai…
“Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ” - Dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm phần kết cho bài diễn văn ở Hội nghị Biểu dương, tôn vinh các nhà tài trợ và các tấm gương, mô hình hoạt động nhân đạo tiêu biểu năm 2024, Chủ tịch Hội CTĐ Tuyên Quang - ông Nguyễn Hoàng Long như nhắn nhủ chính bản thân mình và những người làm công tác nhân đạo luôn giữ tinh thần “Vì mọi người, ở mọi nơi”.
(Trong bài có sử dụng một số hình ảnh do báo Tuyên Quang cung cấp)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình