Hotline 24/7
08983-08983

TTƯT.ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ: Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ điều trị thế nào?

Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ được đánh giá là có nhiều khả năng gây ra biến chứng hơn so với thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng tránh bệnh này như thế nào? TTƯT.ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ sẽ giải đáp giúp độc giả.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có nguyên nhân như thế nào và có giống như thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hay không?

Như bài trình bày lần trước, tôi đã nói về thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng còn về nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cũng gần như thoát vị đĩa đệm cột thắt lưng. Có 2 nhóm nguyên nhân:

- Nhóm nguyên nhân thứ nhất là do thoái hóa, diễn biến lần lượt qua 4 giai đoạn: mất nước, đĩa đệm thoái hóa, lồi đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm.
- Nhóm nguyên nhân thứ hai là do chấn thương, thường đến đột ngột do một chấn thương có lực mạnh xoắn vặn và sai tư thế.

Do đó nhóm nguyên nhân của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gần giống như thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Giữa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống lưng thì bệnh nào sẽ gây nguy hiểm hơn?

Như cấu trúc giải phẫu, cột sống cổ là phần tiếp sóng giữa thành não và tủy sống phía dưới, do đó phần tủy chịu trách nhiệm chịu trách nhiệm về những luồng xung động cảm giác từ phía dưới đi lên (dẫn truyền hướng tâm) và các luồn vận động từ trên đi xuống (dẫn truyền ly tâm).

Phần tủy sẽ dẫn truyền từ não đến những phần còn lại của cơ thể phía bên dưới, do đó một tổn thương ở tủy cổ có thể dẫn đến yếu liệt tứ chi, gây ra những hậu quả nặng nề so với cột sống thắt lưng. Bởi vì giải phẫu ở cột sống thắt lưng chỉ còn các dây thần kinh, không còn các tủy sống (các tủy sống này tập hợp ở vị trí L2), do đó thoát vị đĩa đệm xảy ra ở vùng thắt lưng chỉ gây ra hiện tượng chèn ép vào rễ hoặc bao rễ, trong khi đó thoát vị đĩa đệm ở cột sống cổ chèn ép thẳng vào trong tủy sống.

Chính chèn ép tủy sẽ gây ra những tổn thương không thể hồi phục giống như cấu trúc của thần kinh trung ương, các tế bào thần kinh sẽ không thể hồi phục nếu như bị tổn thương. Do đó, có thể nói rằng, tổn thương do thoát vị đĩa đệm sống cổ nguy hiểm hơn rất nhiều so với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Trên thực tế lâm sàng, có một số bệnh nhân vừa có thoát vị đĩa đệm thắt lưng, vừa có thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thì ưu tiên mổ là giải quyết thoát vị đĩa đệm ở cột sống cổ trước để giải phóng chèn ép tủy, sau đó mới giải quyết thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.


Nếu chúng ta có hiện tượng đau vai gáy thì chúng ta có phải nghĩ ngay đến thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hay không?

Nếu chỉ đau vai gáy mà kết luận là thoát vị đĩa đệm thì chưa đủ vì hội chứng vai gáy là một trong những dấu hiệu ban đầu của thoát vị đĩa đệm chứ chưa phải là chẩn đoán xác định cho thoát vị đĩa đệm.

Khi một bệnh nhân bị hội chứng đau vai gáy do tổn thương thần kinh ở phần ngoại biên do các rễ thần kinh nên có thể xuất hiện triệu chứng đau ở vùng gáy và vai cũng tương đồng như cảm giác chèn ép của rễ thần kinh cột sống cổ ở các khu vực này. Do đó, bệnh nhân khi có hội chứng đau vai gáy có thể nghĩ đến đây là một trong những giai đoạn ban đầu của thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên để chẩn đoán xác định thì bệnh nhân phải đi khám để xem có đúng là tổn thương của chèn ép thần kinh hay là tổn thương do mỏi cơ, cứng cổ do ngồi tư thế sai kéo dài.

Thậm chí có những tổn thương mà chúng ta thường gọi là tổn thương tích cơ ví dụ như làm một việc gì đó mà phải gồng cứng quá lâu, sau một khoảng thời gian thì nhóm cơ sẽ bị đau và mỏi, đôi lúc chúng ta sẽ thấy cơ bị giật nhưng không kiểm soát được. Hiện tượng tích cơ cũng có thể xảy ra ở cơ mắt, bắp chân, cổ,… tất cả những triệu chứng này đều do một quá trình co cơ cứng và kéo dài và sau đó gây ra mỏi cơ và tích cơ. Những tích cơ này có thể gây đau, khó chịu nếu kéo dài.

Tóm lại, bệnh nhân phải đi khám để bác sĩ xác định đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của thoát vị đĩa đệm hay chỉ là những triệu chứng đơn giản của cơ, mô mềm,…

Ngoài những triệu chứng vừa được trình bày, liệu còn những triệu chứng khác mà chúng ta có thể nhận biết sớm được căn bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ?

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Tổn thương thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ bao gồm 2 phần như được trình bày ở trên đó chính là dấu hiệu chèn ép tủy và dấu hiệu chèn ép rễ.

Dấu hiệu chèn ép tủy là dấu hiện gián đoạn dẫn truyền vận động từ trên đi xuống hoặc từ dưới đi lên, do đó những tổn thương chèn ép tủy sẽ làm bệnh nhân yếu đi hoặc bại liệt của từng nhóm cơ ở khu vực này và sẽ gây ra khiếm khuyết một số chức năng của bệnh nhân, khiến cho họ phải đến phòng khám thần kinh.

Dấu hiệu thứ hai là chèn ép thần kinh, tùy theo phân bố thần kinh ở cột sống cổ, các rễ thần kinh cổ đi ra từ các lỗ ly hợp của các đốt sống và chi phối các nhóm cơ theo đường đi. Thần kinh là một hệ thống dây, nếu bị tổn thương lên dây thì nó phải đi theo phân bố của dây thần kinh đó, gợi ý cho chúng ta đó là một tổn thương do chèn ép rễ thần kinh.

Nếu tổn thương này chỉ khu trú ở một chỗ và bệnh nhân chỉ đau ở từng điểm một thì không đặc thù cho tổn thương của rễ thần kinh, do đó bệnh nhân có thể nhầm lẫn với các triệu chứng đau, tê, khiếm khuyết một vài chức năng nhưng hoàn toàn không phải thoát vị đĩa đệm cột sống cổ mà là do bệnh lý ở tại chỗ.

Ví dụ bệnh nhân bị thương thần kinh ở cổ tay được gọi là tổn thương ống cổ tay thì chỉ bị thương ở vị trí ống cổ tay và gây chi phối đến các ngón tay và bàn tay nhưng tổn thương hoàn toàn không liên quan đến cổ. Tuy nhiên, bệnh nhân nếu không biết có thể nghĩ đây là một triệu chứng của thoát vị đĩa đệm ở cổ. Thậm chí có những bệnh nhân đã bị mổ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nhưng thực tế họ đang bị hội chứng ống cổ tay, khi mổ cổ xong thì họ hoàn toàn không được cải thiện dấu hiệu ở bàn tay.

Do đó, để chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ đề nghị một số chỉ định cận lâm sàng sau khi xét nghiệm lâm sàng. Đầu tiên bệnh nhân sẽ được chụp X-quang cột sống cổ. Khi bệnh nhân đau sẽ có những phản ứng và sẽ thay đổi độ cong sinh lý của cột sống, lỗ ly hợp ở vị trí tổn thương có thể bị bào mòn, rộng ra so với các lỗ ly hợp kế bên hoặc các lỗ trên và dưới có thể thay đổi cấu trúc lỗ ly hợp.

Xét nghiệm tiếp theo sẽ được đề nghị là đo điện cơ để đo tốc độ dẫn truyền thần kinh cơ, xác định rễ thần kinh nào bị tổn thương mạn tính do thoát vị đĩa đệm chèn ép vào dây thần kinh.

Thứ ba là CT-scanner cột sống cổ để xác định những tổn thương làm thoái hóa xương hoặc gây nên vôi hóa của dây chằng dọc sau, cũng có thể gây chèn ép cột sống cổ.

Thứ tư, bệnh nhân có thể chụp MRI (cộng hưởng từ) cột sống cổ.

Với những xét nghiệm này có thể xác định thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ở mức độ nào và bác sĩ sẽ dựa vào kết quả để tư vấn hướng điều trị cho bệnh nhân.

Hội chứng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có rất nhiều dấu hiệu, vậy trong đó dấu hiệu nào là đặc trưng nhất?

Đầu tiên, bệnh nhân lúc nào cũng có phản ứng đau ở vùng cổ, đau tăng khi vận động, cúi hoặc nghiêng sang hai bên, ngồi làm việc, giữ tư thế cổ ở trước màn hình,… tần số đau càng ngày tăng lên nếu không có điều trị đặc hiệu thì sẽ không thuyên giảm triệu chứng này.

Sau hiện tượng đau, bệnh nhân có thể gặp phải những khiếm khuyết về thần kinh như tê liệt, giảm vận động vùng của dây thần kinh bị chèn ép.

Ở phần cột sống cổ, chúng tôi thường thăm khám những động tác khác do rễ thần kinh chi phối và suy ra được những rễ thần kinh bị chi phối. Ví dụ như dang cánh tay ra, để có thể làm được động tác này bệnh nhân phải có sức kéo của cơ Delta để kéo cánh tay ra nhưng nếu có một thoát vị đĩa đệm ở C4 chèn ép vào rễ C4 thì điều này sẽ làm giảm vận động ở cơ Delta, bệnh nhân sẽ không dang tay được hoặc bệnh nhân làm rất yếu vì không đủ lực. Tùy theo động tác mà bệnh nhân bị khiếm khuyết, giảm vận động hay bị liệt thì chúng ta sẽ suy ra rễ thần kinh bị chèn ép.

Sau khi đánh giá khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đối chiếu với hình ảnh học để củng cố chẩn đoán, xem xét giữa triệu chứng lâm sàng và hình ảnh học có phù hợp, có giải thích được triệu chứng của người bệnh hay không. Từ đó, chúng ta sẽ đưa ra kết quả cuối cùng là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, đồng thời phải khu trú được vùng bị chèn ép đó là rễ nào. Bởi vì khi bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm do thoái hóa, nhìn phim MRI chúng ta sẽ thấy tất cả các tầng bị thoái hóa và tầng nào cũng có nguy cơ lồi, mất nước, thoát vị trong nhiều giai đoạn khác nhau.

Nếu chúng ta khám lâm sàng và không phát hiện được triệu chứng phù hợp, khi điều trị sẽ không có kết quả, bệnh nhân sẽ không thấy hết triệu chứng sau khi điều trị.

Về các dấu hiệu cũng như triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cũng có thể dễ nhầm lẫn với hội chứng ống cổ tay. Vậy bệnh nhân nếu không thể phát hiện sớm có thể xảy ra những trường hợp nào?

Một bộ phận nào đó trong cơ thể nếu không vận động thì sẽ bị thoái lui, giảm vận động vùng và cơ ở vị trí này sẽ thoái hóa và teo cơ. Như vậy, thoái vị đĩa đệm cổ nếu không được điều trị đúng theo như chỉ định thì vùng cơ ở nơi bị chèn ép sẽ bị thoái hóa, không thể làm việc được nữa.

Khi thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nhưng đến trễ, chúng ta sẽ thấy cơ của họ sẽ teo đi và cảm thấy nhỏ hơn cơ của vùng kế bên và động tác mà bệnh nhân làm thể hiện sức cơ giảm đi rõ rệt. Có những bệnh nhân khi đi khám, sức cơ chỉ còn 1/5, 2/5, 3/5, thông thường những bệnh nhân này đã bỏ động tác rất lâu.

Đôi khi chúng ta quan sát người bệnh cử động tay để có thể đánh giá sức cơ của họ. Tuy là họ vẫn mặc áo, cài nút, vuốt tóc nhưng có một số động tác họ không thực hiện được. Ví dụ khi kéo tay họ có thể làm rất tốt nhưng khi duỗi tay ra cực kì khó khăn, khi quan sát chúng ta nếu nghĩ họ làm được nhưng thực ra họ đang bị tổn thương ở vùng C7 và không thể kéo cánh tay ra do chèn ép cơ C7.

TTƯT.ThS.BS Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân Dân 115

Nếu thoát vị đĩa đệm cổ phát hiện trễ liệu có nguy cơ bị liệt hay không?

Nếu thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thì tổn thương để lại chỉ đơn thuần là teo cơ, giảm vận động vùng, bệnh nhân chỉ đau, tê theo những nơi khu trú của rễ thần kinh.

Nhưng nếu đó là chèn ép tủy và tủy (là mô thần kinh trung ương, không có hiện tượng tái sinh) thì vấn đề hồi phục sau khi mổ là cực kỳ khó, thậm chí là không hồi phục. Lúc này, giải quyết được thoát vị đĩa đệm chỉ chặn đứng được tiến triển của bệnh chứ không thể hồi phục được khiếm khuyết thần kinh của bệnh nhân.

Do đó, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nên được thăm khám sớm và được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá mức độ và khuyến cáo hướng điều trị để tránh những khiếm khuyết thần kinh không hồi phục.

Vậy nếu một bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ được điều trị như thế nào?

Đối với bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ có những cách điều trị khác nhau.

Điều trị nội khoa bao gồm nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, uống thuốc, những loại thuốc kháng viêm, thuốc giãn cơ, bổ trợ thần kinh thì cảm giác đau của bệnh nhân có thể lui dần. Những người đáp ứng với điều trị nội khoa có thể xem như là thành công đối với điều trị bảo tồn và 80% số bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể điều trị nội khoa bảo tồn thành công.

Số còn lại, 20% bệnh nhân được chỉ định các can thiệp từ xâm lấn đến ít xâm lấn, các phương pháp ít xâm lấn có thể kể như bệnh nhân được đốt laser để làm bay đi lớp nhân nhầy, đốt bằng sóng ERF (sóng radio cao tần) để làm cháy nhân nhầy và phục hồi cốt thoát vị vào trong trở lại.

Tuy nhiên, những kết quả cho thấy đốt laser và sóng cao tần hiệu quả không nhiều, đa phần bệnh nhân chỉ giảm đau một thời gian và sau đó xuất hiện lại các triệu chứng lâm sàng và vẫn phải đi tái khám để điều trị phẫu thuật.

Phương pháp phẫu thuật cho điều trị thoát vị đĩa đệm mang tính triệt để, khối thoát vị sẽ được cắt và lấy ra khỏi khu vực có thần kinh. Thần kinh sẽ được giải ép sau khi cắt bỏ khối thoát vị.

Do đó phẫu thuật được xem như là một cách điều trị triệt để đối thoát vị đĩa đệm thoát vị so với điều trị nội khoa bảo tồn hoặc các biện pháp ít xâm lấn như laser, đốt sóng cao tần.

Trong điều trị nội khoa có phương pháp là vật lý trị liệu thì điều này sẽ giúp ích gì cho bệnh nhân trong công tác điều trị?

Trong phương pháp điều trị nôi khoa có một chỉ định vật lý trị liệu, điều này sẽ giúp đảm bảo những nguyên tắc làm dãn khối cơ ở cột sống cổ và khi cơ ở cột sống cổ được kéo dãn thì các lỗ ly hợp sẽ được nới rộng, khi đó dây thần kinh chui qua lỗ ly hợp sẽ được thoải mái, không bị chèn ép khi cột sống dãn ra.

Tuy nhiên, để làm được điều này bệnh nhân phải thực hiện vật lý trị liệu 7-10 ngày để đảm bảo khối cơ cổ được thư giãn, kéo dãn với các động tác vật lý trị liệu như kéo cổ, đắp ấm, siêu âm, sóng cao tần, châm cứu để làm cơ cổ mềm ra.

Với mỗi lần vật lý trị liệu, cơ cổ dãn và mềm ra thì bệnh nhân sẽ cảm thấy rất dễ chịu vì khi đó lỗ ly hợp được kéo rộng ra và dây thần kinh sẽ được giải phóng chèn ép tạm thời. Tuy nhiên để có một kết quả thành công, không phải để chuyển qua giai đoạn tiếp theo của điều trị là phẫu thuật thì bệnh nhân phải tuân thủ các chế độ sau đó. Họ sẽ phải thay đổi chế độ làm việc trước đây gây ra thoát vị đĩa đệm để không bị tái phát, sẽ có sinh hoạt tương đối phù hợp. Nhất là những công việc văn phòng, những công việc thường xuyên thay đổi tư thế cổ sau khoảng thời gian 30p sau khi ngồi trên máy vi tính. Kể cả, phẫu thuật viên chúng tôi cũng có bệnh nghề nghiệp là thoát vị đĩa đệm cổ.

Nếu chúng ta không thay đổi được những thói quen, kết quả điều trị sẽ rất hạn chế. Cảm giác đau sẽ xuất hiện trở lại và có thể nói kết quả điều trị nội khoa bảo tồn đã thất bại, bệnh nhân phải chuyển qua bước tiếp theo đó là can thiệp ít xâm lấn và phẫu thuật.

Khi nào bệnh nhân được chỉ định điều trị phẫu thuật?

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật khi điều trị nội khoa trong khoảng thời gian từ 2 tuần đến 2 tháng nhưng thất bại:

- Bệnh nhân thực hiện các điều trị nội khoa tích cực kháng viêm, dãn cơ, vật lý trị liệu kể cả các động tác thể dục như bơi lội nhằm mục đích cơ cột sống cổ được kéo dãn nhưng kết quả không như mong muốn,

- Bệnh nhân đã hoàn thành điều trị nội khoa nhưng những dấu hiệu ban đầu xuất hiện trở lại,

- Bệnh nhân điều trị nội khoa nhưng bị nhiều tác dụng phụ của thuốc nên không thể tiếp tục,

- Bệnh nhân đang điều trị nội khoa nhưng những triệu chứng càng nặng hơn trước thời điểm lâm sàng…

Điều này sẽ dẫn đến bước điều trị thứ hai là phẫu thuật. Trong điều trị phẫu thuật có 2 chỉ định cấp cứu đối với thoát vị đĩa đệm:

- Thứ nhất bệnh nhân trở nên yếu đột ngột, khi thăm khám hoặc đang điều trị nội khoa những triệu chứng dần trở nên nặng hơn;

- Thứ hai là bệnh nhân xuất hiện cơn đau dữ dội trong quá trình điều trị, không thể chịu đựng được với các tư thế, kể cả phong bế bằng morphin mà không thể giảm đau…

Nói về thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ở mức nặng, bệnh nhân đã bị liệt chân thì giải phẫu sẽ mang lại những lợi ích gì cho bệnh nhân?

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Đối với những trường hợp đã tổn thương tủy, gây liệt, gây yếu, gây ra những tổn thương thần kinh thực thể có thể tủy sống của người bệnh đã bị một quá trình chèn ép kéo dài, làm mất chất của nhu mô tủy thì gần như phẫu thuật sẽ không mang lại hồi phục bởi vì mô thần kinh không được tái sinh. Do đó, người bệnh sẽ bị khiếm khuyết chức năng và thần kinh và tùy mức độ tổn thương của mô tủy mà khiếm khuyết này nhiều hay ít. Cuộc mổ chỉ chặn đứng tiến triển của bệnh và không cho bệnh tiến triển thêm nhưng không thể phục hồi nếu bệnh nhân đã tổn thương tủy.

Ngược lại nếu bệnh nhân có tổn thương rễ và những tổn thương này chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải như không teo cơ, tổn thương kéo dài làm rối loạn dinh dưỡng thì phẫu thuật thành công sẽ cho bệnh nhân lại chức năng rất ngoạn mục.

Đối với một cuộc phẫu thuật đĩa đệm cột sống cổ có chi phí khoảng bao nhiêu?

Thông thường thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ được thực hiện bằng lối mổ lườn trước, bệnh nhân sẽ được phẫu tích và đi thẳng vào các vùng có đĩa đệm, cắt bỏ tất cả các đĩa đệm nằm giữa hai thân sống.

Sau khi lấy bỏ phần đĩa đệm, chúng tôi sẽ đi ra phía sau để lấy phần thoát vị chèn ép vào thần kinh. Phía trước không gây chèn ép nhưng chúng ta phải đi qua phía trước để đến phía sau và chính phía sau là nơi thần kinh bị chén ép.

Khi lấy hết tất cả đĩa đệm và lấy luôn khối thoát vị phía sau thì mới giải phóng cho tủy và thông thường khi cắt bỏ đĩa đệm, bệnh nhân sẽ được ghép một đĩa đệm nhân tạo, các đĩa đệm nhân tạo hiện nay có nhiều sản phẩm khác nhau.

Đó có thể là một miếng tick cố định có chi phí khoảng 5-10 triệu đồng, có thể một miếng tick cao hơn vừa thay cho đĩa đệm có những bộ phận cố định vào thân sống để đảm bảo đĩa không di chuyển trong quá trình vận động. Và một loại thứ ba, chúng ta sẽ thay vào nhưng vẫn đảm bảo được chức năng của cột sống cổ khi bệnh nhân có thể cúi, ngửa, ngiêng, xoay… do đó bệnh nhân sẽ không bị khiếm khuyết những giới hạn của cột sống cổ.

Các sản phẩm nêu trên khi thay vào sẽ làm cho sự kết nối của hai đốt sống liền kề bị vô hiệu hóa, nghĩa là bệnh nhân sẽ không thể cử động được hai đốt sống xung quanh đĩa đệm đã được mổ.

Các chất liệu đĩa đệm thay thế sẽ được làm bằng gì?

Thông thường hiện nay các chất liệu thay thế được gọi là peek, một sản phẩm cao cấp hơn là titanium và sản phẩm cuối cùng có tính năng đảm bảo chức năng vận động cột sống cổ được gọi là “đĩa đệm cột sống cổ động” hay nói tắt là đĩa mềm, được cấu tạo từ titanium và nhân bằng sứ để đảm bảo độ di chuyển cột sống cổ không bị giới hạn.

Thưa bác sĩ, đôi lúc các bác sĩ làm việc rất áp lực, liệu có biện pháp, bài tập hay phương pháp nào để tránh được thoát vị cột sống cổ?

Có lẽ nghề nào cũng sẽ quen. Đối với chúng tôi là các phẫu thuật viên, khi phẫu thuật chúng tôi phải cúi đầu để nhìn xuống phẫu trường, lúc chúng tôi tập trung cao độ phải giữ nguyên tư thế xấu đó rất lâu.

Đã nhiều lần sau một cuộc mổ chúng tôi gần như ê ẩm hết toàn thân, trong đó nặng nhất là cột sống cổ, xong ca mổ là chỉ có thể kiếm chỗ nằm hoặc chỗ ngồi cho đỡ mỏi. Nhưng thực tế nghề nào rồi cũng sẽ quen nghề đó. Cứ mỗi 15-30 phút, chúng tôi sẽ thư giãn nhưng không phải nghỉ ngơi kéo dài mà chỉ cần thay đổi tư thế cột sống cổ như xoay cổ, đầu, nghiêng trái, nghiêng phải.

Đặc biệt khi chúng tôi mổ với kính vi phẫu thường tập trung rất cao và gần như tư thế cổ phải chịu gồng trong quá trình làm việc. Do đó khi làm việc với kính vi phẫu thì chúng tôi cũng tự nhắc nhau có những thời điểm thư giãn chỉ cần lơi ra một vài phút để giải phóng cột sống cổ thì sẽ đỡ mệt mỏi hơn rất nhiều.

AloBacsi chân thành cảm ơn TTƯT.ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích về cách điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào chương trình tiếp theo!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X