TS Phan Minh Liêm: Thực phẩm phòng ngừa ung thư và dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Dành hơn 3 tiếng sáng 4/10, TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson, giải đáp cho bạn đọc AloBacsi về: Thực phẩm phòng ngừa và dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư.
Trước hàng loạt các câu hỏi về dinh dưỡng cho người bị ung thư chưa kịp giải đáp, dù bị cảm, viêm họng nhưng TS Phan Minh Liêm vẫn dành buổi sáng thứ ba, ngày 4/10 để tư vấn thêm về thực phẩm phòng ngừa và dinh dưỡng cho người bệnh ung thư.
AloBacsi xin chia sẻ toàn bộ nội dung của buổi giao lưu trực tiếp với TS Phan Minh Liêm:
Thực phẩm phòng ngừa ung thư
- Bác Nguyễn Văn Tài, 67 tuổi - Hưng Yên
Tỏi và tỏi đen có tác dụng như thế nào trong việc phòng ngừa và ngăn chặn ung thư thưa TS?
Các con tôi hay ngâm tỏi trong dấm bắt tôi và vợ tôi ăn kèm trong bữa cơm. Gần đây thì chúng còn gửi tỏi đen về bảo bố mẹ ăn ngừa được ung thư.
Các con gửi thì ăn cho chúng vui nhưng tôi cũng bán tín bán nghi. Giờ cái gì người ta cũng quảng cáo là ngừa ung thư hết, thành ra không biết cái gì thật cái gì xạo.
Mong TS Liêm giúp dùm thông tin: ăn tỏi và tỏi đen có tác dụng gì trong việc phòng ngừa ung thư?
Người có bệnh ung thư rồi nếu ăn tỏi có tốt không?
Cảm ơn TS Liêm nhiều nhé. Chúc TS Liêm luôn mạnh khỏe và hạnh phúc. Kính chuyển lời chúc sức khỏe của chúng tôi đến gia đình anh.
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Cháu chào bác Tài,
Trước tiên, theo cháu quan sát thì hiện nay trên thế giới chưa có nhiều công trình nghiên cứu công dụng của tỏi đen, có thể là do tỏi đen chưa quá phổ biến, bác ạ.
Tuy nhiên, tỏi là một trong những loại gia vị mà các chuyên gia và các nhà dinh dưỡng khuyên nên cân nhắc sử dụng trong chế độ ăn hàng ngày.
Bởi vì:
- Tỏi có kháng khuẩn tự nhiên tốt giúp chúng ta hạn chế được một số bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa.
- Đối với việc phòng ngừa ung thư: một số công trình nghiên cứu cho thấy tỏi có khả năng giảm nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, kết luận đang ở mức lâm sàng, vẫn chưa thật sự rõ ràng.
Bản thân tỏi là một gia vị tốt nhưng chúng ta cũng không nên ăn quá nhiều tỏi. Nếu ăn quá nhiều có thể gây bỏng miệng, bỏng đường tiêu hóa. Nếu bỏng miệng và đường tiêu hóa nhiều quá thì có khả năng gây viêm, mà viêm mạn tính là tiền căn của ung thư.
Vì thế, chúng ta nên ăn tỏi nhưng không nên ăn quá nhiều.
Còn đối với tỏi ngâm giấm, chúng ta nên lưu ý một điều là giấm phải là giấm tốt, không phải giấm công nghiệp. Bình đựng giấm cũng nên là bình thủy tinh hoặc sứ trắng thì tốt hơn, đặc biệt thủy tinh là tốt nhất.
Bởi nếu dùng bình nhựa ngâm giấm thì sẽ có một số hoạt chất, chiết xuất từ dầu mỏ trong nhựa sẽ hòa tan vào giấm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Cho nên, khi ngâm chanh, tỏi trong giấm thì nên dùng bình thủy tinh là tốt nhất.
Bản thân tỏi rất tốt cho sức khỏe nhưng cũng không nên ăn tỏi mỗi bữa, mỗi ngày. Chúng ta nên ăn mỗi tuần khoảng 3-4 lần, hoàn toàn tốt cho sức khỏe, bác nhé.
Còn về câu hỏi: "Người bị ung thư rồi ăn tỏi có tốt không?". Cháu chưa từng thấy có công trình nghiên cứu nào cho thấy người bị ung thư ăn tỏi thì cơ hội sống của họ sẽ cao hơn. Và cũng chưa có một công trình nào nghiên cứu bài bản về vấn đề này, bác ạ.
- Bạn đọc Trúc Linh - Ninh Bình
TS Liêm ơi, có phải ăn mãng cầu thì ngừa được ung thư không? Tôi đọc trên mạng nói chất gì đó trong trái mãng cầu có thể ngăn ngừa và diệt cả tế bào ung thư? Có đúng như thế không ạ?
Ba tôi đọc và tin bài báo đó lắm, thường đặt mua cả thùng mãng cầu từ miền Nam gửi ra, chia cho con cháu bắt ăn hết.
Trái na có tác dụng như trái mãng cầu không, thưa anh?
Nếu mãng cầu thật sự tốt thì nên ăn bao nhiêu lần/ tuần? Cảm ơn TS Liêm nhiều lắm.
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Cảm ơn bạn Linh,
Xin nói rõ mãng cầu ở đây là mãng cầu xiêm chứ không phải là mãng cầu thường (không phải là trái na).
Tác dụng của trái na và mãng cầu xiêm là khác nhau. Hoạt chất chống ung thư của trái mãng cầu xiêm cao hơn nhiều trong trái na.
Trong mãng cầu xiêm có hoạt chất được các nhà khoa học chứng minh có tác dụng tấn công ung thư và ức chế quá trình tổng hợp năng lượng của tế bào ung thư.
Tuy nhiên, việc ăn mãng cầu có ngừa được ung thư hay không thì y học thế giới chưa chứng minh. Tác dụng phòng ngừa ung thư của mãng cầu xiêm cũng chưa được kiểm chứng nên chúng ta cũng không nên tin tưởng quá nhiều. Có thể trong tương lai có nhiều nghiên cứu được thực hiện và chúng ta cũng có những kết luận chính xác hơn về mãng cầu xiêm và các hoạt chất của nó có ngừa được ung thư được hay không.
Còn việc mãng cầu xiêm diệt tế bào ung thư thì đã được chứng minh và thực hiện trong phòng thí nghiệm, nhưng chưa chứng minh trên lâm sàng và trên con người, bạn nhé.
Mãng cầu xiêm bản chất nó không phải là trái cây độc hại, chúng ta có thể ăn nhưng cũng không nên ăn quá nhiều vì nó khá ngọt, có thể làm tăng đường huyết. Nói chung là không nên lạm dụng. Chúng ta không nên ăn mỗi ngày, mỗi bữa mà nên ăn khoảng 3 lần/ tuần.
- Bạn đọc Trần Đức Minh - 27 tuổi, TPHCM
Chào TS Phan Minh Liêm ạ,
Hôm bữa em và mẹ có đến nghe chia sẻ của TS tại hội thảo thấy rất dễ hiểu và bổ ích. Trong đó em có nghe bác Tâm của AloBacsi chia sẻ rằng mẹ của bác thường hay nấu cơm với nghệ ăn hàng ngày. Em cũng rất muốn hỏi TS là nghệ tươi hay nghệ đã chế biến sẽ có tác dụng phòng ngừa ung thư hơn? Nếu ngày nào cũng ăn nghệ thì có được không, một ngày sử dụng bao nhiêu thì tốt cho sức khỏe ạ. Em cảm ơn TS rất nhiều vì đã chia sẻ những thông tin bổ ích cho mọi người ạ.
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Xin cảm ơn và chào bạn,
Nghệ là một loại gia vị rất phổ biến và tốt cho sức khỏe. Một số trường hợp chống chỉ định sử dụng như đông máu và mẫn cảm với nghệ, hoặc một số trường hợp hóa trị thì không nên sử dụng, bởi nghệ ảnh hưởng đến khả năng tương tác thuốc. Nghệ có khả năng ức chế một số enzim kháng thuốc nên chúng ta không nên sử dụng nghệ trong thời gian này.
Nghệ tươi hay đã qua chế biến đều có tác dụng như nhau. Cho nên bạn có thể sử dụng cả hai loại nghệ tươi hay nghệ đã qua chế biến như bột nghệ, cà-ri… đều tốt.
Theo các chuyên gia, mỗi ngày chúng ta có thể ăn 1 - 2 gam nghệ. Thực tế, ở Ấn Độ, ăn nghệ thường xuyên và họ có tỉ lệ mắc ung thư đường tiêu hóa thấp nhất thế giới.
Chúng ta có thể sáng tạo việc sử dụng nghệ trong sử dụng thực phẩm, linh hoạt trong chế biến: một số người cho vào cơm, chế biến cà-ri…
Nhưng, chúng ta nên chú ý là nguồn nghệ dùng phải là nguồn nghệ tốt, bạn nhé.
Thường sau khi thu hoạch, một số nông dân thường sử dụng một số loại hóa chất để chống nấm mốc và côn trùng. Việc này rất có hại cho sức khỏe. Chúng ta nên chú ý trong quá trình chế biến nên lựa chọn những nguồn thực phẩm an toàn, đáng tin cậy.
Ở Mỹ, khi người ta chế biến viên nghệ cho bệnh nhân ung thư hoặc phòng ngừa ung thư bao giờ họ cũng làm xét nghiệm, kiểm tra rất chặt chẽ nguồn hóa chất bảo vệ thực vật ở trong nghệ.
Thực tế đã từng xảy ra một số trường hợp, các thương lái và nông dân sử dụng hóa chất để bảo quản nghệ (pha với tỉ lệ thấp - khoảng 1/1000) để hạn chế việc nấm mốc, sâu bọ khi tồn kho… Việc này rất đáng ngại.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện diện ở những loại thực phẩm khác nữa như rau củ chứ không phải chỉ có nghệ. Vì thế, khi chúng ta sử dụng các loại thực phẩm thì nên lựa chọn đúng sản phẩm thật sự an toàn.
Đặc biệt, những thực phẩm như nghệ, chúng ta tin đó là một vị thuốc, hợp chất chống ung thư nên chúng ta sử dụng nhiều, thường xuyên thì việc kiểm tra nguồn gốc thì lại càng đáng quan tâm hơn nữa.
Nghệ còn giúp cho hệ tiêu hóa của chúng ta giảm các phản ứng viêm, hoạt động gây viêm của vi khuẩn Hp. (Hp là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - một trong những nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày). Nghệ có chức năng hạn chế bớt tác hại đó.
Những bệnh nhân bị loét bao tử nếu có sử dụng nghệ cũng nên sử dụng một lượng vừa phải trong chế độ ăn. Lưu ý, khi bị xuất huyết dạ dày thì không nên ăn nghệ, vì khi bị xuất huyết, nghệ có khả năng làm ảnh hưởng đến quá trình rối loạn đông máu, đặc biệt là khi sử dụng nghệ với liều lượng cao.
Vì thế, không nên xem nghệ là một phương thuốc trị bá bệnh mà phải áp dụng đúng những kiến thức y học, bạn nhé.
- Bác Thu Cúc, 76 tuổi
TS Liêm ơi,
Ở nước mình, tương, chao, đậu phọng đều hay bị nấm mốc. Bác bị bệnh tuyến giáp, phải kiêng cả đậu hũ. Bác lại ăn chay trường. Cái gì cũng kiêng hết bác cũng chẳng biết ăn món gì. Nhiều khi xách giỏ ra siêu thị nhìn quanh không biết mua món gì nữa.
Ngay cả nấm, giờ bác cũng không dám ăn. Có nhiều bài báo nói nấm ngậm rất nhiều hóa chất tăng trưởng. Ăn chay là nấm, đậu hũ, tương, chao kiêng hết. Rau củ cũng không an toàn, mà cứ cho là rau củ ăn an toàn nhưng ăn như thế cũng thiếu hụt, không cân bằng dinh dưỡng phải không cháu?
Theo cháu, bác nên ăn như thế nào để vẫn đầy đủ chất bổ mà vẫn phòng ngừa được bệnh ung thư. Bác cảm ơn TS Liêm nhiều nhé.
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Cháu xin cảm ơn bác Thu Cúc,
Thật sự là thắc mắc của bác cũng là sự quan tâm của khá nhiều người.
Tuy nhiên, cháu xin lỗi vì cháu cũng không biết chắc chắn những món ăn nào ở Việt Nam thật sự là an toàn.
Trong đa số trường hợp, chúng cháu thường gửi mẫu kiểm nghiệm tới các trung tâm ở Nhật Bản để biết được một số nơi bán thực phẩm đáng tin cậy. Sau đó, chúng cháu chọn mua ở đó. Đây là một trong những cách mà chúng cháu đang dùng.
Đối với những loại thực phẩm như bác nói, nấm có thuốc kích thích tăng trưởng thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp uy tín vẫn áp dụng quy trình xanh, sạch mà bác có thể sử dụng, bác nhé.
Còn đối với tương, chao là loại thường nhiễm aflatoxin cao hơn so với những thực phẩm khác. Và nguy cơ chúng ta nhiễm aflatoxin khi sử dụng những loại thực phẩm này ở Việt Nam là khá cao.
Cháu nghĩ bác có thể dùng bằng muối, đường…nêm nếm tốt hơn bác ạ. Về đậu hũ, bác cũng không nên ăn nhiều và bác nhớ chọn những nơi có nguồn gốc rõ ràng, an toàn, bác nhé.
Bác có thể lựa chọn những loại thực phẩm, rau quả đã được khoa học chứng minh làm giảm nguy cơ ung thư, ví dụ như: bông cải trắng, bông cải xanh, cà rốt, cà chua, dưa leo, dưa gang, mãng cầu xiêm, nghệ, tỏi...
Hiện nay, cháu biết một số thương hiệu có chứng nhận xanh, sạch… bác có thể cân nhắc sử dụng. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, bác có thể tự trồng rau ở nhà là tốt nhất.
Nếu chỉ ăn rau củ cũng không đủ chất dinh dưỡng, bác có thể sử dụng thêm một số nguồn đạm thực vật có trong các loại đậu. Bác cũng nên ăn nhiều hoa quả để bổ sung chất xơ và vitamin khoáng chất.
Ăn chay trường rất dễ thiếu các chất axit amin thiết yếu, vì vậy bác nên bổ sung các loại vitamin và đặc biệt là ăn nhiều trái cây để sung các vitamin cần thiết và đa dạng hóa thực phẩm của mình. Bác cũng không nên ăn một số loại rau củ nhất định mà nên ăn nhiều loại rau củ khác nhau và phải nhớ là thực phẩm sạch bác nhé.
TS Liêm ơi, tôi đang rất rối. Gần đây tôi đọc báo thấy có nhiều thông tin khác nhau quá. Có bài thì nói sữa đậu nành có thể phòng chống ung thư, lại có bài nói đậu này chính là “sát thủ” gây ung thư vú nên tôi rất hoang mang, không biết tin vào đâu.
Vì sáng nào gia đình tôi cũng có thói quen uống loại sữa này. Vậy xin hỏi TS Liêm gia đình tôi có nên sử dụng sữa đậu nành nữa hay không?
Có thật sự sữa đậu nành làm khối u phát triển? Các loại ung thư nào nên kiêng hẳn sữa đậu nành?
Nam giới có nên uống sữa đậu nành? Nếu uống sữa đậu nành, nên uống bao nhiêu lần/ tuần.
Ăn nhiều đậu hũ làm từ đậu nành thì có tốt không, thưa anh?
Xin cảm ơn TS Phan Minh Liêm.
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Xin chào chị Bảo Trân, câu hỏi của chị rất hay.
Em xin được trả lời câu hỏi của chị như sau:
Thứ 1 là về vấn đề đậu nành ảnh hưởng như thế nào đến khối u thì hiện nay có 2 trường phái. Trường phái thứ 1 thì cho rằng đậu nành tốt cho sức khỏe, và đậu nành là một nguồn đạm thực vật bổ sung hợp lý cho người bệnh ung thư. Trường phái thứ 2 thì cho rằng đậu nành có chứa 1 số chất có khả năng kích thích ung thư phát triển.
Trên thực tế đậu nành có một số hoạt chất như Isoflavone hay một số chất có cấu trúc tương tự như hooc môn Estrogen của nữ giới. Tuy nhiên, Isoflavone hay Estrogen thực vật hoạt tính của nó thấp hơn nhiều so với Estrogen của động vật, nên ảnh hưởng của đậu nành lên khối u cho đến hiện tại vẫn chưa đủ căn cứ khoa học để kết luận chính xác là đậu nành tốt hay không tốt cho bệnh nhân ung thư vì điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố như bệnh nhân ăn bao nhiêu đậu nành, bản thân đậu nành đó có chứa bao nhiêu hàm lượng Estrogen thực vật hay Isoflavone là bao nhiêu.
Ngoài ra, đậu nành còn tùy thuộc vào mùa vụ trong năm, môi trường đất thì hàm lượng Isoflavone trong đậu nành sẽ khác nhau. Do đó, chúng ta không thể kết luận vội vã là ăn nhiều đậu nành sẽ gây ung thư vì chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh điều đó, nhưng cơ sở là Isoflavone hay Estrogen thực vật tích lũy nhiều và lâu dài có khả năng làm ung thư phát triển thì điều đó có thể đúng trong một số trường hợp, nhất là khi chúng ta ăn quá nhiều.
Vì vậy, khi chúng ta sử dụng đậu nành thì không nên sử dụng sữa đậu nành trong mỗi bữa ăn, điều này sẽ không tốt cho sức khỏe. Chúng ta nên dành lượng thức ăn đó cho một số loại thực phẩm khác để đảm bảo đủ nguyên tố vi lượng, khoáng chất... cũng như đảm bảo đủ nguồn năng lượng để có thể phát triển cân bằng và không thiên quá nhiều về một loại thực phẩm nào hết.
Bên cạnh đó, đậu nành cũng có tác dụng phụ đó là làm giảm khả năng hấp thu iod và ảnh hưởng đến tuyến giáp. Đặc biệt là những bệnh nhân bị bướu cổ thì phải cẩn thận trong việc sử dụng đậu nành.
Đậu hũ chúng ta cũng không nên ăn quá nhiều. Trong quá trình chế biến, chiên đậu hũ người bán có thể tái sử dụng nhiều lần lượng dầu nhất định cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ an toàn của miếng đậu hũ đó. Trong đậu hũ cũng có một số trường hợp chứa nhiều thạch cao, chúng ta không nên ăn quá nhiều vì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nói tóm lại, chế độ ăn cần phải cân bằng, dinh dưỡng hợp lý. Chúng ta không nên phụ thuộc quá nhiều vào một loại thực phẩm nào hết mà nên chia đều.
Nam giới hay nữ giới đều nên uống sữa đậu nành, ăn đậu hũ. Việc này không có hại với điều kiện là ăn vừa phải. Chúng ta không nên uống sữa đậu nành mỗi ngày, mỗi bữa nhiều như vậy. Mỗi tuần chúng ta có thể uống khoảng 3 lần thì vẫn có thể chấp nhận được. Đối với bất kỳ thực phẩm nào cũng không nên lạm dụng chứ không chỉ riêng sữa đậu nành.
DINH DƯỠNG DÀNH CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ
Bạn đọc Quỳnh Như, sinh viên đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TPHCM
nhuquynhnguyen…@gmail.com
Em xin chào TS Phan Minh Liêm, em rất ngưỡng mộ anh. Em đọc rất kỹ các bài báo viết về anh và những phần anh tư vấn trên trang AloBacsi.
Dễ hiểu và dễ nhớ lắm anh ạ. Em còn in các bài anh tư vấn về cách ăn uống về cho ba mẹ em ở Lâm Đồng đọc.
Tự đáy lòng, em xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành vì anh là trí thức đi du học trở về giúp quê hương. Thật vô cùng đáng quý.
Kế đến, em có thắc mắc này muốn hỏi anh: dinh dưỡng cho người bệnh ung thư hiện nay gần như là bỏ ngỏ. Em có người bạn bị ung thư vú, chỉ thấy các phác đồ điều trị chứ không thấy bác sĩ chỉ định cần kiêng ăn gì và nên ăn gì.
Em xin phép hỏi anh mấy ý sau đây ạ:
- Người bị ung thư nên ăn gì. Kiêng gì ạ?
- Dinh dưỡng cụ thể 1 ngày như thế nào là tốt nhất?
- Nếu kiêng nhiều quá cũng khó lắm anh ạ. Do người bệnh tâm lý kém mà ăn toàn món kiêng khem, không ngon miệng thì rất khó ạ.
- Nếu người bị ung thư không ăn kiêng thì có làm giảm tác dụng điều trị của thuốc?
Bạn em bướng bỉnh và không chịu ăn kiêng gì cả, do thất vọng vì bệnh tật và trở nên bất cần đời. Em nên làm sao để giúp bạn em ổn định tâm lý?
Em xin chân thành cảm ơn anh. Nếu được anh tư vấn, em sẽ thấy như nhận được món quà từ người em rất ngưỡng mộ và mến phục. Cảm ơn anh (Nhìn hình anh và chị trên trang AloBacsi trông đẹp đôi quá và càng nhân đôi mức độ ngưỡng mộ trong chúng em ạ).
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Xin cảm ơn Quỳnh Như, câu hỏi của em rất hay.
Anh xin trả lời câu hỏi của em như sau:
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư rất quan trọng. Chế độ ăn phải hết sức cân đối giữa các loại thực phẩm, đảm bảo đủ chất xơ, chất đạm, chất béo, tinh bột... Như vậy mới đảm bảo giúp người bệnh hồi phục sau những đợt hóa trị, xạ trị, phẫu thuật. Hơn nữa, cơ thể mới có đủ sức, đủ dinh dưỡng mới có thể chống chọi với bệnh tật.
Với người bệnh, việc kiêng một số món ăn không phù hợp, tránh tăng cân, béo phì là cần thiết nhưng phải ăn kiêng đúng cách chứ không nên kiêng quá mức, làm ảnh hưởng sức khỏe.
Việc thay đổi thói quen ăn uống cũng nên diễn ra từ từ. Cơ thể trước đây quen với một số chế độ ăn nhất định nay chuyển sang chế độ ăn đặc biệt dành cho người bị ung thư thì phải chuyển dần dần. Ví dụ như trong bữa, có thể ăn một nửa lượng thức ăn như bình thường nhưng nửa còn lại thì chuyển dần sang thức ăn dành cho người bị ung thư. Việc chuyển dần dần sẽ tạo điều kiện cho cơ thể thích nghi. Không nên đột ngột thay đổi làm cho cơ thể người bệnh không có đủ thời gian để thích nghi, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Có một nguyên tắc chung là khi người bệnh bị suy kiệt hay suy sụp về mặt dinh dưỡng thì sức đề kháng của họ sẽ suy giảm. Do đó, về dinh dưỡng thì điều đầu tiên là nên lựa chọn những món hợp khẩu vị với người bệnh (vì lúc này khẩu vị thường sẽ kém đi, tạo cảm giác biếng ăn, đầy bụng). Hãy làm những món mà người bệnh thích ăn để kích thích vị giác, để họ cảm thấy dễ ăn hơn.
Bên cạnh đó là trong quá trình chế biến có một số nguyên tắc cần phải lưu ý: chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng và phải chế biến đúng cách.
Chế biến đúng cách: giả sử như chúng ta dùng ngọn lửa gas hay bếp điện để nấu thì nên chọn mức độ, nhiệt độ vừa phải, không nên nấu quá nhanh. Không nên làm cho thức ăn bị cháy khét vì thức ăn cháy khét thì khả năng thực phẩm biến đổi từ dinh dưỡng sang chất gây ung thư sẽ cao. Đặc biệt là quá trình gia nhiệt trên 200 độ C sẽ làm cho quy luật biến tính diễn ra nhanh hơn, như vậy người bệnh ăn những tác nhân gây ung thư, không tốt cho sức khỏe.
Những món chiên hay nướng cũng hạn chế bớt vì những món này dễ làm cho thức ăn bị biến tính. Nếu chúng ta thích dùng món nướng thì nên nướng ở nhiệt độ vừa phải. Không nên nướng bằng than, củi. Vì khi nướng khói trong than sẽ bám vào thức ăn và bụi than cũng là một chất gây ung thư. Có thể nướng bằng bếp gas, bếp điện thì sẽ đỡ hơn.
Hoặc khi chiên, xào cũng vậy, chúng ta nên thay dầu thường xuyên, không nên để dầu dùng đi dùng lại nhiều lần thì hàm lượng oxy hóa cao dễ gây ung thư.
Trong quá trình chiên cũng nên để ở nhiệt độ vừa phải, có thể khi đó món ăn không giòn, ngon như trước nhưng đảm bảo sức khỏe tốt hơn, đặc biệt là với bệnh nhân ung thư.
Bệnh nhân ung thư cũng nên kiêng một số loại thức ăn quá béo ví dụ như mỡ, bơ. Bên cạnh đó, cũng nên giảm bớt những thực phẩm quá ngọt, quá nhiều tinh bột vì chất béo và đường là hai nguồn dinh dưỡng quan trọng của tế bào ung thư.
Chúng ta có thể thay thế những nguồn chất béo và tinh bột bằng một số loại khác, ví dụ như đạm, hoặc đạm thực vật. Ngoài ra, trong khẩu phần ăn cũng nên tăng hàm lượng chất xơ và hoa quả, ít nhất là khoảng 40% trong khẩu phần ăn.
Nên lựa chọn những loại thực phẩm, rau quả đã được khoa học chứng minh làm giảm nguy cơ ung thư, ví dụ như: bông cải trắng, bông cải xanh, cà rốt, cà chua, dưa leo, dưa gang, mãng cầu xiêm, nghệ, tỏi...
Việc sử dụng những loại gia vị, thực phẩm tốt cho sức khỏe sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người bệnh. Thứ nhất là đảm bảo dinh dưỡng, thứ hai là bản thân loại thực phẩm đó có những chất có khả năng giảm nguy cơ ung thư, khi ăn nhiều thì người bệnh cũng sẽ được hưởng lợi từ đó.
Ngoài ra, những người trong gia đình cũng nên theo chế độ ăn như vậy vì tốt cho sức khỏe cả nhà. Bởi khi một người bị ung thư thì nguy cơ của những người còn lại trong gia đình cũng sẽ cao vì ung thư có tính di truyền và do môi trường cùng những tác nhân bên ngoài. Do đó, khi một người bị bệnh thì người thân trong gia đình cùng một hệ gen, khả năng bị ung thư sẽ cao hơn bình thường.
Bên cạnh đó, môi trường sống cũng có thể có vấn đề, tác nhân gây ung thư nào đó mình không biết. Khi sống chung một gia đình, ăn chung nguồn thức ăn, hít chung bầu không khí, uống chung nguồn nước nên nguy cơ ung thư của những người còn lại trong gia đình hay những người sống chung trong khu vực đó cũng sẽ cao hơn mức bình thường.
Vậy nên chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh nhân trong đa số trường hợp cũng phù hợp luôn với những người đang có nguy cơ ung thư và cần phòng ngừa. Thêm một lý do nữa là, "ăn giống nhau, cùng nhau" sẽ giúp cho người bệnh đỡ cảm giác bị phân biệt đối xử (người bệnh có tâm lý ngại ngùng, không muốn cho người khác biết bệnh của mình).
Chính vì vậy, khi ăn chung với nhau, cùng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, mọi người chan hòa, vui vẻ cũng thể hiện được sự ủng hộ đối với người bệnh ung thư về mặt tinh thần. Thông qua việc được chăm sóc tận tình, chia sẻ chế độ dinh dưỡng người bệnh sẽ cảm thấy gần gũi với gia đình hơn. Từ đó, việc điều trị cũng dễ thành công hơn vì khi người bệnh cảm thấy vui vẻ, yêu đời thì hệ miễn dịch sẽ hoạt động tốt hơn, mà hệ miễn dịch tốt hơn thì khả năng đẩy lùi ung thư sẽ hiệu quả hơn.
Dinh dưỡng cụ thể trong một ngày như thế nào là tốt nhất còn tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau. Đối với đa số bệnh nhân thì chế độ ăn nên được chia làm nhiều bữa nhỏ, thay vì ăn một bữa lớn thì nên chia làm 5-6 bữa nhỏ trong 1 ngày và ăn rải rác, cách nhau khoảng 3 tiếng.
Chế độ ăn như vậy giúp cho bệnh nhân dễ tiêu hóa vì lúc này hệ tiêu hóa của bệnh nhân ung thư (nhất là trong giai đoạn xạ trị, hóa trị) dễ bị tổn thương, nếu ăn một lượng nhiều thức ăn như một bữa chính bình thường sẽ đầy bụng, khó tiêu. Từ đó gây ra tâm lý ngại ăn, càng gây hại cho bệnh nhân.
Do đó, chúng ta nên nhớ nguyên tắc chung: người bệnh ung thư nên chia thành bữa nhỏ. Thức ăn nên được nấu chín, nếu cần thiết thì có thể xay nhuyễn nhưng tốt nhất là nấu mềm và không dùng quá nhiều loại gia vị cay. Quan trọng nhất là nhiệt độ nên bằng với nhiệt độ phòng, không nên quá nóng hoặc quá lạnh.
Khi người bệnh hóa trị hay xạ trị thì các tế bào của đường tiêu hóa dễ bị tổn thương và khả năng hồi phục của những tế bào này rất chậm. Những bệnh nhân ung thư mà bị lở miệng hay bị một vết tổn thương trong đường tiêu hóa sẽ có nguy cơ lan rộng và khả năng hồi phục rất chậm... Thậm chí nếu gây viêm nhiễm thì người bệnh lại phải dành thời gian để điều trị những vết thương, làm trễ chu kỳ hóa trị hoặc xạ trị tiếp theo.
Thứ nữa là, nếu họ bị đau như vậy thì khả năng tiếp tục ăn những thức ăn bình thường hoặc những món ăn dành cho người ung thư sẽ giảm xuống vì họ ngại ăn.
Ngoài ra, gia đình nên chọn nguồn thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, sạch an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có sự cân bằng trong thành phần dinh dưỡng.
Nên thay một số loại thịt đỏ, thịt gia súc bằng những loại khác như hải sản an toàn, cũng như những loại đạm thực vật sẽ tốt hơn. Đảm bảo hàm lượng chất xơ và trái cây, rau, quả ít nhất là đạt 40-50% trong khẩu phần ăn. Giảm bớt hàm lượng chất béo, tinh bột xuống. Đó là những điều chúng ta cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư.
Còn về câu hỏi: "Nếu người bệnh không ăn kiêng thì có làm giảm tác dụng điều trị của thuốc hay không" tùy thuộc vào cơ chế hoạt động của thuốc để tấn công ung thư.
Ví dụ như một số loại thuốc hoặc xạ trị thì sẽ tiêu diệt ung thư bằng cách gây ra những tổn thương trên ADN của tế bào ung thư và tạo ra những stress về mặt oxy hóa đối với tế bào ung thư nên nếu dùng nhiều loại thực phẩm chức năng có tác dụng kháng oxy hóa trong quá trình điều trị thì có nguy cơ chất kháng oxy hóa này sẽ làm giảm tác dụng điều trị của hóa trị, xạ trị.
Do đó, cần nhớ, việc sử dụng thực phẩm chức năng hay loại thuốc bổ trợ cần phải có sự tư vấn của các y bác sĩ cũng như các chuyên gia y tế có kinh nghiệm. Bởi nếu chúng ta dùng sai sẽ làm giảm tác dụng điều trị của thuốc, khả năng tiêu diệt ung thư của hóa trị, xạ trị có thể sẽ giảm xuống.
Thứ 2 nguy hiểm hơn đó là một số loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ nếu chúng ta dùng không đúng cách thì sẽ làm tăng nguy cơ tương tác thuốc với thuốc hóa trị. Khi tương tác như vậy sẽ có 3 trường hợp xảy ra:
- Trường hợp tốt nhất là nó cộng hưởng, các thuốc giúp đỡ lẫn nhau và nó tăng hiệu quả điều trị, đây là điều quá lý tưởng. Tuy nhiên trường hợp đó hiếm khi xảy ra và đòi hỏi phải có sự tính toán khoa học về mặt liều lượng.
- Trường hợp thứ 2 đó là các loại thuốc bổ trợ hay thực phẩm chức năng nó sẽ tương tác độc lập, nghĩa là mạnh đường ai nấy đi, không có ảnh hưởng gì đến nhau. Trường hợp này cũng tạm chấp nhận được.
- Trường hợp thứ 3 rất nguy hiểm mà đa số xảy ra đó là trường hợp kìm hãm, nghĩa là các chất này tương tác với nhau và làm cho thuốc hóa trị mất tác dụng. Sau phản ứng đó nó tạo ra những chất độc cho cơ thể. Những sản phẩm phụ mà độc như vậy thì vô tình lại hại bệnh nhân.
Vì vậy, việc sử dụng thực phẩm chức năng hoặc các loại thuốc bổ trợ cần hết sức cân nhắc. Đặc biệt là trong những ngày hóa trị, xạ trị hoặc 2 ngày trước, 2 ngày sau hóa trị, xạ trị. Nếu không có chỉ định của BS, không nên dùng.
Việc người ung thư không ăn kiêng có khả năng làm giảm tác dụng của điều trị. Ví dụ như chúng ta ăn quá nhiều chất béo, hoặc quá nhiều đường thì có thể sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.
Lý do thứ 1 là thực phẩm quá béo sẽ cung cấp những axit béo mà axit béo là nguồn năng lượng quan trọng cho tế bào ung thư.
Lý do thứ 2 là việc ăn quá nhiều chất béo làm tăng nguy cơ béo phì, thừa cân, mà đây là những nhân tố làm tăng nguy cơ ung thư, làm cho việc điều trị ung thư khó khăn hơn rất nhiều vì khi những mô mỡ thừa này sản xuất ra hoóc môn hoặc những chất gây viêm cao đó là lý do kích thích ung thư phát triển.
Do đó, nên hạn chế, không nên ăn quá nhiều chất béo.
Tương tự như vậy đối với đường, tinh bột, cũng không nên ăn nhiều vì khi ăn quá ngọt thì sẽ làm hàm lượng insullin tăng trong máu tăng, từ đó tế bào ung thư sẽ hưởng lợi (vì insullin là một hoóc môn có khả năng làm cho tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Điều này đã được khoa học chứng minh).
Người bị tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2 thì nguy cơ ung thư sẽ cao hơn người bình thường và nếu chẳng may bị ung thư thì việc điều trị phức tạp hơn nhiều. Do khi ăn nhiều tinh bột, đồ ngọt thì cũng đồng thời cung cấp thêm đường làm tăng đường huyết. Khi tăng đường huyết, tế bào ung thư có khả năng lấy đường để phục hồi.
Đặc biệt là trong quá trình điều trị hóa trị hay xạ trị thì tế bào ung thư sẽ bị tổn thương và chúng cần có năng lượng và các nguyên vật liệu để sửa chữa những tổn thương do hóa trị, xạ trị gây ra.
Đồng thời, tế bào ung thư cũng cần năng lượng thực hiện cơ chế phòng vệ kháng thuốc. Ví dụ như tế bào ung thư có khả năng bơm thuốc ngược ra trở lại hoặc khi thuốc vào bên trong thì tế bào ung thư sẽ tìm mọi cách ức chế không cho thuốc tiếp cận mục tiêu là AND của tế bào ung thư.
Thậm chí nó cũng có thể sử dụng enzym đặc biệt để bất hoạt chuyển hóa, thay đổi cấu trúc hóa học của thuốc. Bản thân tế bào ung thư nó cũng có khả năng hình thành những lớp mỡ rất dày để thuốc không xâm nhập được vào bên trong. Tất cả những trường hợp đó, ung thư đều cần năng lượng, những năng lượng đó lấy từ nguồn dinh dưỡng thường hay sử dụng như axit béo là chất béo, đường từ tinh bột.
Do đó, việc ăn kiêng (thực ra nói đúng phải là ăn uống hợp lý) thì sẽ làm tăng tác dụng điều trị của thuốc và làm tăng thể trạng của bệnh nhân, giúp cho việc điều trị dễ dàng hơn.
Huuphuvo…@yahoo.com.vn
Chào TS Liêm, ông bác em bị ung thư phổi. Giờ bác chỉ ăn món ăn mềm, xay nhuyễn. Các con bác thường đặt mua sâm Hàn Quốc, mua yến đảo ở Khánh Hòa nấu chung với cháo cho bác dùng.
Ăn uống như vậy có tốt và đúng không ạ?
Kính nhờ TS Liêm tư vấn nên cho bác em ăn những món gì để bổ dưỡng và kéo dài cuộc sống?
Gia đình bác em cũng có điều kiện kinh tế, các con trưởng thành muốn báo hiếu cho bố nên cố gắng tìm mua cho bác những món bổ và tốt nhất ạ. Mọi người đều cho rằng người bệnh cần bồi dưỡng đồ bổ tối đa nhưng qua những gì anh chia sẻ thì em thấy cách chăm sóc bác của em đang “trật lất”. Kính nhờ anh tư vấn giúp em.
Bệnh ung thư phổi nên ăn gì, kiêng gì ạ? Xin anh giải thích kỹ giúp em để em in cho mọi người xem để hiểu đúng, làm đúng ạ. Chân thành cảm ơn anh.
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Xin cảm ơn bạn Phú Hữu,
Sâm và yến bản chất tốt cho cơ thể, đó là những thực phẩm làm cho cơ thể phục hồi nhanh hơn và tái tạo những tổn thương rất tốt. Tuy nhiên, nếu trường hợp bác của bạn đang điều trị ung thư phổi và vẫn còn tế bào ung thư trong người thì việc dùng sâm và yến sẽ dẫn đến nguy cơ là giúp luôn tế bào ung thư phục hồi.
Trên bề mặt tế bào ung thư có rất nhiều thụ thể bắt được tín hiệu tăng trưởng. Những thụ thể này số lượng hoạt tính của nó mạnh hơn nhiều so với tế bào bình thường nên nhiều trường hợp số lượng thụ thể trên bề mặt của tế bào ung thư có thể gấp 2 - 3 lần, thậm chí gấp 10 lần - 20 lần so với tế bào bình thường.
Do đó, khi chúng ta ăn sâm và yến khi trong người vẫn còn tế bào ung thư thì có một số khả năng xảy ra là những tín hiệu tăng trưởng đến từ sâm và yến đó sẽ giúp cơ thể chúng ta nhưng đồng thời cũng giúp luôn tế bào ung thư. Trong 1 số trường hợp, tế bào ung thư sẽ nhận sự giúp đỡ đó nhiều hơn so với bình thường. Như vậy có thể tế bào ung thư sẽ hưởng lợi hơn so với tế bào bình thường. Việc sử dụng sâm và yến sẽ phản tác dụng.
Chính vì vậy, trong trường hợp bệnh nhân đang bị ung thư thì theo ý kiến cá nhân Liêm thì việc sử dụng sâm và yến cần phải cân nhắc kĩ và nên có tư vấn chi tiết của BS có chuyên môn về dinh dưỡng để dùng cho phù hợp.
Còn việc "bồi dưỡng tối đa" thì theo Liêm chỉ nên bồi dưỡng để duy trì cân nặng, thể trạng ở mức độ hợp lý là tốt nhất chứ không nên là tối đa. Bởi nếu bệnh nhân thừa cân lại rất khó trong việc điều trị.
Do đó, tốt nhất là chúng ta nên cho bệnh nhân ăn những món giúp phục hồi sức khỏe chứ không phải bổ tối đa mà chỉ giúp bệnh nhân đạt đượng một thể trạng, cân nặng hợp lý ở trong chỉ số cho phép của Tổ chức Y tế thế giới.
Đối với việc bệnh nhân ung thư phổi nên ăn gì, kiêng gì thì chế độ dinh dưỡng cũng không khác gì mấy so với bệnh nhân khác. Nghĩa là cần có sự cân bằng hợp lý giữa các thành phần dinh dưỡng khác nhau, bao gồm: Đạm, tinh bột, vitamin, khoáng chất, chất béo, cố gắng ăn nhiều rau xanh, củ quả, thay thế nguồn đạm đến từ các loại thịt gia súc như là thịt đỏ, thịt trâu, bò heo, bằng những nguồn như hải sản, đạm thực vật thì sẽ tốt hơn so với chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Bệnh nhân ung thư phổi thì tuyệt đối không tiếp xúc với thuốc lá, tránh xa thuốc lá cũng như hạn chế tiếp xúc với người hút thuốc lá. Đồng thời nên sống ở nơi yên tĩnh, ít khói bụi, hạn chế rượu bia (nếu bỏ được thì càng tốt).
Về chế độ dinh dưỡng chung thì cũng tương tự như các loại ung thư khác chứ không thay đổi nhiều lắm. Việc ăn mềm, xay nhuyễn sẽ giúp cho bệnh nhân ung thư tiêu hóa dễ dàng hơn. Nhưng đôi khi cũng có tác dụng ngược lại đó là tạo cảm giác ngán, do đó nếu bệnh nhân ăn được thức ăn bình thường, hơi mềm chút xíu và chia làm nhiều bữa nhỏ thì nên ăn như vậy để họ có cảm giác nhai, ngon miệng. Nếu bệnh nhân hệ tiêu hóa trục trặc hoặc yếu quá, họ không tiêu hóa được thức ăn nhuyễn thì buộc phải xay ra, thậm chí phải truyền đường ống riêng. Việc này BS dinh dưỡng sẽ tư vấn thêm cho bệnh nhân khi thăm khám, điều trị bạn nhé.
Nhóm bạn đọc quận 1, TPHCM
Kính nhờ anh cho em biết nhu cầu dinh dưỡng của 1 bệnh nhân ung thư có căn cứ theo cân nặng độ tuổi hay loại bệnh ung thư không ạ?
Em muốn tìm hiểu, nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của người mang bệnh ung thư bằng bao nhiêu % so với người bình thường?
Ngày cuối tuần, nhóm chúng em hay đi từ thiện, nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân ung thư của BV Ung bướu. Em thấy các ca bị ung thư quá sức là đáng thương. Em không biết làm sao để biết nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư để nấu cơm từ thiện đúng cách, đủ dinh dưỡng cho họ.
Rất mong anh cho lời khuyên, với chỉ tiêu 30.000 đồng/ phần cơm, chúng em nên nấu những món nào để đạt dinh dưỡng tốt nhất cho người bệnh ung thư? Và làm sao để giúp người ung thư ăn ngon miệng?
Em chân thành cảm ơn anh.
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Trước tiên là mình xin cảm ơn các bạn đã tấm lòng hào hiệp giúp đỡ cho các bệnh nhân ung thư. Đây là điều rất đáng quý và rất đáng trân trọng.
Về câu hỏi của các bạn làm sao để có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh ung thư, đặc biệt là trong công tác từ thiện. Nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư sẽ tùy thuộc vào giai đoạn điều trị, độ tuổi cũng như là từng loại bệnh khác nhau. Có một số loại bệnh ung thư, ví dụ như ung thư đường tiêu hóa, ung thư ruột thì đôi khi việc tiêu hóa những chất xơ gặp nhiều khó khăn cho nên bệnh nhân phải chuyển sang một chế độ ăn ít chất xơ, thì cái đó tùy trường hợp đặc điểm của từng cá nhân.
Chẳng hạn như những bệnh nhân họ gặp trục trặc về bệnh tim mạch thì phải hạn chế bớt những chất béo, hạn chế lượng mỡ trong máu hay như người bệnh tiểu đường vì khi bị ung thư thì thường kèm các bệnh khác nữa, có thể một số bệnh mà họ chưa biết hoặc là bệnh đã biết rồi như tiểu đường, béo phì... Chế độ ăn của người bệnh ung thư trong trường hợp đó sẽ khác nhau. Thậm chí có thể cùng một loại bệnh ung thư, cùng giai đoạn, cùng phác đồ điều trị nhưng do mắc các bệnh khác nhau nên chế độ dinh dưỡng cũng sẽ khác nhau.
Do đó, vấn đề này còn tùy thuộc vào đặc điểm của từng người sẽ có nhu cầu, chế độ dinh dưỡng tối ưu nhất, nếu có điều kiện mình cần gặp trực tiếp các bạn để mình trao đổi, xem các bạn đang nấu những món gì để từ đó mình có những tư vấn phù hợp.
Hiện nay mình không đủ thông tin để đưa ra khuyến cáo mang tính chính xác. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân ung thư nói chung thì số lượng calo mà họ cần tùy thuộc vào giai đoạn. Ví dụ một số bệnh nhân mới hồi phục sau khi hóa trị, xạ trị thì có thể nhu cầu dinh dưỡng của họ sẽ cao hơn so với những người bình thường khác hoặc một số người bị thừa cân thì họ sẽ cần có chế độ ăn kiêng để duy trì, đưa cân nặng về mức hợp lý.
Điều quan trọng cần biết là chúng ta cung cấp cho bệnh nhân những kiến thức để họ tự lựa chọn những món ăn và cũng như những chế độ, khẩu phần phù hợp với họ, còn đối với việc làm bếp ăn từ thiện chúng ta sẽ rất khó trong việc chuẩn bị ra nhiều khẩu phần dành riêng cho từng người. Cho nên có những món ăn chúng ta có thể làm như kiểu buffet, tức là chúng ta có sẵn những món ăn và ghi luôn trên đó hàm lượng calo trong 100g.
Bên cạnh đó, chúng ta ghi luôn những bảng khuyến cáo về số lượng calo cần thiết cho loại bệnh. Từ đó, bệnh nhân sẽ dựa theo bảng để họ lựa chọn những món ăn nào phù hợp với họ. Như vậy sẽ tốt hơn thay vì chúng ta chuẩn bị sẵn khẩu phần trong hộp, nhiều khi bệnh nhân không có sự lựa chọn mà chúng ta thì cũng không thể nào đa dạng hóa khẩu phần để phù hợp được.
Hơn nữa nếu chúng ta sử dụng những hộp xốp hay đựng thức ăn bằng đồ nhựa dùng một lần để đưa cho bệnh nhân thì không phải lúc nào cũng tốt vì những đồ xốp hay đồ nhựa dùng một lần, nếu trong trường hợp chất lượng của sản phẩm không tốt thì sẽ có một số chất gây ung thư có thể thấm vào trong thức ăn. Đặc biệt là những sản phẩm bằng nhựa, ni lông mà không tốt cho sức khỏe, do đó chúng ta cần phải cẩn thận.
Hiện nay, ở Pháp họ bắt đầu cấm dần việc sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần. Đến năm 2020 thì Pháp sẽ hoàn toàn cấm việc đó bởi họ sẽ dần dần ý thức được mối nguy hiểm cũng những chất phụ gia có trong đồ nhựa có khả năng thấm vào bên trong thức ăn, nhất là thức ăn chứa dầu và thức ăn có nhiệt độ cao.
Việc dùng đồ nhựa lâu ngày, trong một số trường hợp sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Do đó, nếu chúng ta có điều kiện thì nên sử dụng các đồ vật bằng thủy tinh, sứ trắng để giúp bệnh nhân có chế độ ăn lành mạnh, phù hợp hơn bởi vì thức ăn cũng quan trọng và đồ dựng thức ăn cũng quan trọng không kém.
Với chỉ tiêu 30.000 đồng/phần cơm thì chúng ta nên nấu món gì đạt dinh dưỡng tốt nhất cho bệnh nhân ung thư thì thật sự Liêm cũng không biết trả lời như thế nào vì mình mới về Việt Nam cũng không biết vật giá ở đây hiện nay ra sao nên rất tiếc mình không thể tư vấn cụ thể cho bạn.
Nếu các bạn cần thì mình xin hẹn các bạn một buổi nào đó để chúng ta trao đổi chi tiết để xem các bạn đang nấu món gì và khả năng tiếp cận của các bạn đối với các nguồn thực phẩm sạch ra sao và vật giá, chi phí như thế nào để từ đó mình sẽ xây dựng một khẩu phần ăn phù hợp với bệnh nhân.
Bạn đọc Nguyễn Thị Ngọc Liên - 25 tuổi, liennguyen…@gmail.com
Kính chào TS Liêm,
Thưa anh, em đang học ngành điều dưỡng. Em có đi làm thêm là chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà. Em thấy, thường sau mỗi lần hóa trị, người bệnh hay có cảm giác rất chán ăn, vậy nên dùng thực phẩm gì bổ dưỡng thay thế những lúc chán ăn như vậy?
Em đến chăm sóc các bệnh nhân, nhìn họ không nuốt nổi mà thấy xót xa lắm. Em nên tư vấn cho bệnh nhân nên ăn gì, cho ngon miệng và đảm bảo dinh dưỡng.
Nhiều bệnh nhân chọn cách uống sữa Ensure thay bữa ăn. Như thế có đủ dinh dưỡng không ạ? Có người xay 5 loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành và đậu phọng) làm nước uống hàng ngày. Uống như thế có đủ chất bổ dưỡng và công thức 5 loại đậu trong 1 loại nước uống có đúng không ạ?
Em cảm ơn và kính chúc sức khỏe TS Phan Minh Liêm cùng gia đình AloBacsi. (Với em Alobacsi như gia đình vì có thắc mắc gì em cũng níu hỏi các anh chị ở đó).
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Cảm ơn Ngọc Liên,
Đúng là mỗi lần hóa trị hay xạ trị cảm giác chán ăn thường xuyên xảy ra. Đối với những trường hợp này, bệnh nhân nên có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt dành riêng cho những ngày đó. Nghĩa là nếu bệnh nhân không nhai được hay biếng ăn, chúng ta có thể xay nhuyễn ra, làm những món hợp khẩu vị của bệnh nhân, chia làm nhiều bữa nhỏ.
Vì bệnh nhân sau những ngày hóa trị sẽ có cảm giác buồn ói, ói thường xuyên (một số trường hợp BS sẽ cho thuốc chống ói) nên cần cho bệnh nhân ăn nhiều bữa nhỏ, thậm chí là 2 giờ cho ăn 1 lần, để đối phó với tình trạng ói của bệnh nhân.
Ngoài ra, bệnh nhân nên uống đủ nước để thải độc cơ thể và bảo vệ gan thận khỏi tác dụng phụ của hóa trị. Nói chung là nên lựa chọn những món bệnh nhân thích nhưng vẫn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và hợp lý. Điều này tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người, do đó người điều dưỡng cần trao đổi với bệnh nhân xem thích ăn những món gì từ đó đề ra chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Tình trạng chán ăn sẽ giảm dần, thường là khoảng 3-4 ngày sau khi hóa trị xong bệnh nhân sẽ hồi phục. Đa số các trường hợp là như vậy và bệnh nhân có thể ăn trở lại.
Trong 3 - 4 ngày bệnh nhân có cảm giác ói nhiều hay mệt nhiều thì chúng ta phải chấp nhận thực tế là khả năng bệnh nhân lấy chất dinh dưỡng khó hơn. Sau khi bệnh nhân hồi phục sẽ cho bệnh nhân ăn bù thêm những chất đã mất.
Tuy nhiên, chúng ta không nên ép bệnh nhân ăn quá nhiều, bởi vì điều này tùy thuộc vào thể trạng và nhu cầu của mỗi người. Chúng ta chỉ nên động viên chứ không nên ép.
Đối với các loại sữa như Ensure thì nếu bệnh nhân không ăn uống được gì thì chúng ta buộc phải dùng, bởi vì yêu cầu quan trọng đối với bệnh nhân lúc đó là cần có năng lượng để đảm bảo sự sinh tồn và sự hồi phục. Trong những trường hợp không ăn được thì chúng ta có thể sử dụng sữa Ensure để thay thế nhưng chúng ta không nên lạm dụng mà nên dựa vào những thực phẩm mà bệnh nhân thích ăn.
Việc sử dụng 5 loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành và đậu phọng), trong đó có đậu nành việc nó tác dụng lên ung thư như thế nào hiện nay khoa học chưa thực sự rõ lắm. Một số trường phái cho là tốt, một số trường phái lại cho là không tốt. Tuy nhiên, cả 2 trường phái này chưa đưa ra được luận cứ chứng minh mang tính thuyết phục để bác bỏ bên kia vì còn tùy thuộc vào số lượng đậu nành được tiêu thụ mỗi ngày cũng như hàm lượng Isoflavone hay những chất có tương tự như Estrogen ở đậu này. Đây là vấn đề hiện nay đang tranh cãi.
Đậu phụng thì tốt cho sức khỏe nhưng đậu phụng tại một số nước nhiệt đới trong quá trình sau khi thu hoạch được bảo quản thì có nguy cơ sẽ nhiễm các loại nấm sản sinh độc tố Aflatoxin gây ung thư gan. Do đó, anh khuyên là nên thay đậu nành, đậu phụng bằng đậu ván hay đậu trắng thì sẽ tốt hơn. Đủ chất dinh dưỡng thì tất nhiên tại thời điểm bệnh nhân không ăn uống được gì thì tạm thời có thể sử dụng các loại đậu này để cung cấp, bổ sung chất dinh dưỡng nhất định cho bệnh nhân nhưng không thể dựa hoàn toàn vào 5 loại đậu này lâu dài được, đây là điều không nên làm.
5 loại đậu này không thể nào có đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như chất vi lượng, khoáng chất, vitamin cho bệnh nhân được mà cần phải dựa vào một số loại khác nữa ví dụ như rau xanh, hoa quả, hải sản hay một số loại đạm nguồn gốc thực vật….
Nói chung với tư cách là người điều dưỡng, chăm sóc cho bệnh nhân từng miếng ăn, giấc ngủ là điều rất đáng quý vì thực sự người bệnh nhân có hồi phục hay không phụ thuộc rất nhiều vào người điều dưỡng và sự chăm sóc của gia đình. Thầy thuốc hay BS là người chữa trị cho bệnh nhân tại bệnh viện nhưng khi bệnh nhân về nhà thì chủ yếu dựa vào điều dưỡng và gia đình, cho nên những kiến thức cũng như chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp cho bệnh nhân hồi phục nhanh hơn,việc điều trị sẽ khả quan hơn.
Đó là một vài lời chia sẻ của anh gửi đến Ngọc Liên.
Bạn đọc Giao Linh - g.linh…@gmail.com
Xin chào TS Phan Minh Liêm,
Trong thời gian xạ trị, hóa trị, bệnh nhân có thể bị chán ăn, khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể suy giảm… Vậy xin hỏi TS những người ở giai đoạn này nên có chế độ dinh dưỡng thế nào để có sức khỏe tiếp tục chiến đấu. Đối với mỗi loại ung thư sẽ có chế độ dinh dưỡng khác nhau hay sao ạ. Chân thành cảm ơn TS đã dành thời gian giải đáp. Trân trọng cảm ơn anh.
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Xin chào bạn Giao Linh,
Trong thời gian hóa trị, xạ trị đúng là bệnh nhân sẽ có cảm giác chán ăn và khả năng hấp thụ dinh dưỡng có thể suy giảm. Giai đoạn này chúng ta nên cung cấp chất dinh dưỡng ở chế độ vừa phải, phù hợp với nhu cầu của họ, không nên cung cấp quá nhiều vì nếu quá nhiều sẽ làm quá tải hệ tiêu hóa, đồng thời sẽ sinh ra lượng mỡ thừa không tốt cho bệnh nhân.
Như bên trên mình chia sẻ là chia nhỏ bữa ăn bằng nhiều phần khác nhau, nên ăn nhiều hoa quả, đạm có nguồn gốc từ hải sản thay thế cho thịt đỏ, thịt gia súc.
Nếu buộc phải dùng sữa thì nên dùng những loại ít chất béo, nếu bệnh nhân gặp khó khăn về vấn đề tiêu hóa thì có thể sử dụng một số thực phẩm có thể hỗ trợ tiêu hóa tự nhiên như thơm, đu đủ là chứa nhiều enzym giúp bệnh nhân tiêu hóa tốt hơn.
Ví dụ như nếu chúng ta chỉ cho bệnh nhân ăn thịt thì khả năng tiêu hóa của họ sẽ thấp nhưng nếu trong quá trình chế biến chúng ta thêm thơm hoặc đu đủ thì sẽ có một số enzym có thể phân hủy miếng thịt đó hoặc hải sản đó để giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn.
Một số loại thực phẩm khác bệnh nhân có thể dùng để giảm tác dụng phụ của hóa trị (táo bón) như nha đam. Đây là một loại thực vật có khả năng giúp phục hồi tổn thương và hạn chế tình trạng táo bón.
Bệnh nhân cũng có thể sử dụng một số loại trà như atiso chẳng hạn để giảm bớt tình trạng suy thận. Tất nhiên, việc sử dụng atiso hay loại trà khác thì cần phải cân nhắc kỹ, chúng ta không nên lạm dụng nhiều quá.
Hiện nay trên thị trường có một số loại thực phẩm chức năng có khả năng hỗ trợ cho gan có amin axit giúp cho cơ thể hồi phục tốt hơn. Bệnh nhân có thể cân nhắc và tham vấn ý kiến chuyên môn của BS để sử dụng cho phù hợp. Không nên tự ý mua về dùng.
Đối với mỗi loại ung thư sẽ cần có chế độ dinh dưỡng khác nhau, tuy nhiên khác biệt không nhiều vì nguyên lý chung như nãy giờ mình đã nói. Một số loại ung thư như ung thư đường tiêu hóa thì đôi khi việc hấp thu, tiêu hóa chất béo hay chất xơ sẽ gặp vấn đề, khi đó chúng ta phải chuyển qua chế độ ăn ít chất xơ hơn, thay thế bằng một số loại đạm thực vật.
Một số bệnh nhân bị ung thư bao tử không tiêu hóa được thì chế độ dinh dưỡng của họ là phải chia rất nhiều bữa khác nhau, thậm chí một ngày có thể ăn từ 6-8 bữa.
Đối với bệnh nhân ung thư máu, đặc điểm của tế bào ung thư máu trong đa số trường hợp là nó rất thích đường, tức là nó lấy năng lượng từ đường, chất béo, đặc biệt là từ đường. Do đó, những người bệnh ung thư máu phải lưu ý phải kiểm soát đường huyết cho phù hợp, không để đường huyết quá cao, nhất là những người có nguy cơ hay đang bị tiểu đường type 2. Bởi vì tế bào ung thư máu lấy rất nhiều đường để cung cấp năng lượng, "nguyên vật liệu" để tăng trưởng, sinh tồn, di căn, đồng thời để kháng thuốc. Vậy nên những người bị ung thư máu cần hết sức lưu ý kiểm soát đường huyết tốt và không nên lạm dụng thức ăn ngọt, tinh bột.
Tinh bột như cơm bản chất là đường, sau khi tiêu hóa thì những tinh bột đó sẽ bị cắt thành phân tử đường glucose nên trong chế độ dinh dưỡng cũng không nên ăn nhiều cơm, thay thế bằng một số loại đạm khác tốt hơn.
Bạn đọc Tùng Quân - Nơ Trang Long, Bình Thạnh
Thực đơn của bệnh nhân bị các bệnh ung thư khác nhau có gì khác nhau không hả Tiến sĩ? Tôi nấu cơm tháng cho bệnh nhân ung thư ở BV ung bướu TPHCM, muốn tìm hiểu xem nên nấu món như thế nào để bệnh nhân ăn bổ khỏe. (1 phần cơm, tôi bán ra từ 25 đến 38 ngàn đồng).
Vậy nên chú trọng món nào và kiêng món nào. Tôi không muốn vô tình nấu món ăn không có lợi cho người bệnh ung thư. Ví dụ: món cá chiên dòn, cá chiên, có cần phải loại bỏ khỏi thực đơn do nhiều dầu mỡ? TS có thể hướng dẫn giúp tôi chi tiết và đầy đủ không?
Cảm ơn TS Liêm nhiều lắm.
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Cảm ơn bạn Tùng Quân,
Đối với bệnh nhân ung thư chúng ta nên kiêng những thức ăn quá ngọt, quá béo như ở trên mình đã trao đổi. Một số món đặc biệt như cá chiên giòn, cá chiên chúng ta có thể thay đổi cách chế biến chút xíu sẽ vẫn đảm bảo, không gây hại sức khỏe của bệnh nhân bởi vì nhiều khi món đó là món họ thích thì họ sẽ ăn, từ đó có thêm nguồn dinh dưỡng.
Trong quá trình chế biến chúng ta có thể lưu ý là cá không nên chiên quá giòn, vì trong đa số trường hợp chiên giòn phải sử dụng lửa lớn, khi sử dụng lửa lớn thì khả năng biến tính của cá sẽ thành nhưng chất gây ung thư, quá trình này diễn ra nhanh chóng khi đun nấu trên 200 độ C.
Có một cách khắc phục đó là khi chúng ta chiên thì nên để lửa nhỏ đến khi cá chín ở giai đoạn cuối thì để ngọn lửa lớn hơn một chút tạo cảm giác giòn cho bệnh nhân dễ ăn. Có thể loại bỏ dầu mỡ bằng giấy thấm dầu trước khi đưa cho bệnh nhân.
Đối với dầu ăn chúng ta nên thay hằng ngày, không nên sử dụng lại nhiều lần, nên chọn dầu có chất lượng tốt và đã được kiểm nghiệm độc tố Aflatoxin vì những loại như dầu phụng hay dầu mè được chế biến từ nguồn nguyên liệu chưa được kiểm nghiệm thì có nguy cơ sẽ nhiễm độc tố Aflatoxin gây ung thư gan cho bệnh nhân.
Do đó, chúng ta nên chọn những loại dầu đã có kiểm nghiệm đầy đủ, rõ ràng, chất lượng đảm bảo như vậy sức khỏe của người bệnh sẽ tốt hơn. Trong khẩu phần ăn của bệnh nhân thì nên bổ sung thêm trái cây để có đủ vitamin, khoáng chất giúp bệnh nhân có hàm lượng chất xơ đầy đủ vì trong bản thân những loại hoa quả chúng ta ăn đã có chất kháng ung thư sẵn như súp lơ xanh, súp lơ trắng, cà chua, cà rốt, mãng cầu xiêm, thanh long, bơ, nho, táo, quýt, cam, lê…
Đồng thời, trên bề mặt tế bào thực vật có chất kháng ung thư hiệu quả thì khi chúng ta tăng hàm lượng chất xơ bằng trái cây, rau quả lên khoảng 40% trong khẩu phần ăn thì sẽ giúp cho bệnh nhân rất nhiều trong việc hồi phục sức khỏe.
Bạn đọc Tú Hương - Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM
Tôi bị ung thư vú, phát hiện giai đoạn sớm TS Liêm ạ. Lâu nay tôi vẫn điều trị và ăn uống bình thường chung với mọi người, y như một người không có bệnh.
Tuy nhiên, hôm nay đọc bài viết tường thuật những gì anh chia sẻ tại hội thảo ung thư. Tôi giật cả mình. Tôi không kiêng cữ gì là sai mất rồi.
Giờ tôi rất muốn nhờ anh giúp dùm thực đơn của những người ung thư vú.
Các món chúng tôi nên kiêng triệt để là gì, thưa anh?
Mong anh giúp dùm chúng tôi, để chia sẻ cho các thành viên của nhóm bệnh nhân ung thư vú trong sinh hoạt định kỳ. Rất cảm ơn anh.
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Xin cảm ơn chị Tú Hương,
Theo em nghĩ thì thực đơn của người ung thư vú phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sở thích của người ăn, nguồn nguyên vật liệu mình có thể mua. Do đó, việc lên thực đơn cho người ung thư vú điều tốt nhất hiện nay em có thể làm là cung cấp cho chị và những người bạn của chị những nguyên lý căn bản của dinh dưỡng cho người bị ung thư và dựa trên đó thì chị sẽ lựa chọn thực phẩm nào phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và phù hợp với đặc điểm môi trường, nguồn thực phẩm nơi chị sinh sống.
Đối với người bị ung thư vú, nên hạn chế ăn chất béo nhiều quá, hạn chế ngọt, đối với sữa thì lưu ý là nên chọn sữa ít béo, và chọn sữa theo quy trình sạch, xanh và không dùng hóoc môn tăng trưởng. Bởi vì đối với một số nhà sản xuất nếu họ sử dụng hoóc môn tăng trưởng trong quá trình sản xuất sữa thì những hoóc môn này có khả năng sẽ đi vào bên trong sữa và kích thích sự phát triển những khối u nằm trong hệ sinh sản như ung thư vú, tử cung hay buồng trứng. Tất nhiên là nó cũng ảnh hưởng đến các cơ quan khác chứ không phải không nhưng vú, buồng trứng, tử cung là những cơ quan rất nhạy cảm.
Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý có một số trường hợp những con bò bị viêm ở tuyến vú, nếu như người sản xuất không để ý chuyện này và tiếp tục vắt sữa mỗi ngày thì những phản ứng viêm ở trong tuyến vú của con bò sẽ sản sinh ra những hoóc môn gây viêm, hoóc môn gây viêm này có thể đi vào trong sữa và khi chúng ta uống cũng mang hoóc môn đó.
Hoóc môn gây viêm này là những tiền chất kích thích ung thư phát triển bởi vì viêm mạn tính là 1 trong 10 đặc điểm của tế bào ung thư. Thậm chí trong một số trường hợp điều trị cho những con bò đó bằng thuốc kháng sinh thì nếu trong giai đoạn đó vẫn lấy sữa thì có khả năng kháng sinh đi vào trong sữa và cũng đi vào trong người chúng ta.
Khi kháng sinh đó đi vào trong người bệnh nhân, đặc biệt đường tiêu hóa thì sẽ ảnh hưởng đến vi sinh vật hệ đường ruột và nó diệt một số loại vi sinh vật có lợi, những lợi khuẩn này khi nó bị tiêu diệt thì sẽ làm cho hệ tiêu hóa của bệnh nhân suy giảm và dễ phát những bệnh đường ruột.
Chính vì vậy chúng ta nên chọn những nguồn sữa từ nhà sản xuất đáng tin cậy, cam kết và có giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn xanh - sạch theo tiêu chuẩn quốc tế. Tốt nhất là dùng sữa ít béo.
Đậu nành chúng ta cũng không nên lạm dụng vì nghiên cứu xác định đậu nành có hại hay có lợi là vấn đề chưa ngã ngũ nhưng có điều chắc chắn là những estrogen thực vật trong đậu nành nếu chúng ta sử dụng hàm lượng cao, lâu dài có khả năng sẽ ảnh hưởng đến mô tuyến vú, buồng trứng và tử cung bởi vì dù estrogen thực vật hàm lượng thấp hơn hàng trăm lần so với estrogen động vật nhưng nếu mỗi bữa đều ăn với số lượng nhiều thì hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.
Một số món nên hạn chế như thịt bò, thịt đỏ có nguồn gốc từ gia súc như thịt heo, thịt trâu, thịt cừu, thịt dê... thay bằng hải sản sạch, nếu như hiện nay hải sản ở biển làm chúng ta lo lắng thì có thể chuyển sang cá nước ngọt cũng rất tốt, thậm chí là có thể một số loại thực phẩm có khả năng kháng ung thư như cà rốt, cà chua, bơ, thanh long, cam, lê, nho, táo, dưa leo, dưa hấu, mãng cầu xiêm...
Khi chế biến hạn chế để thức ăn cháy khét, không dùng nhiệt độ cao, hạn chế nước tương, chao chưa được kiểm nghiệm có độc tố Aflatoxin. Tất nhiên khi một người bị ung thư vú thì khả năng mắc các dạng ung thư khác sẽ cao hơn bởi vì bộ gen hay môi trường sống có vấn đề thì mới phát sinh ung thư vú. Chính vì vậy, nguy cơ phát sinh một loại ung thư khác hoặc nguy cơ tái phát là có.
Do đó, những điều chúng ta nên làm như chế độ dinh dưỡng phù hợp, tập luyện thể dục thể thao và tái khám theo định kỳ, tiêm chủng và điều trị triệt để. Đó là những lời khuyên mà mình dành cho bệnh nhân ung thư vú cũng như bệnh nhân ung thư nói chung.
Bạn đọc Võ Thị Nhật Hạ - 32 tuổi, Hà Nội
Tôi thấy nhiều hãng sữa quảng cáo sữa cho người bị ung thư. Xin hỏi TS Phan Minh Liêm, ung thư có nên uống nhiều sữa không ạ? Nếu được thì nên uống loại sữa nào (sữa mình tự nấu, sữa mua ở ngoài…). Chân thành cảm ơn TS Liêm ạ.
Chào bạn,
Đã có nhiều chuyên gia dinh dưỡng đã nghiên cứu và sản xuất ra những loại sữa phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của người bị ung thư. Người ta thấy rằng nếu những loại sữa có nguồn gốc từ thực vật thì sẽ an toàn hơn.
Sau đó là sữa bò - xin nhấn mạnh chỉ nên dùng sữa bò an toàn. Loại sữa được sản xuất đúng quy trình sản xuất xanh, sạch. Con bò khi cung cấp sữa phải khỏe mạnh, không bị viêm nhiễm tuyến vú, không sử dụng tăng trưởng… thì những loại sữa này có thể dùng.
Còn việc bệnh nhân ung thư có uống được nhiều sữa không thì tùy thuộc vào giai đoạn. Nếu như bệnh nhân họ không ăn uống được gì thì buộc phải dùng sữa; còn nếu như họ dùng được những thức ăn khác thì chúng ta nên dùng bằng những thức ăn khác tốt hơn. Bởi vì bản thân sữa không thể cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, khoáng chất vi lượng cho bệnh nhân được, vì thế chúng ta nên đa dạng hóa những nguồn thực phẩm.
Một số loại sữa mình có thể tự sản xuất được như sữa hạnh nhân chẳng hạn. Việc chế biến cũng đơn giản thôi: chúng ta lấy 100 gram hạnh nhân rang lên với ngọn lửa vừa. Khi chín thì chúng ta bỏ vào máy xay sinh tố, xay với khoảng 900 ml nước sạch. Sau khi xay nhuyễn khoảng 30 phút, chúng ta lọc lấy phần sữa (nước không cặn) để uống mỗi ngày. Đó là cách sản xuất sữa hạnh nhân sạch và rất an toàn. Đồng thời, sữa hạnh nhân có nhiều tác dụng cho bệnh nhân, lại vừa đảm bảo sức khỏe.
Trịnh Văn Tiến - 58 tuổi, tientran…@yahoo.com
Khi biết tôi bị ung thư, gia đình, con cháu lập tức cho tôi một chế độ ăn riêng theo hướng dẫn của bác sĩ. Song nhìn mâm cơm dành cho người bệnh, khó ăn quá. TS có thể giúp dùm cho thực đơn đa dạng của người bệnh ung thư dạ dày là gì không? Người bệnh ung thư thỉnh thoảng làm vài lon bia cho vui với bạn bè có được không TS? Mong được nhận lời khuyên từ TS Liêm.
Xin chào bác Tiến,
Ung thư dạ dày là một loại bệnh ung thư ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của bệnh nhân. Trong một số trường hợp, nếu cần thiết thì bác sĩ buộc phải cắt bỏ toàn phần bao tử hoặc nơi có khối u. Điều này ảnh hưởng đến việc lưu và tiêu hóa thức ăn.
Những người bị ung thư dạ dày thường có một đặc điểm là sẽ phải ăn nhiều bữa trong 1 ngày và chế độ dinh dưỡng của họ cũng hơi khác so với người bình thường, đó chính là thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Chế đô dinh dưỡng của người ung thư dạ dày là nên chọn các món bệnh nhân thích ăn và áp dụng nguyên lí dùng lửa nhỏ, thực phẩm sạch và nấu thức ăn mềm.
Nếu chúng ta chỉ chú trọng đến nguyên lí bổ dưỡng mà bỏ quan sở thích của bệnh nhân thì họ sẽ dễ bị chán ăn dẫn đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng sẽ giảm đi. Việc ép ăn sẽ dẫn đến ức chế tâm lí.
Vì thế, bác nên trao đổi với gia đình là nên nấu những món mà mình thích ăn dựa vào những nguyên lí mà cháu kể trên.
Còn việc uống bia. Cháu khuyên bác không nên bởi vì khi bác bị ung thư bao tử chứng tỏ là khả năng kháng ung thư trong người bác đã “có vấn đề” hoặc những tác nhân gây bệnh đang tàn phá cơ thể.
Như vậy, khi bác dùng rượu bia thì thứ nhất gan của bác sĩ hoạt động nhiều hơn. Vấn đề là khi bác bị ung thư thực tế gan, thận đã bị tổn thương rồi, uống bia rượu trong thời gian này là bắt hai cơ quan này làm việc nhiều hơn dẫn dễ bị suy giảm nhiều hơn, dẫn đến chất lượng cuộc sống đi xuống. Theo chứng mình, rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư cho toàn bộ đường tiêu hóa, không chỉ có gan và bao tử… Vì vậy lời khuyên của cháu là: với trường hợp như bác thì nên bỏ hẳn rượu bia.
Bạn đọc Đào Thị Cẩm - 47 tuổi, TPHCM
Hôm hội thảo 1/10, tôi có đến nghe TS Liêm chia sẻ về cách phòng ngừa ung thư, trong đó tôi rất quan tâm đến chi tiết người tiểu đường hay béo phì khi bị ung thư thì sẽ khó chữa hơn những người khác. Hiện tại tôi đang bị tiểu đường type 2, hơi thừa cân nên cũng lo lắng. Xin nhờ Alobacsi chuyển câu hỏi đến TS Phan Minh Liêm, người tiểu đường nên ăn uống như thế nào để phòng ngừa ung thư?
Hoặc nhỡ chẳng may bị ung thư khi có bệnh tiểu đường thì cách ăn uống, kiêng khem như thế nào để khối u không phát triển thêm? Trân trọng cảm ơn TS Liêm và Cổng thông tin sức khỏe AloBacsi.
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Xin cảm ơn chị Cẩm, câu hỏi của chị là rất quan trọng vì có rất nhiều người bị tiểu đường, béo phì và rất quan tâm đến phòng ngừa ung thư.
Lý do là bởi vì tiểu đường hay béo phì thì sẽ làm tăng nguy cơ ung thư lên, điều này khoa học đã chứng minh.
Nếu như người tiểu đường, béo phì chẳng may bị ung thư thì việc điều trị của họ sẽ rất khó khăn.
Thứ 1 là do những tế bào mỡ thừa sẽ tiết ra những ho óc môn kích thích ung thư phát triển và gây phản ứng viêm và là tiền căn của ung thư. Đồng thời nó cũng cung cấp luôn nguồn dinh dưỡng cho tế bào ung thư.
Trường hợp thứ 2 đối với người bị tiểu đường type 2 thì insullin trong máu sẽ cao hơn, đồng thời một số hoóc môn tăng trưởng cũng tăng cao và đường huyết nếu không kiểm soát tốt cũng sẽ cao. Những tác nhân đó sẽ cung cấp tín hiệu tăng trưởng và dinh dưỡng để tế bào ung thư phát triển. Đường cung cấp dinh dưỡng và năng lượng còn hoóc môn insullin tăng trưởng là kích hoạt ung thư phát triển.
Người bị tiểu đường nên ăn uống thế nào thì cái này theo em biết thì đã có những chế độ ăn đã được nghiên cứu rất kỹ cho người bị tiểu đường, chúng ta nên theo.
Ví dụ như người bị tiểu đường thì không nên ăn thức ăn quá ngọt, không ăn quá nhiều tinh bột và bữa ăn của họ chia thành nhiều bữa nhỏ khác nhau chứ không nên ăn quá nhiều một lúc.
Dùng thuốc tiểu đường cũng phải dùng đúng cách và không nên bỏ ngang, nếu chúng ta thấy đường huyết kiểm soát tốt rồi thì nên theo dõi thêm và tiếp tục uống thuốc đều đặn. Chỉ nên điều chỉnh thuốctiểu đường khi được BS cho phép. Điều trị tiểu đường là việc điều trị lâu dài không thể nóng vội. Đây là căn bệnh mãn tính, do đó cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho phù hợp.
Trả lời câu hỏi "Nếu chẳng may bị ung thư khi đang có bệnh tiểu đường thì nên ăn uống, kiêng khem như thế nào để khối u không phát triển thêm?" thì thật ra chế độ dinh dưỡng của những bệnh nhân này sẽ không khác so với người chỉ bị tiểu đường.
Tức là cũng ăn chế độ dinh dưỡng phù hợp, chia làm nhiều bữa nhỏ, hạn chế bớt lượng tinh bột, hạn chế chất béo bởi vì tiểu đường, béo phì thường hay đi chung với nhau trong nhiều trường hợp.
Nói tóm lại, chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư khi mắc bệnh tiểu đường đó là chia làm nhiều bữa nhỏ, hạn chế bớt lượng tinh bột, hạn chế chất béo, tăng hàm lượng rau xanh, đặc biệt là phải cố gắng vận động thể dục, thể thao, đối với nam giới thì 40 phút/ngày (4 buổi/tuần), nữ thì 35 phút/ngày (4 buổi/tuần), nếu kết hợp thêm tuần 2 buổi tập tăng trương lực cơ như tập tạ nhẹ cũng rất tốt (bên cạnh việc đi bộ hoặc bơi). Đó là những lưu ý trong dinh dưỡng cho người bị tiểu đường type 2 và những người bị béo phì.
Bạn đọc Hồng Nhung - Mỹ Tho, Tiền Giang
Hiện nay có rất nhiều ý kiến về dinh dưỡng cho người bệnh ung thư ở Việt Nam. BS tây y thường nói không kiêng gì, nên ăn nhiều để có sức khỏe. Còn theo dân gian thì nên kiêng nhiều thứ, hoặc chỉ ăn gạo lứt muối mè. Theo TS Phan Minh Liêm, người bệnh ung thư cần kiêng món gì và nên ăn món gì?
Chào bạn,
Trong Tây y, có hẳn một kho dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư. Chế độ ăn phù hợp với bệnh nhân ung thư như sau bạn nhé:
Cách chế biến:
- Thức ăn nên được nấu chín, nếu cần thiết thì có thể xay nhuyễn nhưng tốt nhất là nấu mềm và không dùng quá nhiều loại gia vị cay. Quan trọng nhất là nhiệt độ nên bằng với nhiệt độ phòng, không nên quá nóng hoặc quá lạnh.
- Chế biến thức ăn ở nhiệt độ vừa phải, chín chậm, từ từ.
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Nên chia thành 5, 6 bữa, ăn rải rác, cách nhau khoảng 3 tiếng. Chế độ ăn như vậy giúp cho bệnh nhân dễ tiêu hóa vì lúc này hệ tiêu hóa của bệnh nhân ung thư, nhất là trong giai đoạn xạ trị, hóa trị dễ bị tổn thương. Nếu ăn một lượng nhiều thức ăn như một bữa chính bình thường sẽ đầy bụng, khó tiêu. Từ đó gây ra tâm lý ngại ăn, không tốt cho bệnh nhân.
- Nấu bằng nồi thủy tinh, inox
- Tránh đựng thực phẩm trong bao nhựa, hộp nhựa và không nên dùng chén bát nhựa. Tốt nhất là đựng thực phẩm trong thố thủy tinh và dùng chén bát an toàn.
Hạn chế:
- Hạn chế chất ngọt, chất béo.
- Hạn chế món chiên, nướng
- Tuyệt đối không dùng thức ăn cháy khét.
- Tuyệt đối không dùng tương, chao... thức ăn có nấm mốc, nhiễm aflatoxin. (Trừ nước tương được kiểm nghiệm an toàn).
- Không nên lạm dụng sữa động vật. (Nếu buộc phải dùng sữa thì nên dùng loại sữa ít chất béo và có nguồn gốc thật sự an toàn). Tốt nhất là sữa thực vật (sữa hạnh nhân, sữa đậu xanh...).
- Không nên ép ăn, gây tâm lý xấu, chán ăn ở người bệnh.
Nên:
- Chọn nguồn thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, sạch an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tăng hàm lượng chất xơ. Cố gắng ăn nhiều rau xanh, củ và hoa quả - ít nhất là 40% trong chế độ dinh dưỡng.
- Tăng cường thực phẩm có tác dụng ngừa ung thư như: súp lơ xanh, súp lơ trắng, cà chua, cà rốt, dưa leo, bơ, cam, lê, dưa gang, mãng cầu xiêm, táo, lựu…
- Đa dạng hóa các nguồn thực phẩm. Có sự cân bằng hợp lý giữa các thành phần dinh dưỡng: Đạm, tinh bột, vitamin, khoáng chất, chất béo.
- Tăng cường nguồn thực phẩm hải sản (an toàn). Thay thế nguồn đạm đến từ thịt gia súc (thịt đỏ, thịt trâu, bò heo), bằng những nguồn như hải sản, đạm thực vật sẽ tốt hơn.
-Nấu món khoái khẩu của người bệnh để đa dạng hóa thực đơn (miễn món đó không rơi vào danh sách thực phẩm cần kiêng).
- Tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn. Tinh thần thoải mái, lạc quan quyết định 50% thành công trong điều trị.
Dinh dưỡng trong những ngày hóa, xạ trị:
- Uống đủ nước để thải độc cơ thể và bảo vệ gan thận khỏi tác dụng phụ của hóa trị.
- Mỗi lần hóa trị hay xạ trị, bệnh nhân thường có cảm giác chán ăn.
- Tâm lý và sức khỏe không tốt, không nên ép bệnh nhân ăn.
- Khi hóa trị hay xạ trị thì các tế bào của đường tiêu hóa dễ bị tổn thương và khả năng hồi phục của những tế bào này rất chậm. Những ngày này nên có chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Nếu bệnh nhân không nhai được hay biếng ăn, có thể xay nhuyễn, chế biến những món hợp khẩu vị của bệnh nhân, chia làm nhiều bữa nhỏ.
Đặc biệt, bệnh nhân sau hóa trị sẽ có cảm giác buồn ói, ói thường xuyên nên cần cho bệnh nhân ăn nhiều bữa nhỏ, thậm chí là 2 giờ cho ăn 1 lần.
Riêng việc bạn hỏi về việc ăn gạo lứt muối mè. Ăn gạo lứt mối mè không gây hại gì. Tuy nhiên cần lưu ý, gạo lứt bản thân nó dễ gây tổn thương bao tử bởi lớp bỏ bên ngoài của gạo lứt tương đối cứng. Khi ăn, chúng ta cố gắng nhai thật là nhuyễn thì mới ăn được. Muối mè cũng là thực phẩm tốt nhưng cũng không nên ăn muối mè nhiều quá khiến dễ tăng huyết áp, ảnh hưởng đến thận. Việc ăn muối mè nhiều quá sẽ gây táo bón, bạn nhé.
Bạn đọc Phúc Hưng - Mỹ Tho
TS Liêm ơi, có thông tin rằng lượng dinh dưỡng cần thiết cho người ung thư khoảng 30-40 kCal cho 1 kg cân nặng, tức là một người nặng 50 kg sẽ cần khoảng 1.500 - 2.000 kCal trong một ngày, điều này có đúng không? Theo TS, công thức này nên tính thế nào?
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Chào bạn,
Hàm lượng dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư còn tùy thuộc vào giai đoạn điều trị.
VD: khi đang điều trị bằng ung thư bằng hóa trị, xạ trị… thì lượng calo vào trong người bệnh nhân sẽ giảm hơn so với người bình thường. Sau khi bệnh nhân hồi phục hơn thì chúng ta nên bổ sung nhiều calo hơn nữa để bù lại lượng đã mất.
Lượng dinh dưỡng cho người bị ung thư cũng gần giống so với người bình thường. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân giai đoạn cuối, khối u phát triển nhanh thì nó lấy rất nhiều năng lượng. Lúc đó bác sĩ buộc lòng cho bệnh nhân ăn các loại thực phẩm mà giàu klo hơn, nếu không khối u to quá sẽ khiến tàn phá cơ thể.
Công thức tính hàm lượng calo như thế nào thì hiện nay trên một số trang web của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ thì có một số công cụ chuyên tính toán hàm lượng calo phù hợp cho từng bệnh nhân dựa vào chiều cao, cân nặng và đặc điểm ung thư.
Việc cân nặng 50kg cần bao nhiêu calo còn tùy đặc điểm của mỗi người. Bởi vì có những người nặng xương chứ không phải nặng cơ thì chế độ dinh dưỡng họ cần lại khác. Như vậy, nhu cầu calo phụ thuộc vào nhu cầu của cơ thể, bạn nhé.
Bạn đọc Quốc Toàn - Hà Nội
Người bệnh ung thư có nên ăn thực phẩm biến đổi gen (GMO)? Nếu được thì khi chế biến những thực phẩm này cần chú ý điều gì?
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Chào bạn,
Thực ra thực phẩn biến đổi gen (GMO) hiện nay có nhiều trường phái suy nghĩ khác nhau về vấn đề này. Một số thì lo ngại, một số thì lại ủng hộ. Nói một cách khách quan nhất là GMO có nhiều chủng loại khác nhau và tùy thuộc vào từng chủng loại mà chúng ta có sự cân nhắc cân xứng.
VD: một số loại GMO làm tăng hàm lượng chất dinh dưỡng thì có thể chấp nhận được. Còn những thực phẩm GMO có liên quan đến biến đổi gen như thuốc kháng sâu bệnh thì cần có sự kiểm định của cơ quan y tế.
Việc sử dụng GMO đối với người bị ung thư cũng như người bình thường đều cần hết sức thận trọng.
Nếu các thực phẩm biến đổi gen có dùng các hóa chất nhằm chống chịu hạn, tăng khả năng kháng chịu sâu bệnh bằng những loại thuốc trừ sâu tự nhiên thì chúng ta cần phải có những đợt nghiên cứu.
Bạn đọc Quý Hòa - Quy Nhơn
Trong khâu nấu ăn cho người ung thư, nên ưu tiên sử dụng nồi bằng chất liệu gì (inox, nhôm, gang, sắt...), vì sao, thưa TS? Xin rất cảm ơn anh .
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Chào bạn,
Inox sẽ là loại nồi sử dụng tốt nhất bởi vì nó có khả năng tương tác với thức ăn thấp nhất. Các loại xoong nồi khác bằng gan, sắt, nhôm thì có tỉ lệ tương tác cao hơn inox, bạn nhé.
Bác Nguyễn Trường Thái - 60 tuổi - TP HCM
Kính chào bác sĩ....
Tôi có người thân, sinh năm 1956, phát hiện ung thư gan với khối u 6,7 cm vào tháng 7/2016. Đã được BV Chợ Rẫy cho nhập viện và điều trị bằng phương pháp TACE vào 15/8/2016 và cho uống trong 30 ngày các thuốc:
- Tenofovir (mibeproxil v-300mg +): 1 v/sáng/ngày.
- Arginin (arbitol v-400mg): 3 v/ngày(sáng, chiều, tối)
Vào 15/9/2016 tái khám kết quả như sau:
1- Phiếu kết quả Xquang: kết luận: tim phổi trong giới hạn bình thường.
2- Kết quả siêu âm: 2D
+ Gan không to, bờ đều, cấu trúc thô, echo kém.
+ Gan (P) có cấu trúc echo dầy không đồng nhất, giới hạn rõ kt = 48mm.
+ Lách không to, không tổn thương.
+ Tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch trên gan: không dãn, không có echo trong lòng.
+ Asicte (-)
DOPPLER:
+ Tĩnh mạch cửa: bắt màu đều.
+ Động mạch gan:
. Vmax: 33.3 cm/s
. Bmin: 9.6 cm/s
. RI: 0.71
Khối u gan:
+ chèn ép mạch máu (-)
+ Tăng sinh mạch máu (-)
Kết luận:
- U gan phải/ viêm gan mãn.
- Hiện không thấy huyết khối tĩnh mạch cửa.
- Đề nghị kết hợp lâm sàng và cận lâm sàng khác.
3- Phiếu kết quả xét nghiệm máu:
- Sinh hóa:
+ AFP 3.1 ng/ml < 10
+ % AFP-L3 < 0.5 % < 10
+ PIVKA-II (DCP) 29 mAU/mL < 40
4- Phiếu kết quả CT-SCANNER
Mô tả hình ảnh:
- GAN: u gan (P) đã điều trị, không còn vùng bắt quang bất thường sau tiêm thuốc, không thấy huyết khối tĩnh mạch cửa. Sỏi túi mật.
- TỤY TẠNG: đầu, thân, đuôi bình thường.
- LÁCH: bình thường.
- THẬN: cấu trúc hai thận bình thường.
- CÁCH MẠCH MÁU: ĐMC bụng, TMC dưới bình thường.
Kết luận: U gan (P) đã điều trị, không còn hoạt tính.
5/ Biên bản hội chuẩn:
- CT scan: u lớn nhất (cm) tăng quang: không.
- Ngấm lipiodol đối với u đã TACE: tốt.
- Chuẩn đoán: K gan P đa ổ đã TACE 1, ổn/VGSV B
- Điều trị: theo dõi. Ngày tái khám (09/11/2016) (hai tháng sau)
Và cho thuốc uống tiếp tục trong 2 tháng:
- Tenofovir (mibeproxil v-300mg +): 1 v/sáng/ngày.
- Arginin (arbitol v-400mg): 3 v/ngày(sáng, chiều, tối)
Xin giải đáp cho tôi những thắc mắc sau:
- Với những kết quả trên, thì hiện nay bệnh của người thân tôi như thế nào và tiên đoán tương lai.
- Chế độ ăn uống của người thân tôi, có cần kiêng gì không và những thực phẩm nào nên dùng. ( Hiện người thân tôi ăn gấp đôi bình thường, thường xuyên đói, ăn có cảm giác ngon miệng).
- Sức khỏe tốt lên từng ngày. Như vậy có khả năng phục hồi như trước khi phát hiện bệnh không?
(Người thân tôi trước khi phát hiện bệnh cao 1,61m nặng 69kg, rất khỏe. Sau khi điều trị TOCE giãm xuống còn 66kg, hiện nay là 67kg, sức lực bằng 60 % trước khi phát hiện bệnh)
Cám ơn bác sĩ nhiều…
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Xin cảm ơn bác, cháu cảm ơn bác đã gửi cháu kết quả xét nghiệm. Dựa trên kết quả xét nghiệm thì cháu thấy việc điều trị đã có tiên triển tốt. Các chỉ số ung thư đều nằm trong giới hạn cho phép. Các khối u giảm, rõ và không có tăng sinh mạch máu… Kết quả điều trị như vậy là khả quan.
Tuy nhiên cái nền viêm gan siêu vi C của bác vẫn còn, nên việc sử dụng thuốc kháng virus của bác vẫn cần tiếp tục, không được bỏ. Có một trường hợp xảy ra nữa là ung thư gan có thể tái phát nên bác cần đi theo dõi định kì 3 tháng. Bác có thể chụp CT-scan hoặc các chỉ số sinh hóa như bác đã được chỉ định làm. Một số loại thuốc bác đang dùng thì bác nên tiếp tục uống theo chỉ định của bác sĩ.
Với kết quả hiện nay bệnh đã có tiến triển tốt nhưng việc tái phát thì không thể nói trước được. Chúng cháu biết có những bệnh nhân điều trị xong, hết không tái phát nhưng một số bệnh nhân lại tái phát. Hiện tại y học chưa có thể xác định lại chính xác bao giờ nó tái phát.
Chế độ dinh dưỡng của người thân bác nên kiêng những thực phẩm quá ngọt, béo và rượu bia, tránh xa thuốc lá và thực phẩm nướng, hạn chế thịt đỏ và ăn những thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Gan là một cơ quan có khả năng phục hồi rất tốt. Nếu điều trị tích cực thì khả năng phục hồi là khả quan. Nhưng bác cần nói với người nhà là nên đi tái khám và theo dõi định kì, phòng bệnh viêm gan tái phát. Thời gian tốt nhất là cứ 2-3 tháng là nên đi chụp chiếu, làm xét nghiệm lại một lần.
Về cân nặng 67kg thì vẫn có thể chấp nhận được đối với một bệnh nhân cao 1,71m. Tuy nhiên, mức cân lí tưởng là 62kg - 65kg, không nên tăng cân thêm.
Như vậy, tiến triển bệnh của người thân bác như thế là khá khả quan. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi kĩ và áp dụng các chế độ dinh dưỡng, thói quen đối với người bị ung thư nhằm tránh bệnh tái phát.
Trên đây là ý kiến của cháu. Chúc người thân của bác mau khỏe và bình phục hoàn toàn.
Kính gửi TS Liêm,
Tôi tình cờ được biết thông tin về hoạt động tư vấn cho bệnh nhân ung thư của tiến sĩ qua chương trình AloBacsi. Tôi rất mừng và mong được tiến sĩ tư vấn giúp gia đình về phương án, loại thuốc hỗ trợ điều trị ung thư cho cha tôi. Trường hợp cụ thể như sau:
Hiện trạng bệnh:
- Cha tôi được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tế bào gan thể bè (HCC ) giai đoạn 2 cách đây 01 tháng. Bệnh nhân có tiền sử nhiễm virus viêm gan B từ năm 2002, hiện nay đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn xơ gan.
- Cha tôi đã được điều trị tại bệnh viện 108 , với cách thức: uống thuốc làm giảm nồng độ virus, bổ gan và hóa tắc mạch với hạt vi cầu DC Beads tải hóa chất. Quá trình điều trị hóa tắc mạch được thực hiện với 1/2 khối tăng âm (có kích thước 1.5 x 2), khối còn lại do quá nhỏ nên chưa tác động được (chưa được sinh thiết, chưa được hóa trị).
- Sau khi xuất viện, cha tôi đã được hướng dẫn uống các loại thuốc: Vidatox, Tenofovir-BVP, Turmeric curcumin, đông trùng hạ thảo dạng nước (hình ảnh và thông tin về bệnh án, từng loại thuốc trong file đính kèm)
Hiện tại chưa được chụp PET-CT.
Tôi muốn nhờ tiến sĩ tư vấn một số vấn đề như sau:
1. Phác đồ chung điều trị cho những trường hợp ung thư gan như cha tôi thế nào (sau đây, sẽ phải khám, xét nghiệm, thực hiện vận động, ăn uống ra sao để hỗ trợ điều trị). Có cần đề nghị bác sĩ cho chụp PET-CT để xác định mức độ lây lan của tế bào ung thư không?
2. Thuốc cha tôi được kê có tác dụng nhiều trong bổ trợ ung thư không? Có loại thuốc nào tốt hơn, theo tiến sĩ nên dùng thực phẩm chức năng, thuốc như thế nào?
3. Tôi có nghe nói hiện nay có một số phương pháp điều trị khá tiên tiến mà ở VN chưa làm được, như phẫu thuật bằng dao photon, điều trị bằng miễn dịch sinh học. Xin tiến sĩ cho biết các phương pháp trên có ưu điểm hơn không, có thể thực hiện được ở những bệnh viện nào tại Singgapore/ Trung Quốc không (vì điều kiện kinh tế gia đình tôi không đủ để đưa cha tôi sang Mỹ điều trị).
4. Xin hỏi thời gian tới về VN tham dự hội thảo, tiến sĩ có thể thu xếp thời gian tư vấn cho các ca bệnh nhân như cha tôi không?
Tôi xin chân thành cám ơn tiến sĩ và chương trình AloBacsi.
Chúc tiến sĩ và chương trình luôn dồi dào sức khỏe, và hỗ trợ được nhiều bệnh nhân chống chọi lại được ung thư.
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Xin chào anh chị,
Em đã nhận được thông tin mà anh chị gửi.
Về căn bệnh ung thư gan của bác trai, em nghĩ bác nên được chụp vì PET-CT là phương pháp chẩn đoán hình ảnh rất tốt, cho phép xác định được sự di căn của tế bào ung thư cũng như hoạt tính của tế bào ung thư.
Tuy nhiên PET-CT cũng có một hạn chế đó là có tính phóng xạ tương đối thấp nên ta không được lạm dụng. Bên Mỹ, thông thường PET-CT sẽ được chụp 6 tháng 1 lần trong quá trình điều trị và theo dõi bệnh nhân. Nếu như sau này bệnh nhân đỡ hơn thì có thể chụp mỗi một năm và khi không cần thiết nữa thì mình ngưng chụp nhưng PET-CT là một gợi ý, gia đình nên cân nhắc để chụp.
Một phương pháp nữa, bác trai cần làm để theo dõi diễn tiến của bệnh đó là sử dụng một số phương pháp chụp MRI tức là cộng hưởng từ dành cho vùng gan và vùng bụng mỗi 3 tháng/ lần. Có thể chụp trong thời gian đang điều trị bệnh hoặc sau đó tầm soát thêm thì mỗi 6 tháng. Phương pháp tiếp theo đó là dùng xét nghiệm máu có một số chỉ số như là CIA, AFP, AFPL3...
Hiện nay cũng có một số bộ test để mình theo dõi hoạt động của ung thư.
Đối với xét nghiệm máu, bác nên làm mỗi 2 - 3 tháng để theo dõi kỹ.
Về thuốc mà bác sĩ đang cho bác trai dùng là Tenofovir-BVP là thuốc kháng virus, nên dùng ạ. Vidatox thì em không rõ lắm về tác dụng vì chưa có dịp để nghiên cứu nên em không trả lời được. Nhưng đối với Turmeric curcumin và đông trùng hạ thảo thì em biết những loại này có khả năng tác động lên ung thư như sau:
- Curcumin sẽ ức chế sự phân chia tế bào của ung thư và hạn chế sự di căn
- Đông trùng hạ thảo làm tăng cường thể trạng của bệnh nhân lên và tăng cường đáp ứng của hệ miễn dịch kháng ung thư.
Cho nên Turmeric curcumin và đông trùng hạ thảo theo em nghĩ sẽ tốt cho ba của anh.
Một số phương pháp khác mà ba anh muốn dùng như: dao photon, điều trị bằng miễn dịch sinh học... thật ra những phương pháp này vẫn có những rủi ro nhất định.
Nhất là biện pháp miễn dịch sinh học cũng có khả năng gây ra một số tác hại khá nghiêm trọng đối với sức khỏe của bệnh nhân nên liệu pháp miễn dịch chỉ dùng khi nào thực sự cần thiết và phù hợp chứ không thể lạm dụng.
Phương pháp dùng hạt photon để tấn công ung thư đã phát triển hơn xưa rất nhiều và nó không xâm lấn nhiều như xạ trị. Bệnh nhân không bỏng nhiều như xạ trị nên ưu điểm của nó tốt hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng phương pháp này được mà phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và cấu trúc, đặc điểm của khối u nữa. Các bác sĩ sẽ tư vấn trực tiếp cho ba anh tốt hơn.
Hiện tại Trung Quốc có một số trung tâm làm phương pháp này, Nhật Bản cũng có rất mạnh, Singapore thì em không rõ nhưng em biết chắc Nhật Bản và Trung Quốc có. Nếu gia đình anh có điều kiện thì nên cân nhắc đi Nhật Bản để dùng phương pháp proton dodabbi nhưng hiện nay tình trạng của ba anh liệu pháp đang sử dụng hiện có tiên lượng khá tốt và một số phương pháp trong nước vẫn có khả năng kiểm soát bệnh hiệu quả.
Đó là một số tư vấn của em về vấn đề của ba anh nhưng đặc điểm của ung thư gan đó là luôn luôn có khả năng tái phát nên ba anh cần hạn chế rượu bia, không ăn chao, nên tầm soát bằng xét nghiệm máu 2 tháng 1 lần, đồng thời mỗi 3 tháng 1 lần nên đi chụp cộng hưởng từ hạt nhân vùng gan, bụng và PET-Csan thì mỗi 6 tháng có thể làm theo chỉ định của BS.
Tất nhiên, những gợi ý của em chỉ mang tính tham khảo còn người BS điều trị trực tiếp cho ba anh sẽ là người quyết định cuối cùng và gia đình cũng là người đóng góp ý kiến cuối cùng. Em hy vọng với phương pháp tầm soát chi tiết như vậy thì ba anh sẽ theo dõi được bệnh trạng hiệu quả hơn.
- Thùy Dương - Quận Tân Bình, TPHCM
Xin chào AloBasi,
Tôi năm nay 32 tuổi và dự định sẽ có thêm em bé thứ 2 cuối năm nay. Ngày 1/10/2016 tôi có tham gia buổi chia sẻ về ung thư của TS Phan Minh Liêm nhưng rất tiếc chỉ tham gia được lúc đầu sau đó phải về sớm.
Vậy kính mong AloBacsi tư vấn giúp:
1/ Các loại bệnh cần khám sàng lọc ung thư an toàn để tôi an tâm có bé thêm bé nữa vào cuối năm nay.
2/ Ngoài ra thời gian gần đây tôi thường xuyên bị đau bao tử, hiên tại tôi có tự uống viên nano curcumin có thấy đỡ nhưng chưa hết hẳn.
Một lần nữa mong AloBacsi tư vấn giúp. Xin chân thành cảm ơn AloBasi.
TS Phan Minh Liêm - Viện M.D Anderson
Nói chung về việc sàng lọc ung thư, cần phải dựa vào đặc điểm của từng người và tiền sử bệnh, bởi nguy cơ ung thư của mỗi người tùy thuộc vào yếu tố môi trường, chế độ ăn uống, sinh hoạt, gen…
Liêm rất tiếc không thể giúp chị phác đồ chi tiết. Tuy nhiên chị có thể tham khảo phác đồ tầm soát gợi ý sau đây nhé.
Tốt nhất, chị nên thu xếp gặp bác sĩ, trao đổi và cung cấp thêm thông tin cá nhân để bác sĩ bổ sung phác đồ tầm soát cụ thể cho chị.
Còn việc đau bao tử, việc sử dụng viên nano curcumin cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị đau bao tử. Curcumin làm giảm viêm đau bao tử, ức chế hoạt động của vi khuẩn Hp.
Tuy nhiên, chị cần phải theo dõi bởi đau bao tử là một bệnh mãn tính nên kiên trì điều trị. Chị nên đi khám định kì nên xem có còn vi khuẩn Hp không, không nên dựa vào cơn đau đơn thuần của mình để chẩn đoán. Chị nên đi nội soi, chụp chiếu hình ảnh để có cái nhìn khách quan, đầy đủ về bệnh đau bao tử của mình, chị nhé.
***
Thay mặt bạn đọc, trân trọng cảm ơn TS Phan Minh Liêm. Xin chúc những kế hoạch kéo giảm mạnh bệnh ung thư của anh sớm thành hiện thực.
Trân trọng,
Trong suốt những năm qua, báo chí trong nước đã có hàng trăm bài viết về TS Phan Minh Liêm, nhà khoa học trẻ đang làm việc tại Viện ung thư lớn nhất Hoa Kỳ - Viện MD Anderson.
Anh là một “hiện tượng Việt Nam” ở Viện MD Anderson. TS Phan Minh Liêm - người Việt đầu tiên và duy nhất đến lúc này được bốn lần vinh danh, lưu tên lên bức tường danh dự của Viện ung thư danh giá hàng đầu thế giới.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ y khoa, anh vinh dự được Viện MD Anderson mời làm việc tại Khoa Nội tổng quát, chuyên ngành Phát triển thuốc và liệu pháp mới để điều trị và phòng ngừa ung thư. |
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình