TS.BS Trần Chí Cường: Đột quỵ mùa lạnh, phòng ngừa và nhận diện dấu hiệu nguy hiểm
TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, thời điểm giao mùa, đột quỵ gia tăng, đặc biệt là các trường hợp xuất huyết não và xuất huyết dưới nhện. Do đó cần nhận biết dấu hiệu đột quỵ kịp thời và phòng ngừa để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
1. Tại sao đột quỵ gia tăng những tháng cuối năm?
Vì sao đột quỵ có xu hướng gia tăng vào những tháng cuối năm như hiện nay, thưa BS?
TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Như các chương trình truyền thông trước và ghi nhận trên thế giới, khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh có sự gia tăng rõ ràng về số lượng ca cấp cứu đột quỵ, đặc biệt trong đó là số lượng bệnh nhân xuất huyết não và xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ túi phình.
Nguyên nhân do thời tiết chuyển từ mùa nóng sang mùa lạnh sẽ có giai đoạn sốc nhiệt, cơ thể co mạch ngoại biên, lượng máu dồn về cơ quan trung tâm là tim và não, gây áp lực nhẹ cho hệ tuần hoàn, nếu bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp sẽ có khuynh hướng huyết áp gia tăng nhẹ vào mùa đông. Do thời điểm này, bệnh lý tăng huyết áp gia tăng hoặc rất nhiều bệnh mạn tính trở nặng, vì vậy cần lưu ý, kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn khi thời tiết chuyển mùa.
Một điều quan trọng nữa là thời gian cuối năm, con người hoạt động nhiều hơn, áp lực cơm áo gạo tiền, không có nhiều thời gian chăm sóc sức khỏe, đó có thể là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ trong thời gian giáp tết, giao mùa.
2. Yếu tố nào làm gia tăng đột quỵ mùa lạnh?
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến nguy cơ đột qụy trong thời gian này? Trong đó nguy cơ thời tiết dần chuyển lạnh như hiện nay thì liên quan thế nào đến nguy cơ mắc đột quỵ, thưa BS?
TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Thời gian chuyển mùa dịp cuối năm, yếu tố thời tiết ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến tỷ lệ gia tăng đột quỵ. Theo nghiên cứu thống kê, khi nhiệt độ thay đổi 3 ℃ có thể làm gia tăng đến 6% nguy cơ mắc đột quỵ, điều này đã được các nhà khoa học Canada nghiên cứu và chứng minh trong thời gian rất lâu.
Do đó, cần có kế hoạch phòng ngừa đột quỵ. Nếu trong gia đình có những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh đột quỵ, đặc biệt là người lớn tuổi cần quan tâm, chăm sóc, kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn.
3. Hút thuốc nhiều năm làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ
Ai có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn trong thời điểm này, thưa BS?
TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Người càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh đột quỵ càng cao nếu như có các tác động của môi trường, thời tiết thay đổi đột ngột, áp lực công việc cao, thay đổi trong cuộc sống cũng gia tăng đột quỵ cấp đáng kể.
Thứ hai, những người trẻ nhưng có quá nhiều nguy cơ như hút thuốc lá thường xuyên (>1 gói/ngày); uống rượu bia quá nhiều cũng gia tăng đột quỵ.
Đặc biệt, không kể về tuổi, nếu hút thuốc lá càng sớm, nguy cơ mắc bệnh đột quỵ càng cao. Trong thời gian gần đây, đột quỵ ngày càng trẻ hóa, có cả trường hợp 30 tuổi, hút thuốc lá trong thời gian hơn 10 năm cũng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh đột quỵ rất cao.
Tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đã từng điều trị cho nhiều trường hợp đột quỵ ở người trẻ 30 tuổi, hút thuốc lá rất nhiều.
4. Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Các dấu hiệu cảnh báo điển hình gồm những gì? Nên xử trí thế nào khi phát hiện một người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, thưa BS?
TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Rất nhiều phương tiện truyền thông đã nhắc đến các dấu hiệu điển hình của nhồi máu não, bao gồm 3 dấu hiệu chính là mặt méo; yếu liệt tay chân; và nói đớ, nói khó.
Dấu hiệu điển hình gần đây được đề cập nhiều hơn là các cơn mù mắt thoáng qua sau đó sáng trở lại. Đó cũng là một trong các dấu hiệu sớm của đột quỵ nhồi máu não cần được chẩn đoán và tầm soát ngay nếu có các dấu hiệu trên.
Đặc biệt, các dấu hiệu này có thể xảy ra, mất đi, sau đó lặp lại, tuy nhiên không nên chủ quan vì 80-90% những người có đồng thời 3 dấu hiệu phổ biến sẽ xảy ra đột quỵ ngay sau đó.
Đối với đột quỵ xuất huyết não, dấu hiệu báo trước có thể không giống nhồi máu não. Đa số bệnh nhân nếu còn tỉnh táo để nhớ lại những gì đã xảy ra, người ta cho rằng đó là một cơn đau đầu dữ dội, kinh khủng chưa từng xảy ra trong đời. Trước đó bệnh nhân không có dấu hiệu sốt, nhiễm trùng, xảy ra bất thình lình trong đời sống sinh hoạt thường ngày của mọi người.
Dấu hiệu sụp mi, bệnh nhân bất ngờ sụp mi mắt một bên, đã có rất nhiều trường hợp nguyên nhân do vỡ phình mạch máu não gây sụp mi mắt do chèn ép vào dây thần kinh số 3 khiến bệnh nhân không thể mở mắt lên được.
Các dấu hiệu khác như nôn ói, chóng mặt, nặng hơn là khi đau đầu đột ngột xảy ra, bệnh nhân diễn tiến hôn mê dần. Đa số các trường hợp đó là biểu hiện thông thường của xuất huyết não.
5. Những điều NÊN và KHÔNG NÊN làm để phòng ngừa đột quỵ mùa lạnh
Để phòng ngừa đột quỵ khi giao mùa, thời tiết đã bắt đầu chuyển lạnh như hiện nay, điều gì nên làm và cần tránh, thưa BS?
TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Đối với thời điểm giao mùa hiện nay, khi thời tiết chuyển mùa, cần quan tâm sức khỏe nhiều hơn, đặc biệt đối với người lớn tuổi, đang mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp, cần kiểm tra huyết áp thường xuyên, uống thuốc đầy đủ, đi tái khám để bác sĩ chỉnh liều nếu có huyết áp dao động trong thời gian này, đặc biệt là người lớn tuổi.
Nếu có các biểu hiện lạ như cơn đau ngực, khó thở, hay các dấu hiệu tê yếu tay chân, nói ngọng, mất ý thức hoặc mờ mắt thoáng qua cần đi khám bác sĩ ngay, vì đó là các dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ có thể xảy ra trong mùa lạnh.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình