Hotline 24/7
08983-08983

Trước khi tiêm vắc xin COVID-19 cần khai báo những gì? Có nên uống thuốc hạ sốt chặn trước?

Trước khi tiêm vắc xin COVID-19 cần khai báo những gì? Sau khi tiêm có làm kết quả test họng dương tính? Nếu bị hành phải làm sao? BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ có những chia sẻ về vấn đề này.

1. Cần làm gì để bảo vệ nhóm người nguy cơ cao mắc COVID-19?

Tình hình dịch COVID-19 hiện đang khá trầm trọng bởi vì mức độ lây lan rất nhanh. Việc COVID-19 lây lan nhanh chứng tỏ virus đang thuần với con người. Muốn giải quyết vấn đề này, thứ nhất phải bảo vệ người có nguy cơ nhiễm, bởi tỷ lệ tử vong lớn xảy ra ở nhóm người này.

Thứ hai, chúng ta phải bảo vệ đội ngũ điều trị COVID-19, bởi nếu nhóm nguy cơ lây lan nhiều thì những người điều trị sẽ không thể làm nổi, dẫn đến lây sang nhóm người không nguy cơ.

Chúng ta phải bảo vệ nhóm người lớn tuổi, già yếu, có bệnh nền, không để virus tấn công vào nhóm người này. Đó là cách tốt nhất để khống chế dịch bệnh trong thời gian chờ vắc xin COVID-19.

Nếu gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ thì những người trẻ tuổi phải chú ý khi đi ra ngoài, tránh mang mầm bệnh về nhà. Khi đi làm mà tuân thủ khẩu trang, sát khuẩn thì nguy cơ mắc bệnh cũng rất thấp.

2. Sau khi tiêm vắc xin COVID-19 có làm cho kết quả test họng dương tính không?

Chỉ có vắc xin mới giải quyết được vấn đề này. Bằng chứng là ở những nước sau khi tiêm vắc xin đã yên ổn trở lại.

Biến thể Delta chỉ có khả năng lây lan nhanh hơn, khó có khả năng chống lại hiệu quả làm giảm bệnh nặng và tử vong của vắc xin.

Nhiều người băn khoăn, không biết khi tiêm vắc xin có tạo virus trong họng không? Tôi xin khẳng định là trong vắc xin không có virus corona. Có 3 nhóm vắc xin chính:

- Virus bất hoạt

- Adenovirus: là virus sống nhưng không nhân lên, không gây bệnh cho cơ thể. Virus khi vào cơ thể sẽ phóng ra gen, chui vào tế bào và tạo ra protein gai của virus corona. Tế bào của cơ thể lấy protein này và tạo ra kháng thể.

- Virus Moderna dùng công nghệ mRNA thông tin để kích thích cơ thể tạo ra kháng thể

Cho nên sau khi chích vắc xin sẽ không có virus trong họng và kết quả xét nghiệm sau khi tiêm sẽ không có sai sót.

3. Hiểu thế nào về các trường hợp tử vong, tai biến sau khi chích ngừa COVID-19?

Một số trường hợp sau khi tiêm vắc xin bị đột quỵ nhưng nếu không tiêm vắc xin họ vẫn bị như vậy. Đó là sự trùng hợp, nếu không bị sau khi tiêm vắc xin thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Người lớn tuổi thường bị nhồi máu cơ timđột quỵ não, nhưng đôi khi nó sẽ xảy ra trùng hợp với thời gian sau tiêm vắc xin.

Lý do tại sao anti vắc xin thường chống lại việc tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ: Theo nghiên cứu, những người anti vắc xin thường trong gia đình họ có một số em bé bị khiếm khuyết liên quan đến yếu tố gia đình nhưng họ từ chối nguyên nhân này. Họ đổ lỗi cho một nguyên nhân khác từ bên ngoài tác động vào đứa bé và đó là vắc xin.

4. Sau khi tiêm vắc xin COVID-19, những ai sẽ bị hành?

Sau khi chích ngừa, sẽ phân thành 3 nhóm người:

- Nhóm 1: Không có hiện tượng gì sau khi tiêm vắc xin. Nhiều người lo sợ rằng không bị hành sau khi tiêm là không có kháng thể. Tuy nhiên, khi xét nghiệm vẫn có kháng thể.

- Nhóm 2: 6 tiếng sau khi tiêm vẫn cảm thấy bình thường. Sau 6 tiếng, bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, rêm mình, không ngủ được. Trường hợp này chiếm đa số trong nhóm người sau khi chích vắc xin.

- Nhóm 3: có thể bị đau thật nhưng cũng có thể do họ tưởng tượng ra. Đôi khi do trùng hợp với những sinh hoạt hằng ngày mà những triệu chứng có thể giống như căng cơ sau khi hoạt động thể dục thể thao.

- Nhóm 4: sốt cao 39 độ C, lạnh run, triệu chứng này có thể hết sau 24-36 tiếng. Triệu chứng thứ hai là đau đầu đến mức không chịu nổi, nếu không phải do huyết áp cao thì có thể uống thuốc giảm đau để dễ ngủ hơn. Có người sẽ bị đau bụng, tiêu chảy sau 6 tiếng chích vắc xin. Một số người không chịu nổi và phải nhập viện, truyền nước.

Những triệu chứng này chỉ xuất hiện 24-36 tiếng, hiếm có trường hợp nào kéo dài hơn 48-72 tiếng. Nhóm lo lắng nhất là mới chích vắc xin xong đã có hiện tượng chuyển, nhưng nếu xử trí đúng thì không có vấn đề gì.

Nhiều đồng nghiệp của tôi khi chích mũi đầu rất lo sợ, nhưng khi chích mũi hai, họ lại sốt sắng, tranh thủ thời gian để được tiêm.

Vì vậy, trước khi đi tiêm vắc xin, không nên đọc nhiều tin tức tiêu cực, khiến tâm lý thêm lo lắng. Khi đến điểm tiêm vắc xin phải bình tĩnh, tránh để huyết áp tăng cao, không nên uống nhiều cà phê vì sẽ làm mạch đập nhanh hơn.

5. Những ai được chích vắc xin COVID-19 theo hướng dẫn mới?

Nhiều người lo lắng vì họ lớn tuổi và nhiều bệnh nền, không biết khi tiêm vắc xin có bị hành nhiều không? Nhưng những người càng nhiều bệnh nền mà ổn định càng phải chích vắc xin vì nếu nhóm người này mắc COVID-19 thì bệnh sẽ nặng hơn.

Những người có thể trạng yếu vẫn có thể chích vắc xin bởi nó không liên quan đến miễn dịch hoặc hành sau khi tiêm. Nhiều người thể trạng rất khỏe nhưng chích vắc xin vào bị hành rất dữ, nhưng người ốm yếu có khi lại không sao.

Theo nghiên cứu, những người hay tiếp xúc với con nít chích vắc xin vector adenovirus sẽ ít hành hơn. Đa số người trên 55 tuổi sẽ ít bị hành sau khi tiêm vắc xin.

Hướng dẫn này thay đổi rất nhiều so với hướng dẫn trước. Trong đó, những người trên 65 tuổi vẫn được chích vắc xin, nhưng phải chích ở bệnh viện hoặc nơi có cấp cứu.

Hiện nay, người dị ứng không được tiêm vắc xin là dị ứng dẫn đến sốc phản vệ độ 2, có biểu hiện phù mặt, đau bụng, choáng váng. Do vậy, mối quan tâm hiện nay là tiền sử sốc phản vệ độ 2 hay không?

Nếu bạn không bị dị ứng, hãy nói với bác sĩ là bản thân không bị dị ứng gì, bác sĩ sẽ tính toán chích ở đâu và như thế nào.

Nhóm thứ ba là liên quan đến uống thuốc chống đông. Người lớn tuổi có huyết áp cao, cholesterol cao thường uống thuốc aspirin. Nhóm người này vẫn được tiêm vắc xin như người bình thường.

Tóm lại, nếu bạn là người có bệnh nền đang ổn định, người dị ứng không có sốc phản vệ độ 2 thì vẫn được chích vắc xin. Nếu bạn là người có nguy cơ bệnh nặng hơn thì chích vắc xin tại bệnh viện.

Hiện nay, người ta chưa ưu tiên chích cho trẻ em vì trẻ thường ít mắc bệnh và bệnh rất nhẹ, thậm chí khi đã mắc bệnh cũng sẽ không lây cho người lớn.

6. Trước khi tiêm vắc xin COVID-19 cần khai báo những gì, làm sao để tránh căng thẳng?

Người dân khi đi chích ngừa phải hợp tác, vì khâu khai báo thông tin cá nhân, y tế tốn nhiều thời gian. Cơ sở y tế phải lưu hồ sơ để cung cấp thông tin cho người dân đi tiêm mũi thứ 2 và cấp chứng chỉ.

Khi khai báo để tiêm vắc xin phải thành thật, không nên giấu giếm. Nếu xét mọi vấn đề an toàn, sẽ được tiêm vắc xin.

Sau khi tiêm, người dân phải đợi 30 phút để theo dõi sau tiêm. Thời gian này, nên thư giãn, tránh căng thẳng, có thể mang theo ít bánh kẹo để nhai trong thời gian này.

Nếu có bất kỳ phản ứng gì, người dân có thể kể cho nhóm bác sĩ theo dõi sau tiêm để được hướng dẫn.

Khi về nhà, sẽ có những triệu chứng rêm mình, đau đầu, nôn ói, tiêu chảy. Nếu triệu chứng quá mức chịu đựng, có thể liên lạc với cơ sở tiêm ngừa để được hướng dẫn.

7. Có cần uống thuốc giảm đau, hạ sốt trước khi chích ngừa COVID-19?

Không cần thiết phải uống thuốc trước tiêm vắc xin. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, sau khi tiêm vắc xin, mỗi người được phát 5 viên paracetamol, nhưng đa số chỉ uống 1-2 viên. Loại thuốc này dễ mua và thuốc ngấm rất nhanh nên không cần phải uống trước khi tiêm.

8. Phụ nữ mang thai có chích ngừa COVID-19 được không?

Phụ nữ đang mang thai không chích vắc xin COVID-19. Nếu đã tiêm mũi thứ nhất nhưng phát hiện mang thai thì không tiêm mũi thứ hai.

Trên thế giới, phụ nữ cho con bú được tiêm vắc xin COVID-19. Nhưng trong hướng dẫn của Việt Nam, phụ nữ cho con bú thuộc nhóm trì hoãn tiêm. Theo tôi, nếu ngưng cho con bú thì vẫn có thể tiêm ngừa được.

9. Người bệnh ung thư có nên chích ngừa COVID-19?

Trong hướng dẫn, người ung thư giai đoạn cuối đang hóa trị thì không chích. Bởi khi hóa trị, thuốc sẽ làm hệ miễn dịch cơ thể kém đi. Nếu đã hóa trị xong, ngưng thuốc 5-6 tháng thì vẫn chích vắc xin như bình thường.

Với những người đang uống thuốc corticoid liều cao vẫn có thể chích ngừa sau khi ngưng dùng thuốc 14 ngày.

10. Khoảng cách giữa 2 lần tiêm vắc xin là bao lâu?

Khi tiêm 2 mũi vắc xin cùng loại cần cách nhau 4 tuần, tốt nhất là 4-12 tuần. Do đó, tùy theo lượng vắc xin hiện có mà khoảng cách giữa 2 lần tiêm vắc xin sẽ có sự thay đổi. Nếu nhóm đối tượng cần tiêm nhanh đủ 2 mũi để xông pha ra mặt trận chống dịch thì có thể rút ngắn thời gian giữa 2 lần chích.

11. Tiêm vắc xin tại bệnh viện nào?

Nếu bạn thuộc nhóm chích vắc xin miễn phí, tùy theo bệnh nền mà bạn sẽ được phân đến bệnh viện phù hợp.

Nếu bạn chích dịch vụ nhưng thuộc nhóm phải chích tại bệnh viện thì sẽ được hướng dẫn đến bệnh viện để tiêm ngừa.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X