Hotline 24/7
08983-08983

Mỹ chi mạnh để nghiên cứu thuốc trị COVID-19; WHO mới cảnh báo gì về biến thể Delta?

Mỹ rót 3,2 tỉ USD để thúc đẩy nghiên cứu các loại thuốc kháng virus dạng viên điều trị COVID-19 và các virus nguy hiểm có nguy cơ gây ra đại dịch khác. WHO ngày 18/6 cảnh báo biến thể Delta sắp trở thành biến thể virus thống trị, khiến đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan trên toàn cầu.

"Hiện nay có rất ít phương pháp điều trị đối với nhiều virus có khả năng gây ra đại dịch" - bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, ngày 17/6 cho biết.

Ông cũng nhắc đến các virus như Ebola, sốt xuất huyết, Tây sông Nile, và virus gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông.

Theo bác sĩ Fauci, chương trình mới sẽ đầu tư vào các nghiên cứu đang được tiến hành về COVID-19, cũng như giúp nghiên cứu các phương pháp điều trị những virus nguy hiểm khác.

Dù vậy, bác sĩ Fauci khẳng định vắc xin vẫn là biện pháp trung tâm trong chiến lược chống COVID-19 của Mỹ.

Cho tới nay, Mỹ đã phê chuẩn một loại thuốc kháng virus là remdesivir để trị COVID-19. Đồng thời cho phép sử dụng khẩn cấp ba loại kháng thể điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc hay kháng thể này đều phải được tiêm qua tĩnh mạch ở bệnh viện.

Do đó, giới chuyên gia y tế đang kêu gọi phát triển loại thuốc viên để bệnh nhân có thể uống tại nhà ngay khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.

Một số hãng dược đang thử nghiệm các loại thuốc viên như vậy nhưng kết quả nghiên cứu ban đầu chưa thể có trong vài tháng tới.

Theo Hãng tin AP, khoản tài trợ trên của Chính phủ Mỹ sẽ đẩy nhanh các thử nghiệm lâm sàng này và hỗ trợ thêm cho công tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc trong khu vực tư nhân.

Tuần trước, Mỹ cho biết sẽ chi 1,2 tỉ USD để mua 1,7 triệu viên thuốc uống Molnupiravir đang được thử nghiệm để điều trị COVID-19 của Hãng dược Merck & Co Inc, nếu thuốc được chứng minh là an toàn và hiệu quả.

Dự kiến kết quả thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trên thuốc Molnupiravir sẽ có kết quả vào mùa thu này.

Nghiên cứu ban đầu cho thấy thuốc giúp giảm nguy cơ nhập viện nếu được uống không lâu sau khi mắc COVID-19 nhờ làm giảm nhanh chóng tải lượng virus trong cơ thể.

Những công ty khác, trong đó có Pfizer, Roche và AstraZeneca, cũng đang thử nghiệm các thuốc kháng virus dạng viên.

WHO cảnh báo biến thể Delta dần thống trị đại dịch COVID-19 toàn cầu

“Biến thể Delta đang trên đường trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu vì khả năng lây nhiễm tăng nhanh”, bà Soumya Swaminathan - trưởng khoa học gia của WHO - phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 18/6.

Cùng ngày, Nga thông báo biến thể Delta đến từ Ấn Độ đang chiếm đa phần ca nhiễm mới tại quốc gia này.

Điện Kremlin chỉ trích thái độ chần chừ trong việc tiêm chủng đã khiến số ca COVID-19 tiếp tục tăng cao, sau khi ghi nhận kỷ lục 9.056 ca nhiễm mới tại Matxcơva trong ngày 18-6.

Thị trưởng Matxcơva, ông Sergei Sobyanin, đã gia hạn các quy định nhằm ngăn đại dịch lây lan tại thủ đô của Nga. Các quy định được Matxcơva áp dụng trong tháng 6 bao gồm cấm sự kiện tập trung hơn 1.000 người, yêu cầu nhà hàng đóng cửa lúc 23h, và cấm các điểm tụ tập người hâm mộ cho Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro).

“Theo số liệu mới nhất, 89,3% những người bị chẩn đoán mắc COVID-19 tại Matxcơva (gần đây) đã nhiễm biến thể có tên Delta, hay biến thể Ấn Độ”, Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Sobyanin.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X