Hotline 24/7
08983-08983

Trong mùa dịch COVID-19, những bệnh nền nào cần lưu ý để đề phòng đột quỵ?

Người có bệnh lý nền mạn tính như tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường cần làm gì để bảo vệ sức khỏe, tránh nguy cơ dẫn đến đột quỵ trong mùa dịch COVID-19? Tất cả thắc mắc này sẽ được giải đáp trong chia sẻ của TS.BS Trần Chí Cường.

1. Điểm danh những bệnh nền gây nguy hiểm khi mắc COVID-19?

Dường như chưa bao giờ từ “bệnh nền” được nhắc đến nhiều như hiện nay, khi mà nhiều ca tử vong vì COVID-19 có liên quan đến bệnh nền. Một lần nữa, nhờ BS điểm lại những bệnh nền khiến cho người bệnh gặp nguy hiểm hơn khi nhiễm SARS-CoV-2?

TS.BS Trần Chí Cường:

Trong đại dịch COVID-19, bệnh lý nền là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cả cộng đồng.

Bệnh nền là những bệnh mạn tính, liên quan đến tuổi tác và có đặc điểm không lây. Một số bệnh nền thường gặp là đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,...

Tiểu đường là bệnh nền nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của người bệnh. Nếu người có bệnh nền là đái tháo đường và mắc thêm COVID-19 sẽ làm tăng nguy cơ tử vong lên gấp 5-10 lần.

Mức độ tiểu đường càng nặng thì nguy cơ tử vong càng cao. Nếu bệnh tiểu đường đã dẫn đến các biến chứng suy gan, suy thận, suy giảm hệ thống miễn dịch thì khi nhiễm COVID-19, bệnh càng diễn tiến nặng, gây nguy cơ tử vong cao.

Thứ hai là bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp cũng là bệnh nền nghiêm trọng. Trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp, huyết áp không được kiểm soát ổn định và mắc thêm COVID-19, nguy cơ tử vong rất cao.

Thứ ba là các bệnh hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, hút thuốc lá lâu năm là một trong những bệnh nền rất nghiêm trọng. Nếu bệnh nhân mắc COVID-19 trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ làm tăng  nguy cơ tử vong. Nếu bệnh nhân này bị suy hô hấp, việc thở máy rất khó khăn vì vừa có tổn thương phổi do COVID-19 vừa tổn thương phổi do bệnh nền.

Thứ tư là các bệnh rối loạn chuyển hóa như mỡ máu cao, thừa cân, béo phì, bệnh nhân mắc hội chứng cushing…

Hội chứng cushing làm cho khả năng đề kháng của bệnh nhân kém, nguyên nhân là bệnh nhân thường uống các loại thuốc giảm đau có dexa (corticoid) kéo dài làm hệ thống miễn dịch suy giảm nặng. Trong trường hợp đó nếu bệnh nhân mắc thêm COVID-19 sẽ gây nguy cơ suy hô hấp nặng.

Bệnh nền mỡ máu có ít nguy cơ tử vong hơn. Tuy nhiên bệnh này gây những biến chứng như huyết khối trong lòng mạch, gia tăng nguy cơ đột quỵ hoặc ảnh hưởng đến chứng năng gan, thận dẫn đến không kiểm soát được.

Ngoài ra, bệnh nền ít gặp như suy gan, suy thận cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhân mắc COVID-19. Nếu bệnh nhân bị suy thận mà chúng ta dùng thuốc để điều trị làm cho mức độ suy thận nặng hơn dẫn đến việc chạy thận, lọc thận, thở ECMO.

Những người mắc COVID-19 trên những bệnh nền làm cho việc điều trị trở nên khó khăn, nguy cơ tử vong cao hơn so với những người có sức khỏe bình thường.

2. Những bệnh nền nào tăng nguy cơ đột quỵ?

Dường như các bệnh nền gây lo ngại trong dịch COVID-19 cũng chính là những bệnh nền làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, có phải không thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường:

Những bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, tắc nghẽn phổi mạn tính, suy gan, suy thận làm gia tăng nguy cơ gây đột quỵ. Bệnh lý nền gây nguy cơ đột quỵ cao nhất là tăng huyết áp và đái tháo đường.

Ngoài ra các trường hợp bệnh nhân sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ

Ở Việt Nam, tỷ lệ người hút thuốc lá rất cao, đặc biệt là người trong độ tuổi dưới 18. Chúng ta cần có biện pháp giáo dục trẻ dưới 18 tuổi, nếu không số lượng bệnh nhân đột quỵ sẽ ngày càng gia tăng.

Những người hút thuốc lá càng trẻ thì nguy cơ đột quỵ càng cao và hút với số lượng nhiều trong thời gian dài, nguy cơ đột quỵ càng cao hơn.

3. Giải pháp nào cho người mắc bệnh mạn tính khi bị hạn chế đến bệnh viện?

Đại dịch COVID-19 xảy ra khiến cho việc thăm khám, điều trị các bệnh nền trong của mọi người gặp khó khăn hơn, vì mọi người ngại đến bệnh viện. Theo BS, có giải pháp nào cho tình trạng này?

TS.BS Trần Chí Cường:

Sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 làm cho việc thăm khám định kỳ, tái khám đúng hẹn và điều trị gặp khó khăn, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi kèm theo nhiều bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao, tắc nghẽn phổi mãn tính, suy gan, suy thận hoặc bệnh nhân từng bị đột quỵ.

Hiện nay ngành y tế đã có nhiều giải pháp hạn chế rủi ro cho người bệnh, hạn chế vấn đề di chuyển. Bộ y tế cũng cho phép các bác sĩ kê toa thuốc đối với những bệnh lý mạn tính với thời gian uống dài hơn, trung bình là 3 tháng.

Nếu bệnh trở nặng, bệnh nhân phải tái khám chứ không phải uống theo một toa đó trong thời gian dài. Điều này sẽ làm cho các bệnh nền khó kiểm soát, gây sự cố nghiêm trọng cho bệnh nhân.

Để giảm thiểu những nguy cơ đó, chúng ta cần trang bị những kiến thức nền tảng. Ví dụ, bệnh nhân tăng huyết áp, chúng ta cần biết cách đo huyết áp tại nhà và theo dõi thường xuyên. Trong thời gian uống thuốc nếu huyết áp ổn định, bệnh nhân có thể uống thuốc kéo dài 3-4 tháng.

Trường hợp bệnh nhân uống theo liều thông thường mà huyết áp vẫn không kiểm soát được và ngưỡng gia tăng gây những triệu chứng bất thường như nhức đầu, nôn ói chóng mặt, người bệnh cần được thăm khám ngay.

Chúng ta cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất hoặc các chuyên khoa không có nguy cơ gây lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Trong thời gian theo dõi, điều trị các bệnh lý nền như tiểu đường, chúng ta cũng cần học cách đo đường huyết tại nhà. Đó là những vấn đề quan trọng trong việc phối hợp điều trị trong mùa COVID-19.

Khi chúng ta điều trị tiểu đường mà không kiểm soát được đường huyết, có sự gia tăng bất thường hoặc trong thời gian uống thuốc tiểu đường gây hạ đường huyết làm bệnh nhân chóng mặt, choáng, tê tay chân, ngất xỉu, chúng ta cần liên hệ ngay với bệnh viện gần nhất hoặc với bác sĩ đã kê toa để có những điều chỉnh phù hợp.

Đối với những bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ trên những người điều trị bệnh lý nền như tê tay chân, nói đớ, nói ngọng, ngất xỉu, mắt mờ chúng ta đưa bệnh nhân đến các bệnh viện có thể điều trị đột quỵ gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Việc cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng rất quan trọng, nếu để mất thời gian vàng, sẽ để lại những di chứng nặng nề.

Các bệnh nhân ở khu vực miền Tây nếu có các dấu hiệu như mắt mờ, nói đớ, nói ngọng, nói khó, tê yếu tay chân, các bạn có thể gọi tổng đài 1800 1115 để được các nhân viên của bệnh viện tư vấn và đưa bệnh nhân đến cấp cứu kịp thời tránh để lại hậu quả xấu.

4. Việc khám online đối với các bệnh nền có hiệu quả không?

Việc khám online đối với các bệnh nhân nhân mỡ máu, huyết áp cao, đái tháo đường có thể triển khai được không ạ?

TS.BS Trần Chí Cường:

Khám chữa bệnh online cũng giúp giải quyết được một phần thắc mắc của bệnh nhân thông qua theo dõi tình trạng của người bệnh tại nhà. Đó là mấu chốt của việc khám bệnh từ xa đạt hiệu quả.

Tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã đầu tư hệ thống công nghệ tương tác giữa bệnh nhân và bác sĩ tại nhà qua hệ thống tổng đài miễn phí 1800 1115. Bệnh viện cũng có thể hội chẩn từ xa với các bác sĩ tại địa phương.

Bệnh nhân không nên lo lắng về việc không di chuyển thì chúng ta không khám, chữa bệnh được.

Trong những trường cần thiết chúng ta bắt buộc phải di chuyển bệnh nhân đến đứng cơ sở để điều trị, chứ không phải tất cả các trường hợp đều ở yên tại chỗ.

5. Hướng dẫn người bệnh mạn tính bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19?

Mùa dịch, mọi người lo lắng về COVID-19, nhưng cũng không quên nỗi lo về đột quỵ. Có thể nói là nỗi lo nhân đôi. Nhờ BS đưa ra hướng dẫn giúp người bệnh mỡ máu, huyết áp cao, đái tháo đường… bảo vệ sức khỏe của mình trong thời gian này?

TS.BS Trần Chí Cường:

Hiện nay, vấn đề quan tâm của cộng đồng là COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, đột quỵ luôn luôn là nỗi lo đối với toàn xã hội.

Trong đại dịch COVID-19, tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ và mức độ nặng của đột quỵ có xu hướng gia tăng. Với tâm lý ngại di chuyển, lo sợ về nguy cơ mắc COVID-19 làm cho việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân đột quỵ bị chậm trễ.

Để phòng chống đột quỵ trong mùa dịch COVID-19, chúng ta cần quan tâm, kiểm soát tốt bệnh lý nền. Những bệnh nhân đang điều trị đột quỵ cần tuân thủ phương pháp điều trị.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có ý thức phòng tránh bệnh tật tốt hơn, nghiêm ngặt hơn; cần hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia vì đây là nguyên nhân làm các bệnh lý nền gia tăng và nguy cơ đột quỵ tăng.

Khi nhận thấy những dấu hiệu đột quỵ như đau đầu đột ngột, nôn ói, tê yếu tay chân, nói đớ, nói ngọng, chúng ta cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời, không nên chủ quan.

Tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, có nhiều trường hợp bệnh nhân vì lo sợ COVID-19 đã làm cho bệnh diễn tiến nặng, không thể cứu chữa hoặc cứu chữa được nhưng cũng để lại những biến chứng nặng nề.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X