Hotline 24/7
08983-08983

Bí quyết nào bảo vệ cho lá gan đang dần suy kiệt vì bệnh mạn tính?

Bệnh tiểu đường, tăng huyết áp ảnh hưởng đến gan như thế nào? Làm sao để bảo vệ cơ quan thải độc lớn nhất của cơ thể trước các loại thuốc điều trị bệnh? PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng - Nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai đã giải đáp các thắc mắc này trong bài viết sau.

1. Thưa PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng, vì sao khi mắc những bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy thận, tăng huyết áp… lại ảnh hưởng đến gan?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng trả lời: Khi lớn tuổi, nhất là khi vượt qua ranh giới tuổi 40, chúng ta thường phải đối diện với nhiều bệnh mạn tính khác, không chỉ riêng tiểu đường type 2 hay tăng huyết áp. Khi đó, dùng thuốc kéo dài, thậm chí suốt đời là điều bắt buộc. Nhưng cũng chính vì điều này khiến gan phải làm việc nhiều hơn để đào thải lượng thuốc đã đưa vào người khiến gan quá tải, thúc đẩy quá trình lão hóa, dẫn đến suy gan, tổn thương gan mạn tính.

Chẳng hạn, đối với bệnh tiểu đường type 2 sẽ gây ra tình trạng trầm trọng đó là bệnh lý của rối loạn chuyển hóa bao gồm rối loạn chuyển hóa mỡ, rối loạn chuyển hóa đường, trì trệ vận động của ống tiêu hóa.

Đặc biệt là khi xảy ra tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ, ngoài những cơ quan như tim, thận thì gan sẽ là bộ phận bị lắng mỡ nhiều nhất trong cơ thể. Mặt khác, bệnh nhân tiểu đường type 2 phải điều trị bằng thuốc dài ngày nên rất dễ gặp phải tình trạng gan thoái hóa mỡ và tốc độ thay đổi rất nhanh theo thời gian.

Do đó, ngoài việc kiểm soát tốt đường máu, người bệnh phải có chế độ ăn uống, dùng những loại thuốc chống thoái hóa mỡ ở gan chẳng hạn như thuốc lợi mật, các nhóm thuốc bảo vệ tế bào gan, nhóm thuốc chống oxy hóa nhằm giúp gan đảm nhiệm được chức năng.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng - Nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai

Đối với tăng huyết áp cũng tương tự như vậy. Bên cạnh việc dùng nhiều loại thuốc, kéo dài thì nền tảng của tăng huyết áp là hầu như đều song hành với một bệnh lý của rối loạn chuyển hóa. Đó là rối loạn chuyển hóa mỡ, nó gây ra những mảng lắng đọng Cholesterol trên thành động mạch làm cho động mạch hẹp lại.

Ngoài các bệnh lý rối loạn chuyển hóa mỡ, đái tháo đường thì tình trạng gan thoái hóa mỡ còn gặp trong một số bệnh khác như viêm gan virus C, viêm gan do rượu, do lối sống sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ không khoa học. Nhất là với những người hay sử dụng rượu sẽ gây ra tình trạng gan thoái hóa mỡ khá trầm trọng. Thông thường nó sẽ lắng đọng những giọt mỡ rất to trong tế bào gan, khiến tế bào gan mất đi chức năng.

Tóm lại, với những người bị bệnh mạn tính, lớn tuổi, sử dụng quá nhiều thuốc cùng với những tổn thương gan tiềm tàng khiến cho tổn thương gan thể hiện rầm rộ hơn. Những thay đổi trên men gan đặc biệt là với men GGT là biểu hiện cho tình trạng gan thoái hóa mỡ cao.

2. Khi có bệnh khó tránh việc dùng thuốc. Thậm chí những bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường… phải uống thuốc suốt đời. Những nhóm thuốc nào thường gây độc cho gan?

Triệu chứng nào cảnh báo gan của người bệnh mạn tính đã bị tổn thương do thuốc? Làm xét nghiệm gì để chẩn đoán?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng trả lời: Hiện, có rất nhiều nhóm thuốc gây độc cho tế bào gan. Khi gây độc cho gan, nó có thể ảnh hưởng đến hai chức năng chính của gan, một là hủy hoại tế bào gan và hai là ứ mật ở gan. Tùy vào nhóm thuốc sẽ thể hiện bằng tình trạng hủy hoại hoặc ứ mật.

Dấu hiệu ứ mật thể hiện tương đối rõ trên lâm sàng bằng các dấu hiệu vàng da, nước tiểu sẫm màu hơn. Trong đó, dấu hiệu vàng da thể hiện sớm nhất qua việc vàng trên mắt, trên mạch mắt và lưỡi, người bình thường có thể nhìn thấy được. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ thấy nước tiểu trở nên sẫm màu hơn mặc dù đã uống rất nhiều nước. Đó là một trong những tình trạng gợi ý của ứ mật.

Đối với tình trạng hủy hoại tế bào gan, do gan đảm nhiệm khá nhiều chức năng nên khi bị hủy hoại nó sẽ không thực hiện được nhiệm vụ của mình nữa. Người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon miệng, chán ăn, chân tay yếu không buồn làm việc gì nữa. Giảm sút khả năng làm việc là một trong những dấu hiệu sớm nhất của tình trạng hủy hoại tế bào gan.

Ngoài ra, để xác định chính xác các dấu hiệu này có phải hủy hoại tế bào gan, ứ mật ở gan hoặc cả hai, tốt nhất và thể hiện rõ nhất là trên xét nghiệm.

Đối với tình trạng hủy hoại gan sẽ là xét nghiệm về men gan với ba chỉ số AST, ALT và GGT. Nếu kết quả tăng ít nhất 2 lần so với giới hạn cao bình thường thì được xem là tiêu chuẩn để chẩn đoán tình trạng hủy hoại tế bào gan.

Tình trạng hủy hoại tế bào gan nặng là khi các kết quả này tăng ít nhất gấp 5 lần so với tình  trạng cao bình thường; nguy kịch là tăng gấp trên 15 lần giới hạn cao bình thường, với trường hợp này người bệnh cần phải nhập viện để điều trị.

Khi tình trạng ứ mật tại gan xảy ra, trên xét nghiệm sẽ thể hiện bằng dấu hiệu Bilibin tăng lên, thường là tăng ít nhất 2 lần so với giới hạn cao bình thường, lúc đó sẽ thể hiện dấu hiệu vàng da mà người ngoài có thể thấy được. Nhưng khi chỉ mới có bất thường, chúng ta cần phải để ý để kịp thời xử trí.

Để khắc phục tình trạng này cách tốt nhất là dừng hết tất cả loại thuốc, vì chúng ta không thể biết được là do loại thuốc nào gây ra. Đặc biệt là những loại thuốc mới sử dụng, gây ra biến đổi trong cơ thể như người mệt, yếu đi, nước tiểu sẫm màu. Sau đó, nếu được dùng thuốc này trở lại thì phải vừa dùng vừa theo dõi.

3. Bảo vệ gan như thế nào ở những người có bệnh mạn tính phải dùng thuốc quanh năm, suốt tháng? Có nên dùng thêm các thuốc bổ trợ cho gan, nếu được thì nên dùng sao cho đúng và đủ? Khi mắc bệnh mạn tính có cách nào phòng ngừa các biến chứng, ảnh hưởng đến gan và ngược lại khi mắc bệnh gan nên chăm sóc thế nào, lưu ý gì để không đồng mắc các bệnh lý khác?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng trả lời: Để củng cố 4 chức năng chuyển hóa, chức năng tạo mật, chức năng tạo các yếu tố đông máu và chức năng khử độc của gan, người ta có thể sử dụng thêm các nhóm thuốc. Đặc biệt là những người buộc phải dùng nhiều thuốc, người có bệnh gan tiềm tàng hay người không có bệnh nhưng nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao (trong gia đình đã có có người mắc bệnh lý gan nặng từ trước như xơ gan, ung thư gan) thì phải thường xuyên khám và làm các xét nghiệm định kỳ.

Hiện nay, có nhiều nhóm thuốc giúp tăng cường chức năng tế bào gan, đó là các acid amine cần thiết, chẳng hạn như nhóm Silymarin, Arginine, Dimethicone, decarboxylase. Chúng ta có thể sử dụng loại nào cũng được.

Ngoài ra, để tham gia vào quá trình chuyển hóa ở gan, tạo bài tiết mật ở gan thì mật phải xuống được dưới ruột. Khi mật không xuống được ruột thì nó không thể hấp thụ được các Vitamin tan trong dầu A, D, E, K. Do đó, với những người bị nghi ngờ tổn thương ở gan cũng cần phải bổ sung thêm nhóm tan trong dầu này.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có những loại thuốc khác như thuốc lợi mật, nhất là những người có tình trạng gan thoái hóa mỡ, ứ mật tại gan phải dùng thêm loại thuốc này, nó sẽ giúp cho đào thải mật tăng hơn. Trong nhóm thuốc lợi mật, chúng ta có thể lựa chọn nhóm thuốc của acid mật, thuốc của muối mật, nhưng phải lưu ý chỉ sử dụng từng nhóm một, không nên kết hợp nhiều nhóm cùng một lúc.

Mặt khác, còn có nhóm thuốc chống oxy hóa. Trong đời sống, chúng ta sử dụng nhiều loại thuốc gây xuất hiện nhiều gốc tự do trong cơ thể, các gốc oxy hóa làm thúc đẩy nhanh sự lão hóa của cơ thể. Cơ thể khỏe mạnh là cơ thể sẽ chống được oxy hóa với nồng độ cao để trung hòa hết các gốc tự do, trung hòa hết các gốc oxy hóa. Nhưng vì đôi lúc cơ thể sẽ sản sinh không đủ, do đó bổ sung thêm các chất chống oxy hóa là hoàn toàn tốt.

Như vậy, nếu dùng các thuốc giải độc gan đúng cách sẽ giúp cho gan tăng cường chức năng của chính mình.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X