Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ hơn 5 tuổi còn mút tay, coi chừng răng hô, miệng móm

Nếu trẻ lớn trên 5 tuổi mút tay mạnh và liên tục có thể gây tổn thương ở răng và hàm, dẫn đến tình trạng hàm bị hô hay móm.

Bản năng bú mút tự nhiên dẫn đến việc trẻ thường mút tay trong những tháng đầu đời và thậm chí từ trước khi sinh. Trẻ có thể mút ngón tay, bàn tay hoặc những phần khác của cơ thể nhưng sau 6 tháng đầu tiên, phản xạ bú mút sẽ giảm và hầu hết sẽ tự bỏ vào lúc 3 - 5 tuổi.
 
Trẻ nhũ nhi thường mút ngón tay bởi vì điều đó làm chúng dễ chịu và cảm giác bình an. Vì thế, một số trẻ sẽ duy trì thói quen này cho đến khi lớn. Lắm lúc, trẻ phải mút tay để dễ chìm vào giấc ngủ hoặc khi trở mình lúc nửa đêm.
 
Bạn có thể lờ đi nếu trẻ nhỏ dưới 3 tuổi mút tay vì hầu hết trẻ sẽ tự bỏ thói quen này - Ảnh: internet

Hiệp hội Nha khoa của Mỹ đã có các nghiên cứu cho thấy đa số trẻ có thể an toàn khi mút ngón tay nhưng nếu trẻ lớn trên 5 tuổi có động tác mút mạnh liên tục hoặc dùng lưỡi đẩy thì có thể gây ra một số tổn thương ở răng và hàm, dẫn đến tình trạng biến dạng răng, hàm bị hô (răng và hàm bị đẩy ra ngoài) hay móm (một hàm đưa vào trong), lệch khớp cắn, khó phát âm… cần phải chỉnh nha sau này.

Cần can thiệp trong những trường hợp như: mút tay ngậm luôn cả tóc, đặc biệt ở trẻ từ 12 - 24 tháng; tiếp tục mút tay với cường độ mạnh sau 4 - 5 tuổi; tự ý yêu cầu sự giúp đỡ để từ bỏ thói quen này; có vấn đề về răng miệng và phát âm do mút tay gây ra; biết bối rối, xấu hổ với người khác vì mút tay…

Thường việc điều trị nên thực hiện ở nhà với sự quan tâm của cha mẹ. Cha mẹ hoặc bảo mẫu cần hạn chế thời gian và không gian nơi trẻ có thể mút tay. Lời khuyên nhủ và phần thưởng cho trẻ đôi khi có hiệu quả. Hãy giải thích cho trẻ hiểu về những tác hại của mút tay (dơ, vi trùng vào bụng, hư răng, xấu xí, nói ngọng…). Cũng có thể sử dụng một ít chất bôi không độc hại (như dầu xanh...) để trẻ ngại mút ngón tay dơ.
 
Nếu ngón tay trẻ bị đỏ và nhăn nheo, trầy trụa, bạn có thể bôi lên đó một ít dầu hay kem giữ ẩm trong khi trẻ đang ngủ. La mắng hay trừng phạt trẻ đều không giải quyết được gì bởi trẻ thường không biết là mình đang ngậm tay. Hơn nữa, càng ngăn cấm thì càng làm cho ước muốn mút tay tăng thêm. Cần quan sát xem trẻ mút tay khi nào và ở đâu để tìm cách hướng sự chú ý của trẻ đến những chuyện khác.

Nếu tất cả cố gắng của bạn đều không thành công thì phải đưa trẻ đến khám tại các khoa nhi chuyên sâu về tâm lý trẻ em.
 
Theo BS-CK1 Đào Thị Yến Thủy (TT Dinh dưỡng TP.HCM) - Người Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X