Tổn thương vì nong bao quy đầu sớm
Thấy cậu con trai 10 tháng tuổi mỗi lần đi tiểu rất khó khăn, chị Quỳnh Liên (quê Hải Dương) tìm hiểu trên mạng thì thấy con có những biểu hiện của việc hẹp bao quy đầu. Sốt ruột sợ để lâu con mắc bệnh nên chị tự nong cho con. Con khóc, chị càng ra sức dùng tay kéo, lộn khiến “cậu nhỏ” của con bị tổn thương mà không biết. Chỉ khi thấy bộ phận sinh dục của con bị sưng, có biểu hiện nhiễm trùng, chị mới đưa con vào viện.
Tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa (ở Hà Đông, Hà Nội) ngay từ khi con ở trong tháng đầu, thấy đầu “chim” của con có biểu hiện đỏ đã đưa con đi khám. Bác sỹ đã tư vấn cho gia đình vệ sinh kỹ vùng này bằng cách kéo ngược phần bao quy đầu mỗi khi tắm, nếu qua 3 tuổi không hết mới cần phải đi khám để làm thủ thuật. Thế nhưng, sợ con ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này và nghe bạn bè nói không nong sớm cho con, bộ phận này về sau sẽ bị hỏng, chị vội đưa con nhỏ đi nong bao quy đầu bằng mọi cách.
BS Nguyễn Đình Bách, phụ trách chuyên môn Trung tâm Tư vấn Phát triển sức khỏe giới tính Hà Nội cho biết, hẹp bao quy đầu là tình trạng bao da bó chặt quy đầu, không thể lộn hoàn toàn ra khỏi quy đầu được. Việc nong tách bao quy đầu là không cần thiết nếu trẻ không bị viêm dính bao quy đầu mà còn gây tổn thương toàn bộ cho bộ phận sinh dục ngoài. Sau này có thể dẫn tới tình trạng rối loạn cương, khó cương cứng được, bởi dương vật có cương cứng được hay không còn do vật hang có đàn hồi được hay không. Khi các mạch máu đã tổn thương ngay từ nhỏ sau khó cương cứng được.
Theo BS Nguyễn Đình Bách, trẻ còn quá nhỏ, chưa phát triển đầy đủ, xác định có hẹp hay thừa bao quy đầu hay không khó chính xác. Thường trẻ phải đến tuổi vị thành niên khi dương vật phát triển tương đối hoàn thiện và có nhu cầu tình dục, dương vật cương cứng, khi ấy xác định mới chính xác. Sau tuổi dậy thì, bao quy đầu sẽ lộn về phía bụng để hở đầu quy cho tới hết đời.
“Trẻ khi mới sinh ra đa số bị hẹp bao quy đầu sinh lý, nhưng cùng với thời gian, bao quy đầu sẽ tách khỏi quy đầu mà không cần can thiệp y khoa, nên các cha mẹ đừng quá lo lắng. Nếu vệ sinh chăm sóc cơ quan sinh dục, bao quy đầu hàng ngày tốt thì trẻ sẽ có thể tự hết hẹp, dương vật tự nong rộng miệng bao quy đầu”, BS Bách cho hay.
Theo BS Nhi khoa Trần Thu Thủy (Bệnh viện Nhi Trung ương), việc can can thiệp ngoại khoa như nong cắt bao quy đầu cho trẻ sớm là không cần thiết. Có nhiều người đưa con đi nong ngay khi trẻ mới vài tháng tuổi mà không biết điều này là sai lầm. Cố nong sớm, dương vật có thể bị xước và trẻ sẽ thường sợ do bị đau, gây khó khăn cho gia đình khi thực hiện tiếp các bước tự nong ở nhà.
Nhiều trường hợp sau khi nong, bé đau đớn mỗi khi đi tiểu nếu không vệ sinh cẩn thận chẳng bao lâu, bao quy đầu lại hẹp trở lại. Ngoài ra, các can thiệp ngoại khoa cũng có thể dẫn tới các biến chứng như chảy máu, phù nề, nhiễm trùng, tổn thương quy đầu hoặc niệu đạo ngay sau mổ… Trước khi quyết định có nong, cắt bao quy đầu cho trẻ cần phải đến cơ sở chuyên khoa khám để bác sỹ đưa ra lời khuyên hợp lý nhất.
Thời điểm cần thiết để xử lý hẹp bao quy đầu ở trẻ
Trước sự lo lắng của các bậc cha mẹ về tình trạng hẹp bao quy đầu và đưa đến các phòng khám để thực hiện can thiệp, BS Nguyễn Đình Bách cho biết, cha mẹ chỉ can thiệp khi trẻ có vấn đề khi bị cản trở đường tiểu như tiểu khó, đi tiểu phải rặn, tiểu không thành tia, có hiện tượng phồng bao quy đầu khi đi tiểu, tia đái lệch, vẹo... Hoặc khi viêm nhiễm ở phần đầu dương vật, có các vết phỏng, mụn hoặc rỉ dịch khiến trẻ ngứa, khó chịu thì lúc đấy mới cần can thiệp và phải được thực hiện ở cơ sở y tế chuyên khoa, uy tín. Còn trẻ vẫn sinh hoạt bình thường thì tốt nhất không nên can thiệp.
Cũng theo BS Nguyễn Đình Bách, thường trẻ bị viêm nhiễm là do các cha mẹ không biết cách chăm sóc. Khi các cháu còn bé, đi tiểu hay bị cặn lắng ở đầu dương vật. Chỉ cần khi tắm, cha mẹ chủ động vệ sinh nhẹ nhàng cho trẻ bằng nước sạch để tránh tình trạng viêm nhiễm. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên dùng các dung dịch sát khuẩn vệ sinh cho trẻ. Nếu có dùng cần phải có ý kiến của bác sỹ, không nên tự ý mua về dùng cho trẻ.
Để nhận thấy có cần nong tách bao quy đầu không, cha mẹ chỉ cần chú ý da bao quy đầu mềm mại, có thể di động dễ dàng khi kéo bao quy đầu về phía gốc. Nếu kéo mạnh sẽ thấy lỗ tiểu của quy đầu. Khi ấy quy đầu có thể lộ ra một phần nhỏ hay gần hết sẽ thấy được ranh giới giữa quy đầu và niêm mạc bao quy đầu. Hoặc quan sát lúc đi tiểu xem tia nước tiểu ra sao. Nếu tia nước tiểu nhỏ, bé khó tiểu, có bé phải rặn tiểu, thậm chí da phần quy đầu phồng lên do nước và chất cặn bã tích lại thì bé đã bị hẹp bao quy đầu.
Các chuyên gia khuyến cáo, với bé trai dưới 4 tuổi, không nên cố gắng nong bao quy đầu bằng tay vì có thể gây dính và sẹo xơ, dẫn tới hẹp bao quy đầu thứ phát. Với bé trai trên 4 tuổi, hoặc nhỏ hơn 4 tuổi nhưng có kèm các biểu hiện bất thường như tiểu khó hoặc da quy đầu thường viêm nhiễm tấy đỏ, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và xử lý kịp thời, tránh các biến chứng không đáng có.