Top những thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mề đay, dị ứng và lời khuyên từ chuyên gia
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú, công tác tại Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM nhận định, mề đay là một trong những triệu chứng thường gặp. Đối với mề đay liên quan đến thức ăn, thủ phạm hàng đầu là các loài giáp xác và cá.
1. 8 nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng nhất
Thưa BS, những thực phẩm nào dễ gây dị ứng và mề đay ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Mề đay là một trong những biểu hiện của dị ứng. Thức ăn là một nguyên nhân gây mề đay. Bên cạnh đó, mề đay còn xuất hiện một số nguyên nhân như:
- Do thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh và thuốc kháng viêm.
- Một đứa trẻ nhiễm siêu vi cũng có thể bị mề đay.
- Người bệnh có cơ địa mẫn cảm, khi tiếp xúc với điều kiện quá nóng hoặc quá lạnh.
Có thể thấy, mề đay là phản ứng rất rộng của dị ứng, và thức ăn chỉ là một phần trong số đó. Người ta thấy có 8 nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng nhất.
Thứ nhất là do sữa, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Hay như trứng, một số thực phẩm liên quan đến bột mì như bánh, mì, hoành thánh... các loại hạt như đậu phộng, hạnh nhân, hạt điều... Những thực phẩm này dễ gây dị ứng, đặc biệt là ở các nước phương tây.
Bên cạnh đó, nhóm cá, hải sản, các loài giáp xác như cua cũng gây triệu chứng dị ứng ở người châu Á. Khảo sát trên người Việt Nam cho thấy mề đay là một trong những triệu chứng thường gặp và nguyên nhân hàng đầu là do giáp xác và cá, sau đó là sữa, trứng, thực phẩm liên quan đến bột mì. Bên cạnh đó cũng có một số người có phản ứng liên quan đến trái cây, đặc biệt kèm theo dị ứng nhựa cao su, tuy nhiên tỷ lệ này không nhiều.
2. Trúng phong có phải là dị ứng thực phẩm?
Thưa BS, dân gian hay gọi món ăn gây ngứa là món ăn này dễ bị trúng phong. Vậy những món ăn dễ gây trúng phong đó có phải là những món ăn gây dị ứng không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Dân gian không chỉ dùng từ trúng phong mà còn hay gọi những thực phẩm đó là ăn vào gây nóng trong người, ăn vào bị độc gan. Khi chưa hiểu rõ về dị ứng, chúng ta thường quy do trúng phong, độc gan, nóng trong người.
Một số người tự điều trị bằng thuốc bổ gan, thuốc đông y nhưng điều này không đúng. Theo quan điểm đông y, trúng phong hay thường nghĩ là đột quỵ nhiều hơn do những triệu chứng xảy ra nhanh và dồn dập. Nhưng thức ăn liên quan đến dị ứng không liên quan đến đột quỵ, vì vậy không liên quan đến trúng phong. Tương tự, thức ăn gây nóng trong người, dễ gây độc gan cũng không phải như vậy.
Bản chất dị ứng là do thức ăn kích hoạt hệ miễn dịch, không liên quan đến gan. Mộ số người tổn thương gan cấp có triệu chứng ngứa nhưng do cơ chế khác. Ngược lại, đối với bệnh nhân dị ứng chưa chắc có tổn thương gan kèm theo. Đa phần bệnh nhân đến gặp bác sĩ cho rằng ăn vào bị độc gan, muốn xét nghiệm kiểm tra chức năng gan và hầu hết trường hợp có kết quả bình thường.
3. Nêm nếm cho thức ăn cho người bị mề đay cần chú ý những gì?
Thưa BS, nấu ăn cho người mề đay ngoài chú ý đến thực phẩm cần chú ý vấn đề gì trong nêm nếm ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Một số người nghĩ đường trong máu tăng cao dễ gây dị ứng, nhưng thực tế không phải như vậy. Đường rất hiếm khi gây ra dị ứng. Một số người dị ứng làm làn da bị khô, khi tiếp xúc với dị nguyên bên ngoài sẽ gây ngứa nhiều hơn.
Vấn đề nêm nếm không ảnh hưởng quá nhiều đến dị ứng. Khi có triệu chứng mề đay, chúng ta phải xem thức ăn gì gây nên vì chính protein trong thức ăn là thủ phạm. Mề đay thuộc thể khởi phát nhanh, ăn xong vài phút là có triệu chứng và lặp đi lặp lại.
Ví dụ, đứa trẻ mỗi lần ăn đậu phộng sau vài phút có biểu hiện ngứa quanh miệng, nổi mề đay thì xác định trẻ nổi mề đay do thức ăn. Còn vấn đề nêm nếm chủ yếu liên quan đến khẩu vị chứ không liên quan đến vấn đề dị ứng. Một số trường hợp có thể dị ứng với chất phụ gia đi kèm chất bảo quản, tuy nhiên tỷ lệ cũng rất thấp. Vì vậy không cần quá chú ý trong việc nêm nếm cho người bị mề đay.
4. Lựa chọn thực phẩm an toàn cho người bị mề đay
Thưa BS, đối với những món ăn không do gia đình nấu thì người mề đay nên lựa chọn thế nào để an toàn cho mình ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Người bị mề đay liên quan đến thức ăn chỉ cần lựa chọn những món không gây dị ứng cho mình. Đối với trẻ thì cha mẹ sẽ kiểm soát vấn đề ăn uống, khi bắt đầu ăn dặm trẻ sẽ được ăn từng món một. Như vậy cha mẹ sẽ biết thức ăn nào an toàn. Vì vậy, khi ra ngoài cha mẹ có thể lựa chọn cho con những thức ăn không gây triệu chứng dị ứng. Do đó đối với trẻ, cha mẹ có thể cho ăn đa dạng các món ăn tại nhà trước để biết món nào gây triệu chứng.
Còn đối với người lớn phức tạp hơn do thức ăn đa dạng hay có những món mới lạ hơn. Vì vậy, người dị ứng thức ăn nên biết rõ mình dị ứng với loại nào và kiên quyết từ chối món ăn đó. Trong khảo sát dị ứng thức ăn ở người Việt Nam, người ta thấy hải sản, cá, tôm, cua là nguyên nhân đứng đầu, sau đó là thịt bò, trứng, các loại hạt. Tuy nhiên nếu không dị ứng với chúng thì có thể ăn uống an toàn.
5. Rượu có thể làm nặng thêm triệu chứng dị ứng
Thưa BS, người mề đay dị ứng có nên uống rượu bia không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Trong tiệc tùng thì khó tránh khỏi rượu bia. Tuy nhiên, ta thấy rượu rất hiếm khi gây dị ứng nhưng nó là yếu tố làm dị ứng mạnh hơn nếu có dị ứng xảy ra. Ví dụ, một người có dị ứng nhẹ với tôm, cua, khi ăn ít không có triệu chứng nhưng nếu uống rượu kèm theo thì triệu chứng dị ứng sẽ bùng phát mạnh mẽ hơn. Do đó, cần lưu ý uống rượu có thể làm nặng thêm triệu chứng dị ứng. Vì vậy, không nên uống rượu kèm với thức ăn gây dị ứng. Còn lại tùy theo đáp ứng của rượu bia đối với cơ thể mà quyết định uống hay không.
6. Có khoảng 30% trường hợp mề đay không có nguyên nhân cụ thể
Thưa BS, một số người đã lựa thực phẩm rất kỹ càng nhưng vẫn bị dị ứng, khi đó họ cần làm gì ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Có khoảng 30% trường hợp mề đay không có nguyên nhân cụ thể. Trong trường hợp này do cơ thể có cơ chế tự miễn, có nghĩa là người bệnh có kháng thể tự gây triệu chứng mề đay. Do đó, nếu đã lựa chọn thực phẩm kỹ nhưng vẫn bị mề đay thì có thể do nguyên nhân khác.
Lời khuyên tốt nhất là người bệnh nên đến gặp bác sĩ để xem lại các triệu chứng, bệnh sử... vì mề đay còn có thể do thuốc, tiếp xúc với đồ quá nóng, quá lạnh, hay khi môi trường thay đổi. Trong một nghiên cứu cho thấy một trong những nguyên nhân gây dị ứng, mề đay là con mạt bụi nhà. Do đó có rất nhiều yếu tố gây nên mề đay và thức ăn chỉ là một phần. Bệnh nhân có thể tham vấn bác sĩ chuyên khoa Dị ứng để được hỗ trợ thêm.
7. Người mề đay, dị ứng nên chuẩn bị sẵn thuốc kháng histamine
Thưa BS, người mề đay dị ứng có nên mang theo sẵn thuốc bên mình để khi bộc phát có để dùng ngay không ạ? Nếu có thì nên chuẩn bị thế nào ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Người mề đay dị ứng có thể chuẩn bị sẵn một số thuốc kháng histamine thông thường mua tại nhà thuốc. Đây là thuốc đầu tay chống dị ứng, hay có thể chọn những loại thuốc an toàn và phù hợp với cơ địa. Ví dụ phụ nữ mang thai nên sử dụng thuốc an toàn, chỉ sử dụng khi có thai. Nhiều người hay hỏi nếu bị mề đay do thức ăn đó thì có thể uống thuốc trước rồi ăn thức ăn đó được không, BS khuyên là không nên. Chúng ta chỉ nên dùng thuốc kháng histamine khi có triệu chứng vì thuốc chỉ phòng ngừa trường hợp cấp tính bên ngoài.
Ngoài ra, châu Âu và Mỹ khuyến cáo người dị ứng thức ăn nên xem xét nguy cơ bị phản vệ và thường cung cấp bút tiêm adrenalin cho người bệnh nếu cần thiết. Bút tiêm này là thuốc tối cần thiết để cấp cứu cho bệnh nhân bị phản vệ. Hi vọng sắp tới Việt Nam được nhập và giới thiệu kỹ càng hơn.
8. Có cách nào để làm tan mề đay?
Thưa BS, đối với những trường hợp mề đay, dị ứng nhẹ có cách nào không cần dùng thuốc mà có thể làm tan mề đay được không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Thực tế không có cách nào làm tan mề đay mà không dùng thuốc. Đối với mề đay, chỉ có cách làm người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn do phản ứng liên quan đến giãn mạch. Hầu hết người bị mề đay hay than phiền có cảm giác nóng ran trong người. Do đó, chúng ta có thể điều chỉnh môi trường xung quanh như sử dụng nước mát, giữ không khí trong phòng không quá nóng sẽ làm giảm cảm giác ngứa. Còn để làm mề đay hết hoàn toàn buộc dùng thuốc và cắt nguồn dị nguyên. Nhưng nếu người bệnh nổi ít mề đay thì có thể tự hết.
9. Người bị mề đay, dị ứng nên tham vấn bác sĩ dị ứng
Nhờ BS gửi một vài lời khuyên đến người mề đay, dị ứng để làm giảm tình trạng này ạ!
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Ai cũng có thể bị mề đay. Do đó, người có mề đay, dị ứng trước tiên cần bình tĩnh xem đó có phải là hiện tượng thường xuyên xảy ra không. Nếu thường xuyên xảy ra có thể liên quan đến một số nguyên nhân như đã kể và cần chú ý hơn. Nếu do thức ăn, cần chú ý thức ăn đó là gì và chủ động tránh tiếp xúc với món ăn đó. Ngoài ra, người bệnh có thể tham vấn bác sĩ dị ứng để có liệu trình điều trị, tư vấn phù hợp hơn. Bên cạnh đó cũng cần tham vấn bác sĩ để biết thức ăn đó có thể phản ứng chéo với những loại nào.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình