Hotline 24/7
08983-08983

TOP những điều cần chú ý trong phòng ngừa và chăm sóc bệnh nhân loét tì đè

Loét tì đè là biến chứng xảy ra ở bệnh nhân sau đột quỵ bị liệt người hoặc người bệnh nằm bất động thời gian dài. Vậy làm thế nào để phòng ngừa loét tì đè ở những bệnh nhân này? Dinh dưỡng cho người bệnh loét tì đè cần chú ý gì?... Tất cả sẽ được chia sẻ bởi ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Bệnh viện Quân Y 175.

TOP 1: 5 vấn đề cần lưu ý để kiểm soát tốt vết loét tì đè

Điều trị vết loét tì đề ở bệnh nhân sau đột quỵ như thế nào? Thời gian và chi phí điều trị cho tình trạng này ra sao, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân Y 175 trả lời: Sau khi nhận diện được vết loét tì đè sẽ tiến tới điều trị. Các vết thương do loét tì đè sẽ mang lại cảm giác đau cho người bệnh, nên đầu tiên cần giảm đau cho bệnh nhân. Bởi vì các cơn đau này có thể gây ra những (xem lại chi tiết này, “gây ra những” hay “gây ra bởi những”) vấn đề như thiếu máu cục bộ, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Thứ hai là điều trị nhiễm trùng (nếu có). Bệnh nhân cần điều trị nội viện nếu các bác sĩ đánh giá vết loét tì đè có nhiễm trùng, từ đó kiểm soát tốt vấn đề này.

Thứ ba, cần tối ưu hóa dinh dưỡng, những bệnh nhân tổn thương da, mô mềm do áp lực hay loét tì đè thường ở tình trạng dinh dưỡng kém, hay còn gọi là thiểu dưỡng hoặc suy dinh dưỡng. Từ đó người bệnh cần tối ưu hóa, ví dụ như protein hoặc tổng lượng calo cung cấp cho nhóm bệnh nhân này, đặc biệt là những người đã được ghi nhận là loét tì đè.

Thứ tư, phân bố lại áp lực. Cần giảm áp lực cho các mô bị tổn thương để cân bằng.

Thứ năm, ngăn ngừa ô nhiễm để tránh tái nhiễm vi khuẩn ở vết loét tì đè. Các vết thương này, đặc biệt là ổ loét nằm gần đường tiểu, cần ngăn ngừa nhiễm bẩn vào khu vực đó. Nếu làm tốt các vấn đề trên bệnh nhân có thể kiểm soát được loét tì đè.

Về thời gian và chi phí điều trị sẽ căn cứ vào từng mức độ. Ví dụ, với các độ nông, chỉ có vết mẩn đỏ như độ 1, độ 2, thời gian điều trị ngắn, chi phí thấp. Còn độ 3, độ 4 và các phân độ sau thì thời gian và chi phí điều trị cao hơn.

TOP 2: Cách phòng ngừa và chăm sóc bệnh nhân loét tì đè

Nhờ BS chia sẻ cách chăm sóc và phòng ngừa giúp người nhà bệnh nhân chăm sóc đúng cách ạ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Phòng ngừa và chăm sóc bệnh nhân loét tì đè là vấn đề vô cùng quan trọng, vì vậy người thân cần lưu ý những điều sau để hỗ trợ bệnh nhân và nhân viên y tế trong vấn đề chăm sóc.

Đầu tiên, về vấn đề xoay trở, khi bệnh nhân bị đột quỵ hầu hết sẽ có tình trạng liệt nửa người hoặc bất động tại các vùng chi thể, việc xoay trở người phải thực hiện ít nhất 2 giờ một lần. Nếu ở nhà hoặc nội viện người thân nên cố gắng hỗ trợ bệnh nhân thực hiện xoay trở theo hướng dẫn đó.

Ví dụ bệnh nhân bị liệt nửa người bên phải, người nhà có thể xoay qua hướng ngược lại. Có thể cho bệnh nhân nằm nghiêng, cụ thể là phần thân trên được lật nghiêng một góc nhỏ, điều này giúp giảm áp lực lên các vùng mô hoặc vùng xương sát da như lưng hoặc mông.

Có thể đặt gối hoặc nệm mút ở những vùng đầu gối, mắt cá chân… Việc này giúp giảm áp lực, hạn chế nguy cơ loét tì đè.

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân Y 175 

Ngoài ra, có thể sử dụng nệm hơi cho bệnh nhân đột quỵ, bất động, đây là một phương pháp làm giảm áp lực lên các vùng da, vùng mô có xương sát da.

Trong trường hợp người bệnh phải ngồi xe lăn, có thể lực hiện biện pháp chống đẩy ngay trên xe, người nhà có thể hỗ trợ bệnh nhân thực hiện thao tác này. Trên xe lăn bệnh nhân có thể nghiêng người, tập nghiêng sang một bên hoặc hỗ trợ người nhà thực hiện động tác đó.

Nên cố gắng cho bệnh nhân sử dụng đệm ngồi chứa đầy không khí hoặc gel để giảm áp lực. Vì khi ngồi, phần xương hông sẽ đè sát vào ghế, do đó nên có dụng cụ, phương tiện để giảm áp lực lên vùng này.

Người thân cũng cần lưu ý trong chăm sóc phòng ngừa, thường xuyên kiểm tra phân độ, đầu tiên là da, các vị trí dễ gây loét tì đè. Kiểm tra thêm các khu vực ít chú ý như hậu môn, mông…

Vệ sinh tốt, làm sạch da bằng các loại xà phòng dịu nhẹ; tránh sử dụng nước nóng để rửa da; có thể sử dụng kem dưỡng ẩm để giảm khô và bong tróc, giúp phòng ngừa loét tì đè.

TOP 3: Những lưu ý về dinh dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân loét tì đè

Chế độ dinh dưỡng thế nào thì phù hợp với bệnh nhân bị loét tì đè sau đột quỵ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhưng thực tế đây là vấn đề ít được chú ý đến. Đối với một bệnh nhân loét tì đè cần chú ý:

Nguồn protein là nguồn dinh dưỡng quan trọng giúp hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị loét tì đè, vết thương phục hồi tốt hơn. Nguồn dinh đưỡng này có thể từ thịt, cá, phô mai, đậu hoặc các sản phẩm từ đậu…

Carbohydrate có trong thực phẩm dùng hàng ngày như gạo, mì ống, bánh mì, ngũ cốc… đây là nguồn dinh dưỡng dồi dào tại Việt Nam. Nên cố gắng có nguồn thực phẩm chứa Carbohydrate trong khẩu phần ăn của bệnh nhân.

Các sản phẩm từ sữa hoặc các sản phẩm thay thế, vì nguồn dinh dưỡng này sẽ kết hợp với protein hỗ trợ đẩy nhanh quá trình liền vết thương tốt hơn. Nguồn dinh dưỡng này có thể lấy từ phô mai, sữa chua…

Trái cây, rau củ, cung cấp vitamin, khoáng chất và các chất xơ quan trọng.

Ngoài ra, nước rất quan trọng, cố gắng đảm bảo cho bệnh nhân loét tì đè uống từ 1,6-2 lít mỗi ngày.

Qua đó cho thấy dinh dưỡng của bệnh nhân loét tì đè tương tự với việc chăm sóc dinh dưỡng cho các bệnh nhân khác, cần cố gắng đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng nhưng cần có một chế độ phù hợp.

>>> Bệnh nhân sau đột quỵ có biến chứng loét tì đè làm tăng nguy cơ tử vong gấp 2-3 lần

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X