Top 7 loại thực phẩm người bị viêm loét dạ dày nên tránh xa
Chế độ ăn có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình điều trị và cải thiện tình trạng bệnh viêm loét dạ dày. Bệnh có thể chuyển nặng nếu ăn uống không đúng cách và thuyên giảm nếu có chế độ ăn uống hợp lý. Bài viết dưới đây AloBacsi sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin về 7 loại thực phẩm người bệnh viêm loét dạ dày nên tránh để cải thiện tình trạng bệnh.
Viêm loét dạ dày là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, có tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh lên đến 70% dân số. Bệnh có thể gây rối loạn tiêu hóa và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như xuất huyết tiêu hóa, hẹp dạ dày hoặc hẹp môn vị.
Mặc dù không có chế độ ăn uống dành riêng cho người bệnh viêm loét dạ dày, tuy nhiên thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể hỗ trợ chống lại vi khuẩn Helicobacter pylori, một nguyên nhân gây loét dạ dày.
I. Người bệnh viêm loét dạ dày nên xây dựng một chế độ ăn khoa học
Khác với người khỏe mạnh, người bị viêm loét dạ dày thường dễ phát sinh cơn đau, ợ nóng, khó chịu, đầy hơi,… khi ăn uống. Vì vậy để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm kiểm soát cơn đau và hạn chế tiến triển của bệnh, cần nắm rõ nguyên tắc và các loại thực phẩm nên - hạn chế bổ sung.
Người bị viêm loét dạ dày và mắc các vấn đề liên quan đến tiêu hóa nên tuân thủ các nguyên tắc ăn uống sau:
1. Tăng cường thực phẩm lành mạnh
Ngoài tác dụng cung cấp dinh dưỡng và năng lượng để hoạt động, thành phần trong một số loại thực phẩm còn có tác dụng giảm viêm, ức chế vi khuẩn và thúc đẩy phục hồi niêm mạc hư tổn. Vì vậy trong thời gian điều trị, nên ưu tiên sử dụng các nhóm thực phẩm lành mạnh.
2. Hạn chế một số loại đồ uống và thực phẩm
Bên cạnh nhóm thực phẩm lành mạnh, một số loại thực phẩm và đồ uống có thể khiến dạ dày tăng tiết dịch vị và làm nghiêm trọng hiện tượng loét niêm mạc.
3. Chia nhỏ bữa ăn
Người bị viêm loét dạ dày nên chia thành 4 - 5 bữa nhỏ nhằm làm giảm áp lực lên dạ dày, giảm cơn đau thượng vị và một số triệu chứng đi kèm. Hơn nữa, chia nhỏ bữa ăn còn giúp dạ dày vận hành tốt, hấp thu tối đa hàm lượng dinh dưỡng và hạn chế tình trạng trào ngược thực quản.
4. Chú ý phương thức chế biến
Để đảm bảo dinh dưỡng của thực phẩm và tránh gây ảnh hưởng đến hiện tượng viêm loét niêm mạc, bạn nên chú ý phương thức chế biến. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế biến món ăn ở dạng hấp, luộc, nấu súp, canh và cháo có thể làm giảm áp lực lên dạ dày và cơ quan tiêu hóa. Ngược lại, các hình thức chế biến như nướng, chiên xào, sấy thường kích thích hoạt động co bóp dạ dày và khiến bệnh chuyển biến nghiêm trọng hơn.
5. Không nên để bụng đói hoặc ăn quá no
Tình trạng ăn quá no hoặc để bụng quá đói có thể làm tăng áp lực lên dạ dày, kích thích hoạt động co bóp và bài tiết dịch vị. Do đó, bạn nên chia nhỏ bữa ăn và mỗi bữa cách nhau khoảng 3 giờ đồng hồ.
6. Ăn chậm nhai kỹ
Thức ăn được nhai kỹ giúp dạ dày dễ tiêu hóa và có thể làm giảm một số triệu chứng thường gặp như đầy bụng, khó tiêu, đau thượng bì,… Ngoài ra, thói quen ăn uống từ tốn còn giúp cơ quan tiêu hóa vận hành tốt và hấp thu tối đa thành phần dinh dưỡng.
7. Không nên ăn thực phẩm sống
Thực phẩm sống chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và vị tươi ngon hơn so với thực phẩm đã chế biến. Tuy nhiên khi bị viêm loét dạ dày, bạn cần tránh dùng các thực phẩm sống. Ký sinh trùng và một số vi khuẩn trong các loại thực phẩm này có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng vết loét.
8. Tránh vận động sau khi ăn
Sau khi dùng bữa, bạn nên nghỉ ngơi trong ít nhất 30 phút và hạn chế vận động mạnh. Vận động ngay sau khi ăn có thể khiến dạ dày co bóp quá mức, dẫn đến tình trạng đau thượng vị, ợ hơi, ợ nóng, khó tiêu và chướng bụng.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, cần thay đổi một số thói quen xấu như hút thuốc lá, làm việc quá mức, căng thẳng kéo dài, thức khuya,…
Xem thêm: Những loại thực phẩm tốt cho người bị viêm loét dạ dày
II. Những loại thực phẩm người bệnh viêm loét dạ dày nên tránh
Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm tăng khả năng sản xuất acid, điều này khiến các triệu chứng viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng, người bệnh nên tránh một số loại thực phẩm như:
1. Rượu
Rượu và các loại đồ uống có cồn khác, chẳng hạn như bia, có thể gây viêm và kích ứng niêm mạc dạ dày. Do đó, người bệnh nên tránh và hoặc hạn chế lượng rượu tiêu thụ để cải thiện các triệu chứng viêm loét dạ dày.
2. Thực phẩm chiên
Các loại thực phẩm chiên trong dầu ở nhiệt độ cao cơ thể gây ảnh hưởng đến lớp bảo vệ tự nhiên của hệ thống tiêu hóa và khiến các triệu chứng viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra thực phẩm chiên cũng chứa nhiều muối, chất béo hoặc được chiên trong dầu đã sử dụng nhiều lần. Do đó, người bệnh nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chiên, chẳng hạn như khoai tây chiên, khoai lang chiên, gà rán hoặc bánh rán.
3. Thực phẩm có tính axit
Một số loại thực phẩm có tính axit tự nhiên có thể khiến lượng acid trong dạ dày tăng cao và gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng viêm loét dạ dày. Do đó, người bệnh cần tránh hoặc hạn chế sử dụng các loại thực phẩm như:
- Cà chua;
- Trái cây họ cam quýt, chẳng hạn như chanh, cam và bưởi;
- Carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng và ngũ cốc đã qua chế biến;
- Nước ngọt và các loại độ uống có gas.
4. Caffeine
Một số chuyên gia cho biết sử dụng caffeine có thể khiến nồng độ acid trong dạ dày tăng cao. Do đó, người bệnh nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa caffeine, chẳng hạn như cà phê, khi đang bị viêm loét dạ dày.
5. Thực phẩm chế biến sẵn
Các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo, mặn và nhiều đường. Điều này có thể khiến các triệu chứng viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn.
6. Thực phẩm cay
Các loại thực phẩm cay hoặc chứa nhiều ớt, tiêu đen hoặc gia vị cay có thể dẫn đến trào ngược dạ dày, đau dạ dày cấp và khiến các triệu chứng viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh cần tránh sử dụng để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
7. Thực phẩm giàu chất béo
Chất béo rất khó tiêu hóa, có thể làm tăng nồng độ acid dạ dày và kích thích trào ngược. Do đó, người bệnh viêm loét dạ dày nên tránh tiêu thụ một lượng chất béo lớn, chẳng hạn như nước hầm thịt hoặc mỡ động vật.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình