Tìm hiểu về thuốc điều trị bệnh cường giáp
Tuyến giáp nằm ở cổ liên quan đến các quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Khi tuyến giáp không hoạt động bình thường sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể như: da, não, gan, tim, thận. Dưới đây là một số thuốc giúp điều trị bệnh cường giáp.
I. Tổng quan về thuốc điều trị cường giáp
Thuốc điều trị cường giáp thường ít có biến chứng nên điều trị bằng thuốc là phương pháp đầu tiên được bác sĩ ưu tiên chỉ định cho bệnh nhân.
Mỗi loại thuốc có mức độ tác động khác nhau lên cơ thể người bệnh. Ba loại thuốc điều trị cường giáp chính là thuốc kháng giáp, iod phóng xạ và thuốc chẹn beta. Trong đó, thuốc kháng giáp ngăn tuyến giáp hoạt động, iod phóng xạ có vai trò phá hủy tuyến giáp, còn thuốc chẹn beta sẽ giúp bệnh nhân giảm nhẹ các triệu chứng cường giáp.
Theo thống kê, có hơn 90% người mắc bệnh cường giáp khỏi bệnh nhờ 1 trong 3 hoặc cả 3 loại thuốc này. Số còn lại không khỏi bệnh vì nhiều nguyên nhân như phát hiện bệnh quá trễ, bệnh đã có biến chứng như lồi mắt, cơn bão giáp…
Trong đơn thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng để theo dõi hiệu quả điều trị và các tác dụng phụ đi kèm. Vì thế, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc bên ngoài để tránh các rủi ro sức khỏe cho mình.
II. Chi tiết về các loại thuốc điều trị cường giáp
1. Thuốc kháng giáp
Chức năng của thuốc kháng giáp là giúp tuyến giáp giảm tiết hormon và sẽ bắt đầu có tác dụng đầu tiên sau 1 - 3 tháng sử dụng. Sau đó bác sĩ sẽ điều chỉnh giảm dần liều lượng cho tới khi hoàn tất liệu trình. Nếu thấy bệnh thuyên giảm, bệnh nhân không được tự ý ngừng thuốc đột ngột vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ gặp biến chứng bão giáp vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
a. 2 loại thuốc kháng giáp thường dùng
- Propylthiouracil (PTU): Đây là thuốc ưu tiên lựa chọn vì dùng được cho cả phụ nữ có thai. Những mẹ bầu khi điều trị cường giáp bằng thuốc này thì nguy cơ sảy thai là rất thấp, thậm chí là không có nguy cơ này. Đóng gói theo dạng thuốc viên 50mg. Người bệnh cần uống 8 tiếng/lần chia 3 liều bằng nhau. Cần duy trì lịch uống thuốc đều đặn để thuốc phát huy hết tác dụng.
- Methimazole: Tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ mà bệnh nhân có thể dùng thuốc từ 1 - 3 lần/ngày. Thuốc có dạng viên loại 5mg và 10mg, tác dụng nhanh hơn khi dùng PTU.
b. Tác dụng phụ của thuốc kháng giáp
Thuốc có rất ít phản ứng phụ. Nếu có chỉ chiếm 1 - 3% trường hợp. Một số tác dụng phụ có thể gặp đó là: ngứa ngáy, phát ban; sốt; rụng tóc; phù, buồn nôn, tức ngực; đau đầu; đau nhức xương khớp.
Ngoài ra, còn có tác dụng phụ hiếm gặp như: giảm bạch cầu đột ngột, tổn thương gan, cảm cúm. Lúc này người bệnh cần tới gặp bác sĩ ngay.
Nhìn chung 2 loại thuốc trên đều có công dụng là bảo vệ tuyến giáp và có tác dụng trong vòng 12 tháng dùng liên tục. Tuy nhiên bệnh cường giáp thường có dấu hiệu tái phát nhất là khi người bệnh chuyển sang giai đoạn giảm liều thuốc đang dùng. Có nhiều trường hợp người bệnh phải uống liên tục từ 12 - 18 tháng, có khi là gắn bó với thuốc cả đời.
Vì vậy, bác sĩ có thể sẽ cân nhắc đổi sang phương pháp điều trị khác nếu bệnh nhân gặp phải nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc bị tái phát cường giáp thường xuyên khi giảm liều.
2. Thuốc iod phóng xạ
a. Thuốc iod phóng xạ thường dùng
Dạng bào chế của iod phóng xạ là thuốc viên. Có chế hoạt động tự nhiên của tuyến giáp đó là hấp thụ iod phóng xạ phục vụ cho quá trình tổng hợp hormone giáp. Sau khi uống thuốc, iod phóng xạ sẽ đi vào máu và sáp nhập vào tuyến giáp. Thay vì giúp tuyến giáp tổng hợp hormone thì phóng xạ sẽ hủy hoại dần tuyến giáp để khiến cơ quan này dần mất đi khả năng tiết ra hormone giáp. Nhờ đó đẩy lui được bệnh cường giáp.
Thuốc thường sẽ có tác dụng khi dùng khoảng 6 tháng. Trong quá trình này, bệnh nhân cần dùng kết hợp với thuốc chẹn beta để hạn chế các triệu chứng cường giáp.
Có tới 90% bệnh nhân khỏi bệnh sau 1 liều iod phóng xạ duy nhất. Số còn lại phải dùng tới liều thứ 2 và nếu đã dùng 2 liều mà bệnh vẫn chưa khỏi thì sẽ phải cân nhắc tới phương án phẫu thuật để điều trị dứt điểm.
b. Tác dụng phụ khi dùng thuốc
Tương tự các thuốc trị bệnh cường giáp khác, iod phóng xạ có thể gây ra các tác dụng phụ khi dùng thuốc như:
- Buồn nôn, nôn.
- Luôn cảm thấy có vị kim loại trong miệng. Để khắc phục, bệnh nhân có thể thêm đường vào món ăn để cải thiện khẩu vị.
- Viêm tuyến nước bọt: sưng 1 hoặc cả 2 bên cằm trong vài tuần. Để dễ chịu hơn, bệnh nhân nên uống một chút nước chanh pha đường.
- Suy giáp: mặc dù có tác dụng điều trị cường giáp nhưng i-ốt phóng xạ cũng có thể gây suy giáp. Do đó, người bệnh có thể sẽ phải dùng levothyroxine suốt đời.
c. Lưu ý khi sử dụng iod phóng xạ
- Phụ nữ mang thai, có kế hoạch mang thai trong vòng 6 tháng tới hoặc phụ nữ đang cho con bú không được dùng.
- Sau khi uống thuốc nên ngủ một mình trong vòng 5 ngày. Điều này nhằm ngăn chặn việc phóng xạ sẽ làm ảnh hưởng tới người xung quanh.
- Tránh ra khỏi nhà trong vòng 3 ngày đầu tiên dùng thuốc.
- Uống nhiều nước.
- Không tiếp xúc với trẻ em trong tuần đầu tiên sau khi uống thuốc.
- Không dùng chung đồ cá nhân như khăn tắm, bàn chải,... với người khác.
- Làm sạch kỹ bồn cầu sau khi đi vệ sinh.
- Thường xuyên rửa tay và vệ sinh cơ thể mỗi ngày.
3. Thuốc chẹn beta
a. Thuốc chẹn beta có tác dụng gì?
Thuốc chẹn beta giúp bệnh nhân quản lý tốt các triệu chứng cường giáp cho tới khi thuốc điều trị chính bắt đầu phát huy tác dụng. Những triệu chứng này bao gồm nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài, run rẩy,...
Ngay sau khi bệnh nhân được chẩn đoán bị cường giáp, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chẹn beta và khởi đầu với liều thấp nhất, sau đó tăng dần đến khi các triệu chứng được kiểm soát hoàn toàn.
b. Tác dụng phụ khi dùng thuốc chẹn beta
Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc chẹn beta đó là chóng mặt, đau đầu, rối loạn tiêu hoá. Nếu gặp phải những hiện tượng này, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc đổi sang loại thuốc khác thích hợp hơn.
c. Lưu ý khi dùng thuốc chẹn beta đối với các trường hợp
- Người lớn tuổi bị cường giáp có thể không đáp ứng với thuốc chẹn beta.
- Trước khi dùng thuốc chẹn beta, nếu đang mắc các bệnh như huyết áp thấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh về đường hô hấp, hen suyễn thì cần báo ngay với bác sĩ. Đặc biệt ở những người đang bị hen suyễn, thuốc chẹn beta sẽ khiến cho triệu chứng của hen suyễn trở nên nghiêm trọng hơn.
- Không uống nước ép bưởi khi dùng thuốc để tránh ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc.
- Thuốc chẹn beta còn có tác dụng phụ là tăng độ nhạy cảm của cơ thể với môi trường bên ngoài. Do đó trong quá trình điều trị bằng thuốc này, người bệnh cần bảo vệ da để tránh khỏi các phản ứng như cháy nắng, dị ứng, phát ban,...
Tóm lại, cường giáp là loại bệnh đòi hỏi nhiều thời gian và công sức để chữa trị. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các chỉ định của bác sĩ để bệnh nhanh có những tiến triển tích cực.
Xem thêm: Bệnh cường giáp có nguy hiểm?
III. Các bệnh viện điều trị bệnh cường giáp uy tín
Nếu gặp phải tình trạng cường giáp hoặc cần nhận được sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ, bạn có thể đến khoa Nội tiết của một số bệnh viện uy tín sau:
- Tại TPHCM: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương,...
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,...
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình