Hotline 24/7
08983-08983

6 loại thực phẩm người bệnh cường giáp nên cẩn trọng

Khi mắc bệnh cường giáp, người bệnh nên kiêng ăn gì để góp phần điều trị hiệu quả? Dưới đây là 6 loại thực phẩm người bệnh cần lưu ý để tránh gây hại cho sức khỏe.

I. Triệu chứng của bệnh cường giáp

Hormone tuyến giáp đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và trao đổi chất của cơ thể. Nếu có quá nhiều hormone tuyến giáp, mọi chức năng của cơ thể đều có xu hướng gia tăng. Vì vậy nhiều người bệnh có các triệu chứng sau:

- Người bệnh cảm giác sợ nóng, da nóng, toát mồ hôi và sốt nhẹ 37.5 - 38 độ C.

- Bị đánh trống ngực, có cảm giác hồi hộp, khó thở khi xúc động hoặc làm việc gắng sức.

- Bồn chồn, lo lắng, khó ngủ, tính khí thất thường, dễ cáu gắt. Có thể xảy ra rối loạn tâm thần biểu hiện bằng cơn kích động hoặc tình trạng lú lẫn hay hoang tưởng.

- Run ở đầu ngón tay.

- Rối loạn kinh nguyệt ở bệnh nhân nữ trẻ.

- Da mỏng, tóc giòn và yếu cơ đặc biệt là ở cánh tay và đùi.

- Thường gặp tiêu chảy không kèm đau quặn: 5 - 10 lần/ngày.

- Thường sụt cân nhanh mặc dù ăn vẫn bình thường hoặc có khi ăn khỏe. Một số ít bệnh nhân trẻ tuổi có khi lại tăng cân nghịch thường.

- Bệnh Basedow còn có thêm biểu hiện ở mắt: chói mắt, chảy nước mắt, cảm giác nóng rát mắt, lồi mắt.

II. Thực phẩm tác động như thế nào đến bệnh cường giáp?

Chế độ ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng đến các triệu chứng bệnh cường giáp. Một số loại thực phẩm giúp cải thiện tình trạng bệnh, trong khi những loại khác có thể làm các triệu chứng trở nên nặng hơn hoặc gây trở ngại cho việc dùng thuốc chữa bệnh.

Dù thực phẩm không chữa khỏi bệnh cường giáp nhưng chất dinh dưỡng, khoáng chất trong một số thực phẩm giúp kiểm soát tình trạng cơ bản của bệnh, hạn chế biến chứng xảy ra. Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến cả việc sản xuất hormone, cách tuyến giáp hoạt động. Một số dưỡng chất dinh dưỡng có ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp như:

- Iod là chất cơ thể sử dụng để sản xuất hormone tuyến giáp. Chế độ ăn uống quá nhiều iod sẽ làm tăng sản xuất hormone tuyến giáp, gây bệnh cường giáp.

- Cường giáp khiến hệ xương khớp yếu, giòn do rối loạn chuyển hóa canxi máu, dẫn đến loãng xương. Vì vậy, bổ sung canxi, vitamin D vào chế độ ăn uống hàng ngày rất cần thiết giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, tăng cường sức khỏe xương khớp. 

- Các loại nước uống như: trà, cà phê, nước tăng lực có chứa caffeine làm các triệu chứng của cường giáp nặng hơn.

Xem thêm: Các địa chỉ xét nghiệm chức năng tuyến giáp uy tín tại Hà Nội

III. Người bệnh cường giáp nên kiêng ăn gì?

Chế độ ăn uống lành mạnh tuy không chữa khỏi hoàn toàn bệnh cường giáp nhưng giúp giảm các triệu chứng của bệnh, góp phần vào quá trình điều trị bệnh. Vậy bệnh cường giáp kiêng ăn gì tốt cho sức khỏe, dưới đây là một số thực phẩm cần tránh ăn khi mắc bệnh:

1. Thực phẩm giàu iod

Ăn quá nhiều thực phẩm giàu iod hoặc tăng cường iod sẽ dẫn đến bệnh cường giáp hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng hơn.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), liều lượng iod được khuyến nghị hàng ngày đối với người bệnh cường giáp khoảng 150 mcg (0,15 mg), thậm chí cần ăn ít iod hơn.

Người bệnh cần tránh các loại hải sản chứa nhiều iod như: cá, rong biển, tôm, cua, sushi, tảo…

Tránh các loại thực phẩm khác có nhiều iod như: sữa, bơ, phô mai, lòng đỏ trứng, muối iod, một số chất tạo màu thực phẩm, thuốc có chứa iod (amiodarone - Nexterone, sirô ho, thuốc nhuộm tương phản y tế, thảo dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ sung vitamin).

2. Thực phẩm có hàm lượng đường cao

Bệnh nhân cường giáp có dấu hiệu rối loạn chuyển hóa carbohydrate, dẫn đến khó kiểm soát lượng đường huyết trong cơ thể. Bệnh nhân cường giáp ăn nhiều đường còn làm tăng mức độ hồi hộp. Vì vậy, cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa nhiều đường như: nước ngọt, bánh kẹo… để tránh gây hại cho sức khỏe.

3. Các loại chất béo “xấu”

Chất béo “xấu” còn gọi là chất béo bão hòa, đông đặc ở nhiệt độ bình thường, khiến cơ thể sản sinh ra cholesterol xấu (LDL), làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Thực phẩm chiên chứa nhiều chất béo “xấu” làm cản trở khả năng hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp của cơ thể. Chất béo “xấu” cũng có thể làm giảm khả năng sản xuất hormone thyroxine (T4) của tuyến giáp. Thực phẩm béo “xấu” chứa nhiều calo gây khó tiêu hóa đối với những người có quá trình trao đổi chất chậm, dẫn đến tăng cân quá mức. Người bệnh cường giáp không nên ăn những thực phẩm quá béo như: bơ, sốt mayonnaise, bơ thực vật, những thực phẩm chiên khác.

4. Cà phê

Thực phẩm, đồ uống có chứa caffeine như: cà phê, trà, soda, sô cô la… làm các triệu chứng của cường giáp nặng hơn, dẫn đến tăng lo lắng, căng thẳng, khó chịu, nhịp tim nhanh. Người bệnh cường giáp nên tránh hoặc hạn chế dùng những loại nước uống này, thay thế bằng trà thảo mộc tự nhiên, nước có hương vị hoặc rượu táo nóng để bảo vệ sức khỏe.

5. Rượu, bia

Người bệnh cường giáp uống rượu có nguy cơ tiến triển bệnh nặng hơn do tuyến giáp phản ứng quá mức với hormone kích thích tuyến giáp. Rượu làm tăng mức độ khó chịu, gây căng thẳng ở những người bệnh cường giáp. Do đó, người bệnh tuyến giáp nên hạn chế hoặc không uống rượu để giảm biến chứng xảy ra.

6. Sữa tươi nguyên kem

Sữa là thực phẩm giàu canxi tốt cho sức khỏe tuy nhiên, sữa nguyên chất, sữa tươi nguyên kem thường chứa nhiều chất béo, người bệnh cường giáp tránh sử dụng do khó tiêu hóa. Với người bệnh cường giáp khi sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa nên chọn các sản phẩm từ sữa tách béo để bảo vệ sức khỏe, giúp tiêu hóa tốt.

Xem thêm: Các địa chỉ xét nghiệm chức năng tuyến giáp uy tín tại TPHCM

IV. Lưu ý khi điều trị bệnh cường giáp

Bên cạnh một chế độ dinh dưỡng hợp lý trong quá trình điều trị, người bệnh cường giáp cần có chế độ nghỉ ngơi hiệu quả.

Người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều hơn để phục hồi thể trạng. Lao động nhiều và gắng sức có thể làm tình trạng sức khoẻ thêm suy kiệt khi các cơ quan đã phải hoạt động quá mức do cường giáp.

Người bệnh cường giáp nên nghỉ ngơi nhiều hơn, nhất là trong khoảng thời gian 3 - 4 tháng đầu điều trị, tránh những căng thẳng áp lực, hạn chế thức khuya và lao động gắng sức.

Mặc dù không thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh cường giáp chỉ dựa vào dinh dưỡng. Tuy nhiên, kết hợp với một chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp giúp bạn giảm các triệu chứng của cường giáp, mang lại một cảm giác dễ chịu hơn khi triệu chứng bệnh thay đổi. Hơn nữa chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng giúp quá trình điều trị nhanh chóng có hiệu quả hơn.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X