Tiêm insullin an toàn bằng cách nào?
Hầu hết người bệnh đái tháo đường, khi được bác sĩ thông báo cần phải điều trị bằng tiêm insulin thì cảm thấy lo lắng.
Nhiều người, do không hiểu biết và không được hướng dẫn kỹ nên bị một số biến chứng của tiêm insulin, một số khác thì do tiêm không đúng nên không làm giảm được đường huyết. Nhưng ngược lại, có nhiều bệnh nhân, sau khi được hướng dẫn cụ thể và hiểu rõ về cách thức tiêm thì đã phát biểu rằng tiêm insulin không quá khó và điều trị bằng tiêm insulin là một phương pháp hiệu quả.
Nếu bạn là bệnh nhân đái tháo đường và đang phải tiêm insulin nhưng lại không hiểu rõ về phương pháp điều trị này thì sau đây là các cách giúp bạn cải thiện kỹ năng tiêm và phòng ngừa các biến chứng hay xảy ra khi tiêm insulin.
Kỹ thuật tự tiêm insulin
- Khi kê đơn điều trị insulin, thường thì các bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh đái tháo đường phải tự học tiêm insulin. Phương pháp phổ biến nhất hiện nay là tiêm insulin bằng bơm (loại 1 hoặc ½ ml) và kim tiêm. Đầu tiên bạn phải rút insulin khỏi lọ thuốc, sau đó tiêm dưới da, và insulin sẽ được hấp thu vào máu.
- Vị trí tiêm tốt nhất là vùng bụng vì đó là vị trí mà insulin được hấp thu nhanh và ổn định. Lưu ý là phải tránh tiêm vào vùng cách rốn chừng 2cm vì insulin sẽ không được hấp thu tốt. Bạn cũng cần quay vòng vị trí tiêm để tránh các mũi tiêm quá gần nhau trong thời gian ngắn có thể gây loạn dưỡng tại chỗ tiêm. Ngoài ra, các vị trí khác có thể là mặt sau cánh tay, đùi hoặc mông.
Các hiện tượng kích ứng da tại chỗ tiêm
- Đặc biệt là ở những lần tiêm đầu tiên, bạn có thể thấy da tại chỗ tiêm bị đỏ và sưng nề nhẹ. Nguyên nhân có thể là do insulin không tinh khiết hoặc do khi tiêm, kim tiêm đã đẩy một lượng cồn nhỏ vào mô dưới da. Để tránh hiện tượng này cần sát trùng bằng cồn trước, đợi khô rồi mới tiêm.
- Nếu chỗ da bị kích ứng kéo dài trên 2 tuần hoặc bạn thấy khó chịu, đau thì phải báo ngay cho thầy thuốc.
- Một hiện tượng khác là sau khi tiêm bạn thấy đau buốt tại vùng tiêm. Để giảm thiểu hiện tượng này, bạn hãy:
+ Lấy lọ insulin ra khỏi tủ lạnh trước 15-20 phút, xoa nhẹ bằng 2 lòng bàn tay trong vài phút trước khi tiêm để lọ thuốc có nhiệt độ ngang bằng nhiệt độ phòng.
+ Thả lỏng các cơ tại vùng tiêm.
+ Đâm kim nhanh qua da.
+ Đâm thẳng kim, không đổi hướng kim sau khi đã chọc qua da.
- Sau một thời gian điều trị, một số người phát hiện thấy vùng tiêm insulin bị lồi lõm, hoặc dày lên hoặc nổi cục. Đó có thể là các biến chứng tại chỗ tiêm như teo đét hoặc phì đại tổ chức mỡ dưới da, thường là hậu quả của tiêm không đúng kỹ thuật. Khi đó không nên tiêm vào các vùng này vì insulin sẽ không được hấp thu tốt. Để tránh hoặc hạn chế hiện tượng này, các bạn cần tuân thủ hướng dẫn quay vòng vị trí tiêm theo chiều kim đồng hồ hoặc đổi chỗ tiêm giữa bụng - đùi - cánh tay...
Ngăn ngừa các vấn đề khác hay xảy ra khi tiêm insulin
Tiêm insulin đã quá hạn hoặc insulin bị nhiễm bẩn có thể làm đường máu tăng cao hoặc gây nhiễm trùng tại vị trí tiêm. Để giảm thiểu nguy cơ của tiêm insulin các bạn cần:
- Duy trì tiêm insulin của cùng một nhà sản xuất trừ khi thầy thuốc khuyên bạn nên đổi. Điều này giúp bạn có được insulin cùng nguồn gốc, cùng chủng loại và nồng độ. Phải nhớ kiểm tra hạn dùng và luôn có sẵn một lọ dự trữ.
- Cất giữ insulin trong tủ lạnh cho tới khi đem ra dùng. Trước khi tiêm phải làm ấm lọ insulin lên ngang nhiệt độ phòng ở vì tiêm insulin lạnh sẽ gây đau tại chỗ tiêm. Lọ insulin, sau khi đã mở nắp, có thể giữ được trong nhiệt độ phòng trong khoảng 6 tuần. Nên vứt bỏ các lọ insulin quá hạn hoặc lọ insulin đã để ngoài tủ lạnh trên 6 tuần.
- Tránh nhiệt độ quá nóng. Không nên để lọ insulin trong môi trường quá nóng hoặc cho tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
- Quan sát mọi sự thay đổi của lọ thuốc. Cũng nên vứt ngay các lọ insulin bị đổi màu hoặc có các vẩn đục.
- Đánh dấu bằng cách viết hoặc đeo một cái vòng vào các lọ insulin đang dùng. Ngoài ra bạn cũng nên có một cuốn sổ nhỏ ghi rõ tên và điện thoại của bác sĩ điều trị cùng tên tất cả các loại thuốc bạn đang dùng, bao gồm cả các loại insulin. Mục đích là để phòng khi bạn bị hạ đường huyết thì các thầy thuốc và người nhà bạn biết cách xử trí nhanh và phù hợp nhất.
- Khi đi khám bệnh khác, phải thông báo với các thầy thuốc, nha sĩ hoặc dược sĩ rằng bạn đang phải tiêm insulin. Mục đích là để các thầy thuốc không kê cho bạn dùng những loại thuốc có tương tác hoặc ảnh hưởng đến tác dụng của insulin.
- Trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, các tác dụng phụ hoặc cảnh báo. Nếu bạn phát hiện có khuyến cáo là không nên dùng các thuốc này cho người bệnh đái tháo đường thì nên xin ý kiến của bác sĩ điều trị.
- Cảnh giác với dị ứng thuốc. Mặc dù rất hiếm xảy ra nhưng insulin có thể gây ra phản ứng dị ứng, nguy hiểm nhất là sốc phản vệ giống như tất các các loại thuốc khác. Các biểu hiện thường gặp là mệt và khó thở, đau ngực... nhưng ít khi gây tử vong. Trong những trường hợp này cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc bảo người nhà đưa đến khoa cấp cứu ngay lập tức.
Tóm lại, nếu tuân thủ đứng những chỉ dẫn của thầy thuốc thì bạn sẽ thấy tiêm insulin không quá khó và cũng chẳng hề phiền toái chút nào.
Theo ThS Nguyễn Quang Bảy - Sức khỏe & Đời sống
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình