Hotline 24/7
08983-08983

Thủy trị liệu là phương pháp chữa bệnh như thế nào, ai nên sử dụng?

Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, thủy trị liệu có nhiều hình thức và cũng rất nhiều công dụng, trong đó có hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ, người bị liệt…

1. Thủy trị liệu là phương pháp gì?

Thủy trị liệu là hình thức sử dụng nước tác động vào bề mặt ngoài của cơ thể (da) với mục đích trị liệu. Thủy trị liệu ứng dụng các tính chất vật lý tổng quát của nước, bao gồm thủy nhiệt (truyền dẫn, bức xạ, đối lưu, bốc hơi nhiệt), thủy động (sức nổi, va chạm cơ học, áp suất thủy tĩnh) và thủy hóa học (sục khí carbonic, khoáng chất, hóa chất...).

Các phương pháp thủy trị liệu rất phong phú, có thể được ứng dụng dưới nhiều hình thức khác nhau của nước, như trạng thái rắn, lỏng hoặc hơi. Nhiệt độ, áp suất, thời gian và sự kết hợp với kỹ thuật nào khác là tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, kích thước bộ phận điều trị và hướng dẫn của người thầy thuốc Vật lý trị liệu. Các tác dụng nhiệt, cơ học, hóa học của nước có thể được vận dụng riêng rẽ hay kết hợp để kích thích cơ quan da, qua đó các hệ thống của cơ thể được ảnh hưởng tác động qua cơ chế phản xạ.

Thủy trị liệu là một trong những phương thức điều trị cổ xưa nhất và được ứng dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, thủy trị liệu được chấp nhận như là một phương pháp điều trị kết hợp có hiệu quả trong toàn bộ chương trình phục hồi chức năng cho người bệnh.

Các biện pháp thủy trị liệu bao gồm: ngâm nước toàn thân hay ngâm nước từng bộ phận (ngâm chân, ngâm tay), tắm tác dụng với kích thích cơ học, tắm hơi nóng... có thể ngâm nước nóng, nước lạnh hay kết hợp giữa nóng và lạnh trong điều trị. Tùy vào tình trạng bệnh lý của người bệnh mà thầy thuốc sẽ có chỉ định phù hợp.

Thủy trị liệu từ xưa đã được y học cổ truyền sử dụng là các phương pháp ngâm, tắm toàn thân hoặc bộ phân với nước ấm và thảo dược. Ngày nay các hình thức thủy trị liệu đa dạng với nhiều hình thức hơn và thiết bị hiện đại hơn như sử dụng bồn nước xoáy, phun áp lực…

2. Thủy trị liệu giúp điều trị những bệnh gì?

Tùy theo các phương thức thủy trị liệu mà có chỉ định điều trị riêng.

  • Tắm bồn ngâm toàn thân: điều trị viêm khớp, viêm cơ mạn tính, bệnh gout, viêm dây thần kinh, đau dây thần kinh, tăng tiết mồ hôi, giảm mệt mỏi và giảm co cứng cơ sau tập luyện.
  • Tắm bồn nước xoáy: tình trạng tuần hoàn kém, nứt nẻ chân tay, phù nề mạn tính, tách bỏ mô chết, mỏm cụt đau, chi ma, các trường hợp gãy xương sau bó bột (làm mềm da, giảm phù nề, tăng tuần hoàn), viêm khớp, bong gân, tổn thương mô mềm, bại liệt, liệt hai chi dưới, viêm dây thần kinh, bàn chân đau, mô sẹo co rút do bỏng, vết thương kết dính, chuẩn bị trước khi xoa bóp, kéo dãn thụ động và tập vận động.
  • Tắm bồn cánh bướm (bồn Hubbard) - Là loại bồn tắm đặc biệt có hình dạng “cánh bướm” (hay “hình số 8”) mở rộng ở phần tay và chân để người bệnh có thể cử động tập được, phần eo thắt lại để người kỹ thuật viên có thể đứng sát vào người bệnh từ bên ngoài và trợ giúp tập trong quá trình điều trị. Bên trong bồn có thể gắn tua bin tạo dòng xoáy để tăng cường sự kích thích cơ học lên bề mặt ngoài của cơ thể. Bồn cánh bướm được chỉ định điều trị người bệnh bại liệt, liệt cứng, viêm khớp mạn tính, mất điều hợp cơ; bệnh thần kinh (viêm tủy ngang, tổn thương thần kinh, đau dây thần kinh hông); sau phẫu thuật chỉnh hình (gãy xương, chuyển gân, ghép xương, tái tạo khớp); vết thương bỏng.
  • Tắm bể bơi - Là hình thức tập vận động ở dưới nước, kết hợp tác dụng của nước ấm và động tác tập. Do sức nổi của nước nâng đỡ thân mình, kháng lại tác dụng của trọng lực, cảm giác không sức nặng giúp cho người bệnh cử động khớp và di chuyển được dễ dàng hơn ở trên cạn. Ngoài ra, sức ấm của nước cũng có tác dụng thư giãn, làm dịu đau làm cho người bệnh không còn sợ đau nên cử động dễ dàng hơn với tầm vận động khớp lớn hơn. Tắm bể bơi được chỉ định điều trị tình trạng bệnh lý của cơ quan vận động: viêm thấp khớp, bệnh lý thần kinh (liệt nửa người, liệt hai chi dưới, viêm da thần kinh), các trường hợp chỉnh trực (sau gãy xương, chấn thương hay phẫu thuật), bệnh trẻ em (bại não, bại liệt)...

3. Người không bị bệnh dùng thủy trị liệu giúp giảm mệt mỏi được không?

Sử dụng thủy trị liệu để phục hồi sức khỏe cũng rất tốt. Có thể tự thực hiện tại nhà bằng các phương pháp thủy trị liệu đơn giản như ngâm tắm với nước ấm thêm thảo dược, tinh dầu, muối hột, ngâm bộ phận như ngâm chân, tay hoặc nếu có bồn tắm thì ngâm toàn thân rất tốt, tác dụng nhiệt nóng kết hợp với tác dụng của thảo dược giúp cơ thể thư giãn, khí huyết lưu thông, ngủ ngon, giảm đau nhức cơ thể.

Tại các cơ sở vật lý trị liệu có thể sử dụng bồn xoáy hoặc bể sục sẽ giúp giảm mệt mỏi sau lao động, giảm căng thẳng.

Nếu tự thực hiện tại nhà mà không thấy giảm các triệu chứng khó chịu nhiều thì nên gặp thầy thuốc để được thăm khám.

4. Người bệnh bị đột quỵ, yếu liệt chân tay dùng thủy trị liệu điều trị phục hồi chức năng được không?

Thủy trị liệu cho người bị đột quỵ, yếu liệt tay chân thường sử dụng phương pháp tắm bể bơi và tắm bồn nước xoáy.

  • Tắm bể bơi: Là hình thức tập vận động ở dưới nước, kết hợp tác dụng của nước ấm và động tác tập. Do sức nổi của nước nâng đỡ thân mình, kháng lại tác dụng của trọng lực, cảm giác không sức nặng giúp cho người bệnh cử động khớp và di chuyển được dễ dàng hơn ở trên cạn. Ngoài ra, sức ấm của nước cũng có tác dụng thư giãn, làm dịu đau làm cho người bệnh không còn sợ đau nên cử động dễ dàng hơn.
  • Tắm bồn nước xoáy: với kích thích cơ học bằng các dòng nước xoáy. Dòng nước xoáy được tạo ra bởi một tua bin điện gắn ở bên trong. Tác dụng của nhiệt dẫn truyền kết hợp với tác dụng xoa bóp của dòng nước xoáy làm dịu đau, giảm co cứng, giãn mạch, cải thiện tuần hoàn cục bộ, làm mềm mô sẹo, giảm kết dính, giảm đau, cải thiện khả năng vận động

5. Khi thực hiện thủy trị liệu, bệnh nhân chuẩn bị thế nào? Và thời gian ngâm mình dưới nước là bao lâu?

Trước khi thực hiện thủy trị liệu, bệnh nhân cần được thăm khám tình trạng sức khỏe có đảm bảo để thực hiện thủy trị liệu hay không, đánh giá sức khỏe để so sánh sự khác biệt trước và sau điều trị, chuẩn bị trang phục phù hợp, đi vệ sinh trước khi điều trị. Người bệnh được hướng dẫn, giải thích về mục đích, cách thực hiện thủy trị liệu, hướng dẫn tư thế phù hợp khi thực hiện thủy trị liệu.

Thời gian ngâm mình dưới nước tùy theo chỉ định của thầy thuốc và có thể kết thúc sớm hơn nếu bệnh nhân cảm thấy mệt. Thời gian ngâm nước thường 20-30 phút với nhúng toàn thân trong bồn nước; 14-45 phút với tắm bằng bồn nước xoáy.

6. Sau khi thực hiện thủy trị liệu, bệnh nhân nên và không nên làm gì?

Sau thực hiện thủy trị liệu, người bệnh nên lau khô người bằng khăn mát, nghỉ ngơi, giữ ấm. Trao đổi với thầy thuốc về tình trạng sức khỏe sau buổi tập. Uống một chút nước ấm.

Không nên: vận động mạnh sau thủy trị liệu, không nên uống nước quá lạnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X