Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc nước, thuốc mỡ, gel có hạn sử dụng sau khi mở nắp là bao lâu?

Nhiều người vì tiếc hay do không để ý nên vẫn tiếp tục sử dụng thuốc nước, thuốc mỡ, gel dù đã hết hạn sử dụng sau khi mở nắp. Các dược sĩ tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về hạn sử dụng này.

Tiếp theo phần 1: Cách sử dụng thuốc an toàn và hướng xử trí khi dùng nhầm, dấu hiệu cần đi cấp cứu

alobacsi hạn sử dụng của sau khi mở nắp Dược sĩ Nguyễn Thị Hiền và dược sĩ Trần Hoàng Tiên - Bệnh Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

NỘI DUNG TƯ VẤN

I. Cách bảo quản các dạng thuốc khác nhau?

1. Hiện nay thuốc chữa bệnh được bào chế ở nhiều dạng khác nhau: viên nén, bột, gel, nước, khí dung, cao dán… Xin dược sĩ cho biết từng dạng thuốc cần bảo quản như thế nào?

DS Trần Hoàng Tiên:

Chúng ta cần bảo quản thuốc đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất cho từng loại thuốc. Mỗi gia đình cần có tủ thuốc nhỏ treo trên tường. Bảo quản ở nơi thoáng mát, không được để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào. Tủ thuốc không được treo trong phòng tắm. Bởi vì nơi đó có độ ẩm cao nên sẽ làm hỏng thuốc. Ta cũng không nên để trong nhà bếp, bởi vì nơi đó có nhiệt độ cao hơn những nơi khác trong nhà.

Tủ thuốc nên có khóa và đặc biệt là phải tránh xa tầm tay trẻ em.

Ngoài ra, chúng ta cần để riêng từng loại thuốc trong hộp, trong các ngăn nhỏ hơn trong tủ thuốc nhằm tránh nhầm lẫn khi sử dụng. Chúng ta cần thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của thuốc nhằm loại bỏ những thuốc đã quá hạn sử dụng hoặc kiểm tra các bao bì của thuốc không còn nguyên vẹn.

II. Hạn sử dụng sau khi mở nắp của thuốc dạng lỏng?

2. Một số loại thuốc nước lại có thêm hạn sử dụng sau khi mở nắp, đó là những loại thuốc gì? Nhiều người vì tiếc hay do không để ý nên vẫn tiếp tục sử dụng những loại thuốc này. Xin dược sĩ cho biết như vậy có tác hại gì không?

Dược sĩ Nguyễn Thị Hiền:

Trong thực tế, chúng ta có những loại thuốc được bào chế dưới dạng lỏng thì phổ biến nhất được kể đến nhiều nhất là thuốc nhỏ mắt (nước muối sinh lý Natri Chlorid, 0.9%). Ngoài ra, ta còn có thuốc điều trị mắt khác chẳng hạn như thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc chống dị ứng, thuốc đục thể tinh thể. Thuốc điều trị dưới dạng lỏng như thuốc nhỏ mũi, nhỏ tai hoặc một số thuốc đường uống được điều chế dưới dạng lỏng.

Đối với những dạng thuốc này, ta cần phân biệt hai khái niệm của hai loại thuốc này. Đó là dạng thuốc có hạn dùng khi chưa mở nắp, hạn dùng của thuốc sau khi đã mở nắp. Hạn dùng của thuốc khi chưa mở nắp sẽ được in cụ thể trên mỗi chai hay lọ thuốc, đi kèm với chai hay lọ là ngày sản xuất của thuốc. Đó là khoảng thời gian thuốc được phép sử dụng bởi vì tiêu chí về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của thuốc đươc dẳm bảo. Ngoài khoảng thời gian này, thuốc đã hết hạn sử dụng và ta không được sử dụng.

Cái thứ hai, hạn sử dụng của thuốc sau khi mở nắp sẽ tùy vào từng loại thuốc và nhà sản xuất những quy định khác nhau. Thông thường đối với những loại thuốc nhỏ mắt, thời gian sử dụng sau khi mở nắp sẽ khoảng 4 tuần hay một tháng. Còn đối với nước muối sinh lý chỉ sử dụng trong vòng 14 ngày kể từ ngày mở nắp.

Lý do chúng ta có hạn sử dụng sau khi mở nắp đó là vì những loại thuốc này được bào chế dưới dạng lỏng, đa liều. Khi chúng ta mở nắp ra, thuốc đã tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Các yếu tố bên ngoài của môi trường xâm nhập vào thuốc làm giảm chất lượng của thuốc. Qua mỗi lần đóng mở nắp như vậy, như vậy là thuốc chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian nhất định. Dù còn thuốc hay không còn thuốc ngoài khoảng thời gian này, chúng ta không được sử dụng.

Trước khi sử dụng loại thuốc nào, ta cần xem xét rất là kỹ hướng dẫn và hạn sử dụng trên lọ hay chai của từng loại thuốc để xem thuốc đó có hạn sử dụng hay không. Thứ hai, thuốc có thể sử dụng được trong vòng bao lâu kể từ ngày mở nắp. Một mẹo nhỏ chính là ghi ngày mở nắp lên chai và lọ thuốc chúng ta đang dùng để việc theo dõi hạn dùng thuốc trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn.

Khi thuốc dạng nước, dạng lỏng đã mở nắp, các yếu tố bên ngoài của môi trường xâm nhập vào thuốc làm giảm chất lượng của thuốc. Do đó, cần lưu ý hạn sử dụng của thuốc sau khi mở nắp.

III. Hạn sử dụng sau khi mở nắp của tuýp thuốc là bao lâu?

3. Với các tuýp thuốc thì chúng ta có cần quan tâm tới việc sử dụng trong bao lâu sau khi mở nắp?

DS Trần Hoàng Tiên:

Cũng giống như câu hỏi vừa rồi, chúng ta cũng cần phải phân biệt rõ hạn sử dụng sau khi mở nắp và hạn dùng của nhà sản xuất. Hạn dùng của thuốc sau khi mở nắp thường sẽ nhỏ hơn so với hạn dùng thực tế được in trên bao bì. Sau khi mở nắp, chúng ta cần phải sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và sử dụng thuốc đúng theo thời gian được khuyến cáo của tờ giấy chỉ dẫn thuốc.

Nếu không có hướng dẫn cụ thể, chúng ta có thể bảo quản và sử dụng thuốc theo những khuyến cáo chung sau đây: Đối với các thuốc có dạng siro kháng sinh, chúng ta có thể sử dụng trong vòng một tuần nếu như bảo quản  ở nhiệt độ thường và nhiệt độ phòng. Còn nếu như ta bảo quản ngăn mát trong tủ lạnh từ hai đến 8 độ C, thời gian sử dụng có thể lên đến 14 ngày.

Đối với các siro hỗn dịch không chứa kháng sinh, thì thời gian sử dụng có thể lên đến một tháng sau khi mở nắp. Sau khi sử dụng siro, ta cần phải đậy nắp thật chặt để hạn chế sự tiếp xúc với vi khuẩn và bụi bẫm. Sau khi mở nắp, siro và hỗn dịch có thể tiếp xúc với không khí, làm thay đổi tính chất của siro và trở nên mất tác dụng.

Đối với bút tiêm insulin, ta cần để trong ngăn mát tủ lạnh từ hai đến tám độ C và tuyệt đối, ta không được để trong ngăn đá. Bởi vì nhiệt độ thấp sẽ làm cho insulin bị hỏng, biến tính thậm chí mất tác dụng. Sau khi mở nắp, chúng ta bảo quản insulin ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C. Thời gian sử dụng khuyến cáo là trong vòng 4 tuần và chúng ta cần phải vặn chặt nắp khi sử dụng để insulin không tiếp xúc với bụi bẩn bên ngoài, tránh ánh sáng.

Đối với những loại thuốc sử dụng ngoài da thông thường như oxy già hoặc các dung dịch sát khuẩn như Povidine, thời gian sử dụng là 2 tháng sau khi mở nắp. Đối với các loại thuốc bôi bên ngoài như thuốc mỡ hay là kem trong lọ hũ thì thời gian được khuyến cáo sử dụng là trong vòng 3 tháng. Khi thuốc được đóng trong dạng tuýp, thời gian sử dụng được khuyến cáo là trong vòng 6 tháng bởi vì diện tích tiếp xúc của thuốc với môi trường bên ngoài nhỏ hơn.

Thuốc sau khi mở nắp vẫn còn tiếp xúc với không khí, dễ bị thay đổi cấu trúc, thậm chí có thể bị oxy hóa và trở nên mất tác dụng. Cho nên trong quá trình sử dụng, chúng ta phải quan sát tính chất của thuốc, coi thử thuốc đã thay đổi về màu sắc, về mùi hoặc thuốc bị nhiễm bẩn hoặc thuốc bị vẩn đục hoặc là tách lớp, chúng ta cần ngừng sử dụng thuốc mặc dù thuốc chưa đến hạn dùng đã được khuyến cáo.

alobacsi bảo quản thuốc trong tủ lạnhQuan niệm thuốc thuốc được bảo quản lạnh thì hạn sử dụng sẽ lâu hơn, thậm chí, thuốc quá hạn có thể được sử dụng lâu hơn là không chính xác.

IV. Những loại thuốc nào cần bảo quản lạnh?

4. Những thuốc nào cần bảo quản lạnh? Có người cho rằng các thuốc dù chỉ hướng dẫn để ở nhiệt độ phòng nhưng nếu để lạnh thì hạn dùng sẽ lâu hơn dù quá hạn. Dược sĩ cho biết điều này có đúng không?

Dược sĩ Nguyễn Thị Hiền:

Một số thuốc cần được bảo quản lạnh chẳng hạn như thuốc tiêm Insulin trong điều trị đái tháo đường, một số dạng thuốc đặt âm đạo, thuốc đặt hậu môn là những loại thuốc cần được đảm bảo độ lạnh. Quan niệm thuốc thuốc được bảo quản lạnh thì hạn sử dụng sẽ lâu hơn, thậm chí, thuốc quá hạn có thể được sử dụng lâu hơn là không chính xác.

Bởi vì trong quá trình bào chế một loại thuốc, nhà sản xuất đã phải tính toán rất kỹ về các thông số liên quan đến tuổi thọ của thuốc để đảm bảo khoảng thời gian đó, thuốc vẫn giữ nguyên vẹn được các tiêu chí chất lượng về mặt hiệu quả điều trị cũng như là độ an toàn của thuốc.

Ngoài khoảng thời gian này, các tiêu chí về chất lượng và độ an toàn hiệu quả của thuốc không còn được đảm bảo dù được đảm bảo ở nhiệt độ phòng hay nhiệt độ lạnh thì chúng ta không nên sử dụng. Đôi khi ta uống thuốc vào, thuốc cũng không hiệu quả mà còn gây độc tính cho cơ thể.

Một số loại thuốc sau khi hết hạn sử dụng, chúng ta có thể dễ nhận biết. Ví dụ như đối với viên nén, viên nang: dễ bị biến đổi về màu sắc hoặc bị mềm hay vỡ vụn. Đối với thuốc dạng lỏng sẽ bị tách lớp hay bị đóng cặn.

Tuy nhiên, có một số thuốc sau khi hết hạn sử dụng vẫn không có sự đáng kể về bề mặt cảm quan bên ngoài. Điều này khiến cho người bệnh khó nhận biết hoặc là đôi khi người bệnh biết là thuốc đã hết hạn sử dụng nhưng vì nghĩ là còn dùng được hoặc là vì họ thấy tiếc, nên họ vẫn tiếp tục sử dụng. Điều này thực sự nguy hiểm bởi vì thuốc khi đã hết hạn sử dụng, các thành phần trong thuốc có thể bị biến đổi và thuốc sẽ không còn hiệu quả, những thành phần đó sẽ biến thành độc tính gây hại cho cơ thể.

Cho nên chúng ta không được sử dụng thuốc đã quá hạn sử dụng và người bệnh cần phải tạo cho mình thói quen theo dõi hạn sử dụng của thuốc và bảo quản thuốc đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

V. Thuốc nào sử dụng trước ăn, thuốc nào sử dụng sau ăn?

5. Nhờ dược sĩ liệt kê các thuốc thường dùng trước bữa ăn sáng, sau khi ăn sáng, trước bữa ăn tối, trước khi đi ngủ?

DS Trần Hoàng Tiên:

Đối với men vi sinh và men tiêu hóa thì chúng ta nên uống cùng với bữa ăn hoặc sau khi ăn và đặc biệt khi người bệnh đang điều trị với kháng sinh thì chúng ta cần uống men vi sinh cần xen kẽ với các cữ điều trị kháng sinh.

Đối với người đang điều trị loãng xương đối với thuốc Biphosphonate thì thời điểm uống hợp lý nhất là trước bữa ăn và thời điểm lý tưởng là hai giờ trước khi chúng ta ăn hoặc uống các thứ nước không phải là nước lọc hoặc là dùng các thuốc khác. Bởi vì thức ăn, canxi và pH dạ dày có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ của Biphosphonate. Các Biphosphonate cần phải được uống khi dạ dày rỗng và đặc biệt sau khi uống người bệnh không được đi nằm trong vòng 60 phút vì thuốc có thể làm loét thực quản.

Xin chân thành cảm ơn các dược sĩ đã trả lời phỏng vấn của AloBacsi!

Thực hiện: Trọng Dy - Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X