Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc giảm đau cho người ung thư, dùng thế nào?

Thuốc giảm đau có nhiều loại và việc sử dụng phải theo chỉ định của thầy thuốc để tránh “lợi bất cập hại”.

Hiện nay, có khá nhiều người nhà bệnh nhân ung thư thường tìm mua thuốc giảm đau. Đối với bệnh nhân ung thư mà bệnh đã trở nên trầm trọng, việc dùng thuốc giảm đau là rất cần thiết để giảm những cơn đau mạnh và liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, thuốc giảm đau có nhiều loại và việc sử dụng phải theo chỉ định của thầy thuốc để tránh “lợi bất cập hại”.
 
Người bị ung thư giai đoạn cuối cảm nhận được quy luật đau của mình và thường chờ đợi cơn đau với nỗi ám ảnh sợ hãi. Tâm lý đó thường làm trầm trọng hơn các cơn đau khiến cho việc dùng thuốc giảm đau thường rơi vào thế bị động. Một số thuốc giảm đau thông dụng là các thuốc như aspirin, paracetamol, ibuprofen, meloxicam, indomethacin... thường được nhiều gia đình dự trữ trong nhà. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân ung thư, các thuốc giảm đau này thường có tác dụng rất ít bởi đau do ung thư là một dạng đau nặng, rất trầm trọng, phải dùng đến nhóm thuốc giảm đau trung ương.

Các thuốc giảm đau trung ương có tác dụng giảm đau mạnh do ức chế trung tâm đau ở não và ngăn cản đường dẫn truyền cảm giác đau từ tủy sống lên não. Do tác dụng giảm đau thường kèm theo tác dụng gây ngủ nên còn gọi là nhóm thuốc giảm đau gây ngủ. Đây cũng là nhóm thuốc gây nghiện được quản lý rất chặt chẽ theo quy chế riêng để tránh bị lạm dụng vào các mục đích khác không trong phạm vi điều trị bệnh. Trong nhóm thuốc này lại chia ra làm 2 loại theo mức độ giảm đau:
 
 Thuốc giảm đau trung ương ức chế trung tâm đau ở não

Loại giảm đau mạnh: morphin, pethidin (dolargan, dolosan..), methadon, fentanyl...

Loại giảm đau trung bình: codein, tramadol, propoxyphen...

Trong các chất kể trên, morphin là chất chuẩn để so sánh với các thuốc giảm đau khác. Morphin là thuốc giảm đau mạnh do làm tăng ngưỡng nhận cảm giác đau, thuốc còn làm giảm các đáp ứng phản xa với đau. Tác dụng giảm đau của morphin là do thuốc ức chế tất cả các điểm chốt trên đường dẫn truyền cảm giác đau của hệ thần kinh trung ương như tủy sống, hành tủy, đồi thị và vỏ não. Như vậy, vị trí tác dụng của morphin chủ yếu nằm trong hệ thần kinh trung ương.
 
Khi dùng morphin, các trung tâm ở vỏ não vẫn hoạt động bình thường, nhưng cảm giác đau đã mất, chứng tỏ tác dụng giảm đau của morphin là chọn lọc. Khác với thuốc ngủ, khi tất cả các trung tâm ở vỏ não bị ức chế, bệnh nhân mới hết đau. Tác dụng giảm đau của morphin được tăng cường khi dùng cùng thuốc an thần kinh. Morphin làm tăng tác dụng của thuốc tê. Các tác dụng không mong muốn (ADR) của các chất giảm đau trung ương là gây táo bón, buồn nôn và nôn. Những phản ứng này có thể gặp khi sử dụng không phụ thuộc vào liều dùng. Nếu dùng liều cao, kéo dài cần chú ý đến tác dụng ức chế hô hấp và gây lệ thuộc thuốc.
 
Morphin được dùng trong những cơn đau dữ dội cấp tính hoặc đau không đáp ứng với các thuốc giảm đau khác như đau sau chấn thương, đau sau phẫu thuật, đau ở thời kỳ cuối của bệnh, đau do ung thư... Để giảm đau ở những bệnh không chữa khỏi được (như ung thư giai đoạn cuối), có thể dùng morphin quá 7 ngày.
 
Do thuốc được quản lý rất chặt chẽ theo quy chế thuốc gây nghiện và hướng tâm thần nên đối với bệnh nhân ung thư nếu không điều trị tại bệnh viện, người nhà nên liên hệ với các bệnh viện để được điều trị theo chế độ ngoại trú. Việc quản lý loại thuốc này cần hết sức chặt chẽ để tránh thất thoát thuốc ra ngoài, bị lạm dụng sai mục đích. 
     
Lựa chọn thuốc phù hợp tình trạng đau của người bệnh

Các thuốc giảm đau trung ương nói chung đều có 2 dạng bào chế để tiêm và uống. Cũng có một số thuốc tác dụng kéo dài, dạng dán trên da như fentanyl. Khi sử dụng thuốc giảm đau trung ương cho người bị ung thư cần căn cứ vào tình trạng đau của người bệnh để chọn thuốc thích hợp. Đa số các trường hợp đau nặng phải dùng thuốc ở dạng tiêm. Cần chú ý dùng thuốc theo liều hợp lý, đưa thuốc vào cơ thể vào thời điểm đã định để duy trì nồng độ thuốc trong máu ổn định. Tránh trường hợp bệnh nhân quá đau đớn mới cho dùng thuốc sẽ dẫn đến càng ngày càng phải tăng liều.

AloBacsi.vn
Theo Sức Khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X