Thuốc giả sản xuất từ nhà bếp
Thuốc dỏm, thuốc giả ngày càng tinh vi. Tại Việt Nam, tỉ lệ thuốc giả phát hiện từ năm 2001 đến nay liên tục tăng.
Mới đây, tại huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã xảy ra vụ hàng loạt người từ 6 - 51 tuổi bị thủng ruột do uống thuốc mua từ chợ. Kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy loại thuốc mà số người này sử dụng là không rõ nguồn gốc.
Sản xuất từ nhà bếp
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cũng vừa bắt được Huỳnh Ngọc Quang sau hơn một năm lẩn trốn. Quang là một “trùm” đường dây làm thuốc giả lớn nhất Việt Nam, gồm 15 đối tượng. Chỉ với vài dụng cụ thô sơ từ nhà bếp, nhóm của Quang đã sản xuất hàng loạt loại thuốc chữa bệnh giả, nhái… thuốc tim mạch, huyết áp, thuốc bổ, kháng sinh của những hãng dược phẩm lớn của nước ngoài như Novartis, Roche (Thụy Sĩ), Gedeon Richter (Hungary), Janssen Cilag (Mỹ), Solvay (Hà Lan)… Ngay trong thời gian Quang bị truy nã, đường dây này vẫn tiếp tục sản xuất, buôn bán tân dược giả.
Từ đầu tháng 4 đến nay, hầu như ngày nào Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng phát lệnh khẩn cấp trên phạm vi cả nước về việc thu hồi, đình chỉ lưu hành, rút số đăng ký của thuốc dỏm, thuốc kém chất lượng… Trong đó có đủ từ tân dược đến đông dược, viên nén lẫn hoàn cứng, từ nhóm kháng sinh hay vitamin thông thường đến các biệt dược đắt tiền…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu. Thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới với doanh thu 45 tỉ euro/năm. Trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả.
Bộ Y tế cho biết trong năm 2010 đã thu hồi trên 100 loại thuốc không đạt chất lượng. Tại TPHCM, Thanh tra Sở Y tế cũng đã phát hiện hơn 700 cơ sở sản xuất kinh doanh dược vi phạm và đã đình chỉ hoạt động 105 cơ sở. Các vi phạm điển hình gồm: kinh doanh thuốc quá hạn, thuốc phi mậu dịch, thuốc không có đủ nội dung thông tin theo quy định; không thực hiện ủy quyền theo quy định khi người quản lý hoạt động chuyên môn của cơ sở vắng mặt, không có hồ sơ kỹ thuật và sổ sách ghi chép xuất, nhập thuốc theo quy định; không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc…
Giả nhiều nhất: Kháng sinh
Bộ Y tế cho biết từ năm 2001 đến nay, tỉ lệ thuốc giả phát hiện tại Việt Nam liên tục tăng (từ 0,03% lên 0,17%). Bị làm giả nhiều nhất là nhóm kháng sinh thông thường vì có sức tiêu thụ lớn trên thị trường. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, đối với thuốc giả, thuốc dỏm, mặc dù có những thành phần như thuốc thật nhưng hàm lượng thấp hoặc cao hơn, nếu sử dụng sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe do lờn thuốc hoặc phát sinh các bệnh tật khác.
Trước đây, thuốc giả thường lưu hành ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhưng gần đây đã đi vào cả bệnh viện thông qua đấu thầu và được bác sĩ kê toa cho người bệnh. Công nghệ làm thuốc giả ngày càng tinh vi, người rành chuyên môn cũng rất khó phát hiện.
Tăng cường thanh tra chuyên ngành
Theo ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, sắp tới, sở sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, trong đó có lĩnh vực dược - mỹ phẩm, mỗi đợt kéo dài 60 ngày.
Theo Nguyễn Thạnh - Người Lao động
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình