Hotline 24/7
08983-08983

Thực phẩm, nước uống nào lành mạnh đối với người bệnh ung thư?

Yến sào và nhân sâm làm tăng khối u, chỉ ăn rau hữu cơ dù giá thành đắt đỏ, thực phẩm biến đổi gen có hại cho bệnh ung thư … là những quan điểm phổ biến trong cộng đồng. Những quan điểm này đúng hay sai? Câu trả lời được ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân - Khoa Dinh dưỡng & Tiết chế, Bệnh viện Bình Dân giải đáp.

1. Yến sào và nhân sâm không làm tăng kích thước khối u

Có phải người bệnh ung thư ăn yến sào, nhân sâm bồi bổ sẽ khiến khối u to hơn?

ThS.BS Phạm Trần Thiện Nhân trả lời: Tại Bệnh viện Bình Dân gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư sử dụng yến sào và nhân sâm để bồi bổ cơ thể. Vấn đề này vướng cả hai luồng ý kiến trái chiều.

Một bên là quan điểm không nên sử dụng vì sẽ làm tăng khối u. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học hiện nay, không có chứng minh nào cho rằng yến sào có thể gây tăng kích thước khối u mà cơ chế bảo vệ tế bào. Thậm chí, các nghiên cứu cho thấy, nhân sâm, đặc biệt là sâm đỏ có tiềm năng là một loại thực phẩm tự nhiên giúp hạn chế sự phát triển của khối u.

Đồng thời, yến sào là loại thực phẩm có giá trị cao và có khả năng chống viêm. Vì vậy, về lợi ích sức khỏe cho bệnh nhân ung thư thì yến sào và nhân sâm đã được được minh an toàn.

- Bệnh nhân không kiêng khem mà bổ sung quá mức yến sào và nhân sâm, liệu có nên, thưa BS?

ThS.BS Phạm Trần Thiện Nhân trả lời: Thông thường, những bệnh nhân ung thư đang trong giai đoạn nằm viện điều trị, khẩu phần ăn khi thay đổi môi trường sống đã rất ít, với một khẩu phần ăn hạn chế của bệnh nhân trong giai đoạn này, yến sào và nhân sâm cho dù bổ cũng không thể thay thế các thành phần tinh bột, đạm, vitamin, chất béo có trong khẩu phần ăn.

Vì vậy, cần có cơ cấu khẩu phần cân đối, chỉ nên sử dụng yến sào và nhân sâm như một loại thực phẩm bổ sung thêm, không thể dùng yến sào và nhân sâm để thay thế các bữa ăn thông thường.

Đặc biệt, khi nhập viện, ở những bệnh nhân có khả năng ăn uống kém, cần ưu tiên sử dụng các chế phẩm bổ sung qua đường miệng như sữa bệnh lý để cố gắng tận dụng tối đa khẩu phần ăn ít, làm sao để ăn ít nhưng phải đạt được giá trị dinh dưỡng cao nhất. Trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên ưu tiên sử dụng các thực phẩm bổ sung nhiều hơn là nhân sâm và yến sào.

Bên cạnh đó, với những người có mức đường huyết không ổn định, cần lưu ý khi lựa chọn sản phẩm yến sào và nhân sâm, phải là sản phẩm chế biến từ đường ăn kiêng, với một lượng đường thấp trong chế phẩm này để đạt được sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân ung thư.

2. Bệnh nhân ung thư có thể sử dụng rau hữu cơ hoặc rau đạt chuẩn VietGAP

Người bệnh ung thư chỉ nên ăn rau hữu cơ, dù đắt tiền cũng ráng mua, có đúng không?

ThS.BS Phạm Trần Thiện Nhân trả lời: Đây là quan điểm không hoàn toàn chính xác, bởi vì, theo các bằng chứng khoa học, chưa có bằng chứng nào chứng minh được khi bệnh nhân ung thư sử dụng thực phẩm hữu cơ cho lợi ích cao hơn việc sử dụng các loại rau trồng theo phương pháp thông thường. Tuy nhiên, các loại rau củ thông thường được các nghiên cứu đề cập phải đảm bảo quy trình và tiêu chuẩn khắt khe.

Ví dụ, tại Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phải đạt chuẩn VietGAP, còn khi ra toàn cầu phải đạt chuẩn GlobalGAP. Thực phẩm hữu cơ sẽ có lợi ích riêng vì phải đạt được tiêu chí 4 không: không chất bảo quản, không phải thực phẩm biến đổi gen, không thuốc trừ sâu…

Nếu bệnh nhân có điều kiện kinh tế dư giả, có thể ưu tiên sử dụng thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, nếu điều kiện kinh tế hạn chế, bệnh nhân vẫn có thể sử dụng các loại rau rõ nguồn gốc xuất xứ và đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Việt Nam.

3. Thực phẩm biến đổi gen không gây nguy cơ sức khỏe cao hơn thực phẩm thông thường

Có phải người bệnh ung thư ăn thực phẩm biến đổi gen (GMO) sẽ rất nguy hiểm: làm tăng nguy cơ tái phát và di căn?

ThS.BS Phạm Trần Thiện Nhân trả lời: Đây là vấn đề được bệnh nhân ung thư tại Việt Nam và trên thế giới quan tâm.

Hiện nay, đã có một số quan điểm chắc chắn, và FDA đã công nhận thực phẩm biến đổi gen hiện tại không gây nguy cơ về sức khỏe cao hơn các loại thực phẩm truyền thống thông thường. Bên cạnh đó, các hiệp hội ung thư nổi tiếng như Hiệp hội Ung thư của Mỹ cho rằng, không nên hạn chế tối đa những loại thực phẩm biến đổi gen.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn lo lắng và hạn chế để phòng ngừa, vì họ cho rằng, nếu sử dụng trong thời gian dài, tích lũy lâu vẫn có thể gây ra ung thư. Đây có thể là quan điểm cá nhân của mỗi người.

4. Sử dụng thực phẩm kiềm hoá có thể gây biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong

Người bệnh ung thư nên uống nước kiềm để ngăn khối u phát triển, điều này có đúng?

ThS.BS Phạm Trần Thiện Nhân trả lời: Đây là quan điểm phổ biến, nguồn gốc từ quan điểm này đã từ khá lâu.

Có một nghiên cứu cho thấy, các tế bào ung thư nếu ở trong môi trường axit sẽ bị hạn chế phát triển. Từ nghiên cứu đó, nhiều ý tưởng được phát triển rằng, có thể tạo một môi trường kiềm trong máu để tế bào ung thư ngưng phát triển.

Sau đó, các tổ chức, cá nhân bắt đầu tạo ra các sản phẩm, các chế độ ăn kiềm hoá, nước kiềm để cố gắng tạo ra môi trường kìm hãm sự phát triển của ung thư.

Tuy nhiên, đây là quan điểm hoàn toàn không có cơ sở khoa học và không có lợi, ngược lại còn gây hại, bởi vì, độ pH, môi trường axit và bazơ trong cơ thể, trong máu, luôn phải được giữ cân bằng, con số hằng định là 7.35-7.45, cơ thể luôn có hệ đệm để kéo sự cân bằng này lại.

Đặc biệt là cơ thể bình thường sẽ không thể thay đổi được độ pH, axit trong máu, chỉ với các loại thực phẩm thông thường. Nghĩa là, con người có uống nước kiềm hoặc ăn các thực phẩm kiềm hoá, cơ thể sẽ tự kéo lại ở một mức độ hằng định là 7.35-7.45.

Tuy nhiên, nếu cơ thể kiểm hoá được theo đúng nguyên tắc sẽ giúp kiềm chế tế bào ung thư không thể phát triển. Theo đó, xét về mặt lợi, sẽ kiềm chế được ung thư nhưng trên lâm sàng có thể gây ra các biến chứng nặng nề và có thể dẫn tới tử vong.

Vì vậy, việc sử dụng các loại thực phẩm kiểm hóa không được khuyến cáo hiện tại.

5. Nước tinh khiết đạt hiệu quả thanh lọc lớn nhất

Người bệnh ung thư có nên uống các loại “nước mát” như nước mía lau, bí đao, atiso thay cho nước lọc… để thanh lọc cơ thể?

ThS.BS Phạm Trần Thiện Nhân trả lời: Cần làm rõ khái niệm “thanh lọc” là gì, bởi vì, đây là từ không rõ ràng về mặt cơ chế, thường được sử dụng để đưa ra những lời khuyên và quan điểm về mặt ăn uống mang tính thương mại.

Nếu hiểu “thanh lọc” theo nghĩa đẩy hết các sản phẩm chuyển hoá có hại từ trong cơ thể ra ngoài, việc logic nhất là bệnh nhân chỉ nên sử dụng nước tinh khiết. Bởi vì, nước tinh khiết không sử dụng thêm các chất khác, làm tăng gánh cho quá trình chuyển hoá của cơ thể. Nước tinh khiết sẽ tạo ra dung môi tại môi trường trong cơ thể giúp pha loãng và trung hoà các chất đó, đưa những chất có hại ra ngoài cơ thể. Còn lại, các chất khác sẽ được đưa vào cơ thể để thanh lọc tốt hơn nước tinh khiết. Tuy nhiên, nếu chỉ xét về việc “thanh lọc”, nước tinh khiết đã đạt hiệu quả lớn nhất.

Lưu ý, các loại nước nước mát từ thảo dược nêu trên có tác dụng lợi tiểu, vì vậy sẽ làm người sử dụng có cảm giác tiểu nhiều hơn và về khía cạnh tinh thần sẽ thấy cơ thể được thanh lọc, sảng khoái hơn.

Trong các khuyến cáo, các loại nước như bí đao, trà, atiso, cà phê… đều được xếp vào nhóm nước giải khát, bác sĩ thường gọi là “nước vui vẻ”. Các loại nước này không cần hạn chế nghiêm ngặt, bên cạnh 2-3 lít nước tinh khiết mỗi ngày, bệnh nhân có thể sử dụng “nước vui vẻ” giới hạn 200ml mỗi lần.

>>> Phần 1: Người bệnh ung thư kiêng đường, kiêng thịt đỏ, từ bỏ sữa động vật liệu có đúng?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X