Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh ung thư kiêng đường, kiêng thịt đỏ, từ bỏ sữa động vật liệu có đúng?

Trên các diễn đàn của AloBacsi luôn nhận được nhiều câu hỏi về các loại thực phẩm nên và không nên ăn đối với bệnh nhân ung thư. ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân - Khoa Dinh dưỡng & Tiết chế, Bệnh viện Bình Dân sẽ giải đáp về vấn đề này.

1. Bỏ đói tế bào ung thư làm suy giảm khối cơ, suy nhược cơ thể, dễ nhiễm trùng

Người bệnh ung thư nên ăn uống đơn giản, phải kiêng thịt đỏ, đường, sữa để bỏ đói khối u? Điều này đúng không?

ThS.BS Phạm Trần Thiện Nhân trả lời: Đây là quan điểm được xuất phát từ lâu và hiện nay rất phổ biến ở các bệnh nhân ung thư, kể cả những bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Bình Dân. Để lý giải quan niệm này, cần phải tìm hiểu quan điểm được xuất phát từ đâu.

Đầu tiên, đây là quan điểm được xuất phát từ nghiên cứu của một tiến sĩ người nước ngoài vào  đầu những năm thế kỷ XX, trong nghiên cứu này, tiến sĩ đã phát hiện đáp ứng sinh lý về mặt chuyển hoá của các tế bào ung thư sẽ rất khác khi chuyển hoá glucose so với các tế bào bình thường. Qua xét nghiệm, tiến sĩ đã đề xuất nên hạn chế glucose để bỏ đói các tế bào ung thư, làm hạn chế các tế bào ung thư phát triển.

Để tiếp nối ý tưởng này, những năm của thời kỳ tiếp theo, các nhà khoa học bắt đầu tiến hành nghiên cứu các loại chế độ ăn khác nhau cùng với nguyên tắc bỏ đói các tế bào ung thư này. Các nhà khoa học đã có chế độ ăn cắt giảm lượng tinh bột tiêu thụ, cắt giảm năng lượng và các chế độ nhịn ăn gián đoạn.

Những bước tiến ban đầu cho thấy, việc này có tiềm năng làm hạn chế sự phát triển ban đầu của khối u, giảm tỷ lệ di căn của khối u. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ được giải thích rằng, tế bào khối u là một tế bào không hoàn chỉnh, nên khi thay đổi chuyển hoá và thay đổi cơ cấu khẩu phần, các tế bào khối u không thể phát triển, do đó, sẽ phát triển chậm hơn và hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư.

Nhưng khi áp dụng thực tế trên người, cần khẳng định lại, chưa có một nghiên cứu lâm sàng nào thực hiện trên người cho thấy có hiệu quả thật sự.

Bên cạnh đó, khi áp dụng trên người, có một hạn chế rất lớn, theo quan điểm của bác sĩ là “lợi bất cập hại”, bởi vì, rất khó trong việc thiết kế được một chế độ ăn phù hợp, với một người đang có tình trạng ung thư diễn tiến ở các giai đoạn đang bị suy kiệt.

Nếu kiêng khem quá mức theo triết lý bỏ đói khối u, người bệnh tự kiêng khem sẽ làm sai và dẫn tới những biến chứng thường gặp như suy giảm khối cơ, suy nhược cơ thể. Đây là tình trạng rất khó hồi phục sau này và dẫn tới tiên lượng xấu ở bệnh nhân ung thư.

Đặc biệt, những bệnh nhân ung thư sẽ có hiệu ứng chán ăn, bệnh nhân đang bị suy nhược, nếu kiêng khem, tình trạng suy nhược sẽ nặng thêm.

Tại Bệnh viện Bình Dân, có phương pháp điều trị phẫu thuật, nếu sau phẫu thuật không cung cấp đủ lượng dinh dưỡng sẽ dẫn tới biến chứng như nhiễm trùng, biến chứng nặng hơn là làm tiên lượng của bệnh nhân càng xấu đi. Do đó, việc kiêng khem quá mức hiện tại không phù hợp và không được khuyến cáo, áp dụng trên các bệnh nhân ung thư.

2. Không nên loại bỏ thịt đỏ hoàn toàn khỏi chế độ ăn của bệnh nhân ung thư

Nhiều bệnh nhân ung thư cần kiêng tuyệt đối không nên ăn thịt đỏ, quan điểm của BS như thế nào về ý kiến này?

ThS.BS Phạm Trần Thiện Nhân trả lời: Theo các nghiên cứu đã chứng minh, thịt đỏ góp phần gây nên 2 loại ung thư là ung thư dạ dày và ung thư trực tràng. Bởi vì, trong quá trình chế biến và tiêu thụ thịt đỏ, sẽ tạo ra các hợp chất nitrosamine là yếu tố nguy cơ gây sinh ung, vì trong thịt đỏ chứa các Hidrocacbon thơm và axit amin dị hóa.

Tuy nhiên, khái niệm này không được ứng dụng triệt để và khoa học.

Ở bệnh viện, có nhiều trường hợp bệnh nhân thông tin rằng, dinh dưỡng của họ không có thịt, các bệnh nhân này cho rằng ăn nhiều hoặc một lượng nhỏ thịt có thể làm tăng nặng khối u dạ dày của bệnh nhân, đây là quan niệm sai.

Bởi vì, ngoài việc xuất hiện nitrosamin trong quá trình chế biến, thịt đỏ cũng là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu, vì trong thịt đỏ có chứa axit amin, dễ tiêu hoá, đồng thời, có thêm một số loại vitamin như: vitamin B12, khoáng chất là nguồn cung cấp kẽm cần thiết cho cơ thể.

Vì vậy, người bệnh không nên tiêu cực và hoàn toàn loại bỏ thịt đỏ ra khỏi chế độ ăn, nên tiêu thụ có mức độ và có giới hạn.

Theo các khuyến cáo, không nên tiêu thụ quá 700g thịt đỏ mỗi tuần. Do đó, người bệnh có thể dựa trên con số này để xây dựng chế độ ăn hợp lý hơn.

3. Bệnh nhân ung thư cần hạn chế tối đa tiêu thụ đường đơn giản

Người bệnh ung thư có nên thay đường tinh luyện bằng đường thẻ, đường đỏ, mật ong?

ThS.BS Phạm Trần Thiện Nhân trả lời: Vấn đề này sẽ được phân tích theo hai khía cạnh.

Về giá trị dinh dưỡng, tách ra đường thẻ, đường nâu, đường cát trắng, 3 loại đường này đều là sản phẩm từ quá trình sản xuất đường mía. Giá trị dinh dưỡng của các loại đường này sẽ dựa trên độ tinh chế, tinh chế càng thấp, giá trị dinh dưỡng được giữ lại bởi thành phần mật mía, dinh dưỡng, khoáng chất càng cao. Theo phân loại, các loại đường thẻ được tinh chế thấp nhất, vì vậy, loại đường này giữ lại được nhiều vitamin và chỉ có khoảng 50% trong khối lượng chứa saccarose.

Đứng hàng thứ hai về giá trị dinh dưỡng là đường saccarose và đường nâu chiếm khoảng 90% saccarose trong thành phần. Đường trắng chiếm tới 99% saccarose. Khi so sánh giá trị dinh dưỡng giữa mật ong và đường trắng, kết quả, mật ong vượt trội hơn vì chứa các vi chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, một số loại hormon, các men tiêu hoá.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng về giá trị dinh dưỡng, có thể thay thế đường trắng bằng các loại đường kể trên.

Nhưng nếu gom lại, với một góc nhìn rộng hơn, tất cả các loại đường trên đều là đường đơn giản. Theo cơ chế khoa học đã chứng minh, việc hạn chế đường đơn giản ở mức độ tối đa có thể giúp tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ung thư tốt hơn.

Vì vậy, bệnh nhân cần hạn chế tối đa việc tiêu thụ các loại đường này, nếu cần sử dụng, nên định lượng chính xác dưới 25g (tương ứng với 5 muỗng cà phê) cho tất cả các loại đường trên.

4. Sữa thực vật không thể thay thế giá trị dinh dưỡng của sữa động vật

Người bệnh ung thư nên kiêng sữa bò, chuyển sang sữa hạt sẽ an toàn hơn, điều này liệu có đúng?

ThS.BS Phạm Trần Thiện Nhân trả lời: Đây là thắc mắc thường gặp trong cộng đồng và bệnh viện.

Đầu tiên, khi đề cập chung về sữa, đây là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và được khuyến cáo sử dụng cho các bệnh nhân ung thư. Bởi vì, sữa cung cấp nguồn axit amin thiết yếu, giàu khoáng chất, là loại thực phẩm tốt, và theo khuyến cáo, mỗi ngày nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa (tương đương 300-400ml sữa).

Sữa được định nghĩa là dung dịch tiết ra từ tuyến vú của các loài động vật, cứ 100ml dung dịch sẽ chứa 100mg canxi, phải thỏa được hai điều kiện trên sẽ được gọi là sữa. Do đó, khi xét đến định nghĩa, các loại sữa thực vật hoàn toàn không chứa sữa, nói cách khác, sữa thực vật không phải là sữa.

Trong sữa thực vật vẫn chứa lượng dinh dưỡng tốt, bởi vì, không chứa cholesterol, ít axit béo bão hoà. Tuy nhiên, sữa thực vật không phải là sữa nên không thể thay đổi giá trị dinh dưỡng của sữa bò nói riêng và sữa động vật nói chung trong khẩu phần ăn của bệnh nhân ung thư.

5. Hạn chế thực phẩm lên men để bảo vệ sức khoẻ bệnh nhân ung thư

Có phải người bệnh ung thư ăn thực phẩm muối chua, tương, chao sẽ sinh viêm?

ThS.BS Phạm Trần Thiện Nhân trả lời: Về cơ chế khoa học, vấn đề sử dụng thực phẩm lên men như muối chua, tương chao… có sinh viêm hay không vẫn gây tranh cãi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo chung, bệnh nhân ung thư nên hạn chế những loại thực phẩm có chứa lượng muối cao, bởi vì sẽ gây ảnh hưởng tới niêm mạc ruột và ảnh hưởng quá trình hấp thu tới các chất dinh dưỡng khác.

Đồng thời, lượng muối cao sẽ gây ra tình trạng suy thận và tăng huyết áp. Vì vậy, bệnh nhân ung thư nên hạn chế các loại thực phẩm muối chua, tương chao để góp phần cải thiện sức khỏe.

>>> Phần 2: Thực phẩm, nước uống nào lành mạnh đối với người bệnh ung thư?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X