Hotline 24/7
08983-08983

Thực phẩm có tính axit sẽ phá hoại men răng

BS.CK1 Phan Bá Ngọc - Giám đốc Phòng khám Nha khoa Hạnh Phúc cho biết, để bảo vệ răng miệng tốt nhất thì ngoài vệ sinh răng miệng hàng ngày, bạn còn cần chú ý tránh các thực phẩm có tính axit, chứa nhiều đường, tinh bột. Bên cạnh đó, chăm sóc răng miệng đúng cách và kiểm tra định kỳ là điều cần thiết để giữ răng bạn luôn sáng, trắng và khỏe mạnh.

1. Vệ sinh kém là nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng

Xin hỏi BS, có những nguyên nhân nào dẫn đến sâu răng?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Sâu răng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu từ việc vệ sinh răng miệng kém dẫn đến tồn đọng vi khuẩn hay thức ăn, sinh ra axit phá hủy và dẫn đến sâu răng.

Ung thư xạ trị dẫn đến sức đề kháng bị kém có thể dẫn đến sâu răng. Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản dẫn đến trào ngược axit gây mài mòn răng, lâu ngày sẽ tăng nguy cơ sâu răng.

2. Các mức độ sâu răng

Sâu răng được chia thành những mức độ như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Sâu răng dựa vào kết cấu răng. Răng có nhiều lớp, lớp đầu tiên là men răng, tiếp đến là ngà răng và cuối cùng là tủy răng. Với sâu răng, mức độ đầu tiên là chỉ sâu men răng. Mức độ thứ hai là sâu ngà răng. Qua lớp sâu ngà răng sẽ dẫn đến sâu tủy sâu, vào đến viêm tủy.

Tùy vào mức độ và vị trí khác nhau mà có biện pháp điều trị và xử lý khác nhau trong điều trị sâu răng.

Theo BS.CK1 Phan Bá Ngọc, vệ sinh kém là nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng và tùy vào mức độ cũng như vị trí vị trí sâu mà có những biện pháp điều trị và xử lý khác nhau 

3. Điều trị sâu răng tùy theo mức độ

Hiện nay có những phương pháp điều trị sâu răng nào, thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Hiện tại có rất nhiều phương pháp để điều trị sâu răng, tùy theo mức độ. Ví dụ, ở mức độ sâu men, chỉ cần vệ sinh răng miệng hoặc trám răng phòng ngừa.

Trường hợp sâu đến lớp ngà, cần phải lấy sạch lớp sâu, sau đó thay bằng chất trám vào. Sâu răng quá lớp ngà và vào đến vùng tủy, vi khuẩn đã ăn vào tủy răng gây đau nhức thì cần dùng biện pháp lấy tủy răng rồi trám lại hoặc lấy tủy sau đó bọc răng sứ.

Đối với trẻ em, có biện pháp bôi Vecni Fluor để phòng ngừa sâu răng hoặc giữ răng không tiếp tục bị sâu thêm nữa.

4. Hậu quả của việc không điều trị sâu răng

Thưa BS, sâu răng nếu không điều trị sẽ dẫn đến những hậu quả gì?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Sâu răng ở lớp ngoài chỉ gây những triệu chứng đơn giản như ê buốt răng. Nếu không trám hoặc không xử lý sẽ tiếp tục sâu vào trong, dẫn đến tình trạng viêm tủy, đau nhức, phải lấy tủy mới xử lý được.

Nếu vẫn không lấy tủy sẽ dẫn đến viêm tổ chức quanh răng, ví dụ như tạo thành áp xe dưới nướu, áp xe trong xương ổ răng, tạo thành những nang bên dưới, dần dần phá hủy xương hàm và làm cho răng bị rục, yếu đi.

Sâu răng sẽ ăn hết lớp men, lớp ngà, phá hủy toàn bộ dẫn đến mất răng.

5. Những thức ăn có tính axit có thể phá hủy men răng

Những thực phẩm nào dễ dẫn đến sâu răng? Thực phẩm quá ngọt hoặc quá chua có phải nguyên nhân gây sâu răng không, thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Sâu răng là sự kết hợp của vi khuẩn và những thức ăn tạo axit phá hủy men răng, Như vậy, những thức ăn có tính axit có thể phá hủy men răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập để phá hủy lớp bên trong.

Đường từ tinh bột có thể biến đổi thành axit và phá hủy men răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập để phá hủy lớp bên trong.

Bình thường, độ cứng của men răng có thể so sánh được với kim cương nên vi khuẩn không thể xâm nhập được. Nhưng dưới tác động của đường, axit, lớp men răng bị phá hủy. Lúc này vi khuẩn sẽ xâm nhập vào và dẫn đến sâu răng.

Thức ăn chứa axit, đường, tinh bột là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sâu răng.

6. Vệ sinh răng miệng thật kỹ để phòng ngừa sâu răng

Làm thế nào để phòng ngừa tình trạng sâu răng, thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Đầu tiên, chúng ta cần vệ sinh răng miệng. Trong việc ăn uống hằng ngày không thể tránh được những thức ăn chua, đường,..., đặc biệt là trẻ con luôn thích ăn ngọt hay các bạn trẻ uống trà sữa. Vì thế, sau khi ăn uống, phải vệ sinh răng miệng thật kỹ và đúng cách.

Một lần nữa nhắc lại, răng sâu không hề có “con sâu”. Tình trạng này chỉ là sự kết hợp của vi khuẩn và axit, đường dẫn đến phá hủy men răng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X