ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương giải đáp "1001 thắc mắc về nội soi"
Không chỉ là bác sĩ "mát tay" trong điều trị tiêu hóa, ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - BV Nguyễn Tri Phương - còn là một bác sĩ nội soi "rất có nghề".
- Dao Le - daole…@gmail.com
Chào BS,
Em là nam 28 tuổi, nặng 58kg, cao 1m7. Do tính chất công việc nên em phải làm 1 buổi ngày sau đó là 1 buổi đêm, lặp đi lặp lại như vậy. Những lúc làm việc về đêm tới gần sáng em hay bị buồn nôn, mặc dù làm đêm em vẫn ăn uống đầy đủ.
Em đã mổ dạ dày một lần do thủng hành tá tràng. Vậy BS cho em hỏi triệu chứng buồn nôn đó có nguy hiểm không ạ? Em nên làm những gì? Em xin cảm ơn!
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn,
Trường hợp của bạn có thể là 1 trong 2 khả năng xảy ra:
Bệnh viêm loét dạ dày của bạn tái phát lại và lần này có dấu hiệu làm cho đường thông từ dạ dày xuống ruột non hơi bị hẹp lại. Tuy nhiên, khả năng này khá thấp vì bạn ăn uống rất tốt và không bị nôn ói ra những thức ăn cũ của ngày hôm trước.
Công việc của bạn không phù hợp sinh lý vì thay đổi chu kỳ ngày đêm liên tục làm rối loạn nhịp sinh học nên mất điều hòa hoạt động thần kinh điều khiển phối hợp giữa dạ dày và ruột gây nên hiện tượng nôn ói giống bạn.
Bạn nên khám lại với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để được kiểm tra lại xem có bị viêm loét tái phát hay không và có bị nhiễm vi trùng Hp hay không trước khi quyết định điều trị cho bạn.
- Huy Hoàng - nguyenhuyh…@gmail.com
Nội soi, 2 từ đó luôn là nỗi ám ảnh của chúng tôi. Có cách nào tầm soát ung thư dạ dày, đại tràng mà không phải nội soi?
Nội soi như vậy có đi hết được ruột, nghe nói dài cả mấy chục mét, mà sợi dây nội soi dài có 2-3m? Nội soi có thể tầm soát ung thư đường ruột không bác sĩ?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Huy Hoàng thân mến,
Nội soi tuy có khó chịu nhưng không đến mức là nỗi ám ảnh. Thực tế, hơn 20 năm nội soi cho bệnh nhân tôi cảm nhận được những khó chịu mà bệnh nhân đã trải qua.
Vấn đề chính là người bệnh phải tự tin, đừng quá sợ hãi, bác sĩ phải giải thích rõ ràng và y tá phải chuẩn bị bệnh nhân thật kỹ, gây tê cho tốt kèm theo kỹ năng cũng như kinh nghiệm của bác sĩ nội soi thì việc khó chịu của bạn cũng giảm đi ít nhất là 70-80%.
Với kỹ thuật nội soi không đau, tức là cho bạn dùng một ít thuốc gây ngủ nhẹ để bạn bị buồn ngủ giống như ngủ gật trên lớp nên lúc bác sĩ soi thì bạn không bị cảm giác đau đớn hay khó chịu gì hết. Bạn hãy yên tâm.
Hiện tại, nội soi có thể tầm soát được ung thư dạ dày và đoạn đầu ruột non cũng như ung thư ruột già. Còn đoạn ruột non dài khoảng 5-7m thì gần như “ông trời” ít khi gây bệnh ung thư ở đoạn ruột non này.
Cho đến giờ phút này, nội soi vẫn là phương pháp tốt nhất để bác sĩ nhìn tật mặt những hình ảnh từ ruột và dạ dày ngay cả những vùng nghi ngờ mặc dù hiện tại chưa có ung thư. Do đó chưa có phương pháp nào thay thế.
Tôi có thể ví dụ
đơn giản như vầy: Có một cô gái được khen rất là đẹp và dễ thương. Bạn có dám tin
là cô gái đúng như vậy không nếu như chỉ nhìn hình? Gặp mặt thì an tâm hơn, phải không bạn, cũng y như là bác sĩ phải nội soi mới biết tình trạng bên trong hệ tiêu hóa của bạn vậy.
- Bui Hao - batby…@gmail.com
Chào BS,
Em 25 tuổi có vấn đề về đại tràng, khoảng 2 tháng rồi em có đi nội soi toàn bộ đại tràng thì bị viêm trực tràng. Em về được 1 tháng thì đi cầu bị ra máu đỏ thẫm dính ít theo phân kèm nhầy, chỉ 1 khoảng nhỏ không dính hết phân. BS cho em hỏi, em có cần nội soi lại không ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào em,
Trường hợp của em tôi dự đoán em bị viêm trực tràng mãn tính do nhiễm vi trùng lỵ amip, em cần đi khám bác sĩ Tiêu hóa để được xét nghiệm phân, xét nghiệm máu, siêu âm bụng kiểm tra chứ chưa cần nội soi kiểm tra lại trước khi tiếp tục theo dõi điều trị.
- Trần Thị Minh Mỹ - Q.7, TPHCM
Trẻ từ mấy tuổi có thể nội soi, thưa bác sĩ? Cháu nhà tôi học lớp 2, hay kêu đau bụng, tôi muốn cho cháu đi nội soi. Có nguy hiểm gì không ạ? Cháu có cần phải tiêm chất tiền mê? Có ảnh hưởng gì đến trí nhớ, não bộ của trẻ?
Phải chuẩn bị gì khi cho trẻ đi nội soi, xin kính nhờ bác sĩ hướng dẫn?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Minh Mỹ thân mến,
Về lý thuyết bé con của chị trên 5 tuổi là có thể nội soi được vì hiện tại ống nội soi rất bé nhỏ, chỉ khoảng bằng ngón tay trỏ của chị.
Thông thường, với lứa tuổi này thì bé sẽ được nội soi không đau, tức là có tiêm thuốc gây ngủ nhẹ để cho bé ngủ gật không lo sợ và không có cảm giác khó chịu.
“Truyền thuyết” thuốc mê làm mất trí nhớ, ảnh hưởng não bộ là một “truyền thuyết” không chính xác vì ngày nay cùng với sự tiến bộ của y học đã có những loại thuốc gây ngủ pha chế từ hạt đậu nành gần như không ảnh hưởng gì đến việc mất trí nhớ về sau và tác dụng rất ngắn, bé chỉ ngủ chừng 5-10 phút theo đúng nghĩa “ngủ gật”.
Trở lại trường hợp con chị, bé hay đau bụng, chị nên đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để cho làm xét nghiệm phân và máu, siêu âm bụng, nếu cần thiết thì bác sĩ sẽ cho nội soi dạ dày kiểm tra.
Việc chuẩn bị
cho trẻ trước nội soi rất đơn giản, chỉ cần trẻ nhịn ăn uống 8 giờ trước nội
soi là đủ. Ngoài ra, việc thực hiện nội soi cho trẻ nên được thực hiện bởi các
bác sĩ có nhiều kinh nghiệm về nội soi.
- Trần Gia Bảo - 0945831…
Nhờ BS Lưu Phương giúp chỉ dẫn cụ thể bao lâu nên nội soi tầm soát ung thư 1 lần? Ở mức tuổi nào nên bắt đầu đi nội soi kiểm tra phòng ngừa ung thư dạ dày, đại tràng?
Việc nội soi có ảnh hưởng gì đến sức khỏe? Chỉ nên nội soi khi có triệu chứng đau, hay bình thường vẫn nên đi nội soi?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào em Gia Bảo,
Nếu em không có triệu chứng gì về đường tiêu hóa và có một lối sống lành mạnh (không rượu bia, thuốc lá), đồng thời người thân ruột thịt (ông, bà nội ngoại, cha mẹ ruột, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng) của em không có bệnh lý về đường tiêu hóa hay bị nhiễm vi trùng Hp thì sau 50 tuổi mới nên đi nội soi kiểm tra tầm soát ung thư dạ dày và đại tràng. Tùy theo kết quả nội soi của em như thế nào, bác sĩ sẽ có lần hẹn kế tiếp.
Nếu em có 1 trong những điều vừa nêu ở trên thì lứa tuổi nên tầm soát là 40.
Việc nội soi không ảnh hưởng sức khỏe, ngoại trừ việc làm cho em cảm thấy khó chịu. Về lý thuyết thì biến chứng sau nội soi vẫn có như: thủng ruột, thủng dạ dày hay chảy máu trong đường tiêu hóa, tuy nhiên thực tế với bác sĩ nội soi có kinh nghiệm thì những biến chứng này đã giảm đi đáng kể chỉ còn khoảng 1/10.000 - 1/20.000.
- Du Nguyen - nguyendu…@gmail.com
BS ơi cho cháu hỏi, cháu bị dương tính với giun đũa chó mèo toxocara sp mức dương tính là 1/800 là thấp hay cao ạ? Mong được BS hồi âm sớm.
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào em,
Với mức dương tính của em là chắc chắn em đã bị nhiễm giun đũa chó mèo rồi chứ không phải dương tính giả đâu. Do đó, em cần khám bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để xét nghiệm thêm một số chỉ tiêu khác cũng như khám bệnh cụ thể trước khi quyết định điều trị cho em.
- Nam Tran - trannamhuy…@gmail.com
Dạ thưa BS,
Năm nay em 19 tuổi. Bốn ngày trước do bất cẩn em nuốt nhầm 1 cái kim bấm giấy. Đến hôm nay cơ thể em không có gì bất thường. BS cho em hỏi như vậy có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ không ạ? Em lo lắng lắm ạ.
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào em,
Nếu 4 ngày nay mà ngày nào em cũng đi cầu phân bình thường và hoàn toàn không đau bụng gì hết thì 99.9% là kim bấm giấy đó đã được bao lại trong phân và đi ra ngoài.Tuy nhiên, để an toàn thì em nên đi khám bác sĩ để được chụp hình bụng xem kim bấm có còn dấu vết gì trên phim hay không và sau lần may mắn này em phải thật cẩn thận và chú ý hơn nữa nhé!
- Trương Quang - truongquang2…@gmail.com
Vợ chồng em định đi nội soi tầm soát các bệnh đường ruột nhưng bạn bè ngăn vì nói nội soi nhiều sẽ làm giãn đường ruột. Chỉ nên nội soi khi có bệnh nặng. Thưa bác sĩ, thực hư chuyện này như thế nào?
Xin bác sĩ cho lời giải đáp: thực chất nội soi có ảnh hưởng xấu gì đến cơ thể không? Chân thành cảm ơn bác.
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Quang thân mến,
Nội soi không làm giãn đường ruột, bạn hãy yên tâm về điều này nhé.
Về các vấn đề khác, mời bạn tham khảo thêm câu hỏi của bạn Huy Hoàng và bạn Trần Gia Bảo tôi đã trả lời ở trên.
- Hồ Phương - Khánh Hòa
Dạ chào BS,
Trước đây em có bệnh viêm hang vị dạ dày, sung huyết. Trong thời gian uống thuốc em thấy giảm, mới đây em hay sốt từng cơn, nóng rát trong ruột, liệu em bị làm sao thưa BS? Em cảm ơn ạ.
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào em Hồ Phương,
Bệnh viêm dạ dày của em tôi không rõ là có vi trùng Hp hay không. Em cần ngưng thuốc trong 2 tuần kể cả các thuốc cảm, ho, sổ mũi thông thường trước khi đi nội soi kiểm tra xem có nhiễn vi trùng Hp hay không.
Quay lại trường hợp của em cho dù không có nhiễm vi trùng Hp thì bản thân bệnh viêm dạ dày cũng dễ tái phát lại khi em ăn uống không điều độ, ngủ nghỉ không hợp lý hoặc uống nhiều rượu bia, cà phê, thuốc lá.
Trong trường hợp của em, tôi dự đoán em bị chứng trào ngược dạ dày gây bỏng thực quản nhiều hơn là viêm dạ dày thông thường. Em nên khám với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa và cần kiên trì điều trị lâu dài.
- Nguyen Minh Chau - ngmchau…@gmail.com
BS Lưu Phương cho em hỏi,
Bệnh viêm trực tràng mãn tính thời gian uống thuốc khoảng bao lâu? Em uống thuốc 2 tháng nay ở BV Bình Dân chưa thấy hiệu quả lắm.
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Minh Châu thân mến,
Viêm trực tràng mãn tính do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng hoặc bị viêm tự nhiên (tự miễn), thông thường việc điều trị này cần tấn công liều cao trong 2-3 tháng đầu và duy trì 1-2 năm để tránh tái phát, đồng thời phải ăn kiêng các thức ăn chiên xào, thức ăn sống và rượu bia.
- Phến Huỳnh - huynhphent…@gmail.com
Kính chào BS Lưu Phương,
Vì sao người ta nói khối u nếu có ở người già sẽ phát triển chậm hơn người trẻ vậy bác sĩ ạ? Mẹ tôi từng bị phát hiện polyp đại tràng, cắt xong lại có. Lần nội soi sau cùng cách nay 1 năm, vậy hàng năm có phải đưa mẹ tôi đi nội soi kiểm tra?
Bác sĩ chỉ định 3 năm/ lần, nhưng gia đình nghĩ 3 năm nếu có polyp sợ biến chứng thành ung thư thì sao? Mong BS Lưu Phương cho lời khuyên, bao lâu nên đưa mẹ tôi đi nội soi tầm soát?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào em,
Khối u ở người già thường là do quá trình lão hóa nên các tế bào già hóa, sinh sản bị lệch lạc, bất thường tạo nên khối u. Trong khi ở người trẻ khối u thường là do những bất thường do mặt di truyền sẵn có nên thông thường ung thư ở người trẻ có độ ác tính cao hơn người già.
Với trường hợp polyp ruột già như trường hợp mẹ của em thì sau khi cắt nếu polyp nhỏ dưới 1cm và chỉ có 1-2 polyp thì chúng tôi sẽ chỉ định kiểm tra trong vòng 3 năm đầu sau khi cắt. Nếu người nhà quá lo lắng thì chúng tôi sẽ nội soi kiểm tra trong vòng 1 năm sau cắt.
Em yên tâm, những mốc này được đặt ra là đã qua nghiên cứu thống kê cho thấy, đây là những mốc mà polyp dễ tái phát lại chứ nếu tái phát lại thì cũng không kịp phát triển thành ung thư giai đoạn cuối.
- Nguyễn Thắng - nguyenthang…@gmail.com
Xin chào BS,
Em nay 30 tuổi. Cách đây 2 tháng em thường hay bị buồn nôn khi ăn và như có vật gì đó mắc ở dưới họng, ăn vào là buồn nôn.
Gần đây em bị nặng hơn, ngửi thấy mùi khói dầu ăn là cũng bị ho xong buồn nôn. Đói cũng bị ho xong gây ra buồn nôn.
Vậy BS cho em hỏi triệu chứng của em là bệnh gì ạ? Em xin chân thành cảm ơn BS.
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào em Nguyễn Thắng,
Trường hợp của em tôi nghi ngờ em bị viêm loét thực quản do trào ngược hoặc viêm loét dạ dày nặng.
Ngoài ra, công việc áp lực hay dị ứng thức ăn cũng có thể gây ra triệu chứng này, mặc dù dạ dày và thực quản em còn tốt.
Tình trạng u não cũng có biểu hiện giống em.
Em nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để được kiểm tra toàn diện, trong đó có thực quản và dạ dày của em.
- Nguyễn Ngọc Ánh - rachea…@gmail.com
Sự khác biệt giữa nội soi và CT ổ bụng là thế nào vậy BS? Nếu sợ nội soi thì CT ổ bụng có thể phát hiện bất thường trong đường ruột, hệ tiêu hóa?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Ngọc Ánh thân mến,
Nội soi và CT khác nhau hoàn toàn.
CT ổ bụng nhằm để coi những mạch máu trong bụng và các cơ quan nội tạng nằm trong bụng như thế nào, có bị u bướu gì dè dính hay xì rò hay không, hoặc có hạch to trong bụng không.
Nội soi là đưa một ống vào từ đường miệng hoặc đường hậu môn để xem ở trong lòng đó có cái gì hay không, giống như bạn xem Tề Thiên Đại Thánh thu nhỏ chui vào dạ dày vậy đó.
- Quốc Huy - truongquochuy…@gmail.com
Chào BS,
Bác sĩ cho con hỏi, con bị giun đũa chó sau một thời gian điều trị và uống thuốc đi xét nghiệm lại thì nhận được kết quả như sau: Kết quả xét nghiệm sán chó là GREYZONE 0.32 OD (NEG < 0.3, GZ: 0.3 - 0.5).
Kết quả như vậy là có ý nghĩa gì ạ, con có khỏi bệnh chưa BS? Cám ơn BS.
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào Quốc Huy,
Với kết của của em là có kết quả rất tốt vì cơ thể đã không còn phản ứng với giun sán chó và nồng độ hóa chất do cơ thể em tiết ra khi tiếp xúc với sán chó đã giảm dần đều chứng tỏ cơ thể em đã từ lâu không gặp “đề thi” này nữa và nó đang “quên bài”, như vậy nghĩa là em không còn tiếp xúc với sán chó nữa.
Không chỉ là bác sĩ "mát tay" trong điều trị tiêu hóa, ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - BV Nguyễn Tri Phương - còn là một bác sĩ nội soi "rất có nghề".
- Nguyen Phuong - phuongtuyen…@yahoo.com
Bác sĩ ơi,
Trong hồ sơ khám sức khỏe định kỳ không thấy có chỉ định nội soi tầm soát bệnh. Tuy nhiên, em đọc báo thấy nhiều trường hợp ung thư đại tràng em rất sợ.
Theo bác sĩ thì những đối tượng nào nên đi nội soi đại tràng? Bao nhiêu năm nên đi nội soi 1 lần? Cao huyết áp và bệnh tim mạch có thể đi nội soi được không ạ? Nếu bệnh tim thì nội soi có gây nguy hiểm gì cho tính mạng?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào em,
Đúng như vậy, trong khám sức khỏe định kỳ không thể thực hiện điều này vì chi phí rất cao và quan trọng là rất khó chịu cho bệnh nhân.
Trường hợp nên đi nội soi thì em xem thêm câu trả lời của tôi cho bạn Trần Gia Bảo.
Cao huyết áp và bệnh tim mạch chỉ là 1 bệnh kèm theo cần khai rõ để bác sĩ nội soi chú ý trước khi tiến hành nội soi chứ không phải là chống chỉ định tuyệt đối. Ở trường hợp này, em nên thực hiện nội soi không đau để bớt bị kích thích và an toàn hơn cho em.
- Bùi Thị Đoan - doanbui…@gmail.com
Chào BS,
Tôi muốn xét nghiệm máu cho bé 2.5 tuổi bị ngứa lâu ngày, nghi bị nhiễm giun sán... Tôi muốn biết trước khi làm xét nghiệm cho bé có cần kiêng khem như ngưòi lớn không? Rất mong câu trả lời của BS ạ.
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Đoan thân mến,
Chuyện đầu tiên bạn nên cho bé đi khám với bác sĩ chuyên khoa Da liễu vì ngứa có rất nhiều nguyên nhân, đặc biệt là ở em bé chứ không nên tự mình làm bác sĩ. Còn việc đi xét nghiệm cho bé thì cũng không có gì khác biệt so với người lớn.
- Cẩm An - tranthicaman…@gmail.com
Em rất hay đau dạ dày, bác sĩ chỉ định đi nội soi mà em sợ quá. Bạn em đi nội soi dạ dày về mô tả cảm giác muốn ói, nôn ọe rất khó chịu. Tổng thời gian nội soi là bao lâu? Có cách nào thay thế nội soi không bác sĩ ạ?
Chào Cẩm An,
Về việc ám ảnh nội soi của em là có thật. Tuy nhiên, trường hợp của em thì nên được nội soi dạ dày. Thông thường, nội soi dạ dày sẽ gây khó chịu cho em trong 5 phút, tuy nhiên cảm giác này rất nhanh sau đó sẽ mất dần và không đến nỗi là không thể chịu được.
Về nỗi ám ảnh nội soi em xem thêm câu trả lời của tôi cho bạn Huy Hoàng.
- Nguyễn Tiến Lâm - Lâm Đồng
Nội soi có an toàn không, thưa bác sĩ? Tôi quan sát, thấy sợi dây nội soi làm bằng nhựa và chỉ được ngâm nhúng qua dung dịch gì đó. Tôi không biết, việc ngâm nhúng đó có thật sự diệt hết được các loại vi trùng gây bệnh hay không?
Có người cho rằng, đi nội soi có khả năng bị lây HIV, viêm gan... nếu nơi nội soi không đủ thời gian ngâm dây khử trùng.
Làm sao để tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây bệnh thông qua nội soi? Bí quyết để nhận biết phòng nội soi chất lượng và an toàn?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào em,
Về vấn đề lo lắng của em là hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên việc sử dụng hóa chất để khử trùng dây nội soi thường sẽ dùng hóa chất là CIDEX-OPA đã được Tổ chức Y tế thế giới chấp nhận nên bảo đảm không lây truyền HIV, viêm gan…
Ngoài ra, những trung tâm nội soi hiện nay thường có nhiều máy nội soi với nhiều dây soi nên máy sẽ được xoay vòng để bảo đảm thời gian ngâm máy đúng quy định.
Để lựa chọn cơ sở nội soi uy tín, có vài điểm em cần lưu ý:
- Em tìm hiểu về cơ sở nội soi đó xem những bác sĩ nào là bác sĩ nội soi, nếu những người bác sĩ nội soi là người có uy tín thì đó là một điểm cộng.
- Em có thể hỏi nhân viên ở phòng soi về tên loại hóa chất khử trùng.
- Quan sát nơi đó có nhiều máy nội soi hay không, có nhiều dây soi hay không.
- Bạn đọc Quỳnh - hoannguyen…@gmail.com
Chào BS,
Em bị nhiễm 2 loại sán: sán đũa chó, và giun lươn. Được BS kê đơn thuốc zentel (uống 21 ngày), sau khi điều trị các triệu chứng ngứa có hết. Sau 3 tháng em làm xét nghiệm lại thì vẫn bị nhiễm nhưng BSnói phải 6 tháng mới biết chính xác.
Hiện nay sau 1 năm em nghi ngờ bị lại nên đi khám và kết quả: giun lươn: 0,72 OD (AT: 0-0,3;TG:0,31-0,4), sán đũa chó: 0,75 OD (AT:0-0,2;TG:0,21-0,3), BS kê đơn thuốc :Pizar 6mg (2 viên uống 1 liều duy nhất).
Em còn bị bệnh dạ dày, hay bị nóng rát vùng ngực rất khó chịu và ho vào ban đêm, trước khi điều trị đợt 2 em hay bị mệt mỏi về chiều.
Xin BS hãy cho em biết liệu 2 đơn thuốc em đã điều trị như trên có hoàn toàn hết bệnh không?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào em Quỳnh,
Với triệu chứng của em tôi dự đoán ngoài việc bị nhiễm giun sán thì em còn có khả năng viêm thực quản và viêm họng do trào ngược dạ dày, không loại trừ em bị suy nhược thần kinh kèm theo. Tôi cần khám bệnh cụ thể cho em thì mới biết chính xác tình trạng của em.
Với kết quả xét nghiệm giun sán của em, tôi không rõ 1 năm trước kết quả em như thế nào nhưng với kết quả hiện tại thì mặc dù nhìn theo con số thì thấy vẫn còn cao nhưng nếu giảm hơn so với năm trước thì cũng có hiệu quả.
Bởi vì đặc điểm của loại xét nghiệm giun sán này của em là chúng ta chỉ kiểm tra hóa chất do cơ thể chúng ta tiết ra khi đã từng gặp con giun sán này và cơ thể ta có khả năng “thuộc bài” nên khi không còn gặp “đề thi” là con sán này thì nó vẫn còn nhớ bài nhưng khả năng nhớ bài sẽ giảm dần và hóa chất tương ứng tiết ra cũng ít đi, nhưng khả năng quên bài lâu hay mau là tùy thuộc vào cơ thể mỗi người.
Do đó, nếu chỉ dựa vào một con số đơn thuần mà không so sánh với lần trước thì có thể em thật sự đã hết nhiễm giun sán rồi nhưng cơ thể thuộc người “khó quên” nên khi xét nghiệm ra cũng giống như là còn nhiễm.
- Phương Khanh - Bạn đọc hỏi qua Fanpage
Xin bác sĩ hướng dẫn những việc cần chuẩn bị khi nội soi dạ dày? Nội soi đại tràng nghe nói cần "xổ ruột"? Xổ bằng cách nào vậy bác sĩ ơi?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Phương Khanh thân mến,
Nội soi dạ dày bạn chỉ cần nhịn đói 8 giờ trước nội soi là được.
Nội soi đại tràng thì cần xổ ruột. Xổ ruột thì có nhiều loại thuốc xổ chuyên biệt. Bác sĩ hoặc y tá ở trung tâm nội soi sẽ có cách hướng dẫn chi tiết về cách ăn uống, giờ giấc uống thuốc cũng như uống nước kèm theo để bảo đảm ruột thật sạch thì bác sĩ mới chẩn đoán chính xác khi nội soi.
- Nguyễn Đăng Khoa - monommon…@gmail.com
Trước thực trạng ung thư dạ dày đang tăng cao, chúng tôi xin hỏi người bình thường có nên khám tổng quát để tìm và diệt vi trùng H.Pylori nhằm phòng ngừa ung thư dạ dày? Câu hỏi chúng tôi là: "H.Pylori - có nên truy cùng giết tận", thưa bác sĩ?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào em Đăng Khoa,
Người bình thường không nên khám tổng quát để tìm và diệt vi trùng Hp để ngừa ung thư dạ dày trừ trường hợp có người thân trong gia đình có bệnh lý về tiêu hóa hoặc bị nhiễm vi trùng Hp (người thân ở đây được định nghĩa là những ăn uống, sống chung với mình hoặc bà con ruột thịt như cha mẹ, anh chị em ruột, con cái, ông bà nội ngoại).
- Bạn đọc Trung - Trieu…@gmail.com
Em có xét nghiệm anti HCV là 0.04. Liệu như vậy có thấp quá so với tiêu chuẩn nhỏ hơn 1 hay bình thường thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Trung thân mến,
Chúc mừng em, với xét nghiệm như vậy em chưa bị nhiễm viêm gan C. Đây là một điều rất tốt và may mắn cho em.
- Vien Nhan - nhanvien…@gmail.com
Chào BS,
Em đang diều trị viêm gan B bằng thuốc Tasrax 300mg và sylhepgan 500mg. Em dự định mang thai nhưng không biết là uống thuốc vậy có ảnh hưởng gì không hay là ngưng thuốc bao lâu mới có thai được ạ?
Mong BS giải đáp. Em cảm ơn.
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào em,
Trường hợp của em tôi dự đoán em bị viêm gan B thể hoạt động nên được bác sĩ cho điều trị.
Em nên tái khám với bác sĩ điều trị để bảo đảm khi bệnh tạm ổn định tức là ngưng hoạt động thì sẽ tạm thời ngưng thuốc để có thai nhưng trong thời gian mang thai phải theo dõi liên tục cho đến khi thai đủ 6 tháng thì nhiều khả năng sẽ phải dùng thuốc lại để ngừa việc lây cho thai nhi, đồng thời tránh bệnh tái phát lại cho em.
Việc sử dụng này là an toàn khi thai đã trên 6 tháng. Việc điều trị viêm gan B là việc điều trị lâu dài, đôi khi kéo dài 5-10 năm, có khi phải uống thuốc suốt vì hiện nay y học chỉ mới dùng thuốc để chặn đứng virus sinh sản và tấn công gan chứ chưa chặn được mầm virus trốn sâu trong gan.
Do đó, nếu em ngưng thuốc không đúng theo chỉ định thì bệnh dễ tái phát và còn nặng hơn.
- Hoàng Văn Thuấn - Q. Bình Tân, TPHCM
1 lần nội soi gây mê cũng như 1 lần mổ tiểu phẩu phải không bác sĩ?
Thuốc gây mê khi nội soi có an toàn? Vì nhiều trường hợp sốc với thuốc mê, nên xin phép hỏi bác sĩ, thuốc gây mê khi nội soi có hay gây ra phản ứng sốc thuốc? Bệnh nhân có được thử thuốc trước khi tiêm thuốc mê?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Hoàng Thuấn thân mến,
Nội soi không đau hay nội soi gây mê thì bản chất chỉ là chích một loại thuốc có tác dụng gây ngủ làm cho bạn ngủ gật chứ không gây nghiện hay mất trí nhớ thì cũng giống như bạn tiểu phẫu.
Loại thuốc gây ngủ thường dùng trong nội soi được bào chế từ hạt đậu nành nên khá an toàn, tuy nhiên tất cả mọi loại thuốc kể cả thức ăn đều ẩn chứa nguy cơ dị ứng. Do đó, bác sĩ sẽ phải cân nhắc và test kỹ trước khi thực hiện cho em.
- Đào Văn Quốc - thuhien.bat…@gmail.com
Tôi bị đau dạ dày, cũng không nặng lắm. Đêm qua đi giao tiếp, liên hoan bị ép uống nhiều về nhà cảm giác nóng cháy bỏng trong bụng hay trong ruột. Bị như vậy nên uống gì cho bớt cảm giác khó chịu bỏng rát.
Nhờ bác sĩ tư vấn giúp cách để thoát khỏi cảm giác khó chịu này. Thú thật tôi cũng có ý định "cai nhậu", sẽ kiếm cớ từ chối bạn bè, lần này được bác sĩ tư vấn, là tôi bỏ nhậu luôn bác sĩ à.
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn,
Trường hợp của bạn tôi dự đoán bạn bị mắc 2 bệnh cùng một lúc. Đó là bệnh loét dạ dày và viêm thực quản trào ngược. Bệnh này bạn cần bỏ hẳn bia rượu, tránh thuốc lá và quan trọng là đi khám bệnh với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để được nội soi xét nghiệm và điều trị lâu dài.
Với cảm giác khó chịu như bạn sau mỗi lần nhậu, cách đơn giản nhất là uống 1 cốc sữa tươi không đường hoặc nhai những loại thuốc nhai trị đau bao tử được bán không cần toa theo quy định của Bộ Y tế.
- Phương Thạch - Trà Vinh
Chào BS,
Tôi tên Trinh, năm nay 39 tuổi ở Trà Vinh. Hồi tháng 3 tôi bị đau dạ dày đi đến phong khám T.A. nội soi thì bị viêm sung huyết hang vị, Hp dương tính. BS kê cho tôi toa thuốc:
1. Amoxyciclin 500mg
2. Levofloxacin 250mg
3. Estop 40mg (esomeprazol 40mg)
4. Domreme 10mg (dompeeridone 10mg)
5. Kestolac 25mg (levosulpirid 25mg)
Tôi uống 2 tuần từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 7 thì uống lọai 3, 4, 5 thì thấy các triệu chứng mệt, ợ hơi, buồn nôn, chướng bụng, khó tiêu, nóng ở bụng, ở nướu răng, ở họng và ở bên tai phải khỏi hẳn nhưng vẫn còn đau ở vùng thượng vị phía bên sườn phải.
Tuần 8 bác sĩ kê toa thuốc khác cho tôi là Estop 40mg (esomeprazol 40mg) và Bimetin 100mg. Tôi uống được 3 ngày thì các triệu chứng trên trở lại.
Tôi di khám lại thì bác sĩ cho tôi nội soi đề kiểm tra lại kết luận là bị viêm sung huyết niêm mạc hang vị mức độ nhẹ, Hp âm tính. BS cho tôi uống thuốc thêm 1 tuần nữa nhưng không khỏi.
Sau đó tôi lên Trung tâm Hòa Hảo khám thì BS cho tôi làm thêm các xét nghiệm thử máu, siêu âm bụng, điện tâm đồ, kết luận bình thường. BS cho tôi 10 ngày thuốc nhưng uống được 5 ngày thì thuốc giật làm tôi mệt đừ không ăn uống được.
Tôi bỏ thuốc và trị ở bác sĩ tư trong tỉnh, hiện tại tôi đang uống toa thuốc là:
1.Lansopezole Sandoz 30mg
2. Motilium-m
3. Gaviscon
4. Dy lim
Tôi uống được tháng rưỡi rồi thì thấy các triệu chứng mệt, buồn nôn, chướng bụng, khó tiêu, nóng ở bụng đã giảm nhiều rồi nhưng ợ hơi, nóng ở nướu răng , ở họng và bên tai phải, đau ở vùng thượng vị phía bên sườn phải vẫn còn, vậy tôi đã uống thuốc 4 tháng rồi nhưng bệnh vẫn còn.
Mong BS Lưu Phương tư vấn giúp là tôi bị bệnh gì? Bây giờ phải làm thêm xét nghiệm gì? Cần uống thuốc trong bao lâu? Tôi rất hoang mang.
Tôi làm giáo viên, tranh thủ thời gian này để chữa bệnh cho khỏe hẳn. Rất mong nhận được hồi âm sớm nhất của BS. Tôi thành thật biết ơn.
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:
Phương Thạch thân mến,
Tôi không khám bệnh trực tiếp cho bạn nên tất cả những gì tư vấn ở đây đều là dự đoán. Trường hợp của bạn có những khả năng sau đây:
1. Bạn bị chứng trào ngược thể không điển hình và ảnh hưởng đến tai mũi họng.
2. Khả năng viêm dạ dày kèm theo của bạn do vi trùng Hp có thể hết rồi hoặc có thể còn vì theo thư của bạn kể khi bạn nội soi kiểm tra mà còn một số loại thuốc đang dùng thì kết quả có thể bị âm tính giả, tức là vi trùng vẫn còn tiền ẩn.
3. Bạn có thể bị nhiễm giun sán kèm theo.
4. Công việc, sinh hoạt, gia đình không rõ có làm bạn “xì trét” hay không điều độ hay không vì việc này cũng ảnh hưởng đến đám rối dây thần kinh 10 làm khó chịu ở dạ dày và bụng, đồng thời làm trào ngược không điển hình.
Việc bạn cần làm là ngưng tất cả các thuốc, chia nhỏ bữa ăn thành 4-5 lần/ ngày, ăn ngủ đúng giờ, hạn chế thức ăn chiên, xào, chua, cay.
Sau 2 tuần không dùng thuốc kể cả thuốc cảm, ho, sổ mũi thông thường bạn nên khám với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để kiểm tra toàn diện lại, đặc biệt là vi trùng Hp và điều trị theo chuyên khoa.
Thân mến!>>> BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương tiếp tục giải đáp thắc mắc về Tiêu hóa gan mật tối 13/7
>>> BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương giải đáp thắc mắc của bạn đọc AloBacsi.vn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình