Hotline 24/7
08983-08983

Thói quen tích trữ và tiêu thụ thực phẩm thừa sau Tết làm tăng nguy cơ ngộ độc

Trong dịp Tết vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận hàng trăm trường hợp vào khám cấp cứu liên quan tới tiêu hóa, trong đó phổ biến là ngộ độc thức ăn, ngộ độc rượu.

Trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, các bệnh viện tiếp nhận khoảng 550.000 lượt khám và cấp cứu, với gần 200.000 người điều trị nội trú. Trong đó, hơn 700 người khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia rượu, gần 450 người phải nhập viện theo dõi, điều trị.

Hàng loạt bệnh viện như Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, hay Đức Giang ghi nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc, xuất huyết tiêu hóa trong tình trạng cấp cứu. Các bác sĩ cảnh báo, dù chưa có vụ ngộ độc tập thể nào đáng kể, thói quen tích trữ và tiêu thụ thực phẩm thừa vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn đến sức khỏe cộng đồng.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, có 2 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết:

- Một là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, không nhãn mác, quy trình sản xuất không đảm bảo, chứa phụ gia độc hại.

- Nguyên nhân thứ 2 do bảo quản thực phẩm không đúng cách dẫn đến ôi thiu, nhiễm khuẩn; tích trữ quá nhiều khiến thực phẩm hư hỏng, khi chế biến có thể gây ngộ độc.

Nhiều gia đình bảo quản ken đặc thực phẩm trong tủ lạnh dẫn tới khí lạnh không thông suốt và đây cũng là ổ phát sinh các vi khuẩn, vi trùng như E. coli, Salmonella…

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, khi chế biến nếu thấy thực phẩm có mùi ngay lập tức loại bỏ. Trong trường hợp ngộ độc nhẹ như nôn, đau bụng, đi ngoài, cần cho người bệnh uống nhiều nước lọc, nước điện giải tránh mất nước, dùng các món ăn dễ tiêu như cháo.

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hậu Tết các nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc chủ yếu liên quan tới bảo quản. Các loại thịt, hải sản sống nhiễm khuẩn và thực phẩm chín như giò chả, nem rán, bánh chưng để lâu dễ ôi thiu, ngộ độc cho người dùng. 

Nhiều gia đình chất đồ ăn thừa vào tủ lạnh vô tình tạo thành ổ vi khuẩn. Hầu hết người dân đều có thói quen ăn ngay thì để ngăn mát, lâu hơn thì bảo quản ngăn đông. Tuy nhiên, việc bảo quản thực phẩm tươi sống và chín ở một ngăn dễ tạo ra ổ vi khuẩn.

Ngoài ra, việc tích trữ đồ ăn khiến tủ lạnh quá tải, nóng lên khó đảm bảo nhiệt độ phù hợp, gây ra tình trạng nhiễm khuẩn. 

PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người dân không làm đông lạnh lại thịt đã rã đông. Không để thực phẩm sống - chín chung vì dễ gây nhiễm khuẩn. Thực phẩm nấu sẵn chưa ăn hết bữa trước không nên để quá 2 giờ trong môi trường thường. Đồ ăn chín bảo quản trong tủ lạnh khi hâm nóng cần nấu thật kỹ để tiêu diệt hết vi khuẩn nếu có. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X