Hotline 24/7
08983-08983

Thoát vị bẹn ở trẻ: Cần phẫu thuật sớm

Thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ em. Bệnh này cần được chữa trị sớm, nếu không trẻ có thể gặp những biến chứng nguy hiểm về sau.

Dấu hiệu nhận biết

Thoát vị bẹn là do ống bẹn và ống phúc tinh mạc không bịt kín ngay khi trẻ chào đời, biểu hiện bằng một khối phồng tại vùng bẹn - bìu ở bé trai và ở gần âm hộ của bé gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi trẻ ho, khóc, rặn khi đi đại tiện hay sau những vận động mạnh như chạy nhảy, tập thể dục... và sẽ xẹp xuống khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm yên.
 
Chính vì vậy mà các bậc phụ huynh thường chủ quan. Đến khi khối thoát vị sa xuống mà không tự lên được, trẻ đau đớn khóc thét mới đưa con đến bệnh viện thì rất có thể khối thoát vị đã bị nghẹt, nếu không mổ ngay thì ruột sẽ bị hoại tử, rất nguy hiểm.

Những biểu hiện trên cũng khiến không ít người lầm lẫn với bệnh nước màng tinh và ẩn tinh hoàn. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, các BS có kinh nghiệm sẽ phân biệt được thoát vị bẹn với các căn bệnh có triệu chứng tương tự như: viêm mào tinh, xoắn tinh hoàn, u mỡ, tràn dịch màng tinh, viêm tấy vùng ống bẹn - bìu, nang thừng tinh khi nang ở vị trí cao. Do vậy, tốt nhất là nên đưa trẻ đến các BS chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị chính xác, kịp thời.

Chữa trị như thế nào?

Cho đến nay thì phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh lý này. Khuynh hướng hiện nay là mổ sớm nhất có thể nhằm tránh biến chứng nghẹt (do ruột sa xuống và không trở lại ổ bụng được). Thời gian phẫu thuật tốt nhất, theo BS Khải là khi trẻ được chín tháng - một tuổi. Đây chính là thời điểm vàng để bảo vệ mạch máu nuôi tinh hoàn và ống dẫn tinh; bảo vệ chức năng sinh sản về sau cho trẻ.

Nếu chậm điều trị, các cơ quan trong ổ bụng như ruột, buồng trứng (ở bé gái) có thể chui vào ống phúc tinh mạc và bị nghẹt. Khi đó nếu không được mổ kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử ruột, buồng trứng. Còn với trẻ trai, thì gây tổn thương tinh hoàn do mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép bởi các nội tạng bị nghẹt, ruột ép vào bó mạch tinh hoàn, gây giảm lượng máu nuôi đến tinh hoàn…

Tuy nhiên, khi phẫu thuật cũng cần cân nhắc các yếu tố đi kèm như bé có sinh non, có bệnh lý gì đặc biệt hay không... Trong trường hợp đã có chẩn đoán là thoát vị bẹn, cần phải được phẫu thuật. Nhưng nếu chưa mổ ngay được thì làm băng ép bên bị thoát vị và mổ vào thời điểm thích hợp. Với kỹ thuật mổ hiện nay, vết mổ nhỏ, khoảng 3-4cm ở vùng nếp gấp bẹn. Thời gian nằm viện điều trị trung bình là hai ngày và được cắt chỉ sau bảy ngày, khi vết mổ lành.

Cách phát hiện sớm

Trước khi tới bệnh viện để khám bệnh, gia đình thường phát hiện có một khối phồng ở vùng bẹn, bìu với trẻ trai và vùng mu - môi lớn ở trẻ gái. Khối phồng này thường có từ nhỏ, có thể có ngay sau sinh. Nắn vào vùng ống bẹn - bìu để tìm túi thoát vị: sờ được túi thoát vị, khi trẻ ho, chạy nhảy thì bao thoát vị lại căng, to và chuyển động dọc theo ống bẹn xuống bìu. Trong túi thoát vị có chứa một khối mềm, nắn không đau, có khi nghe thấy tiếng lọc xọc của hơi và dịch trong lòng ruột.

AloBacsi.vn
Theo Phụ nữ online
 

Những biến chứng

- Nghẹt hoại tử ruột: khoảng 20% bệnh nhân có thể bị nghẹt ruột ở bất kỳ tuổi nào, nhưng thường bị ở trẻ nhỏ và khoảng 60% trường hợp bị thoát vị nghẹt hay xảy ra trong ba tháng đầu sau sinh.

- Rối loạn tiêu hóa, gây chậm lớn ở trẻ nhỏ.

- Là nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X