Hotline 24/7
08983-08983

Thay van động mạch phổi qua da thay thế cuộc mổ lần hai của tứ chứng fallot

Thay van động mạch phổi qua da đã khắc phục những vấn đề đáng kể trong điều trị tim bẩm sinh, thay thế cuộc phẫu thuật lần hai sau mổ tứ chứng Fallot. TS.BS Trần Hòa - Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM sẽ chia sẻ về những ưu điểm kỹ thuật này mang lại.

1. So với mổ mở, thay van động mạch phổi qua da có ưu điểm gì?

So với mổ hở, thay van động mạch phổi qua da sẽ mang lại những ưu điểm vượt trội như thế nào về hiệu quả - tỷ lệ thành công, thời gian tiến hành, thời gian phục hồi và nguy cơ biến chứng?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da là thủ thuật không xâm lấn, bệnh nhân không cần trải qua cuộc mổ lớn, không thực hiện mổ mở ngực, không gây mê hay thở máy nhiều ngày.

Trước đây, bệnh nhân từng trải qua một cuộc phẫu thuật có thể để lại sẹo và các tổn thương còn đọng lại trong ngực, nếu mổ lại lần hai, bệnh nhân sẽ tiếp tục phải mở ngực, đó là trở ngại của phẫu thuật.

Với kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da, bệnh nhân có có thể rút ngắn thời gian nằm viện, rút ngắn thời gian thở máy, bệnh nhân hồi phục sau vài giờ làm thủ thuật và có thể sinh hoạt, ăn uống bình thường. Đặc biệt, bệnh nhân có thể xuất viện và quay trở lại cuộc sống sau 1 ngày.

2. Ai được chỉ định, chống chỉ định thay van động mạch phổi qua da?

Như vậy, thay van động mạch phổi qua da được chỉ định và chống chỉ định trên những bệnh nhân nào, thưa BS? Khi lựa chọn thực hiện kỹ thuật khó này cho người bệnh, cần đảm bảo các yếu tố nào?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Cho đến nay, sau mổ tứ chứng Fallot, bác sĩ có các chỉ định can thiệp qua da:

- Một là, bệnh nhân hở van động mạch phổi mức độ nặng, có triệu chứng trên lâm sàng và tương đương triệu chứng suy tim giai đoạn 3 - 4.

- Hai là, nếu bệnh nhân bị tắc nghẽn đường ra của thất phải trên những thông số siêu âm tim.

Đó là 2 chỉ định chính để bác sĩ thực hiện thay van động mạch phổi qua da.

Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng nhưng gặp một số vấn đề cho thấy hở van động mạch chủ đang tiến triển, mức độ hở tăng dần theo thời gian, mức độ gắng sức của bệnh nhân giảm khi bác sĩ làm nghiệm pháp gắng sức hoặc vấn đều ảnh hưởng của hở van động mạch chủ lên thất phải gây suy thất phải, giãn thất phải diễn tiến theo thời gian,… cũng là những chỉ định để bác sĩ có thể sửa hoặc mổ lại van động mạch phổi cho bệnh nhân sau mổ tứ chứng Fallot.

Không nhiều chống chỉ định cho việc thực hiện thay van động mạch phổi qua da, ngoại trừ vấn đề hở van động mạch phổi gây suy tim nghiêm trọng, việc tiến hành thủ thuật không có hiệu quả, nhóm người này sẽ chống chỉ định.

Bệnh nhân sau mổ tứ chứng Fallot, nên theo dõi định kỳ để xác định tình trạng hở van động mạch phổi và chỉ định thời điểm thích hợp tiến hành thủ thuật sửa van. Bởi vì một số trường hợp hở van nghiêm trọng, gây ra tình trạng suy thất phải giai đoạn cuối, việc mổ và thay van không còn kịp thời.

Một số chống chỉ định khác như bệnh nhân đang nhiễm trùng, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng hoặc trong buồng tim còn huyết khối, không được tiếp cận thực hiện thủ thuật. Tuy nhiên, hiện nay, những trường hợp này không quá phổ biến, một số trường hợp chống chỉ định tương đối, các bác sĩ có thể khắc phục.

3. Quy trình thay van động mạch phổi qua da tiến hành ra sao?

Nhờ BS giải thích thêm về phương thức thực hiện thay van động mạch phổi qua da? Quy trình sẽ ra sao?

- Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, một bệnh nhân có hở van động mạch phổi sau phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot sẽ được thăm khám, đánh giá ra sao trước khi quyết định thay van động mạch phổi qua da ạ?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Đây là một kỹ thuật cao, đòi hỏi sự phối hợp của một nhóm nhiều chuyên gia, trong đó có các bác sĩ Tim mạch, Nội Tim mạch, Tim mạch can thiệp, các bác sĩ chuyên về gây mê hồi sức, hình ảnh học, siêu âm tim và MRI tim.

Để xác định bệnh nhân gặp tình trạng hở van động mạch phổi, các bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm tim, sau đó xác định mức độ hở, bệnh nhân được MRI tim.

Khi bệnh nhân thuộc nhóm có chỉ định với các vấn đề gồm hở van động mạch phổi nặng có triệu chứng và có chỉ định thay van, các chuyên gia sẽ tiến hành hội chẩn để quyết định kế hoạch thực hiện.

Bệnh nhân được tiền mê khi vào phòng thông tim, đa số trường hợp chỉ cần gây tê nhưng một số cần gây mê ngắn hạn trong lúc làm. Bệnh nhân được gây tê ở vùng thực hiện thủ thuật, các bác sĩ luồn catheter vào tim phải, tìm cách đưa lên van động mạch phổi của bệnh nhân. Thông qua van động mạch phổi, các bác sĩ sẽ dùng bóng đưa vào trong van, đo kích thước chính xác của van để lựa chọn van phù hợp cho bệnh nhân.

Sau khi biết được kích thước chính xác của van cần đặt, bác sĩ sẽ chuẩn bị van và ép van vào khung nhỏ vừa một ống thông, thông qua hệ thống máy chụp mạch máu xóa nền, siêu âm tim, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ đến vị trí van động mạch phổi và đẩy van ra khỏi ống thông. Van nhân tạo bung ra và hoạt động như một van tim bình thường.

4. Sau thay van động mạch phổi qua da, bệnh nhân tái khám định kỳ mỗi 6 tháng

Sau thay van động mạch phổi qua da, bao lâu được xuất viện và bệnh nhân sẽ được theo dõi tiếp tục ra sao? Cần lưu ý gì trong quá trình chăm sóc sau can thiệp, thưa BS?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Như các trường hợp can thiệp qua da khác, những bệnh nhân thay van động mạch phổi qua da ổn định, có thể xuất viện sau 1 - 2 ngày. Bệnh nhân sau khi xuất viện sẽ được bác sĩ hẹn tái khám thường kỳ.

Trong đó, bệnh nhân mới thực hiện thay van động mạch phổi qua da sẽ tái khám sau 1 tháng xuất viện và sau đó là mỗi 6 tháng. Mỗi đợt tái khám, bệnh nhân chỉ cần siêu âm để kiểm tra, không có đánh giá nào nghiêm ngặt.

5. Tìm kiếm nơi thăm khám là vấn đề khó khăn của người trưởng thành mắc tim bẩm sinh

Từ bước đầu thành công, BV Đại học Y Dược TPHCM có dự định nào trong tương lai nhằm đưa ra kỹ thuật này triển khai rộng rãi hơn nữa, để bệnh nhân được hưởng lợi từ sự phát triển của y học?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Từ 8 ca thay van động mạch phổi qua da Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã thực hiện được trong năm 2023, thời gian tới, bệnh viện sẽ thực hiện mở rộng kỹ thuật này cho những bệnh nhân có chỉ định.

Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh thuộc nhóm trẻ nhỏ hoặc người lớn từng được mổ các bệnh lý tim bẩm sinh, phải tiếp tục theo dõi tái khám để kiểm tra di chứng sau các cuộc phẫu thuật trước để bác sĩ điều chỉnh bằng thuốc hoặc chỉ định điều trị thủ thuật, phẫu thuật.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và một số cơ sở khám chữa bệnh đã thành lập các phòng khám đặc biệt nhằm tiếp nhận và quản lý những bệnh nhân mắc tim bẩm sinh nhưng đã ở độ tuổi trưởng thành. Điều này là cần thiết vì bệnh tim bẩm sinh, mặc dù thường xuất hiện ở trẻ em, nhưng khi người bệnh lớn tuổi, việc quản lý và chăm sóc vẫn là một thách thức lớn đối với các bác sĩ.

Người trưởng thành mắc bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt là phụ nữ đã từng phẫu thuật trước đó, hoặc có tiền sử bệnh tim bẩm sinh, thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nơi khám và chăm sóc phù hợp. Việc mở ra các phòng khám đặc biệt giúp vấn đề trên được giải quyết, bằng cách cung cấp sự chăm sóc và quản lý chuyên biệt cho nhóm người này.

Bởi vì tim bẩm sinh thường gặp ở con nít, trẻ em, nên việc thăm khám tim bẩm sinh ở người lớn tại các bệnh viện nhi không còn phù hợp. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã thành lập một phòng khám đặc biệt dành riêng cho những người lớn mắc bệnh tim bẩm sinh, điều này giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình và nhận được sự chăm sóc đặc biệt từ các chuyên gia.

Một số trường hợp khó khăn như giải quyết các vấn đề liên quan đến bệnh tim bẩm sinh ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở là nỗi trăn trở của các bác sĩ tại đây.

- Để thuận tiện cho bệnh nhân, ngoài BV Đại học Y Dược TPHCM, tại VN đã có những cơ sở y tế nào triển khai thay van động mạch phổi qua da?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Đây là một kỹ thuật cao, do đó cần chuẩn bị về nhiều mặt. Bên cạnh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tại Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ đang triển khai kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da.

Hy vọng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và nhiều nơi có thể hợp tác để phát triển và mở rộng kỹ thuật này đến nhiều nơi, giúp nhiều hơn cho các bệnh nhân trên toàn quốc, hưởng được sự phát triển của kỹ thuật y học, tránh việc phẫu thuật trở lại ở bệnh nhân tim bẩm sinh tứ chứng Fallot bị hở van động mạch phổi sau mổ.

6. Bệnh nhân tim bẩm sinh hãy đến bệnh viện để được theo dõi tiếp tục

Cuối cùng, nhờ BS đưa ra lời khuyên cho những bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh ạ?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Đối với những bệnh nhân đang bị tim bẩm sinh chưa từng điều trị hoặc đã điều trị can thiệp khi mổ, nên được chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Nhiều trường hợp khi đến gặp bác sĩ, tình trạng sang thương phải được can thiệp từ nhiều năm trước, nhưng do không tiếp cận được với nhân viên y tế, không được sửa chữa. Những trở ngại đó, có thể do người bệnh không nắm được thông tin hoặc do chi phí điều trị.

Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển của y học, các bác sĩ đã có thể thực hiện kỹ thuật như nước ngoài. Bên cạnh đó, chi phí điều trị hiện nay, BHYT chi trả một phần, trong nước có nhiều hội, đoàn và mạnh thường quân giúp đỡ bệnh nhân điều trị bệnh. 

Vì vậy, hãy đến bệnh viện để được chăm sóc, không tạo cơ hội cho tình trạng bệnh diễn tiến quá lâu, vì bác sĩ không thể can thiệp kịp thời. Sự chăm sóc sớm sẽ giúp ngăn chặn các vấn đề sức khỏe trở nên nghiêm trọng hơn và mang lại cơ hội tốt nhất cho việc điều trị thành công.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X