Teo cơ vì chứng tê tay
Từ khi ứng dụng phương pháp điện cơ tại TP.HCM (năm 1990, ngày càng có nhiều người mắc hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là bệnh tê tay.
Đụng đâu cũng tê
Gần 10 năm làm thư ký đánh máy, mới đây, chị Hoàng Thị T. 41 tuổi ở quận Phú Nhuận cảm thấy tay tê nhức và thường xuyên bị tê tay khi lái xe máy, tối ngủ, tay tê cứng không co nắm lại được. Châm cứu và uống thuốc nam mãi nhưng chứng tê tay vẫn không khỏi. Đến khi khám ở khoa Nội thần kinh BV Nhân dân 115 mới phát hiện mắc hội chứng ống cổ tay.
Anh Hoàng làm nghề tiện ốc vít nhiều năm nay cũng cho biết, cách đây 2 tháng, anh thấy tay mình bị tê. Lúc đầu là tay phải, sau đó tay trái bị tương tự. Đến khi đụng vào cái gì tay cũng tê buốt, anh Hoàng mới vào viện khám. Các bác sĩ cho biết rễ thần kinh cổ tay dưới bị chèn ép khiến tay anh bị tê.
Tỷ lệ mắc bệnh của phụ nữ nhiều gấp 3-4 lần so với nam giới. Khoa Nội thần kinh BV Nhân dân Gia Định tiếp nhận mỗi tuần từ 15-20 ca mắc hội chứng ống cổ tay. Các phòng khám chuyên khoa của BV 115 hay BV ĐH Y Dược TPHCM mỗi tuần cũng có hàng chục ca đến khám và điều trị.
Theo BS Nguyễn Trọng Anh, Giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hội chứng ống cổ tay là tình trạng chèn ép thần kinh giữa tại cổ tay, gây tê nhức các ngón tay, thường gặp ở phụ nữ và người lao động nặng, chơi thể thao, làm văn phòng. Phụ nữ trung niên, có cổ tay nhỏ hẹp, hay phải làm những động tác khéo léo thậm chí là công việc nội trợ dễ bị thoái hoá khớp hơn vào giai đoạn tiền mãn kinh.
Triệu chứng ban đầu của hội chứng này là tê tay, nhất là khi đi xe máy.
Dễ điều trị
Theo BS Lê Thái Bình Khang, Phó khoa Ngoại Thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, hội chứng ống cổ tay không khó điều trị. Khi bệnh nhẹ, bệnh nhân chỉ cần mang nẹp thẳng ở cổ tay vào ban đêm trong vòng hai tháng và uống thuốc.
Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh ở giai đoạn nặng. Chỉ cần mở ống cổ tay, cắt dây chằng ngang cổ tay và giải phóng thần kinh giữa là đủ. Nếu bệnh bị lâu, cơ gò ngón cái đã teo thì phải bóc tách và cắt bao ngoài dây thần kinh.
BS Nguyễn Trọng Anh cho biết, phẫu thuật là biện pháp cuối cùng nếu bệnh nhân đã điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu không hiệu quả. Trước đây, phẫu thuật mở được ứng dụng trong điều trị bệnh này nhưng có nhược điểm là để lại sẹo, có thể đau sẹo sau mổ và xơ dính thần kinh.
Hiện tại, với phẫu thuật nội soi, chỉ cần rạch một vết da nhỏ khoảng 0,6 cm tại ngang cổ tay để xử lý kỹ thuật. Thời gian phẫu thuật không đến 10 phút, bệnh nhân ít đau sau mổ, có thể xuất viện trong ngày và trở lại làm việc sau mổ 2-3 ngày.
Nếu có biểu hiện tê tay, bệnh nhân nên tới khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc chấn thương chỉnh hình để được chẩn đoán xác định bệnh bằng phương pháp điện cơ. Phương pháp này thực hiện dễ dàng tại các bệnh viện.
Theo Gia Phú -Tiền phong
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình