Hotline 24/7
08983-08983

Tất tần tật những điều cần biết về hen suyễn ở trẻ em

Ho, khò khè, khó thở về đêm - liệu có phải dấu hiệu của hen suyễn? Bệnh lý này ngày càng phổ biến ở trẻ em, nhưng không phải phụ huynh nào cũng hiểu rõ để nhận biết và điều trị. Hãy cùng ThS.BS Nguyễn Đình Huấn, Giảng viên bộ môn Nhi, Trường Đại học Tân Tạo tìm hiểu sự thật về hen suyễn ở trẻ em để bảo vệ con tốt nhất!

1. Hen suyễn đáp ứng rất tốt với thuốc giãn phế quản

Thưa BS, hen suyễn ở trẻ là gì ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Hiện nay, tình trạng hen suyễn ở trẻ em khá phổ biến khi các bác sĩ khoa Nhi thăm khám. Nhiều bà mẹ rất bỡ ngỡ khi con được chẩn đoán hen suyễn và hỏi “Hen suyễn là gì?”.

Hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường thở trong lồng ngực, kèm theo tình trạng tăng phản ứng của phế quản, co thắt phế quản. Những nguyên nhân này làm cho trẻ có biểu hiện lâm sàng như ho, khò khè, thức giấc vào ban đêm vì khó thở, đau nặng ngực. Tình trạng này có giới hạn luồng khí thở ra, nhưng sự giới hạn này không hạn định mà thay đổi theo thời gian và cường độ, đặc biệt đáp ứng rất tốt với thuốc giãn phế quản.

2. Ho, khò khè, khó thở, nặng ngực - Coi chừng hen suyễn!

Những triệu chứng nào cảnh báo hen suyễn ở trẻ, thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Triệu chứng của hen suyễn có thể chồng lấp với các bệnh hô hấp khác. Nếu quý phụ huynh thấy con em mình có các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở, trẻ lớn có thể nặng ngực, lúc đó cần cảnh giác. Đặc biệt, nếu trẻ có tiền căn dị ứng như lúc nhỏ bị chàm, thể tạng (viêm da cơ địa), gia đình có người viêm mũi dị ứng, hay trẻ có tiền sử dị ứng thức ăn cũng dễ góp phần gây hen suyễn.

Việc chẩn đoán hen suyễn phải khám một cách tỉ mỉ. Nếu trẻ có tiền căn của triệu chứng hô hấp giới hạn luồng khí thở ra, bác sĩ có thể làm thêm một số đánh giá về chức năng hô hấp, tìm tác nhân gây dị ứng có thể gây hen suyễn.

Nhiều phụ huynh khai với bác sĩ rằng con mình có triệu chứng khò khè, nhưng thật ra triệu chứng đó phải do chính bác sĩ xác định. Nhiều trường hợp triệu chứng đó chỉ do trẻ nghẹt mũi, nhưng người nhà chỉ cảm nhận và khai là khò khè.

3. Vì sao cha mẹ không bị hen suyễn nhưng con lại mắc bệnh?

Những yếu tố nguy cơ nào khiến trẻ mắc hen suyễn? Nhiều người hay thắc mắc về yếu tố di truyền “Tại sao hai vợ chồng tôi không bị hen suyễn nhưng con tôi lại bị?”, thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Hen suyễn là bệnh chịu tác động qua lại giữa yếu tố gen, cơ địa và môi trường. Để phát triệu chứng phải có yếu tố gen, cơ địa gặp môi trường thuận lợi.

Về gen, có thể ba mẹ, anh chị em ruột có cơ địa dị ứng như chàm cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen suyễn. Cũng có thể do trẻ có cơ địa từ nhỏ như sinh ra vài tháng tuổi đã biểu hiện chàm cơ địa, dị ứng thức ăn, dị ứng sữa bò...

Về môi trường, có thể tiếp xúc môi trường có không khí lạnh, ô nhiễm, môi trường dễ bị nhiễm siêu vi, dị ứng thức ăn, hải sản, sữa bò... hoặc những môi trường ô nhiễm khác như hóa chất. Những yếu tố này kích phát khiến trẻ bị hen suyễn.

Nhiều ba mẹ rất ngạc nhiên vì bác sĩ chẩn đoán hen suyễn nhưng trước giờ chưa trẻ nào hay bản thân ba mẹ chưa mắc. Nghiên cứu thấy rằng, anh chị em sinh đôi có mang yếu tố gen di truyền.

Nếu một người anh chị em sinh đôi cùng trứng bị hen suyễn, 75% trẻ còn lại cũng mắc. Trường hợp sinh đôi khác trứng tỉ lệ là 35%. Nếu ba mẹ có cơ địa dị ứng, hen suyễn thì 50% con sinh ra sẽ bị hen suyễn. Nhưng nếu chỉ ba hoặc chỉ mẹ mắc, tỷ lệ con mắc khoảng 25%. Còn nếu ba mẹ hoàn toàn bình thường, tỷ lệ này cũng chiếm khoảng 5%.

4. Corticoid dạng hít an toàn cho trẻ hen suyễn

Thưa BS, nếu trẻ em được chẩn đoán hen suyễn thì sẽ có những phác đồ điều trị thế nào ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Để chẩn đoán hen suyễn ở trẻ em không quá khó, nhưng không phải lúc nào cũng quá dễ. Do những triệu chứng như khò khè chồng lấp các triệu chứng bệnh lý khác như viêm nhiễm đường hô hấp do thời tiết, trào ngược dạ dày thực quản, những bất thường bẩm sinh. Nhưng nếu loại trừ các nguyên nhân khác và chẩn đoán hen suyễn có cách điều trị như sau:

Thứ nhất là phòng ngừa các yếu tố kích phát hen suyễn, tức là nguồn gốc, những yếu tố có thể tránh được. Những yếu tố này có thể là môi trường, khí hậu, thức ăn dị ứng, dị nguyên hít, mạt nhà nhiều...

Suyễn là bệnh viên mạn tính đường thở và rất đa dạng. Điều trị nền tảng phòng ngừa bằng thuốc kháng viêm, thường dùng nhất là dạng corticoid đường hít. Ba mẹ thường lo lắng trẻ bị ảnh hưởng bởi corticoid nhưng corticoid đường hít rất an toàn cho trẻ em hen suyễn. Bên cạnh đó, lợi ích mang lại tốt hơn nhiều so với tác dụng không mong muốn.

Đối với trẻ đang lên cơn sẽ dùng thuốc cắt cơn. Có 2 loại thuốc cắt cơn:

Thuốc cắt cơn hàng đầu: là thuốc giãn phế quản, tác dụng nhanh có thể dùng dạng xông hoặc dạng hít để cắt cơn tránh suy hô hấp và tử vong.

Thứ hai là corticoid đường hít liều cao, còn thuốc ngừa cơn thường là corticoid liều thấp hoặc liều trung bình. Chế phẩm hoạt chất ức chế montelukast cũng có tác dụng phòng ngừa hen suyễn.

Bệnh hen suyễn rất đa dạng, tùy dạng hen suyễn kiểu hình khác nhau sẽ có chiến lược phòng ngừa khác nhau.

5. Top những quan điểm sai lầm của phụ huynh khi chăm sóc trẻ hen suyễn

Trong suốt quá trình công tác của mình, bác sĩ có nhận thấy phụ huynh thường có những sai lầm nào khi con mình mắc hen suyễn không, thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Khi bác sĩ chẩn đoán trẻ bị hen suyễn, ba mẹ thường ngạc nhiên và không chấp nhận do gia đình không ai bị. Tuy nhiên, hen suyễn có rất nhiều dạng khác nhau nên gia đình phải tin tưởng bác sĩ. Chỉ có tin tưởng mới có thể điều trị đúng phác đồ, còn không tin tưởng sẽ khiến tình trạng viêm mạn tính ngày càng nặng, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ.

Về điều trị, khi muốn cắt cơn phải dùng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh. Nhưng nhiều ba mẹ không biết, khi con lên cơn lại dùng thuốc corticoid hít, vừa không có tác dụng vừa nguy hiểm khi trẻ không được dập tắt cơn kịp thời. Ngược lại, ba mẹ lại dùng thuốc cắt cơn mỗi ngày để phòng ngừa, điều này gây ra hiện tượng lờn thuốc, khiến trẻ chịu nhiều tác dụng phụ.

Đôi khi, ba mẹ lại lo sợ quá mức khi sử dụng thuốc corticoid nên không phòng ngừa đủ liều, đủ thời gian, khiến tình trạng nặng hơn.

Về những biện pháp điều trị không dùng thuốc, nhiều phụ huynh nghĩ đây là tình trạng dị ứng mặc dù chưa có bằng chứng dị ứng rõ ràng như thức ăn, dị nguyên hít nào gây nên. Như vậy, phụ huynh bắt trẻ kiêng khem quá mức trong ăn uống khiến trẻ suy dinh dưỡng. Chính vì kiêng khem quá mức có thể làm tăng nguy cơ dị ứng. Ví dụ tránh cho trẻ ăn hải sản, thịt bò... vì nghĩ gây dị ứng. Đây là một suy nghĩ sai lầm có thể làm trẻ dị ứng nặng hơn tình trạng dinh dưỡng.

6. Chỉ cho trẻ hen suyễn kiêng khem khi có bằng chứng dị ứng

Thưa BS, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ hen suyễn là như thế nào ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Nhìn chung, một chế độ dinh dưỡng cho trẻ hen suyễn tính về mặt năng lượng, dinh dưỡng, đa dạng giống như trẻ bình thường. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nếu trẻ hen suyễn được bổ sung vitamin D, canxi, chất béo không no đầy đủ giúp trẻ giảm tần suất lên cơn hen suyễn, có tác dụng phòng ngừa tốt.

Về thức ăn như hải sản tôm, cua, cá, mực, sữa chỉ kiêng khi có bằng chứng chắc chắn rằng trẻ có cơ địa dị ứng trên lâm sàng. Trẻ phải được thử nghiệm bằng test da, test tìm kháng thể IgE đặc hiệu với từng tác nhân gây dị ứng, có bằng chứng dương tính trên xét nghiệm và trên lâm sàng mới kiêng cữ. Nhưng nhìn chung, tỷ lệ này thấp, chỉ khoảng 5-10% trên bệnh nhân hen suyễn.

7. Phòng ngừa và nhận biết hen suyễn ở trẻ

Thưa BS, cách phòng ngừa hen suyễn ở trẻ là gì ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Nhận biết hen suyễn ở trẻ bằng các triệu chứng đường hô hấp như khò khè, khó thở, nặng ngực về đêm. Thứ hai là trẻ đáp ứng tốt với thuốc giãn phế quản khi lên cơn hoặc phòng ngừa mang hiệu quả tốt. Dĩ nhiên, nếu có điều kiện nên cho trẻ làm xét nghiệm chẩn đoán vẫn quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, phụ huynh phải cho trẻ tuân thủ theo phác đồ điều trị. Khi trẻ lên cơn, tâm lý ba mẹ thường tìm bác sĩ, khi hết cơn lại buông xuôi. Nhưng do suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường thở, nếu không phòng ngừa sẽ làm tình trạng viêm càng ngày càng nặng, làm đường thở ngày càng dày, khiến bệnh nặng thêm.

Về dinh dưỡng, nên cho trẻ bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, bổ sung vitamin D, kẽm, chất béo từ cá biển... Bên cạnh đó, ở trẻ bình thường hay trẻ hen suyễn cũng có tình trạng co thắt đường thở khi gắng sức. Do đó, không nên cho trẻ hen suyễn hoạt động quá sức vì có thể kích phát cơn hen.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X