Tất tần tật những điều cần biết khi khám dị ứng
Phản ứng dị ứng có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào, từ da, mắt, tai mũi họng, thậm chí đường hô hấp. TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM nhận định, phản ứng dị ứng lên cơ thể rất đa dạng. Do đó, nếu nghi ngờ dị ứng, bệnh nhân nên đến chuyên khoa Dị ứng để được xét nghiệm và điều trị.
1. Đơn vị dị ứng và miễn dịch lâm sàng là gì và thăm khám những bệnh gì?
Thưa BS, đơn vị dị ứng và miễn dịch lâm sàng thăm khám, điều trị những bệnh lý gì ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Dị ứng là phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với chất lạ, không cụ thể trên một cơ quan nào. Chất gây dị ứng là thường gọi là dị nguyên, là nguyên nhân gây dị ứng. Chất này vào cơ thể sẽ gây đáp ứng miễn dịch, và phản ứng dị ứng có thể xảy ra ở nhiều cơ quan.
Đầu tiên, phản ứng dị ứng xảy ra trên da. Có thể là mề đay, da nổi hồng ban, sẩn ngứa dữ dội, phù mạch khiến người bệnh sưng mắt, môi, sưng vùng có mô liên kết lỏng lẻo như tay, chân. Bệnh rất thường gặp là chàm, viêm da cơ địa khiến người bệnh sẽ ngứa nhiều.
Nếu dị ứng biểu hiện ở mắt, bệnh nhân có thể đơn thuần là viêm kết mạc dị ứng.
Dị ứng ở tai mũi họng có hen suyễn, viêm mũi dị ứng.
Dị ứng ở đường hô hấp trên và dưới cũng là hen suyễn và viêm mũi dị ứng.
Một số bệnh nhân đến khám với phản ứng dị ứng nặng nề trước đó như bị phản vệ. Bên cạnh đó, bệnh nhân có tiền căn phản ứng quá mẫn nặng với thuốc như hội chứng Stevens-Johnson gây tổn thương toàn thân, tổn thương gan, thận. Hoặc bệnh nhân có hội chứng DRESS trước đó.
Vì vậy, biểu hiện của phản ứng dị ứng lên cơ thể rất đa dạng. Nguyên nhân dị ứng thường do thức ăn, thuốc hoặc dị nguyên từ không khí.
Đối với cụm từ “miễn dịch lâm sàng” còn mơ hồ hơn nữa. Tuy nhiên có 2 nhóm chính:
Nhóm bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp tự miễn, các bệnh tự miễn có biểu hiện toàn thân khác.
Nhóm suy giảm miễn dịch, đó cũng là những đơn vị mà chúng tôi sẽ tiếp nhận.
Tóm lại, đơn vị dị ứng và miễn dịch lâm sàng là đơn vị chung. Tại Đơn vị Dị ứng, chúng tôi tiếp nhận tất cả bệnh nhân phản ứng miễn dịch biểu hiện ở tất cả cơ quan.
2. Bốn bước khám dị ứng mà bạn cần biết
Thưa BS, khám dị ứng là khám những gì ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bệnh. Bệnh nhân phải cung cấp bệnh sử thật chi tiết về các đợt dị ứng trước đây kèm theo tiền căn.
Thứ hai, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm da, test lẫy da và test dán da tìm dị nguyên tại chỗ. Test lẫy da được thực hiện trong 20 phút tại phòng khám, và phải chọn lọc bệnh nhân trước đó.
Thứ ba, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm máu. Điều này giúp tìm một số dị nguyên có thể quan sát gián tiếp trong máu. Bên cạnh đó có thể tìm thêm những tổn thương khác như tổn thương gan, thận.
Cuối cùng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện test thử thách. Test này dành cho bệnh nhân có nghi ngờ dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc. Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh nhân dị ứng với dị nguyên gì.
3. Xét nghiệm ngoài da và xét nghiệm máu - 2 xét nghiệm chính khi khám dị ứng
Các xét nghiệm khi khám dị ứng là xét nghiệm thế nào và bao gồm những gì ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Khám dị ứng có 2 loại xét nghiệm chính là xét nghiệm ngoài da và xét nghiệm máu.
Xét nghiệm ngoài da: Thực hiện trên những bệnh nhân dị ứng với dị nguyên không khí như gián, mạt bụi nhà, lông thú hoặc dị nguyên từ thức ăn. Tuy nhiên, test lẫy da chỉ thực hiện khi bệnh nhân đã ngưng thuốc kháng dị ứng 5 ngày trước đó.
Vì vậy, trong một số trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm máu từ đầu để tìm kháng thể IgE đặc hiệu với dị nguyên. Tốt nhất trong cả 2 trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định làm cả 2 xét nghiệm là xét nghiệm da và xét nghiệm máu.
4. Chuyên gia khuyến cáo không nên tự tầm soát dị ứng bằng xét nghiệm máu
Thưa BS, bênh nhân có nên tự làm xét nghiệm máu để tầm soát dị ứng không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Tình trạng này rất thường gặp. Hiện nay, nhiều nơi thực hiện bộ xét nghiệm tầm soát 30, 50, 53, 80, thậm chí hơn 100 loại dị nguyên. Họ sẽ ra số lượng dị nguyên rất nhiều.
Tuy nhiên, tầm soát dị nguyên trong máu chỉ tầm soát kháng thể chống lại dị nguyên và phải kết hợp lâm sàng mới có thể giải thích chính xác bệnh nhân có dị ứng không. Do đó, nếu nghi ngờ mình dị ứng, bệnh nhân hãy gặp bác sĩ để được chỉ định xét nghiệm kịp thời.
Ví dụ, một số trường hợp dị ứng thuốc, dù làm xét nghiệm máu tìm bao nhiêu dị nguyên cũng không thể tầm soát bệnh. Vì vậy, BS khuyến cáo không nên tầm soát xét nghiệm dị ứng mà nên có tham vấn và chỉ định của bác sĩ dị ứng.
5. Dị ứng không do bệnh gan gây ra
Thưa BS, nhiều người cho rằng bệnh gan làm dị ứng tăng nặng hơn. Vậy liệu những người dị ứng có phải do bệnh gan gây ra không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đây là môi tương tác hai chiều. Đôi khi, bệnh gan khiến người bệnh thấy ngứa. Tuy nhiên đó là do cơ chế viêm gan gây tổn thương ứ mật.
Còn ngứa do dị ứng đa phần do phản ứng miễn dịch, không liên quan đến gan. Tuy nhiên, một số bệnh nhân dị ứng có bệnh gan kèm theo, do đó bác sĩ dị ứng sẽ chỉ định làm xét nghiệm tầm soát chức năng gan đánh giá tình trạng chung của bệnh nhân. Tóm lại, dị ứng không phải do bệnh gan gây ra.
6. Dị ứng có phải do ký sinh trùng gây ra không?
Thưa BS, dị ứng có phải do ký sinh trùng gây ra không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Ký sinh trùng có thể gây nên triệu chứng ngứa. Đôi khi bệnh nhân có triệu chứng ngứa và mề đay lâu năm sẽ tìm ký sinh trùng. Tại Việt Nam, đôi khi bệnh nhân xét nghiệm ký sinh trùng cho kết quả âm tính. Do đó, nếu đã từng xét nghiệm ký sinh trùng âm tính mà không hết triệu chứng, bệnh nhân nên đến khám tại chuyên khoa dị ứng.
Ngay thời điểm tiếp cận dị ứng, bác sĩ sẽ tìm dị nguyên trước. Nếu tìm không ra dị nguyên, bác sĩ có thể tìm nguyên nhân hiếm gặp hơn như ký sinh trùng hoặc tầm soát nguyên nhân liên quan đến tự miễn.
7. Ba điều bệnh nhân cần lưu ý khi đi khám dị ứng
Thưa BS, trước khi thăm khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, bệnh nhân nên chuẩn bị thế nào để có kết quả thăm khám tốt nhất ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Để buổi thăm khám cùng bác sĩ dị ứng diễn ra tốt nhất, bệnh nhân cần lưu ý 3 điều sau:
Thứ nhất, bệnh nhân phải nắm rõ thông tin chi tiết về bệnh sử của mình. Đặc biệt, những ai có tổn thương ngoài da như ngứa, sưng môi, sưng mắt, hãy chụp lại hình để bác sĩ xem. Đôi khi qua mô tả của bệnh nhân, bác sĩ không thể tiên đoán chính xác tình trạng thế nào. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên chụp lại loại thuốc hay thức ăn gây dị ứng.
Thứ hai, bệnh nhân nên mang theo tất cả xét nghiệm trước đây đã tầm soát nơi khác như xét nghiệm ký sinh trùng, xét nghiệm gan, xét nghiệm máu. Những kết quả này giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh tổng quát, định hướng cần làm thêm xét nghiệm gì, đi theo hướng nào để không trùng lặp với xét nghiệm cũ.
Thứ ba, bệnh nhân nên mang theo tất cả các toa thuốc đã và đang sử dụng. Điều này giúp bác sĩ định hướng xét nghiệm và điều trị tốt nhất.
8. Bệnh nhân có cần nhịn ăn sáng trước khi đi khám dị ứng không?
Thưa BS, bệnh nhân có cần nhịn ăn sáng trước đi khám dị ứng không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Xét nghiệm máu tìm dị nguyên không cần nhịn ăn sáng trước đó. Tuy nhiên, trong lần khám đầu tiên, bác sĩ cần xét nghiệm tổng quát liên quan đến tình trạng đường huyết của bệnh nhân.
Do đó, trong lần khám đầu tiên bệnh nhân nên hạn chế ăn sáng trước đó. Nhưng nếu đi khám trễ thì vẫn có thể ăn sáng bình thường. Khi khám xong có thể nhịn ăn trưa để làm xét nghiệm máu cần thiết.
9. Nếu dùng toa thuốc một lần và dùng đúng thuốc, bệnh nhân có thể hết triệu chứng dị ứng
Thưa BS, các bệnh lý dị ứng có chữa hết một lần không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Điều này tùy trường hợp. Phản ứng dị ứng là phản ứng cấp tính, nhưng ở một số người trở thành phản ứng mạn tính. Do đó, trong hầu hết trường hợp dùng toa thuốc một lần và dùng đúng thuốc, bệnh nhân có thể hết triệu chứng ngay. Thậm chí một số người không cần đi tái khám. Nhưng nếu triệu chứng tiếp tục tái phát, bệnh nhân hãy tìm nguyên nhân tại sao triệu chứng dị ứng kéo dài.
10. Thuốc dị ứng thế hệ mới có thể dùng lâu dài mà không gây triệu chứng đáng kể
Thưa BS, uống thuốc dị ứng lâu dài liệu có gây hại cho sức khỏe không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Mỗi loại thuốc đều có tác dụng phụ. Hiện nay, thuốc kháng dị ứng có thuốc kháng histamine, kháng viêm corticosteroid dạng bôi, dạng uống và thuốc bổ trợ khác.
Các thuốc kháng dị ứng hiện nay là thế hệ mới nên có ít tác dụng phụ. Do đó hầu hết có thể dùng lâu dài và không gây nên triệu chứng đáng kể. Nguyên tắc chung trong trường hợp bệnh nhân dị ứng mạn tính cần điều trị lâu dài, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị tấn công với liều khá cao. Nhưng bệnh nhân đừng quá lo lắng, chúng ta sẽ cùng nhau kiểm soát triệu chứng và làm sao để bệnh nhân dùng ít thuốc nhất có thể. Một số bệnh nhân có thể sống thoải mái, không có triệu chứng và không cần dùng thuốc dị ứng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình