Hotline 24/7
08983-08983

Tật khúc xạ và các phương pháp điều trị

Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) là nguyên nhân gây giảm thị lực hàng đầu đối với người dưới 50 tuổi.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (2007) trên thế giới có 153 triệu người bị tật khúc xạ đang sống và làm việc với thị lực kém hoặc mù do không được chỉnh kính
.
Mắt chính thị là mắt có hệ thống quang học (giác mạc, thể thuỷ tinh, dịch kính) bình thường nên các tia sáng từ vô cực chạy tới mắt, qua các môi trường trong suốt, rồi hội tụ đúng trên võng mạc khiến ta nhìn rõ vật.

Mắt có tật khúc xạ là mắt có hệ thống quang học khuất triết không đúng, khiến các tia sáng không hội tụ trên võng mạc mà lại hội tụ ở trước hoặc sau võng mạc làm hình ảnh của vật mà ta nhìn thấy bị mờ đi.

Nguyên nhân của tật khúc xạ có thể do bẩm sinh, di truyền (60% các trường hợp). Số còn lại là do tác động của môi trường như thời gian và mức độ sử dụng mắt (làm việc bằng mắt quá nhiều ≥8h/ngày và quá lâu liên tục ≥2 giờ), cường độ ánh sáng quá tối và nhìn vật quá gần, sau phẫu thuật mắt hoặc chấn thương mắt…

Chính vì vậy, để phòng mắc tật khúc xạ, chủ yếu cận thị, cần đảm bảo khi ngồi học, đọc, viết đúng tư thế (ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, không cúi sát xuống bàn) và đủ ánh sáng, không đọc sách, làm việc bằng mắt ở khoảng cách gần liên tục quá lâu, quá nhiều. Sau 1 giờ đọc sách hoặc làm việc với máy vi tính cần nghỉ 5 - 10 phút, xoa nhẹ mi mắt.
 Sơ đồ cấu trúc mắt.

Hậu quả do tật khúc xạ

Tật khúc xạ khiến bệnh nhân nhìn mờ, mỏi mắt, co quắp mi ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ và chất lượng cuộc sống. Một số loại tật khúc xạ (viễn thị nặng, loạn thị, lệch khúc xạ) có thể gây lác mất sự phối hợp thị giác 2 mắt dẫn đến nhược thị một mắt. Cận thị nặng có thể gây biến chứng bong võng mạc dẫn đến mù lòa.
 
Sơ đồ cấu trúc của mắt
 
Tật khúc xạ có thể chữa được

Phương pháp đơn giản nhất là đeo kính thuốc, vừa an toàn, hiệu quả đem lại sự cải thiện to lớn về chức năng thị giác, vừa kinh tế, thuận tiện. Bệnh nhân cần đến các trung tâm lớn, có uy tín để được khám, phát hiện đúng loại tật khúc xạ và cấp đơn kính đúng số.  

Phương pháp điều trị tiên tiến nhất là phẫu thuật bằng laser excimer. Về bản chất, đây là môi trường bao gồm các phân tử argon - fluorid ở trạng thái kích hoạt. Do mang năng lượng cao và bước sóng 193nm, laser excimer có khả năng phá vỡ sự liên kết giữa các phân tử và nguyên tử protein của tổ chức giác mạc tạo ra những đường cắt phẳng, mịn và chính xác.

 Hiện tại, 2 phẫu thuật chính được sử dụng trong điều trị tật khúc xạ bằng laser excimer là Photo Refractive Keratectomy (PPK) và Laser in Situ Keratomileusis (Lasik). Trong phẫu thuật PRK, lớp biểu mô giác mạc được lấy đi, sau đó laser excimer sẽ tác động trực tiếp lên bề mặt giác mạc để làm thay đổi độ cong giác mạc.

 Còn trong phẫu thuật LASIK, người ta tạo một vạt giác mạc, lật lên, sau đó laser excimer sẽ tác động trực tiếp lên phần nhu mô của giác mạc. Sau khi laser bắn xong, vạt giác mạc được đậy lại.

Cả hai phương pháp phẫu thuật trên đều có mục đích làm thay đổi độ cong của giác mạc. Người ta điều trị cận thị bằng cách bắn laser vào vùng trung tâm giác mạc, làm cho giác mạc dẹt hơn.

Khi đó, bán kính trung tâm của giác mạc tăng lên, do vậy công suất khúc xạ giảm đi. Đối với viễn thị thì ngược lại: laser excimer bắn ở vùng chu vi của giác mạc, làm giác mạc cong hơn. Từ đó, bán kính trung tâm giác mạc giảm đi, dẫn đến công suất khúc xạ giác mạc tăng lên.

Chỉ định trong những trường hợp nào?

Phương pháp phẫu thuật này được chỉ định cho các bệnh nhân trên 18 tuổi bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) từ 1 diop trở lên, thị lực tăng khi thử kính và mức độ ổn định của tật khúc xạ tối thiểu là  6 tháng (thay đổi không quá 0,5 diop). Nếu bệnh nhân đeo kính tiếp xúc thì phải bỏ kính ít nhất 2 tuần.

Trường hợp chống chỉ định

Không thể áp dụng laser excimer cho các trường hợp bị tật khúc xạ có kèm khô mắt nặng, lồi mắt, viêm bờ mi, viêm màng bồ đào hoặc các viêm nhiễm khác trong nội nhãn đang tiến triển, glôcôm, tổn hại dịch kính, võng mạc, có thai  và cho con bú, tật giác mạc hình chóp, các bệnh collagen…

Kết quả phẫu thuật rất tốt, thường đạt thị lực tối đa ngay ngày đầu sau mổ. Một số trường hợp khúc xạ chưa điều chỉnh theo mong muốn có thể đeo kính, mang kính tiếp xúc hoặc bắn laser bổ sung lần 2.

Tóm lại, tật khúc xạ trong đó có cận thị được coi là một ưu tiên cần phòng tránh và điều trị sớm bởi tật khúc xạ không được hiệu chỉnh đúng sẽ gây ra khiếm thị. Người khiếm thị thực sự là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội.          

 
Theo TS Nguyễn Xuân Hiệp (PGĐ BV Mắt Trung ương)
- Sức Khỏe & Đời Sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X