Tất cả những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ
Bởi vì đây là bệnh có tính di truyền nên nếu trong gia đình bạn có người bị ung thư vú thì những người còn lại cũng có nguy cơ cao hơn bình thường.
Thưa bác sĩ, mới đây, dì em đi khám thì được bác sĩ nói là bị ung thư vú, phải tiến hành phẫu thuật. Mặc dù vậy nhưng dì em rất kiên cường và lạc quan chữa bệnh. Dì còn nói, bệnh này là có tính di truyền nên khuyên em phải đi khám sớm để còn chữa bệnh kịp thời, tránh để lâu quá đến lúc chữa lại không kịp.
Bác sĩ cho em hỏi có đúng bệnh này là di truyền không? Và những yếu tố nào sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú. Em muốn biết để còn phòng bệnh. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn!
(B. Thanh)
Bạn B. Thanh thân mến!
Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến, thường gặp ở phụ nữ. Đây là một bệnh có tính di truyền và cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời thì khả năng khỏi bệnh mới cao. Trong quá trình điều trị bệnh, yếu tố tâm lý là vô cùng cần thiết, nó sẽ góp phần giúp hiệu quả chữa bệnh cao hơn.
Bởi vì đây là bệnh có tính di truyền nên nếu trong gia đình bạn có người bị ung thư vú thì những người còn lại cũng có nguy cơ cao hơn bình thường. Vì vậy, dì bạn đã nói rất đúng, bạn cần đi khám định kì và thường xuyên có biện pháp kiểm tra vú để biết mình có bị bệnh hay không và điều trị. Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách xoa nắn vú hàng ngày hoặc hàng tháng. Tốt nhất nên kiểm tra vào thời điểm sau khi hết chu kì kinh nguyệt vài hôm vì lúc này các cơ ở ngực dễ nắn và phát hiện các cục u lạ.
Bởi vì đây là bệnh có tính di truyền nên nếu trong gia đình bạn có người bị ung thư vú thì những người còn lại cũng có nguy cơ cao hơn bình thường. Ảnh minh họa
Ngoài ra, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú mà không phải chị em nào cũng biết, bao gồm:
- Giới tính: Phụ nữ hay gặp ung thư vú hơn gấp 100 lần so với nam giới.
- Tuổi tác: Gần 80% số trường hợp ung thư vú xuất hiện ở phụ nữ trên 50 tuổi.
- Tiền sử bản thân bị ung thư vú: Nếu bạn bị ung thư ở một bên vú, bạn có nguy cơ cao bị ung thư ở vú còn lại.
- Tiền sử gia đình: Nếu bạn có một người ruột thịt bị ung thư vú, nguy cơ của bạn tăng gấp đôi.
-Yếu tố di truyền: Thiếu một trong các gen, đặc biệt là BRCA1 hay BRCA2, làm cho bạn có nguy cơ cao bị bệnh.
- Thừa cân: Nguy cơ ung thư vú thậm chí cao hơn nếu bạn có nhiều mỡ hơn ở phần dưới của cơ thể.
- Tiếp xúc với estrogen: Tiếp xúc với estrogen trong thời gian dài, nguy cơ ung thư vú cao hơn. Nói chung, nếu mãn kinh muộn (sau tuổi 55) hoặc bắt đầu có kinh trước tuổi 12, bạn có nguy cơ cao bị ung thư vú.
- Sinh con muộn: Phụ nữ sinh con đầu lòng khi họ từ 35 tuổi trở lên sẽ tăng nguy cơ ung thư vú.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng rõ rệt nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ có tiền sử gia đình ung thư vú và buồng trứng.
- Tiếp xúc với tác nhân gây ung thư: Hydrocarbon thơm đa vòng là hóa chất có chủ yếu trong khói thuốc lá và thịt nạc nướng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tiếp xúc với những hóa chất này có thể làm tăng rõ rệt nguy cơ ung thư vú.
- Uống quá nhiều rượu: Phụ nữ uống hơn một cốc rượu mỗi ngày sẽ tăng 20% nguy cơ ung thư vú so với phụ nữ không uống rượu.
- Ngủ ít: Nguy cơ ung thư vú tăng nếu bạn làm việc ca ba hoặc tới đêm. Nguy cơ này cao nhất nếu bạn không ngủ từ 1-2 giờ sáng, khi nồng độ melatonin (hormon điều hòa giấc ngủ) cao nhất. Phụ nữ thiếu ngủ trong thời điểm này ít nhất ba đêm mỗi tuần sẽ tăng 40% nguy cơ ung thư vú. Phụ nữ làm việc ban đêm sẽ tăng 60% nguy cơ.
Bạn đang thuộc diện có nguy cơ cao bị ung thư vú, vì vậy, bạn nên tự kiểm tra ngực mình hàng ngày và nên đi khám phụ khoa định kì để bảo vệ sức khỏe của mình tốt nhất.
Chúc bạn vui, khỏe!
AloBacsi.vn
Theo BS Hoa Hồng - Afamily/ TTT
Theo BS Hoa Hồng - Afamily/ TTT
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình